"Chơi ngông" chở đá xây động giữa phố

Tổng hợpThứ Hai, 08/10/2012 09:56:00 +07:00

Nơi đến nếu không được giới thiệu trước, hẳn tôi sẽ không hình dung ra đó là một quán café mà là một cái động với các hang đá, cây cối, sỏi, nước chảy róc rách

Buổi tối trước khi lên tàu rời Thanh Hóa về Hà Nội, một người bạn ở đây chợt nhớ ra vẫn còn một nơi chưa dẫn chúng tôi đến. Vậy là đang ở huyện Yên Định, chúng tôi quay về thành phố. Nơi đến nếu không được giới thiệu trước, hẳn tôi sẽ không hình dung ra đó là một quán café mà là một cái động với các hang đá, cây cối, sỏi, nước chảy róc rách dưới chân và cả các loại thú như khỉ, chim, gà, cá… Vâng, chính xác là một cái động nằm ngay giữa phố thị.

Thú chơi ngông của “đại gia” Thanh Hóa

Theo phản xạ tôi cúi thấp đầu “chui” vào quán café để né lá cây và các phiến đá ở cửa ra vào. “Đi café gì mà như đi vào động Tiên Sơn thế hả giời?”, một người bạn đi cùng tôi thốt lên. Quả thật, lối vào quán như thể đường vào hang động vậy. Hai bên cổng vào là hai cây dừa to vươn ra phía ngoài.

Bên trong, có một lối đi nhỏ giữa các phiến đá gồ ghề nhô ra, thụt vào tạo thành những đường ngoằn ngoèo tưởng nông mà thật ra kéo vào sâu bên trong khoảng 23m. Lối đi có những đoạn nước chảy qua như suối, phải nhón chân từ viên sỏi này sang phiến đá khác nếu không muốn bị ướt chân, lại có những đoạn chênh vênh, một bên là tường đá cao, một bên có vòi phun như thể thác nước. Khách đi qua đi lại thế nào cũng “dính” vài giọt nước.

 

Anh bạn người Thanh Hóa giới thiệu, đây là quán café Hòn đá, nhưng từ bên ngoài tôi tìm mỏi mắt không thấy biển hiệu đâu. Bạn cười bảo, quán này không trưng biển hiệu đâu, ông chủ mở quán để… chơi là chính. Chắc vậy, chứ nếu mở café hoành tráng thế này mà đến biển hiệu cũng không có thì có mà lỗ vốn. Lại “chơi” được như thế này thì hẳn cũng không phải “tay vừa”. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định ngồi chờ gặp ông chủ quán đến xem sao.

Bên cạnh lối đi kéo dọc từ ngoài vào trong quán, những chỗ rộng kê được một bộ bàn ghế đá. Có cả thể 10 bàn như thế trong “động”. Thú vị nhất là các hang đá ở trong “động”, có hang to, hang bé. Bên trong hang, dưới là nước và sỏi, trên là các nhũ đá. Mới đầu lò dò bước vào chưa quen với ánh sáng bên trong, tôi bị giật mình bởi một chú khỉ ngồi trong cái hang lớn nhất đang ngồi tự bắt chấy, thỉnh thoảng nó vênh vênh mặt lên trêu ngươi khách trông rất ngầu.

Người phụ nữ có vẻ như là quản lý kiêm phục vụ ở đây nhắc, “coi chừng đừng trêu nó, nó cắn đó”, nhưng xem ra không cần thiết, cổ của nó bị xích chặt nên không thể đến gần khách. Nghe nói, trước đây cái hang này có hai con khỉ, con bé hơn suốt ngày nghịch ngợm và chọc phá con lớn nên bị con này cắn chết. Ngoài ra, dưới nước còn có cá sấu, ếch bằng đá nằm khểnh, có guồng nước quay đều đặn, lúc nào cũng nghe tiếng chảy róc rách.


Ở đây không chỉ có khỉ mà còn gà, chim chóc và cá, đều là những con vật được “tuyển chọn” kỹ lưỡng với cái giá không rẻ. Trong số đó có một con sáo có tiếng hót trong vắt, lanh lảnh mà mỗi lần cất tiếng hót, mọi người lại nháo nhác quay ra nhìn xem điện thoại ai đổ chuông. Trên các vách đá là đủ các loại cây cối như tùng, khế, niên tuế… thế đẹp, uốn lượn, lại có cây, gốc của nó nhìn như một con tắc kè lớn đang bám trên đó. Có một bậc thang đá rộng chừng 50 cm dẫn lên trên lưng chừng vách đá, ở đó chỉ có một ghế đá đủ chỗ cho 3 người ngồi nhưng có vẻ như ít người hứng thú chọn chỗ “hiểm trở” này.

9h tối, anh Lê Văn Phúc- chủ nhân của café Hòn đá mới ăn tối xong đủng đỉnh đi tới, đúng lúc chúng tôi chuẩn bị bỏ về vì chờ đợi đã quá nản. Anh Phúc giới thiệu năm nay anh 45 tuổi, từng học trung cấp hội họa ở Thanh Hóa cách đây 20 năm. Sau đó, anh cũng không làm gì liên quan đến nghệ thuật. Anh Phúc khoe, “công trình” này do anh tự thiết kế và tự tay làm trong 7 năm, vừa làm vừa suy nghĩ, đến sát tết vừa rồi mới hoàn chỉnh 80%.

Mục đích ban đầu của công trình là để “dăm năm nữa về chầu các cụ thì dùng làm nơi thờ bản thân và dòng họ” nhưng thấy hai bà chị không có việc gì làm, nên trước mắt làm... quán café để chị bán hàng cho vui. Thêm một lý do biến công trình này thành nhà thờ nữa, theo ông chủ Phúc là để đề phòng sau này khi làm ăn không thuận lợi con cái nó cũng không dám liều lĩnh bán nhà thờ họ đi được.

Muốn chơi cũng phải có tiền


Ông chủ Phúc nói chuyện khá cởi mở cũng chẳng giấu mình lắm tiền. Anh tuyên bố, “có tiền thì mới chơi được”. Cho nên ý tưởng xây dựng “nhà thờ” của anh cũng ngẫu nhiên, thích thì chơi, thế thôi, chẳng cần có sự tư vấn của chuyên gia xây dựng hay kiến trúc sư cũng chả cần mời thầy về xem phong thủy. Tất cả hoàn toàn được xây dựng bằng hiểu biết về xây dựng, kiến trúc cộng với con mắt hội họa của cá nhân anh. Tôi hỏi, “khi xây dựng công trình này anh có phải đi tham quan các hang động, hay các công trình kiến trúc ở các nơi khác không?”.

Ông chủ Phúc thật thà lắc đầu, “tôi chỉ xem… vô tuyến rồi bắt chước chứ chả đi du lịch tham quan ở đâu, thậm chí, Hà Nội mươi chục năm nay tôi còn chưa lại”. Cứ theo cách nói này thì có lẽ, công trình chở đá về phố xây động của ông chủ Phúc quả là hoàn toàn “thích thì nhích”, nói như ngôn ngữ teen bây giờ.


 

Ông chủ Phúc cũng vài phen làm chúng tôi “choáng” với độ chơi của mình khi tiết lộ toàn bộ hang đá sâu 23m, cao 10m này hoàn toàn được ghép lại từ những viên đá nhỏ, to nhất cũng chỉ bằng… quả bóng đá (chứ không phải cả những khối đá lớn như tôi tưởng ban đầu). Mỗi một vách đá đều được gắn kết từ những viên đá nhỏ bằng nắm đấm tay. Mỗi một mỏm đá là tập hợp của rất nhiều viên đá, sau khi được gắn bằng xi măng, chúng được cố định bằng dây thép, 7 ngày sau dùng kìm cắt dây thép và mới được động vào.

Đá được mua ở Cẩm Thủy, Bỉm Sơn và nhiều nơi khác. Ban đầu ông chủ Phúc phải tập trung khoảng 10 ô tô đá, về sau thiếu phải mua thêm rất nhiều, không nhớ nổi là bao nhiêu nữa. Mỗi ngày anh thuê cửu vạn khuân đá từ ngoài cửa vào trong nhà, còn một mình tự lọ mọ ghép lấy. Ngày làm khoảng 3, 4 tiếng, lúc nào có hứng thì làm, chán thì vứt đấy đi chơi. Cứ gắn một khối thì khoảng 6, 7 ngày sau mới quay lại gắn tiếp. Khổ nhất là có khi gắn xong không ưng lại phải kì cạch cậy ra. Mà nếu muốn cậy thì phải cậy ra ngay trong ngày, qua 24 tiếng xi chết thì chỉ còn nước dùng máy cắt đá. Mất 7 năm trời như vậy.

Anh cho biết, riêng cái móng kỳ công nhất đã mất 1 tỉ đồng xây dựng. Móng sâu 1,1m, dài 23m bên trong là đá, chịu lực tốt. “Động” được xây dựng trên một nền móng tốt, với các khối bê tông dày, lõi thép bên trong to bằng cả một người lớn cộng thêm các cột trụ to. “Thế này thì sau các con anh có muốn phá cũng mệt đấy nhỉ”, tôi đùa, nhưng ông chủ Phúc thì thật thà “muốn phá phải dùng máy may ra mới được. Các công trình cổ ở Huế, Hà Nội ngày xưa chỉ vôi với cát mà tồn tại cả 4, 5 trăm năm huống gì giờ mình toàn xây dựng bằng nguyên vật liệu tốt”. Anh giải thích, “bình thường xây dựng người ta cứ dùng 4 cát- 1 xi, đây mình 2 cát- một xi, động đất thì không chắc chứ người muốn phá thì không dễ chút nào”.

Sau khi làm xong cơ bản các hang, tường đá, anh Phúc mới mua cây về trồng. Cây ở đây được trồng gần như hoàn toàn trên đá chứ không có đất. Cho nên việc trồng cây cũng khá cầu kỳ. Cây phải trồng đúng mùa mưa xuân, khi toàn bộ đá ướt, để rễ cây bò len lỏi vào trong các kẽ đá. Nếu trồng vào mùa hè, không có đất thì cây sẽ chết ngay. Anh Phúc chỉ vào một gốc cây tùng, thế tuyệt đẹp và cho biết giá của nó là khoảng 50 triệu đồng. Mấy cây khế xung quanh thế như rồng chầu có giá mấy chục triệu một gốc.

 

Riêng hệ thống phun nước là có vẻ đơn giản nhất. Hệ thống phun nước trong hang chỉ nhờ một máy bơm hút vòng rồi chảy xuống, nước chỉ hao do bay hơi mà thôi. Vài tháng đến một năm, anh Phúc cho tháo nước, thau “sông suối” một lần. Ngoài ra, các đồ trang trí anh cũng tự tay đi chọn, mua. Trong hang có khá nhiều tiểu cảnh khác nhau, từ đồng quê đồng bằng Bắc Bộ, đến miền núi Tây Bắc, các dụng cụ nông nghiệp, sỏi trang trí… Riêng tiền sỏi đã mua mất 50 triệu, anh Phúc cho biết.

Tôi mò mò hỏi,“tổng kinh phí xây dựng chỗ này hết bao nhiêu vậy anh?”. “Toàn bộ diện tích chỗ này là 100m2. Không tính tiền công, tiền đất… thì tổng kinh phí tính đến thời điểm này là vào khoảng 4 tỉ, riêng móng đã là 1 tỉ rồi”, ông chủ Phúc trả lời. Sau khi xây xong công trình có rất nhiều người đến hỏi mua, có người thậm chí đã trả 15 tỉ nhưng anh không bán. Lại có người không biết anh chính là tác giả nên nhờ anh hỏi thuê giúp đúng ông thợ làm công trình này, giá nào cũng “chơi”, 5 triệu một ngày công 8 tiếng cũng chấp nhận. “Sao anh không nhận lời?”, tôi hỏi. Ông chủ Phúc chẳng ngại, thủng thẳng trả lời, “nhà tôi có điều kiện nên tôi chả phải làm cho ai”.

Người ngoài trông vào đã chào thua với kiểu chơi ngông này của ông chủ Phúc, lại có người bảo ông Phúc bị “hâm”, ai đời đi xây dựng một công trình chả sinh lời gì. Thích hang động thì lên hang động thật mà ngắm, lại còn khuân nguyên cả cái động nhân tạo về giữa phố. Ấy thế nhưng có vẻ không quan tâm , ông chủ Phúc vẫn đang tiếp tục hỏi mua thêm mấy mảnh đất xung quanh, bên cạnh và phía sau với giá lớn hơn gấp rưỡi giá thị trường. “Nếu mua được, anh sẽ làm toàn bộ diện tích đất đó thành hồ nước, một nửa trồng luồng, có lều câu cá…”, anh vẽ ra viễn cảnh.


Nhìn cả công trình rất tốn công, tốn sức, tổn của này mà chỉ để bán café cho vui chờ 50 năm nữa làm chỗ thờ cúng, nhiều người cứ suýt xoa bảo, mình mà có nhiều tiền thế sẽ thoải mái đi du lịch, sẽ thế này thế kia chứ xây cái “nhà thờ” 50 năm nữa mới dùng đến làm gì cho phí. Nhưng ông chủ Phúc thì chẳng nghĩ thế, “kinh tế nhà tôi khá giả. Tôi có khoảng 10 cái nhà. Giờ vợ chồng con cái dừng lại không làm ăn thì vẫn sống thoải mái về kinh tế. Riêng quán café này, trừ các khoản chi phí điện nước, nguyên liệu… thì mỗi tháng nhà tôi lãi 40 triệu, đủ tiêu vặt rồi. Với lại, đồng tiền nó chỉ loanh quanh ở đây cả, chả cấm nó về nhà này hay nhà kia được, quan trọng là biết cách kéo nó về nhà mình hay không”. Nghe anh nói chúng tôi chỉ biết chép miệng, thời buổi này, không có tiền muốn ngông dễ gì được?

Hà Trang

 

Bình luận
vtcnews.vn