Những thú chơi của người ưa khám phá

Tổng hợpThứ Hai, 16/01/2012 12:59:00 +07:00

Đã chán với bốn bề là cao ốc, khói xe, tắc đường và những tuần lễ làm việc căng thẳng, họ tìm cách trốn chạy khỏi thành phố. Mỗi kẻ một hướng. Họ cứ thế đi...

Đã chán với bốn bề là cao ốc, khói xe, tắc đường và những tuần lễ làm việc căng thẳng, họ tìm cách trốn chạy khỏi thành phố. Mỗi kẻ một hướng. Họ cứ thế đi. Và nơi họ đến tràn ngập những điều cần khám phá.

 

 

Dù lượn và những kẻ trốn khỏi mặt đất

 Dù lượn du nhập vào Việt Nam từ năm 1994 đến nay, tổng số người chơi của 4 CLB trên cả nước (2 CLB trong Nam, 2 CLB ngoài Bắc) mới được vài chục người.

Dù lượn mang rất nhiều yếu tố mạo hiểm, nhưng nó lại là một môn thể thao cảm giác mạnh mà khi đã sa chân thì sẽ không dứt ra được. Tham vọng của các CLB ngoài Bắc, trong Nam là mở rộng cho nhiều người biết đến môn thể thao này, thu hút nhiều phi công tương lai, làm cho dù lượn trở thành môn thể thao phổ biến. Đặc biệt, sự có mặt của dù lượn trong các đại hội thể thao SEA Games vừa qua đã thực sự thắp lên hy vọng trong lòng những người mê dù lượn rằng dù lượn Việt Nam sẽ được chú trọng đầu tư phát triển để trong tương lai không xa. Bên cạnh đó, có dù lượn, Việt Nam sẽ có thêm một thú chơi cho những khách du lịch nước ngoài. Bằng chứng là vài tháng trở lại đây, CLB Vietwings Hà Nội- được biết đến như CLB hoạt động mạnh nhất ở miền Bắc liên tục nhận được email, điện thoại liên hệ của các khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và muốn chinh phục bầu trời Việt Nam bằng dù lượn.

 

Tuy chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam nhưng hiện nay cũng đã có nhiều bạn trẻ bắt đầu biết đến và tìm học. Vừa qua, được sự cho phép và ủng hộ của ban lãnh đạo CLBHKPB, CLB Vietwings Hanoi - Bộ môn dù lượn CLBHKPB hiện đã tổ chức huấn luyện khóa dù lượn khóa đầu tiên trình độ cơ bản dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên kỳ cựu người Pháp Jean Marc. Chỉ cách đây vài tháng, dù lượn còn là cái gì đó rất xa lạ với nhiều người trẻ ở Việt Nam nhưng đến hôm nay số lượng học viên đăng ký tăng lên mỗi ngày, trong số đó đã có những người tự bay được. Thủy Anh, cô sinh viên Đại học Ngoại Thương là một trong những bạn nữ đầu tiên ở Hà Nội chơi dù lượn đã thốt lên sau chuyến bay đầu tiên của mình “Năm 2011 đã không quá tệ khi mình thực hiện được giấc mơ bay”.

Còn một thành viên trong CLB Vietwings Hà Nội đã tham gia huấn luyện cho các bạn trẻ này thì chia sẻ, “trong đời ai có cũng có ít nhất một giấc mơ, không nhiều người có thể biến giấc mơ đó thành hiện thực. Thật hạnh phúc khi biết rằng mình có thể giúp một số người thực hiện điều đó. So với điều đó, mọi khó khăn phiền muộn khác thật là nhỏ bé”.

Nhảy dù từ trực thăng - thú chơi dành cho người ưa cảm giác mạnh

 

Ai đó từng nghĩ rằng, nhảy dù từ trực thăng, môn chơi chỉ dành cho phái mạnh nhưng sự thật không phải như vậy. Rất nhiều các bạn gái đã tham gia khóa huấn luyện nhảy dù (dù tròn) và thậm chí có những khóa, số lượng học viên nữ còn lớn hơn số lượng học viên nam. Chẳng hạn như năm 2011, VĐV nhảy dù khóa V có 27 người (16 nữ, 11 nam).

Bộ môn thể thao nhảy dù đã được phổ biến từ cách đây 30 năm. Trong gần 20 năm tồn tại và phát triển, CLBHK đã kết hợp với Cung Thể thao thanh niên, Cung Thiếu nhi, Cung Hữu nghị, Đại học Bách khoa, Thành Đoàn Hà Nội để tuyển sinh và huấn luyện VĐV. Từ đó tới nay, CLB đã tuyển sinh và huấn luyện được 15 khóa học nhảy dù với hàng vạn hội viên, tổ chức hàng chục giải đấu và những đợt nhảy dù chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước.

Năm 2004, Bộ Quốc phòng cho phép thành lập CLB Hàng không phía Bắc, vậy là bộ môn nhảy dù đã bắt đầu mở rộng cửa thu hút giới trẻ đặc biệt là những bạn trẻ yêu thích cảm giác mạo hiểm. Hương, một trong những học viên nhảy dù khóa V chia sẻ: “Cảm giác sợ hãi khi bắt đầu buông người từ cửa máy bay xâm chiếm mọi người khiến tôi có cảm giác sẽ không có lần thứ hai nữa nhưng rồi hầu như không ai cưỡng lại được mong muốn chinh phục. Cái cảm giác đạp chân tung người qua nỗi sợ, và thấy ta chao liệng giữa những tầng không… thật tuyệt vời”.

Trong lễ tốt nghiệp các VĐV nhảy dù ở độ cao 500m bằng dù Iundo do Nga sản xuất. Ngay sau lễ tốt nghiệp, các VĐV đã được cấp giấy chứng nhận và tiếp tục đào tạo với loại dù có tính năng cao hơn để trở thành nguồn VĐV nhảy dù thể thao và phục vụ Giáo dục quốc phòng. Có một số người sau khi tốt nghiệp khóa cơ bản này lại tìm đến các khóa học nâng cao, chinh phục bầu trời ở độ cao lớn hơn và mức độ khó hơn.

Leo núi trốn phố

 

Xuất hiện ở Việt Nam chỉ khoảng 10 năm nay, bộ môn leo núi đá (Rock climbing) đã phát triển khá nhanh, thu hút một lượng không nhỏ các vận động viên tham dự. Nếu như ở ngoài Bắc có hai địa điểm có sinh hoạt thường xuyên thì trong Nam đã có tới 4-5 địa điểm. Tuy nhiên, thiên đường của những người yêu thích bộ môn này lại nằm ở Hạ Long, nơi có hàng ngàn hòn đảo nằm chen nhau trên Vịnh Hạ Long. Chính bởi điều kiện vô cùng lý tưởng đó, từ năm 1995, một đoàn khảo sát điểm leo núi do nhiều vận động viên nước ngoài đã đến đây và quyết định mở tour du lịch mạo hiểm với điểm nhấn là bộ môn leo núi đơn trên biển.

Leo núi đá là bộ môn thể thao đòi hỏi sự tỉnh táo, khéo léo của vận động viên. Không như leo núi có công cụ hỗ trợ (dây, móc, đinh đóng đá, đai bảo hộ…), leo núi tay không với vách đá gần như dựng đứng hoặc ngửa hẳn ra đòi hỏi người leo phải biết phân phối sức lực, cẩn thận trong từng động tác. Đối với những vận động viên có trình độ cao, việc xác định tuyến leo từ khi còn ngồi trên thuyền Kayak chỉ là khởi đầu. Sự khéo léo cùng kỹ thuật tốt mới quyết định họ có thể leo lên tới đâu. Các vận động viên có thể leo cao đến 20m và nhảy xuống, tuỳ theo sức khoẻ và khả năng của từng người.

Ở Việt Nam hiện nay, các bạn trẻ cũng đã bắt đầu làm quen với bộ môn leo núi. Tuy nhiên, VĐV leo núi người Việt Nam chưa nhiều, phần lớn là khách du lịch nước ngoài và họ tìm đến nhau, lập nhóm leo núi thông qua một CLB leo núi trong nhà có tên là Vietclimb. Tại CLB này, các VĐV có khá nhiều hoạt động leo núi ngoài trời, trong đó, Hạ Long chỉ là một điểm đến.

 Chèo kayak- Thử thách những thác ghềnh

 

Kayaking là một môn du lịch mạo hiểm không hề xa lạ ở nước ngoài. Ở Việt Nam với lợi thế sông ngòi chằng chịt thì môn này lại rất không phát triển. Thậm chí rất ít người biết đến nó. “Đi ra trời Tây, nhìn mấy bạn cao to vác cái thuyền kayak bằng composit rồi lao xuống sông xuống thác òm òm, vừa phục vừa thấy tủi... Tây chơi được, chẳng lẽ mình lại không? Thế là không được rồi! Bực quá...”, anh Lê Hồng Long - một thành viên của Taybac group chia sẻ.

Anh Long cũng cho biết: “Nhóm chúng tôi là nhóm du lịch mạo hiểm bằng thuyền Kayak đầu tiên của Việt Nam. Bắt đầu từ mặt nước lãng mạn của Hồ Tây chúng tôi đã có những hành trình đi chinh phục các con sông, con suối lớn của đất nước. Với những chiếc thuyền Kayak chuyên nghiệp bằng bạt và cao su siêu bền, chúng tôi đã đi dọc Hà Nội trên sông Hồng, khám phá sông Bôi, sông Mã, ngắm trăng đêm rằm trên hồ Ba Bể, chinh phục sự hung dữ của sông Đà, mạo hiểm với ghềnh thác Madagui,…”.

 

Hiện nay, nhóm của anh Long đã mở một lớp huấn luyện chèo kayak trên hồ Tây. Ý tưởng này xuất phát từ tâm sự chung của nhiều bạn trẻ thích phượt và khám phá. Hiện nay, giới trẻ có xu hướng thích xê dịch, chuyển động, đi đây, đi đó chinh phục các thử thách nhưng nhiều người trong số đó thiếu nhiều kỹ năng. Hiếu, một dân “phượt” chia sẻ: “Đi nhiều và đến đâu chúng tôi cũng gặp những con sông, suối, những con thác rất hùng vĩ, rất muốn chinh phục mà không biết bằng cách nào. Vì vậy, tôi rất muốn học chèo kayak để khám phá chúng vào những chuyến phượt sau”.

 Lặn biển- Khám phá thế giới dưới đại dương bao la

 

Lặn có mang bình khí ép (scuba diving) ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam tham gia như một cách giải trí thú vị. Ở nhiều nước có hệ sinh vật biển phong phú trên thế giới, lặn biển là một thú chơi phổ biến, còn ở Việt Nam, hình thức du lịch lặn biển ở Nha Trang hoặc ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam cũng đang thu hút nhiều du khách. Nếu muốn tham gia các tour lặn biển, khách du lịch có thể đăng ký tại bất kỳ phòng vé nào trong thành phố Nha Trang với giá vé 45 USD đối với người không có bằng lặn và 20 USD với người đã có bằng. Mỗi người sẽ được lặn trong vòng từ 30 phút tới 50 phút tùy theo thể lực. Các du khách đã có bằng lặn chuyên nghiệp sẽ có cơ hội được lặn nhiều lần và lặn lâu hơn.

Nếu đăng ký lặn, bạn sẽ được trang bị đầy đủ bình oxy, ống thở, áo phao giữ ấm và chân vịt. Đối với những người chưa có bằng lặn, sẽ có một chuyên viên hướng dẫn đi cùng bạn trong suốt quá trình thăm thú cuộc sống dưới nước. Bạn sẽ được bơi qua những dải san hô tuyệt đẹp và ngắm những đàn cá rực rỡ sắc màu bơi lội trong làn nước trong xanh.


    Hà Trang


Bình luận