Lão “Phù thủy” của những đội bóng nữ

Tổng hợpThứ Sáu, 05/08/2011 10:38:00 +07:00

Đã gần 20 năm nay, duyên kỳ ngộ đã gắn bó ông với Câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ mang tên Tuổi Trẻ.

Người ta gọi “huấn luyện viên làng Dương Khắc Kiểm là “lão phù thủy”. Bởi từ một cựu chiến binh, một lão nông “hai lúa trăm phần trăm”, đã gần 20 năm nay, duyên kỳ ngộ đã gắn bó ông với Câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ mang tên Tuổi Trẻ. Rất nhiều cầu thủ tên tuổi trong đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đã trưởng thành từ cái “nôi” của ông như Nguyễn Thị Thành; Nguyễn Thị Nga; Thủ môn Dương Khánh Ly; Phạm Thu Trang…

 

“Hai lúa” đá bóng

 Câu chuyện của ông “hai lúa” trở thành huấn luyện viên của đội bóng nhí , ươm mầm nhiều tài năng cho đội tuyển bóng đá tỉnh, đội tuyển bóng đá quốc gia, nghe kể cũng lắm gian nan. Trở về từ chiến tranh, anh lính lái xe Trường Sơn Dương Khắc Kiểm năm xưa mang theo ký ức những lần bị bom vùi, bắt đầu một cuộc sống hòa bình ở làng quê nghèo Nghiêm Xá. Hồi đó vào năm 1986, khi lần đầu tiên xem giải bóng đá vô địch thế giới, đội tuyển Na Uy giành giải vô địch, ông Kiểm đã bắt đầu nghĩ đến ước mơ Việt Nam có một đội tuyển bóng đá, mà là bóng đá nữ. Ông còn nhớ, hồi còn học trong trường lái xe, cũng từng tham gia đá bóng, niềm yêu thích cứ lôi cuốn ông vào ý định sẽ đào tạo những thế hệ măng non cho nền bóng đá nước nhà.

Vì lý do cơm áo, đến gần 10 năm sau, ông Kiểm mới bước đầu thực hiện được hoài bão của mình. Vào dịp hội làng năm 1993, nhân buổi lễ đình làng được đón nhận danh hiệu di tích lịch sử, mọi người nghĩ cần phải có trò chơi nào đó để khuấy động phong trào. Là người lính bao năm quen trận mạc, gắn bó với đồng đội keo sơn, ông Kiểm nghĩ ra môn thể thao đậm tinh thần đồng đội: Bóng đá. Và lại là trận cầu nữ. Nhưng để có được đội bóng với những cầu thủ nữ, đã không tránh khỏi nhiều người can ngăn. Các cụ già trong làng lắc đầu quầy quậy, nghĩ rằng con trai đá bóng còn mệt nhọc, nói gì đến mấy đứa con gái, vẽ vời làm gì cho mệt?

Sau một thời gian hướng dẫn các cháu tập luyện, ông Kiểm cho đá trận đầu tiên, đúng vào dịp hội làng. Ông đặt tên 2 đội, đội Tuổi Trẻ và đội Thanh Xuân, “cầu thủ” lớn nhất lúc đó 25 tuổi, còn nhỏ nhất là cô con gái ông Kiểm, mới 13 tuổi. Người làng còn nhớ, trong trận đầu tiên gần 20 năm trước đã có tới gần 4 nghìn người dân quanh xã đến xem. Ai cũng cho rằng, đó là sự lạ, ai cũng khen đá hay. “Sau trận đấu đó, sở Thể dục thể thao tỉnh Hà Tây (cũ) nhận đội bóng về tỉnh. Họ cấp quần áo, lưới, bóng cho các cầu thủ. Bấy giờ, nông dân chân chất chúng tôi mới biết thế nào là cái lưới bóng đá…”- ông Kiểm hài hước kể lại. Hết lễ hội mới là thời kỳ cực khó khăn của thầy trò ông, không biết đi đâu về đâu để duy trì sự tồn tại của đội bóng, vì nếu theo cơ chế lúc đó thì cả xã, huyện và tỉnh đều rất nghèo. Ông Kiểm nghĩ ra cách nhờ bà con trong làng quyên góp gạo, rồi đưa đi bán, lấy số tiền đó duy trì CLB hoạt động.

 

Trời không thể phụ

 Ông Kiểm kể, ông sinh trong gia đình Nho học, hay được đọc sách người xưa, ông vẫn tự dặn mình và răn trò, rằng: Miệt mài, kiên trì, tất có ngày thành đạt.

Nhưng suy đi rồi tính lại, hoạt động của CLB trong bao lâu vẫn khó khăn vô cùng, tất cả cũng vì lý do kinh tế. Ông Kiểm cùng mấy người trong làng, cân nhắc từng bước, làm gì để duy trì sự tồn tại CLB cũng là niềm đam mê của thầy trò ông, của dân làng gửi gắm? Trang phục đã có, còn vấn đề y tế cho cầu thủ? “Rất may có một bác bộ đội quân y về phục viên, đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình giúp đỡ thầy trò. Cháu nào ra sân bị ngã, sưng, trật khớp, bác đều chữa cho mà không lấy tiền. Thầy trò lại đỡ một khoản về y tế”.

“Thời bấy giờ xã cấp cho 5 nghìn đồng mỗi tháng, chỉ đủ mua gói chè. Nhưng tôi lại tự an ủi mình, phải như thế nào mới được nhận đồng tiền đó chứ. Cách đây vài ba năm, “lương” chủ nhiệm CLB bóng đá của tôi là vài chục nghìn, đến năm nay cũng tăng lên được hơn trăm nghìn rồi”. Làng quê vùng chiêm trũng, nhiều người đi chợ bán hàng xáo mưu sinh. Thời mà vàng 12 đồng/chỉ, ông Kiểm đi chợ cả ngày cũng kiếm được 60 đồng nhưng có hôm vẫn bỏ buôn bán chỉ để ra sân dạy các cháu tập bóng, nhiều người bảo ông hâm. Làng Nghiêm Xá và các làng lân cận có nghề thêu, mỗi chiều, dành thời gian mà ngồi thêu, mỗi cháu cũng kiếm được chừng 30 nghìn, nhưng các cháu mê bóng đá quá, chẳng chiều nào bỏ. Tất cả cũng chỉ vì một lẽ đam mê.

Không phụ công thầy Kiểm, năm 1996, đội bóng đá nữ do ông chủ nhiệm được đi dự Giải bóng đá nữ Hà Tây, rồi giải Phù Đổng toàn quốc và đều được giải Nhì. Đến năm 1998, Sở TDTT tỉnh mới bắt đầu tuyển chọn đội bóng đá đầu tiên đại diện cho tỉnh, và Nghiêm Xá trở thành cái nôi của bóng đá nữ Hà Tây (cũ) từ bấy giờ.

 

 

Học đá bóng để làm người

 “Đặc trưng của con gái đá bóng là các em luôn có tính chịu khó hơn, ý chí chiến thắng cao hơn, đã thi đấu là quyết tâm thắng, khi đã đam mê, các em nhiệt tình vô cùng…” - Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập đội bóng, sự nghiêm khắc của người thầy bao giờ cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, vì là bóng đá nữ, nhiều cầu thủ mang tính tự ái cá nhân vào sân, nên phải luôn dùng đến “kỷ luật thép”. Và cũng nhờ sự cứng rắn của người thầy, nhiều em sau đó được sở TDTT về chọn và cử đi học bóng đá chuyên nghiệp. Rất nhiều trong số đó đã trưởng thành trong đội tuyển bóng đá nữ quốc gia như Nguyễn Thị Thành; Nguyễn Thị Nga; Thủ môn Dương Khánh Ly; Phạm Thu Trang,… Hiện nay, cầu thủ trẻ nhất là cô bé Nguyễn Kiều Diễm đang tham dự Festival Bóng đá quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Hỏi về những kỷ niệm của ông thầy đặc biệt này, ông có thể kể cả ngày: “Cũng trên sân bóng, lần đầu tiên tôi phải chịu đau đớn. Con gái tôi 13 tuổi, nặng có 29 kg, chơi vị trí tiền đạo nên càng xông lên, càng bị đá ngã lăn quay, đau lắm. Tôi xót ruột lắm, nhưng vẫn để chúng thỏa sức với trận cầu của mình. Con gái tôi bị đau, đứng dậy định gây ồn trên sân. Là một huấn luyện viên, tôi đuổi cháu ra khỏi sân. Con bé gầy guộc lặng lẽ lội qua đồng về, bèo bám đầy người, còn các cầu thủ khác thì trật tự ngay. Cũng từ đó, tôi có thêm bài học, muốn dạy trò, trước hết phải tự răn mình, dạy con mình”.

Thất bại nhiều, nhưng tôi nghĩ đến lời răn của người xưa: Quân tử ngã xuống mà không đứng lên là tiểu nhân. Tiểu nhân ngã xuống mà đứng lên là quân tử”. Bài học về những cú ngã trong trận bóng, cũng dạy thầy trò tôi nhiều về đạo làm người”. Có đứng trên sân nhìn “lão phù thủy” quát trò, mới thấy sợ cái mệnh lệnh nghiêm khắc trong một trận cầu.

Ông bảo, tất cả cũng vì thương, muốn trò sẽ thành tài, cuộc đời này không có chỗ cho kẻ biếng lười, nhất là với bóng đá. Ông Kiểm kể một câu chuyện: Hồi ông còn nhỏ, mỗi lần đi học, ông thường mang theo nắm cơm để trong túi quần. Một hôm vì vội vã, nắm cơm bỗng rơi mất. Tới trường vào bữa trưa, thấy cậu bé Kiểm ngồi đói meo, các thầy hỏi, cậu nói đã làm rơi nắm cơm. Các thầy nhờ cậu vào nấu cơm, và bảo cậu ăn cùng. Chưa kịp ăn cơm thì cả hai thầy, người nói đã ăn no lúc sáng, người nói đau bụng chẳng muốn ăn, để mình cậu học trò vì đói quá nên ăn no bụng. Về sau cậu mới hiểu, thì ra các thầy thương, nói dối để nhịn ăn dành cơm cho mình. “Bài học đó như khắc vào tâm can tôi đạo làm thầy. Tới tận bây giờ tôi vẫn dạy trò mình, học đá bóng cũng như học làm người, học đối nhân xử thế là như vậy”.

Rồi ông tiếp câu chuyện: “Trước đây, trong lớp học tôi dạy, có cô bé Phạm Hải Yến rất nghịch ngợm, có phần hơi hỗn, dù cháu đá bóng rất cừ. Nhiều người hỏi tôi sao không có cách nào xử lý trường hợp đó. Tôi ngẫm nghĩ đến câu chuyện của một ông đồ Nghệ khi xưa. Trong lớp có một anh ăn cắp, người ta bảo ông thầy đuổi anh trò này đi. Nhưng ông thầy nói rằng: Các anh giỏi giang, các anh không học nơi này, sẽ học nơi khác. Còn tôi, nếu tôi không dạy người này, người này sẽ không biết chữ, không thể làm người… Giờ cháu đã vào đội tuyển quốc gia và thành danh lắm!

Học trò của ông gồm các em nữ từ lớp 4 trở lên. Cứ 2 giờ đến 6 rưỡi chiều hàng ngày, ông mang bóng, lưới, cờ, nước ra sân và… đợi trò đến. Vì lịch học các em ngày càng dày hơn, nên có em vào sân tập luyện được chừng 30 phút, lại phải đến trường. Có những hôm đến sân tập, thấy có cô trò nhợt nhạt, xanh ngắt, hỏi ra ông mới biết trò đói, nhà nghèo nên bữa trưa chưa có gì bỏ vào bụng. Thương trò, ông bỏ số tiền túi ít ỏi để mua đồ ăn cho các em.

 
   Lớp học của ông Kiểm có những cầu thủ nhí rất có triển vọng, nhưng ông cũng băn khoăn nhiều, vì hầu hết do hoàn cảnh gia đình khó khăn mà nhiều em không dám xa nhà để theo đuổi ước mơ cầu thủ chuyên nghiệp của mình. Cô bé Thu Hiền năm nay 12 tuổi, học giỏi và có chân sút cũng rất… điệu nghệ. Hoàn cảnh gia đình Hiền vô cùng khó khăn, bố mắc bệnh thần kinh, còn một mình mẹ phải làm nuôi cả gia đình. Sở TDTT đã dặn thầy Kiểm để ý bồi dưỡng để chuẩn bị chọn cô bé vào đội bóng của tỉnh, rồi quốc gia. Nhà nghèo, không có điều kiện dinh dưỡng nên đến giờ cô bé vẫn còi cọc, nhưng niềm đam mê bóng đá thì khó ai bì.Cô bé Ngọc Anh, năm nay vào lớp 8, nhưng từ năm lớp 3, chân sút của em đã “thần sầu” đến nỗi nhiều người tới xem tưởng em là cầu thủ bóng đá nhi đồng chuyên nghiệp. Lẽ ra cô bé đã được nhận vào đội bóng của tỉnh, nhưng vì hoàn cảnh gia đình vắng mẹ, nhà lại nghèo, em đành ở nhà cùng bố chăm sóc gia đình. Câu chuyện của ông Kiểm về những học trò của mình đầy tình thân ái, như tình cảm một người cha, người ông dành cho những đứa con, đứa cháu ruột thịt.

 Bao thế hệ học trò đi qua, ông huấn luyện viên tự nhận mình “chỉ có bằng cấp trường đời” này vẫn không nguôi với những dự định đào tạo thế hệ trẻ, ông vẫn còn đau đáu nhiều, ước ao nhiều đối với tương lai bóng đá của những học trò của mình, của nền bóng đá nước nhà, đặc biệt là bóng đá nữ.

Nhắc đến riêng mình, ông Kiểm chỉ cười: Từ ngày phục viên, tôi vẫn tự dặn mình, mình không phải là đảng viên, nhưng mình phải hành động giống như đảng viên. Tôi từng đau đầu khi mình là bộ đội, thương binh về địa phương, phấn đấu mãi mà không được… vào Đảng. Thế là tôi cứ xông xáo ngoài sân bóng, tôi nghĩ cùng với đam mê, mình cố gắng cho học trò mình, cho dân làng mình, cho đất nước mình, đến tuổi này tôi cũng là mãn nguyện lắm rồi…

Thanh Hải

Bình luận
vtcnews.vn