Bức tượng cuối cùng về Tướng Giáp

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 09:20:00 +07:00

Bức tượng như một hình ảnh bằng hình khối tương đối trung thực về sự anh linh, rắn rỏi, quắc thước, minh mẫn của một vị Đại tướng đã trọn 102 tuổi.

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, như bao người dân Việt, tôi hết sức cảm phục về tài năng và đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi quyết định năm tượng bán thân Đại tướng theo những bức ảnh ít ỏi có được. Những bức ảnh này chụp Đại tướng ở các thời điểm, các tư thế, các trạng thái tình cảm... khác nhau nên tôi gặp rất nhiều khó khăn để định ra một hình chuẩn. 

Tôi đã nặn đến 3 lần mới được một mẫu tượng mà tôi cho là tàm tạm. Trên cơ sở này sẽ dần dần hoàn thiện đến khi nào vừa ý chứ không định ngày phải hoàn thành.
Đang say sưa làm việc thì bất ngờ “định mệnh” ập đến. Tôi bị tai biến mạch máu não (năm 2006). Nửa thân bên phải bị liệt, nên tay phải cử động khó khăn, cứng nhắc. Không đầu hàng số phận tôi quyết tâm tập vẽ, nặn bằng tay trái. Năm 2009, nghĩ mình khó có thể làm hơn được, nên tôi nhờ người đổ khuôn bức tượng rồi chụp ảnh, gửi qua Văn phòng Đại tướng để trình Đại tướng xem trước và cho ngày hẹn.

 

Mấy hôm sau, Đại tá Nguyễn Huyên - trợ lý Đại tướng, điện cho tôi biết ngày giờ tổ chức tặng tượng.
Khi chở tượng đến thì thấy các xe của Đài truyền hình Việt Nam, Đài TH Hà Nội và Truyền hình Quân đội đậu ở ngoài sân. Trong phòng, các máy quay phim được bố trí sẵn; các đạo diễn, phóng viên đã tề tựu đông đủ.
Đúng 16h, từ phòng nghỉ, Đại tướng trong bộ quân phục màu xanh ô-liu từ từ bước vào phòng. Mọi người đứng dậy chào nhưng trong một không khí yên lặng, trang nghiêm vì Đại tướng cũng nghiêm nghị, không tươi cười như mọi người vẫn thấy ở các tấm ảnh in trên báo chí.
Tôi hơi ngỡ ngàng vì thấy Đại tướng già đi nhiều so với hồi năm Đại tướng 85 tuổi (tất nhiên, vì lần gặp ấy cách lúc này đã 13 năm) khi tôi được đi cùng Đoàn của Hội Mỹ thuật lên chúc thọ và tặng Đại tướng một ấn phẩm đẹp của Hội. Tôi rất hồi hộp khi nghĩ: chỉ ít phút nữa thôi, mình sẽ ăn nói như thế nào đây trước một vị tướng thiên tài của dân tộc, một Đại tướng nổi danh được cả thế giới kính nể?
Sau khi bác Huyên giới thiệu, tôi bình tĩnh thưa với Đại tướng về quá trình làm tượng, những khó khăn về tư liệu ảnh, về trình độ và do bệnh tật phải làm bằng tay trái… nên không tránh khỏi những hạn chế về mức độ thành công của bức tượng.
Đại tướng xem, tươi cười và nói với mọi người “Tôi không biết có giống tôi không, nhưng đây đúng là ông Giáp”. Lúc này thì mọi người vui vẻ thoải mái hẳn lên vì không ngờ Đại tướng lại nói một câu thân mật, hóm hỉnh như vậy. Bác Giáp nhận xét: “Bức tượng có hồn, có tinh thần. Hôm nay đồng chí tặng tôi, tôi rất vui. Cảm ơn”.
Tôi ngỏ ý được vẽ ký họa chân dung Đại tướng. Bác Giáp đồng ý. Trong khi tôi vẽ, Đại tướng còn nói vui “Có đến hai, ba chục cặp mắt đang nhìn đồng chí đấy”. Tôi vẽ bằng tay trái nên chậm chạp. Đồng chí cảnh vệ lại có ý nhắc tôi cần phải vẽ nhanh lên để bác Giáp vào nghỉ, nên tôi hơi bối rối. Vẽ trong tình cảnh như vậy, làm sao có hiệu quả tốt được. Thấy vậy, Đại tướng bảo: “Cứ để cho đồng chí ấy hoàn thành công việc”. Tôi thực sự cảm động về sự ưu ái ấy.

 

Khi phát biểu trước đó, tôi có thưa với Đại tướng là nếu sức khỏe tôi ổn định và hồi phục tốt, tôi sẽ còn tiếp tục nặn chân dung bác thậm chí còn nặn tượng bác toàn thân ở thế đứng.
Một số tượng chân dung Đại tướng mà mấy nhà điêu khắc khác (Minh Đỉnh, Lê Duy Ứng, Hiếu Lễ...) và tôi đã làm đều ở tuổi khoảng 60 – 70, nay tôi sẽ làm ở thời điểm năm nay (2009) khi bác Giáp 98 tuổi – cái tuổi mà ở nhiều người khác đã yếu lắm rồi, thì Đại tướng vẫn minh mẫn, tỏ tường, sáng suốt, vẫn đau đáu những lo toan, trách nhiệm với dân, với Nước, với tương lai.
Khi ra xe ô - tô, tôi và nhà văn Sơn Tùng, nhà báo trẻ Minh Thu được anh em ở Đài truyền hình cho biết: “Hôm nay, Đại tướng vui vẻ và nói nhiều. Mọi hôm “cụ” nói ít lắm, còn khi bọn em quay phim, mấy anh cảnh vệ còn nhắc nhở không được chiếu đèn vào người Đại tướng nữa kia”.

Trong buổi tặng tượng này, tôi quan sát rất kỹ khuôn mặt Đại tướng. Sự tương phản giữa khối nổi và chìm, giữa các mảng sáng và tối, giữa nét rắn rỏi và vẻ đôn hậu… đều rõ nét, làm người nặn tượng bị cuốn hút, hấp dẫn và muốn được diễn tả ngay. Nên tối hôm đó, tôi đã nhờ vợ chuẩn bị bàn xoay, cốt tượng và đất để tôi nặn tiếp tượng Đại tướng lần thứ tư. Tôi muốn làm ngay, làm nhanh để cảm hứng không bị thời gian làm suy giảm. Tôi quyết định nặn theo những hình ảnh mà tôi ghi chép được ở buổi tặng tượng (98 tuổi) là cốt để ghi lại cho hậu thế biết được diện mạo của bác Giáp ở thời điểm 2009 ra sao.
Lúc này tuy thấy Bác vẫn quá tỉnh táo (nghe rõ, nhìn rõ), minh mẫn trong từng động tác, từng lời nói, nhưng tôi vẫn nghĩ ở tuổi 98 sức khoẻ của con người mong manh như ngọn đèn yếu ớt, một cơn gió nhẹ, đột ngột là có thể có ngay sự cố đáng tiếc. Cho nên tôi vận hết sự nhiệt tình, tranh thủ thời gian sớm nhất có thể xin bác Giáp bố trí để tôi được lên nặn chân dung bác trực tiếp khi bác còn khỏe mạnh.
 Nặn được một thời gian, thỉnh thoảng có người đến chơi, từ xa, nhìn bức tượng, họ đã kêu lên: “Ô, bác Giáp!”. Thấy vậy, tôi rất vui, rất tự tin bởi nó như một sự công nhận mức độ thành công nào đó.
Tôi chụp ảnh bức tượng và lại nhờ Đại tá Nguyễn Huyên chuyển bác Giáp xem và nếu được xin bác cho hẹn một buổi để tôi được gặp bác và nặn sửa theo mẫu cho thật hoàn chỉnh.
Một buổi chiều, tôi mừng rỡ vì bác Huyên báo cho biết bác Giáp đã hẹn chiều hôm sau sẽ lên gặp bác để nặn tiếp. Nhưng bác Huyên cũng không quên nói thêm là: “Có gì sáng mai tôi sẽ báo lại chính thức”.
Tôi khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ, vật liệu cần thiết. Rồi thao thức cả đêm chỉ mong bình minh đến sớm. Nặn trực tiếp không chỉ mình tầm soát được mọi ngóc ngách của khối hình mà còn là một kỷ niệm quý giá trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật. 
Đúng là một người có kinh nghiệm và sự cẩn thận của bác Huyên quả không thừa, bởi vì sáng hôm sau, bác Huyên gọi điện báo hoãn buổi làm việc vì bác Giáp lại vừa phải nhập viện.
Rất tiếc mà không thể làm gì được.
Từ hôm đó tôi chờ từng ngày, hy vọng một cú điện của bác Huyên báo tin bác Giáp khỏi bệnh và đã về nhà.

 

 Sau mấy tháng chờ đợi, tôi được biết khả năng bác Giáp ra Viện là hơi khó. Tôi gợi ý: tôi sẽ mang bức tượng (đất) đến bệnh viện, và chỉ cần nửa tiếng đồng hồ để kiểm tra lại một số chi tiết trên khuôn mặt Đại tướng là đủ. Nhưng bác Huyên vẫn lắc đầu, vì theo bác, bệnh viện sẽ chắc chắn không cho ai vào vì phòng bệnh cần vô trùng, tránh tiếp xúc với các nguồn có thể mang theo mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của một người đang ốm như bác Giáp. Chẳng thế mà ai đến thăm chỉ được mang hoa giấy đến tặng vì hoa ngắt từ thiên nhiên có thể có vi khuẩn, trùng bọ.
Lại một lần nữa tôi đành cho đổ khuôn, đúc cốt bức tượng và thầm nghĩ đến một kết cục xót xa! 

Đầu Xuân Canh Dần (2010), tại phòng khách nhà riêng của Đại tướng, đại tá Nguyễn Huyên (và gia đình) tổ chức một cuộc gặp mặt đầu Xuân với những người cùng làm việc, giúp việc Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến cùng những người ngưỡng mộ yêu quý bác Giáp muốn bày tỏ lòng mình với bác bằng các tác phẩm nghệ thuật, các tập hồi ký, các bài thơ, các bức trướng được thể hiện công phu bằng chất liệu quý… ca ngợi tài năng, công lao, đạo đức và chúc thọ bác Giáp nhân tròn 100 tuổi theo Âm lịch.
Thật bất ngờ tôi là người đầu tiên được bác Huyên giới thiệu lên tặng phu nhân Đại tướng – bác Đặng Thị Bích Hà bức tượng chân dung Đại tướng. Sau cuộc gặp, bác Hà tỏ vẻ hài lòng vì theo bác, bức tượng “giống và đẹp”.

Nay nghe tin Đại tướng đã yên nghỉ sau hơn một thế kỷ tồn tại. Mặc dù trong thời gian gần đây, mọi người đều đã nghĩ việc “ra đi” của bác Giáp không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra, nhưng khi nó đến thì ai cũng thấy bàng hoàng, xúc động.
Hàng vạn người không ai bảo ai, tự động nhập vào hàng đến nhà riêng Đại tướng  viếng di ảnh Người.
Hàng ngàn người từ các tỉnh của Tổ quốc hoặc từ nước ngoài về để tiễn biệt người Anh hùng vĩ đại. Các Tổng thống, Nguyên thủ quốc gia, các vị tướng lãnh, các nhà sử học quân sự - kể cả các đối thủ ở “phía bên kia”… đều ngả mũ, cúi đầu, tri ân bằng những lời có cánh. 
Một con người vĩ đại đã “về cội” để lại một sự nghiệp vĩ đại cho dân tộc và cho quân đội. “Việt Nam - Hồ Chí Minh” và “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” vẫn luôn tồn tại trong tâm thức mọi người ở nước ta cũng như trên thế giới. 

Với tôi, bức tượng nặn chân dung bác Giáp ở tuổi 98, được bác xem và hẹn lên nặn chân dung bác tại nhà, tuy việc nặn trực tiếp không thành nhưng tôi được vẽ, chụp, ghi chép trực tiếp khi gặp bác Giáp để dựng tượng thì cũng đã là một điều may mắn vì có thể nói, nó là bức tượng cuối cùng về bác Giáp khi bác còn tại thế và kịp thấy được ảnh chụp bức tượng tạc chân dung mình. 
Bức tượng như một hình ảnh bằng hình khối tương đối trung thực về sự anh linh, rắn rỏi, quắc thước, minh mẫn của một vị Đại tướng đã trọn 102 tuổi. Trong lịch sử thế giới và dân tộc, chưa có một vị Đại tướng nào có tuổi thọ dài lâu như vậy.
 Nói theo dân gian thì đây đúng là một vị Thánh.

10- 2013
NĐK Trần Tuy
Bình luận
vtcnews.vn