GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: “Đổi tên nước là đúng đắn”

Tổng hợpThứ Sáu, 26/04/2013 11:16:00 +07:00

Sau nhiều biến cố lịch sử, hiện nay chỉ có nước ta và Srilanca còn giữ tên nước kèm theo cụm từ “Xã hội chủ nghĩa”.

Sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra kiến nghị lấy lại tên nước như khi mới giành được độc lập năm 1945 là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với Tạp chí Truyền hình số VTC, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) đã đưa ra nhiều luận điểm chứng minh tính đúng đắn của kiến nghị này.

Đổi tên nước để gần gũi hơn với quốc tế

Sau khi thống nhất đất nước năm1975, với mục tiêu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta đổi tên từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (DCCH) thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa (CHXHCN) Việt Nam.  Cùng quốc hiệu với 5 nước thuộc khối XHCN có tên là Liên bang CHXHCN xô viết (Liên Xô), Cộng hòa nhân dân XHCN An-ba-ni, Cộng hòa liên bang XHCN Nam Tư, Cộng hòa XHCN Ru-ma-ni, Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc. Một số quốc gia khác cũng xây dựng chủ nghĩa xã hội như Ba Lan, Bun-ga-ri, Ðông Ðức, Hung-ga-ri, đến Trung Quốc, Lào, Triều Tiên lại lấy tên là Cộng hòa nhân dân, Cộng hòa dân chủ hoặc Cộng hòa dân chủ nhân dân. Sau nhiều biến cố lịch sử, hiện nay chỉ có nước ta và Srilanca còn giữ tên nước kèm theo cụm từ “Xã hội chủ nghĩa”. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Xét về ngữ nghĩa đây là cụm từ không rõ nghĩa mặc dù ta đã từng cố gắng xác định rất nhiều nhưng cũng phải bỏ đi những đặc trưng cơ bản nhất là chuyên chính vô sản và công hữu hóa tư liệu sản xuất”.

 
Gần đây sau 37 năm giữ tên nước CHXHCN Việt Nam có những ý kiến mong muốn quay trở lại tên Việt Nam DCCH năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt.GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đây là một đề xuất đúng đắn: “Ý kiến này đã được đề xuất từ nhiều năm gần đây chứ không phải mới đây Ủy ban dự thảo hiến pháp sửa đổi 1992 mới đề xuất. Năm 1976, chúng ta đổi tên nước từ Việt Nam DCCH thành CHXH Việt Nam. Bây giờ trên thế giới chỉ còn nước ta và Srilanca (một nước không mấy phát triển) giữ tên nước kèm theo cụm từ “Xã hội chủ nghĩa”. Vậy chúng ta có nên giữ một cái tên “độc đáo” đến mức trên thế giới chỉ có một hai nước dùng như vậy không? Và nước Srilanca không giống nước ta, ít nhất ở 2 điểm – chính thể không do Ðảng Cộng sản cầm quyền và không theo chủ nghĩa Mác – Lênin”.

 Cũng theo GS Thuyết mặc dù cái tên “độc đáo” chỉ là tên gọi nhưng “Nhiều khi lại gây ra tâm lý nghi ngại, cảm giác xa lạ với bạn bè quốc tế và những người muốn đến gần chúng ta. Thực chất những nội dung mà chúng ta đề ra để xây dựng đất nước từ năm 1945 đến giờ tuy mỗi ngày một rõ ràng, đầy đủ thêm nhưng không thay đổi định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, vậy trở lại với tên khai sinh của nước ta là đúng đắn. Việt Nam DCCH là cái tên gần gũi với rất nhiều thế hệ người Việt Nam”. Ngoài ra, với tư cách một người nghiên cứu về ngôn ngữ (Nguyên giảng viên Khoa Ngôn Ngữ Học – Trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn – Ðại Học Quốc Gia Hà Nội) ông cho rằng tên gọi Việt Nam DCCH đặt theo trật tự từ tiếng Hán do ngôn ngữ nói và viết của chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán. Vậy nên gọi lại là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam mới đúng ngữ pháp tiếng Việt.

Đổi tên nước vẫn đi đúng định hướng

Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến tán thành đề xuất của Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 có những ý kiến lo ngại khi đổi tên nước sẽ đi chệch hướng. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết không nên có tâm lí e ngại này bởi: “Trước đây có nhiều người nêu vấn đề đổi tên nước cũng bị quy kết là muốn đi chệch hướng, muốn đổi hướng… Lần này trước khi ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp đề xuất đổi tên nước, những người có trách nhiệm cũng đã suy nghĩ thấu đáo, tiếp thu ý kiến từ nhân dân. Ðổi tên nước quay về thời kì 1946 hoàn toàn không phải đi chệch hướng vì tất cả mục tiêu: độc lập dân tộc, dân chủ… vẫn được giữ cho đến ngày nay. Thứ nữa, nhiều nước có cùng chế độ với nước ta hầu như không hề thay đổi tên nước từ khi mới thành lập như: nước CHND Trung Hoa (1949), CHDCND Triều Tiên, CHDCND Lào, CH Cuba…”. Theo ông Thuyết, điều quan trọng là nội dung, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn được giữ vững. Nếu như đổi tên nước mà nội dung xây dựng đất nước thay đổi không theo định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội thì khi đó mới là đi chệch hướng.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng việc đổi tên nước sẽ tốn kém tiền của và mất thời gian GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng một số nước như Nga họ đổi tên nước, đổi chế độ chính trị nhưng cũng không thay đổi tiền hay thói quen của người dân. Song không thể phủ nhận những hạn chế nhất định: “Khi đổi tên tất nhiên sẽ kèm theo những việc phải làm nên chắc chắn là sẽ có tốn kém nhưng sẽ ở mức độ vừa phải như đổi con dấu ở những cơ quan quản lí nhà nước, biển tên các cơ quan,… Nhưng có nhiều thứ cũng không nhất thiết phải đổi như các cột mốc biên giới, quốc ca, quốc kỳ hay tiền”.

Hiến pháp đưa ra được một số dự kiến mới

 
Sau 3 tháng lấy ý kiến thì ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp đã đưa ra được một số dự kiến mới: đặt ra vấn đề trưng cầu ý dân từ đó hiến pháp sẽ là một văn bản được sự đồng ý, thống nhất rộng rãi; hay một số điều trong bản dự thảo được diễn đạt một cách gọn gàng, dễ hiểu hơn. Vì hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật nên chỉ đưa vào những điều là quy định của pháp luật, không đưa vào những điều không mang tính pháp lý; một số quy định về quyền con người, quyền công dân cũng đã có chiều hướng đúng đắn hơn. “Tôi tin tưởng ủy ban sửa dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ tiếp thu những ý kiến đúng đắn để hiến pháp gần với chuẩn mực và yêu cầu của xã hội. Ví dụ kiến nghị của tập thể chính phủ về quyền con người, quyền công dân chỉ bị giới hạn bởi luật chứ không phải bởi pháp luật vì pháp luật nghĩa rất rộng (từ luật đến nghị quyết hội đồng nhân dân xã đều là pháp luật). Chỉ có hiến pháp và những điều luật do Quốc hội đề ra mới có quyền giới hạn quyền công dân, quyền con người.

Ðặc biệt trong lần sửa đổi hiến pháp này, vấn đề quyền sử dụng đất của người dân được chú ý. GS Thuyết cho biết: “Một kiến nghị đúng đắn là việc thu hồi đất của nhà nước sẽ đền bù cho dân theo giá thị trường. Mặc dù việc tính giá đất đền bù theo thị trường sẽ còn nhiều điều phải bàn nhưng ít nhất hiến pháp nên đưa ra những quyết định như vậy. Mặt khác cũng nên tiến tới việc công nhận quyền tư hữu đất đai của công dân, ít nhất là đất ở của mình. Khi đó sẽ giải quyết được trên 70% khiếu nại tố cáo của người dân về vấn đề tranh chấp đất đai, cũng là tạo điều kiện cho việc bình ổn xã hội”.

Nha Trang

Bình luận
vtcnews.vn