Nhịp cầu nối những bờ xa

Tổng hợpThứ Sáu, 05/10/2012 11:13:00 +07:00

Hai mũ chương trình “Kết nối cộng đồng” và “Người Việt bốn phương” nghe đã thấy day dứt tâm can nỗi nhớ quê hương của những người Việt xa xứ.

Hai mũ chương trình “Kết nối cộng đồng”“Người Việt bốn phương” nghe đã thấy day dứt tâm can nỗi nhớ quê hương của những người Việt xa xứ.

“Kết nối cộng đồng” là chương trình về những hoạt động gắn kết, thúc đẩy tình đoàn kết người Việt bốn phương, và “Người Việtbốn phương” là chân dung người Việt đang mưu sinh, làm việc và học tập ở nước ngoài, cả hai cùng đang là những chương trình ghi nhận và thông tin đầy đủ nhất về đời sống bà con Việt kiều. Nó như những chiếc cầu nối những bờ vui hai đầu xa cách. Đó là hai trong những chương trình trên Kênh NETVIET – VTC10.

 
Chuyến tác nghiệp tại nước ngoài đầu tiên của Phạm Hoài Quyên - phóng viên kênh VTC10, là tới Hàn Quốc. Ở đất nước này có một bộ phận đông đảo các cô dâu Việt lấy chồng Hàn. Trong nước – thời điểm đó đang dội lên thông tin các cô dâu Việt thường bị các ông chồng Hàn dùng bạo lực gia đình. Rào cản lớn nhất của các dâu Việt trên đất Hàn là ngôn ngữ và kỹ năng sống, hai phương tiện tối cần thiết để họ sớm hòa nhập gia đình và cộng đồng thì các dâu Việt lại thiếu.

Kỹ năng “láu” của phóng viên là biết cách “tìm mối” dẫn đường. Quyên kết nối được với anh Trần Hải Linh khi đó là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc. Anh giúp Quyên rất tận tình, chỉ dẫn những địa chỉ và con người cần đến để Quyên “kết nối cộng đồng”.

Nhân vật để lại ấn tượng đầu tiên trong chuyến đi này là chị Thủy. Quê chị miền Tây Nam Bộ, lấy chồng Hàn do môi giới nhưng may mắn chị lấy được một người chồng Hàn tốt. Anh chăm chỉ làm việc và hỗ trợ chị Thủy cùng các cô dâu Việt khác học tiếng Hàn, hướng dẫn cách nấu ăn và chăm sóc gia đình theo tập quán người Hàn. Gia đình chồng ở ngay Seoul nên chị Thủy hòa nhập cuộc sống nơi xứ người nhanh. Và còn kết nối và giúp đỡ rất nhiều cho các cô dâu Việt khác đang sinh sống ở Seoul.

 
Nhân vật thứ hai là chị Huế. Chị lấy chồng thông qua giới thiệu của một cô dâu Việt chị quen. Chồng chị là một người tốt tính tuy cư trú ở tỉnh Dang Jin xa thủ đô Seoul. Anh chồng đã  dạy chị Huế học tiếng Hàn, nấu các món ăn Hàn, các công việc gia đình Hàn. Đặc biệt anh giúp chị hòa nhập với mẹ chồng. Chị Huế học giỏi và hòa nhập nhanh.

Chị có khó khăn  là khi mới sang Hàn Quốc là đã sinh con ngay. Nhưng với người chồng tốt tính đã giúp chị vượt qua được tất cả. Giờ con đã lớn, chị tiếp tục đi học, tham gia công việc của Trung tâm hỗ trợ cô dâu Việt ở vùng Dang Jin. Cũng nhờ có vợ chồng chị Huế giúp mà Quyên làm được một chương trình ở Trung tâm hỗ trợ các cô dâu ngọai quốc trên đất Hàn. Chính phủ Hàn Quốc quan tâm xây dựng các trung tâm này là để bảo vệ họ cùng các chương trình giáo dục văn hóa, nghề nghiệp và kỹ năng sống cho các cô dâu ngoại quốc.

Phạm Hoài Quyên khoe với tôi tại Hàn Quốc này em đã phỏng vấn nhiều người mà ai cũng biểu cảm nghẹn ngào nỗi nhớ quê hương. Chính vì lẽ đó mà Hoài Quyên đã ghi hình được những giây phút quý giá ấy – giây phút mà mọi trái tim đều đau đáu hướng về quê hương, gia đình và những người thân yêu của mình.  Qua những chương trình này, khán giả được chứng kiến đời sống của bà con kiều bào tại Hàn Quốc, và cũng phần nào hiểu được nỗi lòng của những người con xa xứ từ những cô dâu Việt, công nhân xuất khẩu lao động, sinh viên, nghiên cứu sinh hay cả những người nghệ sỹ đang sống xa Tổ quốc.

Quyên khoe, trong số các nhân vật đã ghi hình tại Hàn Quốc, Quyên không thể quên được hình ảnh chị Nam – chủ quán “Sài Gòn Phở” tại thủ đô Seoul. Chị Nam sang đây được 10 năm nhưng chưa một lần về thăm mẹ già nay hơn 80 tuổi. Chị muốn qua chương trình gửi lời thăm mẹ. Chị nói trong nước mắt cảm xúc dâng trào làm anh quay phim lặng đi, tay run bắn lên khi làm động tác zoom đặc tả gương mặt và đôi mắt ấy. Khi về nước dựng chương trình định ngày phát sóng xong, Hoài Quyên đã kịp báo thông tin ấy cho mẹ chị Nam, và cụ đã xem lại đúng khi cụ đang bệnh nặng. Cả chị Nam và mẹ chị cùng cảm ơn Quyên. Quyên thì cảm thấy tự hào vì ít nhiều đã xây được một cây cầu để “kết nối cộng đồng”.

 

12 ngày sang Hàn Quốc Quyên làm được 6 chương trình. Bước khởi đầu tác nghiệp ở nước ngoài có hiệu quả đã mở cơ hội cho Hoài Quyên đi xa hơn tới cộng đồng người Việt ở nước Anh.

Trong chuyến đi đến với thủ đô Luân Đôn lần ấy, nhóm làm phim của Quyên rất vất vả trong việc di chuyển bởi khối lượng máy móc tác nghiệp mang theo quá nhiều với mong muốn ghi được nhiều những hình ảnh đẹp. Giao thông ở các nước phát triển là mạng giao thông phức tạp đa tầng đa lối người không quen thấy rắc rối đến chóng mặt.

Quyên khoe, chuyến đi này rất ấn tượng. Lần tác nghiệp đó vào đúng dịp giáp Tết Nhâm Thìn. Trời lạnh buốt thấu da thịt. Nhưng lòng người thì ấm lên khi tiếp cận với cộng đồng người Việt ở Luân Đôn.

Nhân vật ấn tượng nhất mà Quyên gặp là một nghệ sĩ, nhà thơ và họa sĩ. Cứ cho là như thế đi vì chú Vũ Kim Thanh đã làm những công việc ấy để kiếm sống rồi đạt tới sự dư dả sung túc nuôi các con ăn học và trưởng thành. Trong buổi họp mặt do chú Kim Thanh tổ chức với Ban liên lạc Việt kiều ở Luân Đôn, Quyên đã tặng mỗi người chút quà quê hương “nhỏ bé” nhưng “nặng tình” là những bức tranh Đông Hồ. Họ cảm động với hồn sắc quê hương trong tranh lại vào dịp Tết đang đến gần. Tâm trạng những người xa xứ thường rất vui khi được gặp những người từ Tổ quốc sang, tựa như có mang theo hương quê ấm áp từ lửa hồng than củi hương khói rạ rơm thuở trước của họ.

                        Tâm hồn mãi mãi sáng trong

                   Hướng về quê mẹ hơ hong nỗi sầu

                        Cho dù xa nửa địa cầu

                   Tình quê nghĩa bạn muôn màu sắc tươi…

                         Nhạc lòng rộn rã chứa chan

                   Tình người dân tộc kết đan quyện hòa…

Chú Vũ Kim Thanh đã viết như thế khi gặp ê-kíp làm phim của VTC10 tại nhà riêng của mình. Chú Thanh tham gia rất tích cực các hoạt động của cộng đồng ngườiViệt ở Luân Đôn, quay phim, chụp ảnh và viết bài về các hoạt động đó rồi post lên Diễn đàn mạng kết nối cộng đồng. Cảm động nhất là buổi cộng đồng người Việt họp mặt nhau ở Đại sứ quán Việt Nam tại Anh. Chú Vũ Kim Thanh đã tất bật ghi hình và chụp lại những giây phút thiêng liêng của buổi lễ. Chẳng khác gì một phóng viên thực thụ.

Tết cộng đồng luôn là một dịp đặc biệt của bà con kiều bào. Lần đó, nhóm làm phim VTC10 đã may mắn được tham dự. Tại buổi lễ, mỗi người đến đều mang theo một món quà hay một chút gì đó “nét quê hương” của mình tựa như khung cảnh việc làng ở miền quê đồng bằng Bắc Bộ “góp gạo thổi cơm chung”. Mang đến lời thơ tiếng hát niềm vui Xuân mới tới cho nhau. Nhưng những câu chuyện kỷ niệm quê nhà buồn buồn xa xót cũng len lỏi vào bữa ăn. Nhiều người ngoại quốc bạn bè của Việt kiều cũng tới xem phong tục ăn Tết của người Việt. Nhóm phóng viên VTC10 đã có cơ hội tiếp xúc và  ghi hình nhiều khoảnh khắc xúc động và đặc biệt là những lời chúc Tết an lành - may mắn gửi về quê nhà.

Nhân vật thứ hai cũng đầy ấn tượng với Quyên là cô Lệ với chuỗi “Cửa hàngmón ăn miền Tây”. Người Anh sành ẩm thực. Mặc dù, cư dân khắp châu lục cũng tụ họp tại đây nhưng họ cũng thích các món ăn Việt Nam vì ít chất béo lại có nhiều rau – rất lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy “Cửa hàng món ănmiền Tây” của cô Lệ với những món ăn dân dã như:  cá kho tộ, canh chua, dưa cà muối, đậu lạc vừng, canh cua tôm đồng cùng giò-chả Việt rất đông khách ăn.

Nhưng quan trọng hơn nơi quán ăn của cô Lệ kết nối được cộng đồng người Việt ở Anh. Vợ chồng cô Lệ đã giúp nhóm tác nghiệp của VTC10 nhiều thứ trong những ngày làm phim người Việt ở Luân Đôn. Chồng cô vốn ít nói - Quyên khoe thế - nhưng rất cởi mở với ê-kip VTC10. Chú tâm sự rằng vì “gặp các cháu” mà nhớ quê quá. Rồi chú kể lại những kỷ niệm quê hương và khóc.

Phải chăng nỗi nhớ quê hương da diết sau bao năm xa cách đã khiến một người đàn ông  từng trải như thế rơi lệ. Nhớ lần tôi “xa xứ” tới thành phố Cologne CHLB Đức theo một khóa học có 3 tháng thôi mà “thèm” nói tiếng Việt kinh khủng khiếp tới mức trong thảo luận chuyên môn với giảng viên đã buột miệng “xổ” một câu tiếng Việt làm các đồng nghiệp được một trận cười tóe khói.

Sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam theo học tại Anh cũng là những đối tượng mà nhóm phóng viên VTC10  gặp gỡ làm phim về họ. Nguyễn Trung Tuấn Anh, một nghiên cứu sinh ở Manchester sau khi tốt nghiệp anh đã  đầu tư cho một chuỗi cửa hàng cà phê mang phong cách Ý .

Lê Tùng Châu thì trưởng thành trên đất Anh từ khi học cấp 2, lên cấp 3, vào đại học, cô học rất giỏi ở Trường Đại học Kinh tế - Chính trị Luân Đôn – liên tục nhận học bổng. Cô gái này đã giúp ê-kíp Quyên chỉ dẫn ăn ở đâu, đi đường nào và còn hỗ trợ làm MC cho một số chương trình.

Hay lần đến một trường đại học ở Southampton được 20 sinh viên – nghiên cứu sinh Việt Nam tổ chức cho một buổi gặp mặt định kỳ cực vui. Sau đó cùng nhau về thăm gia đình một anh chị cùng làm nghiên cứu sinh nhưng lại phải nuôi cả con nhỏ nên hoàn cảnh có phần nào vất vả hơn những anh chị em khác học cùng trường. Có thể nói, với việc tiếp cận trực tiếp đời sống của cộng đồng Việt ở mọi lĩnh vực, nhóm phóng viên VTC10 đã phản ánh được một bức tranh khá toàn diện về cộng đồng người Việt Nam tại Anh.

 Và, việc ý nghĩa nhất, quan trọng nhất mà nhóm phóng viên VTC10 cũng như Hoài Quyên đạt tới, đó chính là đã tăng được tính tương tác cho những  chương trình sản xuất tại nước ngoài bằng việc “xây những chiếc cầu” để truyền tải hình ảnh - tiếng nói - tâm tư – tình cảm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến với khán giả xem truyền hình trong nước. Không ít những chương trình đã có sức lan tỏa và tác động mạnh đến cảm xúc của người xem, đặc biệt là khi khán giả thấy hình ảnh người thân của mình đang xa xứ. Những chương trình như thế tựa như những cây cầu bắc qua khoảng cách  không gian địa lý giữa Việt Nam và các quốc gia khác.
Khánh Linh

Bình luận
vtcnews.vn