VTC2 tác nghiệp "trên tầng cây số"

Tổng hợpThứ Sáu, 05/10/2012 09:25:00 +07:00

Những trải nghiệm thú vị khi phóng viên VTC2 tác nghiệp "trên tầng cây số' ở các quốc gia trên thế giới.

Những trải nghiệm thú vị khi phóng viên VTC2 tác nghiệp "trên tầng cây số' ở các quốc gia trên thế giới.

Nguyễn Thu Hiền tới Singapore trải nghiệm NOKIA N9

Mỗi lần gặp nhau một nơi nào đó ở Đài Thu Hiền thường chào tôi “Bonjour Monsieur”. Tôi đáp lại “Bonjour Madame”. Và rồi đi nhanh kẻo cô “bắn” tiếp là chết tắc. Đinh ninh Thu Hiền học tiếng Pháp! Khi xem chương trình Thời sự ICT trên Kênh VTC2 tháng 6 năm ngoái, thấy Thu Hiền đang tường thuật sự kiện Nokia Connection ở khu phức hợp Marina Bay Sands - Singapore gửi về trong ngày cùng một phỏng vấn ông Chủ tịch hãng Nokia Stephen Elop, lưu loát và thông thạo.

 
Mới nghĩ Thu Hiền học tiếng Anh. Nhầm. Hóa ra, điều từng đinh ninh là đúng. Tiếng Pháp là ngoại ngữ 1 còn tiếng Anh là ngoại ngữ 2 của nữ phóng viên này! Tuy nhiên, công việc làm báo, lại về IT buộc Thu Hiền phải tự trau dồi, nâng cao khả năng tiếng Anh để thuận tiện cho tác nghiệp.

Ngày nào cũng có một vài tin hoặc tường thuật tùy theo diễn tiến trong 3 ngày diễn ra sự kiện. Cái buổi cô tường thuật trải nghiệm sản phẩm mới của Nokia, là chiếc điện thoại Nokia N9 thật duyên làm sao! Chuyên nghiệp, phong cách và tự tin như phóng viên nước ngoài.

Lần ấy, Thu Hiền được mời tham dự  sự kiện Nokia công bố “chiến lược kết nối 1 tỷ người tiếp theo” trong giai đoạn phát triển mới của Nokia -  hướng tới những ai trên toàn thế giới chưa có điện thoại. Đồng thời tập đoàn điện thoại Phần Lan cũng ra mắt một số sản phẩm mới nhất trong đó có smartphone Nokia N9 – dùng hệ điều hành MeeGo (khác với hệ điều hành Android, iOS thông dụng - PV) và cũng là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới không có phím bấm mặt trước.

Sự kiện ấy đã thu hút gần 100 nhà báo về công nghệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Đoàn nhà báo Việt Nam, Lào, Campuchia có tất cả 8 phóng viên làm báo viết cùng 2 người duy nhất làm truyền hình, đó là Thu Hiền và quay phim Tuấn Khanh của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Xem phát sóng tưởng công việc ở Singapore suôn sẻ. Nghe Thu Hiền kể mới thấy không đơn giản như tôi nghĩ.

Chuyến đi ấy, về ăn, ở, đi lại Nokia lo cho các phóng viên từ A đến Z. Vấn đề nằm ở khâu tác nghiệp. Quay phim Tuấn Khanh không biết tiếng Anh. Ở khác phòng trong 1 khu phức hợp lớn – Marina Bay Sands. Người nước ngoài làm việc giờ hẹn “exactly”. Buổi phỏng vấn riêng với ông Chủ tịch hãng Nokia Stephen Elop chỉ được ông dành cho 30 phút. Bởi sau đó ông còn làm việc với các đoàn khác như Thái Lan, Tây Ban Nha…Nếu không “setup” được thời gian đúng hẹn coi như “out” luôn dịp hiếm hoi đấy.

Tương tự, các hoạt động khác liên quan trong chuỗi sự kiện cũng vậy: luôn cần đúng giờ và trong thế sẵn sàng! Giải pháp để “contact” với quay phim là phải có “roaming” điện thoại. Nhưng quay phim lại không kịp đăng kí dịch vụ này trước chuyến đi. Thu Hiền chịu trận: Roaming cả 2 số điện thoại của cô! Alo-alo liên tục để nhắc việc, nhắn địa điểm di chuyển.

Không bồi dưỡng không phong bì. “Out pocket-money” nhìn thấy 2 triệu cho hóa đơn điện thoại cuối tháng . Không hy vọng ai chung chi. Thu Hiền như được kích hoạt IT đã nói với tôi toàn ngôn ngữ của “Dân IT” rồi cười ha ha. Và có một câu đáng nhớ “Đi làm nghề khi ấy chỉ có nghĩ tới yếu tố được việc thôi. Xong việc rồi mới…bấm đốt ngón tay. Hu hu!” Tôi đùa cho đồng điệu ngôn ngữ IT “Sau đó, xem lại kết quả công việc thì được refresh chứ?” Cả hai cùng cười tóang.

Chuỗi sự kiện diễn ra liên tục, song múi giờ chênh nhau 1 tiếng, nên Thu Hiền vẫn đẩy được tin bài về Đài kịp giờ phát sóng trong ngày ở trong nước trên Kênh VTC2. Thu Hiền khoe Trung tâm Báo chí nơi diễn ra sự kiện ở Singapore được trang bị rất tốt. Nhưng phần mềm dựng không giống ở Đài mình. Thu Hiền phải dùng máy tính cá nhân tự làm từ A đến Z.

 
Quay tiền kì xong, Thu Hiền phải tự làm hậu kì tại phòng khách sạn! Text được đẩy về nhà trước, qua wifi. Sau đó dựng hình theo kịch bản ước lượng thời gian với số lượng từ đã viết. Nếu đẩy hình thô về sẽ phức tạp cho người ở nhà, và tốn thời gian. Cứ buổi trưa là căm cụi làm file cho chuỗi hoạt động sáng, và chiều cho chuỗi hoạt động chiều. Thu Hiền kể với tôi, đau nhất là hôm cuối cùng, đẩy được tin về còn cái talk với Tổng Giám đốc Nokia Đông Dương William Hamilton-Whyte về chiến lược mới và thị trường Việt Nam như thế nào thì Wi-Fi internet trong phòng bất ổn. Không gửi về được, lỡ giờ phát sóng trong ngày. Thu Hiền tự trách mình có hơi tham thời lượng một chút!

Sự kiện này của Nokia, Thu Hiền được mời chính danh. Tôi biết, thông thường những thương hiệu lớn hay tập  đoàn đa quốc gia, người ta rất quan tâm tới sự năng động của các phóng viên! Theo tìm hiểu, Nokia đã quan sát nhiều lần khi cô tác nghiệp ở trong nước, trong các sự kiện tầm quốc tế, và nhận ra Thu Hiền có thể đối thoại, chủ động khai thác thông tin được bằng tiếng Anh. Hơn thế, cách tiếp cận sản phẩm và đặt vấn đề về tiến bộ công nghệ, cô có cách nhìn sâu sắc và có khả năng phân tích, nêu bật được vấn đề. Và đó là điều đã khiến êkip của Thu Hiền là êkip truyền hình duy nhất trong khu vực được mời tác nghiệp tại Nokia Connection 2011.

Lê Thanh Bình sang Mỹ ngắm "Thung lũng Silicon"

Lê Thanh Bình đi tác nghiệp ở Mỹ trong một sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam tại Mỹ” do Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Ngọai giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đồng tổ chức. Trong chuỗi sự kiện ấy có sự kiện hợp tác xúc tiến đầu tư về công nghệ thông tin hai bên Việt Nam và Mỹ.

Lần đầu tiên đi Mỹ khiến Thanh Bình vui sướng nhưng cũng không khỏi lo lắng. Lo lắng phải tác nghiệp ở một nơi mình anh với quay phim phải tác nghiệp độc lập trong một sự kiện quan trong và phức tạp phản ánh một chuỗi những cuộc gặp gỡ mà mình chưa hình dung ra trước những gì sẽ diễn ra. Nhưng trước nhất đối với một phóng viên truyền hình là phải chuẩn bị thật đầy đủ và chu đáo phương tiện tác nghiệp. Đôi khi chỉ là những chi tiết rất nhỏ như chiếc “giắc” cắm với thiết bị của mình kiểu gì cho đồng bộ cũng trở nên quan trọng. Anh đã phải đi hỏi nhiều nơi nhiều người, và được biết giắc cắm dẹt mới thích nghi với bên ấy. Anh lo lắng là có lý.
 
Trong chuyến du lịch châu Âu của tôi vừa qua cũng đã được hướng dẫn viên du lịch cảnh báo sớm về cái điều tưởng như nhỏ bé này là giắc cấm điện “sạc” pin máy ảnh và điện thoại, và phải chuẩn bị ngay từ trong nước nếu không là “ngồi chơi xơi nước” mất hình ảnh để khoe. Mà đối với Thanh Bình ở Mỹ là không thể làm việc được, không thể chạy ào ra chợ ra phố mua như ở Việt Nam. Anh mang theo một máy quay, một laptop chuẩn bị tinh thần cùng quay phim Hồng Giang ghi hình xong là dựng ngay viết text đẩy file hình ảnh về Việt Nam luôn.

Một chuyến đi tới nước Mỹ ở Tây bán cầu xa xôi. Một chuyến tác nghiệp siêu ngắn 4 – 5 ngày. Lệch múi giờ tới 12 tiếng. Lịch làm việc kín mít. Hội nghị quan khách đông. Vừa làm tin tường thuật vừa phỏng vấn. Cả đối tác bên mình lẫn bên kia. Căng hết các giác quan quan sát mà không xuể. Di chuyển trong các hoạt động “tơi bời khóa lửa”. Không có thông cáo báo chí hỗ trợ.

Phải hỏi hết người này đến người kia để nắm thông tin…Tóm được một người nào đấy lại ra một người nào đó khác. Ví như tóm được một quan chức người Việt ở VNPT trong mối quan hệ ông ấy sẽ cho mình cơ hội gặp một quan chức khác…Lê Thanh Bình kể với tôi từng ấy bối cảnh chỉ nghe thôi đã thấy chóng cả mặt huống hồ anh phải chịu áp lực công việc cao trong cái “ma trận tối mắt tối mũi”.

Không cần nghe nói thêm, tôi đã hình dung tốc độ làm việc của ê-kip anh: Khi người ta ngồi nghe thì anh ghi hình. Khi người ta giải lao thì anh tranh thủ phỏng vấn bên lề hội nghị. Khi người ta ăn thì anh viết text dựng hình và lên mạng đẩy hình ảnh về nước. Phải chia nhỏ thành nhiều file tránh quá tải đường truyền không thoát.

Những gì Thanh Bình phải thể hiện được trong các tin và phỏng vấn của mình, là người Mỹ có hứng thú đầu tư vào Việt Nam không? Đầu tư vào Việt Nam họ đòi hỏi điều kiện gì? Họ biết nhiều các công ty về công nghệ ở Việt Nam hay chưa và mong muốn? Để từ những thông tin ấy anh làm những chương trình “Cơ hội hợp tác Việt – Mỹ về công nghệ thông tin” trong thời gian về nước thành một chuỗi vấn đề có hệ thống. Một chuyến đi mà anh mất ngủ vì lệch múi giờ, và mỗi đêm chỉ ngủ được có 2 tiếng đồng hồ.

 
Trên đất Mỹ anh gặp Đức Hoàng, phóng viên VTV thường trú tại Mỹ. Hai người vui sướng hả hê. Một, gặp được một đồng nghiệp nơi đất khách quê người. Còn một, gặp lại người quen cũ được hút điếu thuốc lá Vinataba bấy nay không được thưởng thức hơi thuốc của quê nhà mà Thanh Bình mang theo và tặng Đức Hoàng một bao.

Hân hạnh nhất với Thanh Bình là ngày cuối cùng anh được đi thăm “Thung lũng Silicon” ở phía nam vùng vịnh San Francisco và phía bắc bang Califonia: Một Trung tâm của kỹ nghệ điện toán thế giới. Cái rốn công nghệ toàn cầu. Nơi tập trung các ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Nơi khai sinh của những người khổng lồ trong công nghệ Apple, Google, HP mà rất hiếm “Dân IT” có cơ hội đến. Máu nghề nổi lên, anh bàn với quay phim sẽ có thêm những phóng sự về Trụ sở của Google, của HP, về những cơ sở công nghiệp kỹ thuật cao đặc sắc nhất. Nhưng, cũng là nuối tiếc lớn nhất, sau khi kiểm tra an ninh mới được biết “Cấm quay phim chụp ảnh”. Vậy là chỉ được “ngắm” Thung lũng Silicon thôi.
Thanh Bình à. Dẫu sao anh cũng đã may mắn hơn nhiều “Dân IT” rồi.
 
Air Asia mời Lê Tân đến Malaysia lái máy bay ảo
     
Giống như Thu Hiền, từ mối quan hệ với các đối tác công nghệ thông tin ở thành phố Hồ Chí Minh khi Lê Tân làm chương trình “Thế giới mobile”, anh đã được hãng Hàng không Air Asia mời sang Văn phòng của hãng ở Malaysia tham quan. Theo Lê Tân nói thì họ hình như muốn để cho đoàn nhà báo Việt Nam sự bất ngờ, không cho biết mục đích của chuyến tham quan này. Và chẳng lẽ chỉ là để tham quan văn phòng cùng cách vận hành của một hãng hàng không giá rẻ? Ở đó có các phòng ban làm việc, những nhân viên bận những bộ y phục Hồi giáo. Và tiện nghi làm việc đủ đầy với những máy giải khát miễn phí ngoài hành lang, hoặc “Wi-Fi Coffee”, hoặc chiếc máy bán sim thẻ tự động miễn phí.

 
Cuối cùng điều bất ngờ hé lộ. Họ tổ chức cho các phóng viên Việt Nam trải nghiệm lái thử máy bay. Mà máy bay đó lại là máy bay…ảo. Làm như thật nhưng hình ảnh là hình ảnh 3D. Nó là cái máy bay dạy cho các phi công trước khi lái máy bay thật. Tức là phải làm quen và lái thành thạo máy bay ảo này. Mỗi phóng viên chỉ được trải nghiệm có 15 phút. Trong một không gian chật trội chừng 10 mét vuông, khoang lái máy bay cùng thiết bị điều khiển choán già nửa diện tích, chỉ nguyên việc chuẩn bị điểm đặt máy quay, góc quay, những cú máy di chuyển đã đặt ra nhiều tình huống cho Lê Tân và quay phim lựa chọn trong một thời gian chỉ có 15 phút.

Khó ló khôn. Lê Tân xin Air Asia cung cấp cho anh một cái địa chỉ blog – trang mạng của cô nhân viên marketing của họ. Khi vào trang mạng ấy Lê Tân phát hiện ở đó có rất nhiều những bức ảnh của căn phòng tập lái máy bay ảo. Tối, Lê Tân và quay phim vạch ra một kịch bản tranh mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là Storyboad căn cứ vào những bức ảnh ấy.

Cho thấy từng vị trí đặt máy có thể cho những khuôn hình từ toàn cảnh đến cận cảnh, khả năng làm những cú máy travailing hoặc những động tác di chuyển lia…Tất cả sự chuẩn bị sao cho ngắn thời gian nhất, không mất công chọn lựa, đặc biệt là lúc Lê Tân trải nghiệm chỉ có một mình quay phim độc lập tác chiến trong 5 phút phải hoàn thành các cảnh để có đủ hình ảnh nháp dựng một phóng sự về sự kiện công nghệ thú vị này. Đã chuẩn bị là thế, mà khi tác nghiệp vẫn lúng túng chỉ ghi được những hình ảnh…rung lắc. Thôi thì quý hồ có một cái phóng sự lạ, về một phòng lái máy bay ảo rất lạ, người thực hiện trải nghiệm cũng lạ vì phải mặc y phục đạo Hồi mà ở nước ta phòng bay ảo chưa có.

Lê Tân rất thú vị với cái cảm giác khi máy bay cất cánh, áp suất không khí thay đổi, cho xử lý nhiều tình huống khẩn cấp như gặp mưa bão hay gió xoáy trên không, từ tiếng rầm rì động cơ, tiếng gió hút, đến tiếng “phập” khi bánh xe máy bay tiếp đất. Tất cả những cảm giác trên chiếc máy bay ảo ấy lại là những cảm giác…như thật.

Một cô kỹ sư trợ giảng ở phòng máy cũng mặc y phục Hồi giáo giới thiệu công nghệ họ vận hành cho Lê Tân hay, đây chính là trường đào tạo phi công của Air Asia cho nhiều quốc gia ở châu Á. Cô gái Hồi giáo ấy còn mỉm cười nói nếu cô không nhầm thì đã có 50 phi công Việt Nam được đào tạo từ đây. “Cậu không hỏi họ mời các phóng viên Việt Nam sang Malaysia ăn chơi 3 ngày tốn kém chỉ để trải nghiệm chiếc máy bay ảo sao?” “Có. Không phải là họ muốn phóng viên Việt Nam PR. Mà là để kết nối với các phóng viên bằng những chuyến đi. Bởi Air Asia sắp mở đường bay giá rẻ vào thị trường Việt Nam”.

Tôi đã vỗ vai Tân và cười rũ ra vì cái sự vô tư ấy của Air Asia giá rẻ.

Giang Lân

     
      


      
Bình luận
vtcnews.vn