VTC14 khám phá dòng Mississippi

Tổng hợpThứ Năm, 04/10/2012 12:17:00 +07:00

Với 17 ngày, qua 6 tiểu bang, khi đường bộ, đường thủy, lúc đường không. Một cuộc hành trình đầy quý báu và nhiều cảm xúc cho các nhà báo VTC 14.

Với 17 ngày, qua 6 tiểu bang, khi đường bộ, đường thủy, lúc đường không. Một cuộc hành trình đầy quý báu và nhiều cảm xúc cho nhà báo Lại Trọng Tình - PGĐ kênh VTC14 cùng nhóm phóng viên trong chuyến đi tác nghiệp ven dòng sông Mississippi huyền thoại của nước Mỹ.

Hành trình đã kết thúc, 10 bộ phim tài liệu khoa học đã phát sóng, cũng là khi Trọng Tình có thời gian để hồi tưởng lại cảm xúc về những vùng đất mình vừa đặt chân đến…

Đứng ở Seattle nhớ đất Hải Phòng

Nửa vòng trái đất. Gần 24 giờ lơ lửng trên không. Hơn một năm đợi chờ và chuẩn bị. Cuối cùng thì đoàn làm phim Kênh VTC14 chúng tôi cũng đã đặt chân tới Seattle. Điểm khởi đầu cho một chuyến đi dài và xa.

Chớm vào xuân, thành phố trầm mặc nằm trên bờ Thái Bình Dương cũng chỉ mới như vừa thức giấc. Nó thức giấc, để chào đón hậu duệ của những người châu Á mà xa xưa, thủy tổ của họ cũng đã đến đây trên con đường chinh phục voi mamut. Những người đã vượt qua eo biển Barringa vào thời kỳ đỉnh cao của Kỷ Băng Hà, xuyên qua những núi băng khổng lồ xuôi xuống phía Nam rồi hòa hợp với thiên nhiên, khí hậu, đất đai trở thành người bản địa Hoa Kỳ… những thổ dân da đỏ.

Nhà báo Lại Trọng Tình - PGĐ kênh VTC14  
Vì nằm ven bờ biển Thái Bình Dương nên Seattle có những liên hệ lịch sử, văn hóa, kinh tế từ lâu đời với châu Á. Cộng đồng người Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam đến đây, tạo nên một xã hội đa văn hóa cho vùng đất này. Dù là một thành phố cảng sầm uất nhất nhì nước Mỹ ngày nay, Seattle vẫn giữ cho mình nét gì đó tĩnh lặng, không ồn ào.

Seattle có mưa nhiều và rải rác quanh năm, chính vì vậy thành phố này còn được mệnh danh là thành phố mưa, hay thành phố xanh – vì cây cối quanh năm xanh tốt nhờ lượng mưa dồi dào. Chính quyền thành phố Seattle luôn bảo đảm cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Seattle là một hải cảng duyên hải Thái Bình Dương quan trọng, là một cửa ngõ chính dành cho việc thông thương với châu Á. Cách xa nửa vòng trái đất, song có thể tìm thấy nhiều nét tương đồng giữa hai thành phố cảng Seattle- Hoa Kỳ và cảng Hải Phòng của Việt Nam. Những người Việt ở Seattle đã sớm nhận ra sự tương đồng đó và sớm có những bước đi táo bạo, thúc đẩy một mối quan hệ hợp tác mang tính lịch sử này…

Chúng tôi tới thăm Trường Đại học Washington và thật may mắn được tham dự buổi họp của Tổ chức Greater Vietnam Seattle, tạm dịch là: Vì sự phát triển của người Việt tại Seattle. Thành viên của Tổ chức không chỉ bao gồm những người Việt ở Seattle mà còn có rất nhiều người Mỹ và các quốc tịch khác. Họ có thể đã đến Việt Nam hoặc chưa, song họ đều dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam.

Không chỉ quan tâm đến mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai thành phố, Greater Seattle Vietnam đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình từ thiện nhằm giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Trẻ em không biên giới, Gió hòa bình là những dự án đã được triển khai từ nhiều năm nay.
Sông Mississippi nhìn từ trên cao. 
Khi chúng tôi tới đại bản doanh của các tình nguyện viên thuộc dự án Trẻ em không biên giới, trời bất ngờ đổ mưa to khiến Seattle càng thêm giá lạnh. Bất chấp điều đó, các tình nguyện viên vẫn khẩn trương đóng gói đồ đạc để kịp cho chuyến công tác sang Việt Nam. Họ muốn đó sẽ là sự gắn kết của những con người, những tâm hồn và những tấm lòng chia sẻ …

Gặp “Vua phở” trên đất Mỹ

Được xây dựng trên 7 quả đồi, không khó hiểu vì sao những con đường  ở Seattle cứ quanh có, gấp khúc. Xưa kia, trong bức thư gửi người da trắng, tù trưởng người Da đỏ đã gửi đi một thông điệp vô cùng sâu sắc, nêu lên mối quan hệ của đất với con người hết sức thân thiết: “Cha ông, tổ tiên của người da đỏ đã tồn tại trong thiên nhiên, trong những dòng nước, trong âm thanh của côn trùng và nước chảy. Trái đất là mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là máu thịt của đất và đất là máu thịt của chúng tôi”. Con người thuộc về đất đai. Lời của người tù trưởng thật đúng theo nghĩa đen của nó.  

Có thể nhận thấy dấu ấn sâu đậm của một xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc hiện hữu ở vùng đất này. Mảnh đất hiền hòa ấy cũng bao dung đón nhận những con người xa xứ. Miễn là họ đã sống và gắn bó với mảnh đất này. Bruce Lee, hay chính là Lý Tiểu Long – ngôi sao điện ảnh võ thuật nổi tiếng của Trung Quốc là một người như vậy. Ông sinh ra ở San Francisco, lớn lên ở Hong Kong và nằm lại vĩnh viễn ở Seattle.

Trong cộng đồng những người di cư, bao gồm cả người gốc Á ở Seattle, người Việt chỉ chiếm 2,4% dân số ở Seattle. Tuy không nhiều, song cộng đồng người Việt ở đây luôn có nhiều hoạt động thú vị và được đón nhận nồng nhiệt.

Trường Đại học Washington thuộc thành phố Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ là nơi có khá đông sinh viên Việt Nam theo học. Chính vì vậy, Hội sinh viên Việt Nam tại đây thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng; nhằm mục đích đoàn kết và giúp đỡ các sinh viên, du học sinh Việt Nam tại đây học tập và nghiên cứu; đồng thời kết nối và duy trì những phong tục văn hóa Việt Nam, không chỉ cho sinh viên mà cả cộng đồng người Việt tại đây.

Nhóm làm phim VTC 14 tạiSeattle.

Khuôn viên trường ĐH Washington tại TP Seattle ngày hôm nay náo nhiệt hơn thường lệ. Các bạn sinh viên này đã xếp hàng từ trưa, dù 5h chiều, sự kiện mới bắt đầu. Họ đang rất háo hức, muốn trổ tài nấu phở. Vua nấu phở được tổ chức dưới hình thức một show diễn, với 16 ứng viên lọt vào vòng chung kết, sẽ phô diễn tài năng nghệ thuật của mình. Vua phở phải là một thanh niên nhiệt huyết, năng động, là đại diện xứng đáng cho thanh niên Việt Nam tại Mỹ; và tất nhiên phải yêu thích món Phở!

Mười sáu thí sinh xuất hiện đầy bất ngờ trên một sân khấu được trang trí thuần Việt… với những ca khúc Việt Nam sâu lắng… gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Không ít người trong số họ lần đầu tiên biết tới môn võ cổ truyền Vovinam của Việt Nam. Nhiều bạn trẻ thực sự xúc động khi ở giữa lòng nước Mỹ được gặp lại nón lá, áo dài, được nói những câu từ tiếng mẹ đẻ thật gần gũi, thân thương…

Dù chỉ có hơn hai ngày với vài điểm đến, nhưng những gì mà Seattle đã để lại trong các thành viên của đoàn thật khó mờ phai. Khó quên nhất, lại chính là những cảm nhận từ sự gắn kết giữa tự nhiên với con người. Có thể ít người biết cái tên Seattle xuất phát từ Tù trưởng Seath. Nhưng ở một thành phố mà thiên nhiên với đồi núi, hồ và biển … Seattle đã và đang minh chứng cho cuộc hành hương của loài người về phía tự nhiên, sau khi đã mất hàng chục thế kỷ đi ngược về phía kia đường.

Memphis- “Đứa con cưng” bên dòng Mississippi

Tạm biệt Seattle, chúng tôi lên đường tới Memphis, tiểu bang Tennesse. Nơi bắt đầu của vùng đồng bằng sông Mississippi rộng lớn với những câu chuyện sâu lắng về Mẹ tự nhiên trong dòng chảy đỏ phù sa.

Buổi sáng đầu tiên ở Memphis, thời tiết đẹp báo hiệu một cuộc hành trình đầy thú vị. Chúng tôi ghé thăm Công viên và Bảo tàng trưng bày lịch sử sông Mississippi tại Đảo Bùn. Trey Gustini, giám đốc Bảo tàng là bạn đồng hành cùng chúng tôi. Bảo tàng này chính là địa điểm lý tưởng cho chúng tôi khám phá lịch sử hình thành và phát triển của dòng Mississippi, theo một cách rất riêng …

Chúng tôi được Trey dẫn đi tham quan khắp bảo tàng và trải nghiệm cảm giác trên một con tàu hơi nước chạy trên sông Mississippi.  

Vị trí của Memphis dọc theo sông Mississippi là một thuận lợi, góp phần quan trọng cho vùng đất này vươn lên mạnh mẽ trong quá khứ. Nhưng nó cũng tạo ra không ít khó khăn cho thành phố này trước những trận lũ lớn từ sông Miss.

Dẫn tại Street- Car, Mew Orleans. 


Trey cho biết, thủa sơ khai, mô hình kè bờ ở đây được ghép bằng thân cây liễu. Kè liễu ban đầu được dùng để cố định bờ sông, bảo vệ khu vực này khỏi hiện tượng xói mòn đất. Người dân thành phố đã dùng loại kè này cho đến khi có loại kè làm bằng bê tông hiện đại hơn. Kè được xây dựng men theo bờ sông, giúp đất không bị trôi khỏi bờ khi sóng vỗ.

Chia tay Trey, chúng tôi lên đường vào trung tâm thành phố …Người ta đến với Memphis vì nhiều lý do, trong đó có mong muốn được một lần đi du thuyền trên sông Miss và nghe nhà sử học Jimmy Ogle giải thích về lịch sử của vùng đồng bằng Miss trù phú. Vì thế, tất nhiên, chúng tôi đã tìm gặp Jimmy.

Jimmy Ogle – nhà sử học đã dành cả cuộc đời cho nghiên cứu và bảo tồn sông Miss. Công việc của ông hiện giờ là hợp tác với Tổ chức bảo vệ bờ sông Riverfront Development Corporation thực hiện các dự án, vừa chống lũ lụt sông Miss, vừa khai thác tiềm năng du lịch từ dòng sông này. Jimmy dẫn chúng tôi đến một công trình đang được xây dựng bên bờ sông Miss, ngay trung tâm thành phố.

Nếu như trước đây, Memphis vẫn bị lũ sông Miss đe dọa hàng năm thì ngày nay, con người đã dần khắc phục được những cơn thịnh nộ này. Ở hai bên bờ sông, những giải pháp công trình được áp dụng hiệu quả để kiểm soát lũ và bảo vệ thành phố.

Đúng 14h chiều, Jimmy lại đến với công việc quen thuộc mỗi ngày của mình – làm hướng dẫn viên trên con tàu Queen Mighty, đồng hành cùng những du khách khám phá dòng sông Miss. Trong lúc chờ tàu xuất phát, chúng tôi may mắn được trò chuyện với Thuyền trưởng của tàu, anh William Lozier và tìm hiểu những câu chuyện thú vị. Trời bất ngờ đổ mưa to và se lạnh nhưng không ngăn cản được sự háo hức, tò mò của du khách.

Buổi tối, chúng tôi về lại Memphis, kết thúc một ngày rong ruổi bằng cách hòa mình trong tiếng nhạc Rock&Roll quen thuộc. Phải rồi, người ta đến Memphis còn để nghe nhạc. Bởi đây là quê hương của nhạc Blues, là nơi sản sinh ra điệu Rock&Roll.

Lang thang ở phố “Đất Sét”

Từ Memphis, xuôi theo đường cao tốc số 61 xuống phía nam. Vượt qua 268 cây số, chúng tôi đến Vicksburg bang Mississippi. Nếu như Memphis gợi tưởng đến một thành phố cổ bên sông Nile trong truyền thuyết, thì cái tên Vicksburg bản thân nó, đã tỏa ra mùi Nội chiến. Cách đây 150 năm, Vicksburg là pháo đài cuối cùng của Liên bang Miền Nam chống lại Liên đoàn Miền Bắc… Một cuộc chiến gắn liền với con sông Mississippi mà sự thành bại, thật tình cờ, chỉ là nhờ vào sự lên xuống của dòng sông.

Chúng tôi tìm gặp Nancy Bell– Một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Vicksburg. Nancy Bell là người sinh ra, lớn lên, và gắn bó cả đời mình với Vicksburg. Công việc của Nancy là gìn giữ và quảng bá cho những giá trị lịch sử của Vicksburg. Ở đây, cụ thể, là bảo tàng CocaCola… Tại tiệm tạp hóa của nhà buôn Biedemharn, năm 1894, ý tưởng về CocaCola đóng chai đã thành hiện thực. Rồi 120 năm sau, 2012, cứ mỗi giây, có tới 11 ngàn 200 người uống loại nước ngọt màu nâu này. CocaCola giờ đã có mặt ở hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành biểu tượng cho văn hóa tiêu dùng kiểu… Mỹ.

Từ trụ sở làm việc của Nancy, chỉ dăm phút đi bộ dọc theo phố Clay là xuống bờ sông Mississippi. Ở đây có hẳn một phòng trưng bày nghệ thuật ngoài trời với những bức tranh tường khổ lớn vẽ các hình ảnh văn hóa, lịch sử của thành phố thơ mộng bên sông này.

 
Clay tên Tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt là Đất sét. Người Mỹ cũng lạ, lấy một cái tên đầy bùn và rất “cù lần” để đặt tên cho dãy phố rực rỡ sắc màu văn hóa… Người Vicksburg thì hiểu, đó là cách để thành phố tôn vinh những gì mà Đất và Sông đã mang đến cho cư dân ở đây.

Có một cuộc nội chiến khác ở Vicksburg chưa bao giờ chấm dứt. Đó là cuộc chiến với sự thịnh nộ của Dòng sông. Một cách hết sức lý trí, mọi nền văn minh trên thế giới này đều gắn với những dòng sông. Chúng chảy qua các vùng miền mang đến cho nhân loại sự sống, nước sạch, thực phẩm và những con đường cao tốc không cần trải nhựa… Nhưng những gì dòng sông mang lại, nó có thể lấy đi ngay trong một cơn giận giữ.

Để giúp cho các thành viên của VTC14 mục sở thị công việc của Ủy hội sông Mississippi, một cơ quan thuộc Lực lượng Công binh Hoa kỳ với hơn 125 năm lịch sử gắn liền với Mississippi, người của lực lượng Công binh đã dẫn chúng tôi tham quan công trình chống sạt lở bờ sông đang được tiến hành ở vùng Vicksburg. Trong tiếng máy cano, câu chuyện về lịch sử của những người lính Công binh trong cuộc chinh phục dòng sông đã được các thành viên đi cùng kể một cách đầy tự hào.

Nhà báo Lại Trọng Tình tác nghiệp bên sông Mississippi.

Chính nhóm 7 người này là những thành viên đầu tiên của Ủy hội sông Mississippi- cơ quan hành pháp được Quốc hội Mỹ thành lập vào ngày 28/06/1879. Nhiệm vụ của họ là tái tạo lại dòng sông Mississippi, biến nơi này thành tuyến giao thông thương mại huyết mạch, an toàn và đáng tin cậy. Song song với đó là bảo vệ các khu vực đất đai lân cận khỏi nguy cơ ngập lụt. Đây là một sứ mệnh to lớn, đến mức được đại danh hào Mark Twain ví là sánh ngang với quá trình đấng tạo hóa tạo nên con sông Mississppi.

Bob Anderson- thành viên của Uỷ hội cho biết vào thời điểm này, ông cùng hội đang tích cực phối hợp với những đồng sự của mình ở Ủy hội sông Mekong để giải quyết những vấn đề là mối quan tâm chung của các dòng sông lớn trên thế giới.

Trải nghiệm thủy phi cơ và xuồng máy


Đoàn làm phim Kênh VTC14 tiếp tục dừng chân tại bờ đông sông Mississippi, nơi có thành phố cổ ven sông Natchez, một cái tên  được người Tây Ban Nha đặt, lấy theo tên của một bộ lạc da đỏ nổi tiếng xa xưa của vùng đất này.

Buổi trưa, con phố nhỏ ven sông trầm mặc và kiêu kỳ như một cô gái Pháp với những ngôi nhà mang kiến trúc đặc thù của Paris thời Napoleon. Những giỏ hoa treo và khung cửa uốn với lan can bằng thép. Natchez của thế kỷ 21 vẫn lưu giữ trọn vẹn cho mình một dáng vẻ châu Âu thế kỷ 18.

Ba thành viên của Kênh 14 và những người bạn từ cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ đã có một buổi tối Phục Sinh ấm cúng trong không khí lễ Cajuns, âm nhạc và món súp gumbo rất Pháp, lại thêm cả món tôm crawfish của lễ Phục Sinh.

Cuộc trò chuyện ấm cúng diễn ra trong tiếng nhạc. Nhà khoa học của Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) bộc bạch tâm trạng lo lắng của mình về sự can thiệp của con người và công nghệ với dòng sông.

Phỏng vấn nhà khoa học USGS. 
Mấy năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam, mà khắp nơi trên thế giới. Biến đổi khí hậu không còn là hình ảnh một con ngáo ộp mà các nhà khoa học đưa ra để cảnh bảo nhân loại. Nó đã trở thành một mối lo hiển hiện.
Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam từ hàng trăm năm trước đã chọn nơi đô hội trên một vùng thấp trũng và trở thành nguy cơ chìm nghỉm khi nước biển dâng. Louisiana cũng vậy, trong một kịch bản khả quan nhất của nguy cơ biến đổi, phần lớn bang sẽ trở thành mồi ngon cho biển cả mai sau.

Bảo vệ cứng bằng những triền đê, con đập… hay bảo vệ mềm bằng một vành đai sinh thái. Đó là câu chuyện được tranh cãi ở khắp nơi. Ngay cả khi ngồi trên chiếc thủy phi cơ của anh Lyler- người được cử đưa đoàn phóng viên VTC14 đi thăm toàn bộ vùng cửa sông Mississippi mà người ta vẫn gọi là Bird Foot, chúng tôi cũng tiếp tục nghe viên cựu cảnh sát này phàn nàn về tác động tệ hại của những con đê.

Từ trên máy bay này có thể nhìn rõ những vùng đốm đen trong tổng quan của Bird Foot, đó là những vùng mà phù sa bồi lắng đã bị chìm sâu xuống biển tạo thành một vùng nước chết. Kênh đào, các cổng xả lũ và ngăn nước đã giữ lại phần lớn của hơn 400 ngàn tấn phù sa.

Đã 7 năm trôi qua kể từ sau ngày cơn bão nhiệt đới Katrina tàn phá vùng châu thổ sông Mississippi bên bờ vịnh Mexico, những dấu tích trên hệ thực vật ở đây vẫn còn hiển hiện. Không chỉ là những cây sồi cổ thụ ngọn bị phạt ngang, những chiếc thuyền tôm lật úp không bao giờ ra khơi được nữa. Thảm thực vật mất chân do đất thiếu phù sa đã bị cày xới nát tan, môi sinh bị hủy hoại kéo theo hàng ngàn hệ lụy đối với cuộc sống con người.

Để có thể chứng kiến gần hơn, cụ thể mức thiệt hại của cửa sông, chúng tôi lại có thêm một chuyến đi thú vị bằng một loại xuồng đáy bằng, chạy động cơ phản lực. Chỉ có loại xuồng này mới có thể len lỏi qua những vùng đất thấp ngập tràn lau lách cửa sông.

Đất càng ngày càng bị sụt lún, phù sa thì ít đi mà những tác động của biến đổi khí hậu lại thật khó lường. Để phục hồi những thảm thực vật ít ỏi còn lại sau bão Katrina, cách duy nhất của những nhà khoa học là khơi thông dòng chảy và chờ đợi. Can thiệp vào con sông, cũng có nghĩa là khiến việc bồi đắp phù sa, chất dinh dưỡng cho khu đầm lầy này của Mississippi bị hạn chế.

Trong một ngày được trải nghiệm cảm giác thu vào tầm mắt cả dòng sông Missisipi huyền bí từ máy bay và len lỏi khắp khu đầm lầy bằng xuống máy để thu lượm những góc nhìn cận cảnh, thực sự là kỷ niệm khó quên đối với anh em phóng viên VTC14 trong chuyến đi lần này.

Dấu ấn người Việt ở Venice


Vượt 77 dặm về phía nam thành phố New Orleans, ở vào điểm cực nam của bang Lousiana, nơi dòng Mississippi hòa vào biển cả là thành phố Venice… Người Mỹ gọi đây là Tận cùng thế giới, dân câu cá gọi là thiên đường của cá chẽm và cá ngừ vây xanh, còn các nhà khoa học khắp nơi thì luôn thích thú Venice bởi nó là một trung tâm hàm chứa vô vàn những đề tài nghiên cứu về đa dạng sinh thái vùng ngập nước.

Theo số liệu của cơ quan quản lý dân số Hoa Kỳ, thì tính đến năm 2001, cả một vùng rộng lớn Venice dân số chỉ vỏn vẹn chưa đầy 500 người. Sau trận bão hủy diệt Katrina, con số đó tới nay đã vơi đi quá nửa, nhiều người dân sơ tán đã không về lại Venice bởi nhà cửa và phương tiện đánh bắt hải sản của họ đã chìm sâu xuống vịnh. Nhưng dù bị tàn phá bởi trận siêu bão và sự cố tràn dầu từ dàn khoan Deep Water Horizon năm 2010… Venice bây giờ vẫn giữ được vẻ thanh bình của một vùng thôn quê đặc trưng nước Mỹ.

Buổi chiều ngày thứ hai ở Venice, đoàn chúng tôi được Leander- một ngư dân chính hiệu, sinh ra, lớn lên và rồi gắn bó cả đời với mảnh đất này mời xuống xuồng máy của mình để đi dạo ngắm Venice. Chuyến đi không hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn, bởi ngay trong sáng ngày hôm trước, cả đoàn đã đi rất nhiều nơi cùng với các nhà khoa học của khu bảo tồn đất ngập nước Delta. Nhưng thực tế, đã không giống với những gì mà chúng tôi tiên lượng…

Phỏng vấn đại diện Engineers- Corps. 
Vừa lên xuồng, Leander đã nói ngay, hôm qua, các bạn đã đi thăm nhiều điểm được bảo tồn, vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ đến những điểm dân sinh, những vùng đất cũ giờ đã chìm xuống biển, và những khu dân cư bị tàn phá bởi Katrina.

Bảy năm là một khoảng thời gian quá dài để tìm lại những vết tích của trận cuồng phong khi đó, nhất là đối với một quốc gia giàu mạnh và có khả năng tái thiết chuyên nghiệp như nước Mỹ. Nhưng sự khốc liệt của Katrina đã hằn sâu trong tâm trí của những cư dân Venice như Leander. Một khái niệm mới đã sinh ra sau trận bão này, khi nói tới hai từ hậu Katrina, nhiều người Mỹ đã không còn mơ hồ về những ngôn từ khí tượng. Với họ, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan bây giờ đã trở thành những thuật ngữ rất gần gũi.

Ở Venice, cũng có những người Việt Nam. Chị Chung, một Việt Kiều đã sống ở đây hơn chục năm cho chúng tôi biết, những người bản xứ ở Venice rất thán phục và ngạc nhiên trước mức độ chăm chỉ, cần cù của người Việt… Sau cơn bão, những người Việt là những ngư dân đầu tiên quay trở lại Venice, bằng số tiền đã chắt chiu, dành dụm họ phục hồi lại nghề đánh bắt. Sau bão, nhiều người sơ tán và không quay trở lại, giá hải sản tăng cao, đó chính là cơ hội làm ăn của cộng đồng người Việt. Rồi khi cả một ngành công nghiệp khai thác và du lịch của Venice phải vật lộn với sự cố tràn dầu, những ngư dân Việt lại trở thành công nhân thau rửa và phụ việc cho các dàn khoan. Lao động và kiếm tiền ở Venice này không đơn giản, nhưng theo chị Chung, chỉ cần chịu thương, chịu khó thì cái đích là sự sung túc cũng chẳng mấy xa xôi.

New Orleans- Điểm cuối cuộc hành trình


Ở khu Versaille, Tây New Orleans có nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt sinh sống. Sau trận bão Katrina, những người đàn ông vẫn tiếp tục gắn bó với nghề đi biển, còn những người Phụ nữ ở nhà cũng bắt đầu tìm cho mình một công việc mới. Trước đây, trong khuôn viên của mỗi gia đình đều có một vườn rau, khi là thơm, ngò, rau muống lúc là xu hào, cải bắp...

Ngập lụt nhiều kéo dài nhiều ngày trong cơn bão đã cuốn sạch những vườn rau của họ. Bây giờ, với sự giúp đỡ của một nhóm tình nguyện viên, họ đang ứng dụng một cách trồng rau mới. Thím Ba Danh là vợ của một ngư phủ nổi tiếng ở Versaille. Chồng đi biển, ở nhà, công việc của thím là chăm sóc vườn rau đặc biệt này. Rau hữu cơ, và sạch, ngoài việc để dùng cho những bữa cơm trong gia đình, bè bạn, còn có thể bán cho hệ thống siêu thị trong vùng. Giá trị kinh tế không đáng là bao, nhưng trồng được một ngọn rau xanh là vơi đi một chút nỗi nhớ quê nhà. Những người Việt đã đem tới cho ngôi nhà mới của họ ở New Orleans sự tần tảo đặc thù văn hóa Việt.

Trong số những cư dân di cư đến và định cư ở thành phố New Orleans, có lẽ người Pháp là những người đã để lại nhiều dấu ấn di sản nhất cho mảnh đất ven sông Mississippi này. Từ kiến trúc đến ẩm thực, từ hội họa, đến âm nhạc, văn chương… tất cả những giá trị Pháp đã góp phần tạo ra nét đặc thù nhất của thành phố New Orleans.

Phỏng vấn nhà sử học Jimmy Olge tại Memphis. 
Không chỉ là một thành phố đóng vai trò cốt tử trong nền kinh tế của các bang miền Nam nước Mỹ, những giá trị văn hóa chính là yếu tố quan trọng khiến cho người Mỹ không ai muốn rời bỏ New Orleans mặc dù trong thời đại biến đổi khí hậu toàn cầu, một thành phố có cao độ nằm dưới mực nước biển là một nơi tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Ở New Orleans, mỗi khu nhà, góc phố đều có một câu chuyện riêng đẹp như cổ tích. Có lẽ vì thế đến hôm nay, khi con người đang quay cuồng trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin, người dân thành phố này vẫn tin vào sự kỳ diệu của những lá bài hay phép thuật Voodoo.

Cũng giống như Blues ở Memphis, Country ở miền Tây, nhạc Jazz là linh hồn của New Orleans. Nhạc Jazz, cây kèn, chiếc trống, tiếng hát và con sông Mississippi, tất cả đã làm nên một New Orleans. Khi tiếng nhạc vang lên trên đường phố, những đau khổ và mệt nhọc sẽ tan biến vào dòng nước Mississippi đổ vào biển cả mênh mông. Là một thứ ngôn ngữ không theo những khuôn mẫu chuẩn mực của âm nhạc cổ điển, nhạc jazz được xem là một loại nghệ thuật sống động, không thể giải thích bằng lời.

Cuộc hành trình gần 3500 cây số của Mississippi kết thúc là biển cả. Chuyến khám phá 15 ngày trên đất Mỹ của đoàn làm phim kênh VTC14 dừng lại ở thành phố đầy sắc màu văn hóa New Orleans. Vẫn còn nhiều điều muốn làm, vẫn còn nhiều nơi chưa được đến, vẫn còn đầy cảm xúc để trải nghiệm và khám phá... Vì thế, biết đâu, đây không phải là kết thúc, mà chỉ là khởi đầu cho những chuyến hành trình tiếp sau này…

Thanh Hương ghi
Bình luận
vtcnews.vn