Ca sĩ Thái Thùy linh: “Tôi nghĩ mình là người giàu có…

Tổng hợpThứ Tư, 16/05/2012 11:19:00 +07:00

“Những chuyến đi tình nguyện mang lại cho tôi những khám phá, trải nghiệm cuộc sống thú vị..."

“Những chuyến đi tình nguyện mang lại cho tôi những khám phá, trải nghiệm cuộc sống thú vị. Âm nhạc mang đến cho tôi sự thăng hoa, và thỏa mãn đam mê ca hát. Còn con cái cho tôi những điều mà chẳng âm nhạc hay hành trình nào mang lại được. Như vậy, có thể tôi nghèo hơn về vật chất so với đồng nghiệp nhưng ở nhiều lĩnh vực khác tôi tin mình là người giàu có…” - ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ.

 

 

“Cách cho quan trọng như cái được cho”

 

Chị nghĩ như thế nào về “cho” và “nhận”?

 

Đó không chỉ đơn thuần là hành động đưa tặng cho ai đó thứ gì và nhận lại thứ gì! Có khi người ta chỉ cho nhau những điều nhỏ nhặt nhất như một ánh mắt, một nụ cười cũng đủ để cả người cho lẫn người nhận cảm thấy một niềm hạnh phúc trong lòng. Nhà thơ Tố Hữu từng có hai câu thơ: “Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Tôi thấy hay và đúng. Cuộc sống luôn tồn tại song song hai khía cạnh “cho” và “nhận”. Nó như cặp mảnh ghép đi đôi với nhau, tạo thành một mắt xích liên tục làm nên sự toàn mĩ của mô hình mang tên cuộc sống.

 

Đứng ra tổ chức, thực hiện nhiều chương trình tình nguyện từ góp áo cho trẻ em nghèo miền núi đến mang tiếng hát vào bệnh viện động viên các bệnh nhi, động lực nào thúc đẩy chị làm những điều đó?

 

Mọi người vẫn nói tôi đang giúp trẻ con rất nhiều nhưng thực ra tôi cảm thấy mình đang “được” nhiều hơn. Tôi được đi, được trải nghiệm, được gặp những hoàn cảnh, số phận khác nhau trong cuộc sống. Chúng tôi cho đi gạo, tiền, quần áo, sách vở, đồng nghĩa với cho đi tình yêu thương, nụ cười, lòng nhân ái. Chúng tôi nhận lại những đoá hoa, những cái bắt tay, ôm hôn nồng nàn cũng là nhận sự cảm kích, lòng tin yêu, sự ủng hộ, và chúc phúc từ bà con đồng bào. Dẫu vất vả một chút nhưng khi nhìn công việc đạt hiệu quả thì tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi được thanh thản, niềm vui và cả sự thăng hoa.

Tôi vẫn nhớ cái lần cùng với 9 tình nguyện viên dậy sớm từ 6h sáng để bốc được 1100 bao quần áo lên xe ô tô. Có tham gia các hoạt động thiện nguyện mới thấy không chỉ có nghệ thuật mới làm người ta thăng hoa mà đôi khi chỉ những việc lao động chân tay như bốc vác từng bao tải quần áo, từng hộp mì tôm, thuốc men… cũng mang lại thật nhiều cảm xúc.

 

 

Người ta luôn nói nhiều về “cho” và “nhận”, nhưng làm thế nào để người nhận hiểu được tấm lòng của người cho chứ không phải là sự “bố thí”?

 

Nó nằm ở cách cho. Cách cho cũng quan trọng như cái được cho vậy. Hãy cho những gì trong khả năng của bạn. Cho những người cần nhận và cho một cách tự nguyện, chân thành, vô tư.

Tôi tuyệt đối không bao giờ gọi những chương trình mình làm là “từ thiện”. Vì sẽ khiến người ta nghĩ đến những người giàu đi cho những người nghèo. Khi tình nguyện viên đến với chương trình của tôi, tôi cũng phải xác định từ đầu đây là chương trình tình nguyện hoặc thiện nguyện. Những người trong nhóm chúng tôi, họ không hề giàu, nhưng họ muốn san sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Nhiều người không có vật chất thì họ góp sức lực, thời gian, tình yêu thương

 

Hiện nay, không ít nghệ sĩ mượn hình ảnh các chương trình thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi, chị không sợ mình cũng bị “mang tiếng”?

 

Những chuyến đi mang lại cho tôi rất nhiều giá trị. Những gì tôi làm cũng xuất phát từ tâm, ai hiểu được thì tốt, không hiểu cũng không sao, tôi không quan tâm. Tôi chỉ nghĩ về những gì mình đã làm được và sắp tới phải làm thêm gì… Thế thôi! Tôi sống đơn giản lắm. Còn cái việc nhiều nghệ sĩ đi làm tình nguyện để PR bản thân thì tôi thấy nó cũng chẳng xấu. Vì có nhiều người khi tôi rủ làm cùng những dự án, những công việc thiện nguyện thì cứ lảng sang vấn đề khác. Thế nên, thà làm để PR nhưng ít ra cũng mang lại lợi ích cho người khác, còn hơn chẳng làm gì cả. 

 

Từ ngày 1/5, trên giao diện Timeline của Facebook xuất hiện nút “Health and Wellbeing” cho phép người sử dụng kết nối với trang web của tổ chức hiến máu và nội tạng NHS để đăng ký hiến tạng. Là một người cũng chơi FB, chị đánh giá như thế nào về việc này?

 

Rất hay và ý nghĩa. Tôi cũng mới chơi Facebook được hơn 7 tháng thôi và phần lớn tôi dùng Facebook để tổ chức, kết nối các chương trình thiện nguyện của mình. Facebook có một sức mạnh khủng khiếp và tôi tin tổ chức NHS sẽ thành công trong chiến dịch này. Tôi cũng sẵn sàng tham gia ủng hộ trang “Health and Wellbeing”.

 

 

“Thứ tôi cho con quý giá hơn ngàn vật chất”

 

Cha mẹ thường cho đi mà không tiếc tình yêu thương, sự vất vả và hy sinh một đời vì con cái, đôi khi chỉ để nhận lại một nụ cười của con. Là một người mẹ, chị chia sẻ gì về điều này?

 

Tôi nghĩ nỗi lòng người mẹ thì ai cũng như nhau thôi. Chính vì thế mà hiện nay tôi sống rất ung dung mặc dù tôi không có ô tô cũng chẳng có nhà. Nhiều người hỏi tôi sao không sốt ruột, sao không tích lũy cái này cái kia cho con. Nhưng tôi nghĩ cái mà mình đang cho con lớn lao hơn ngàn vật chất thường ngày. Tôi đã tận mắt chứng kiến quá nhiều người khổ hơn mình. Ở bệnh viện, tôi thấy những gia đình giàu có đau đớn, khổ sở vì con bị bệnh ung thư, tim bẩm sinh… Tôi thấy mình vẫn còn quá hạnh phúc, quá may mắn vì trộm vía là con tôi khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khi mình còn đang khỏe, con mình cũng đang khỏe, lại còn giúp đỡ được nhiều người nữa thì còn đòi hỏi gì hơn. Tài sản rồi cũng có lúc bay hết, tài sản cũng không thể mua được sức khỏe cho con cái và cho chính bản thân mình.

 

Chị dạy con thế nào về cho và nhận?

Bé An mới chỉ 3 tuổi nhưng từ lâu, tôi đã luôn nói chuyện với An như một đứa trẻ lớn, chẳng hạn như “con nằm ở đây ôm em búp bê để mẹ lên gác làm việc giúp đỡ các bạn học sinh nghèo” hay cho con xem các video clip về những học sinh nghèo miền núi, đồng thời giảng giải “đây, con nhìn xem, các anh chị ấy rất lạnh, chân thì không có dép, quần áo thì bị rách đây này”… dù lúc đó con chưa hiểu gì nhưng cứ nghe nhiều thành quen, dần dần sẽ hình thành khái niệm trong bé. Thế nên, từ hồi làm chương trình “Mặc ấm cho học sinh dân tộc miền núi”, hai mẹ con tôi đã ngồi soạn quần áo, mẹ soạn của mẹ, con soạn của con để mang đi cho các bạn. Rồi An cũng vui vẻ đập con lợn đất lấy tiền cho mẹ mang đi ủng hộ. Có những hoạt động mà tôi có thể mang con đi thì tôi đều cố gắng để An có được cảm nhận trực tiếp về những việc làm tốt, mang lại niềm vui cho những người khác.

 
 

Vậy còn trong tình yêu, chị nghĩ như thế nào về “cho” và “nhận”?

Mặc dù tôi không phải là một người thành công lắm trong lĩnh vực tình cảm nhưng tôi không đồng ý với quan điểm đã yêu thì phải cho hết mà không đòi hỏi nhận lại. Giống như một đứa trẻ, nếu được nuông chiều quá sẽ sớm bị hư, hay như khi chúng ta ăn quá nhiều thì sẽ bội thực thay vì cảm thấy ngon. Trong tình yêu, đặc biệt với phụ nữ thì hay cho một cách mù quáng, và cái họ nhận lại chỉ là đau khổ. Vì thế tôi cho rằng, trong tình yêu, đã cho thì phải tỉnh táo để cho vừa đủ.

 

Thế còn với âm nhạc, chị đã “cho” và “nhận” như thế nào?

Tôi cho đi đam mê, tâm huyết và nhận lại sự thỏa mãn tâm huyết, đam mê. Trong sự nghiệp ca hát từ trước đến nay, thứ mà tôi cảm thấy mình cho đi và cũng nhận lại được nhiều nhất chính là album “Bộ đội”. Đó là sản phẩm đầu tiên do chính tay tôi làm tất cả các khâu từ A đến Z. Mọi người đều nhận xét đó là album thú vị, đặc biệt, thổi được luồng gió mới vào dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Tôi cảm thấy thực sự thỏa mãn. 

 

Hiện tại, nhiều nghệ sĩ có thể sống sung túc nhà lầu xe hơi với nghề ca hát, còn chị, xe chưa, nhà cũng chưa, chị có thấy âm nhạc đã cho mình quá ít?

Không, tôi thấy nó cho mình nhiều, chỉ tại mình cho nó ít. Tôi không có nhiều thời gian để tập hát, nhiều khi cũng quên cả thời gian nghe nhạc. Người ta đi spa làm đẹp để giữ gìn hình ảnh ca sĩ trước công chúng, người ta đi luyện thanh để trau dồi giọng hát, người ta đi mua sắm để lựa chọn trang phục diễn thật đẹp… Nhưng tôi thì không có nhiều thời gian như thế và mọi thứ đều được tối giản. Tôi chỉ đáp ứng được ở mức cần và đủ.

Cho và nhận cũng sòng phẳng lắm, nên những gì tôi đang có hiện nay là công bằng rồi. Mình cho cái này ít thì nhận được ít, ngược lại, ở mặt khác mình đầu tư nhiều thì sẽ nhận lại được nhiều. Con cái cho tôi những điều mà chẳng âm nhạc nào mang lại được. Những chuyến đi tình nguyện mang lại cho tôi những khám phá, trải nghiệm cuộc sống thú vị, còn âm nhạc mang đến cho tôi sự thăng hoa, và thỏa mãn đam mê ca hát. Như vậy, có thể tôi nghèo hơn về vật chất so với đồng nghiệp nhưng tôi lại có những thứ không phải ai cũng có được. Tôi thấy mình còn giàu chán (cười).

 

Nhiều năm ngồi ghế BGK Đồ Rê Mí, chị “nhận” lại được điều gì?

Tôi nhận được sự yêu mến của con trẻ. Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng mối tình đơn phương nay đã trở thành mối tình song phương rồi. Trước đây, tôi yêu trẻ con nhưng chắc nhìn tôi cũng hơi dữ nên trẻ con sợ. Bây giờ, khi đã làm giám khảo Đồ Rê Mí thì các em cũng yêu quý tôi nhiều hơn. Khi tôi lên miền núi phát quần áo cho trẻ nghèo, các em vui lắm, phấn khởi lắm trước sự xuất hiện của “cô Linh Đồ Rê Mí”. Tôi thấy chẳng tiền nào mua được món quà ấy. Tôi cảm thấy rất xúc động và biết ơn chương trình.

 

Vừa ca hát, nuôi con nhỏ, lại  nhiệt tình tham gia các chuyến đi thiện nguyện, chị sắp xếp thời gian thế nào?

Thì đành phải làm việc, không được gấp đôi cũng phải gấp rưỡi thôi. Bạn bè cũng thúc giục tôi “nghỉ ngơi đi” nhưng công việc thiện nguyện thì liên quan đến nhiều người nên không thể bỏ được, còn ca hát thì cũng không thể dừng, bởi dừng là… chết đói (cười). Hiện tại, tôi có ba việc quan trọng là con cái, công việc thiện nguyện và ca hát. Thứ tự ưu tiên tùy thuộc vào mỗi thời điểm. Đành phải hy sinh những việc riêng của mình. Ví dụ, việc học tập năm cuối trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội của tôi đang bị… tạm dừng vô thời hạn chỉ vì không có thời gian để đi học.

 

Chị có thể chia sẻ những dự định sắp tới?

Năm nay, tôi vẫn tiếp tục công việc giám khảo Đồ Rê Mí. Song song đó, tôi cũng đang làm album thứ 4 và ấp ủ một dự án âm nhạc cho trẻ em. Tôi cũng đang xây dựng đề án cho chương trình “Vì học sinh dân tộc miền núi” và phải chuẩn bị mọi thứ từ bây giờ để tháng 9 chương trình sẽ bắt đầu chạy. Năm ngoái chương trình đã mang được 60 tấn quần áo ấm cho trẻ em nghèo miền núi, mùa đông năm nay, hy vọng chúng tôi sẽ mang được 100 tấn, đủ cho 3-4 tỉnh. Đấy là đỉnh núi rất cao mà tôi sẽ phải chinh phục trong năm nay. 

 

Xin cảm ơn và chúc chị thành công!

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn