Lễ hội và niềm tin

Tổng hợpThứ Ba, 28/02/2012 09:52:00 +07:00

Từ bao giờ nhỉ, lễ hội đã gắn liền với... kỷ lục. Nó tạo ra sự nhếch nhác, ăn thua, giả dối, kể cả lừa thần thánh...


Tết dương lịch năm nay mấy anh em nhà văn chúng tôi có một chuyến du xuân về làng Đặng Xá, một trong mấy làng Quan Họ, và sung sướng tận hưởng một canh quan họ thanh bình, dân dã, nồng ấm và hiếu khách.

Ngày 4 tháng 2 tức 13 tháng giêng vừa rồi, có việc đi qua Bắc Ninh chúng tôi lại chứng kiến một hội Lim hoành tráng với màn lập kỷ lục số người mặc trang phục và hát Quan họ trong một thời điểm.

Ơ hay, từ bao giờ nhỉ, lễ hội đã gắn liền với... kỷ lục. Nó tạo ra sự nhếch nhác, ăn thua, giả dối, kể cả lừa thần thánh.

 

Thì cái bánh chưng kỷ lục năm nào chả đã thiu đấy thôi, rồi giò chả, rồi chai rượu ngất ngưởng mới nhìn đã... say... tất tật chỉ là sự khoe sang khoe giàu chứ nào ai có thể xơi được các loại “kỷ lục” ấy. Lòng thành quyết không phải là kỷ lục, cũng quyết không phải cứ là lăn xả vào như thiêu thân để chứng tỏ là mình... lòng thành. Lễ hội là để người dân đến du xuân một cách nhàn tản, tịnh tâm, để thanh sạch và thư giãn chứ nào phải như bây giờ?

Chúng tôi định ghé vào Hội Lim nhưng khi thấy hàng ngàn người đổ ra đường cao tốc vào giữa trưa, trải nilon ngả ngớn ăn nhậu xả thải trên dải ngăn cách rất đẹp ấy thì đành lắc đầu đi thẳng về Bát Tràng. Hàng ngàn người này chắc là không chen được vào đồi Lim nên đành ra đây chứ hơn 3.500 người vẫn đang mặc trang phục quan họ và hát quan họ để xác lập kỷ lục trong kia, chưa kể đại biểu, quan chức và du khách tạo nên một lễ hội kỷ lục và có khi cũng... kỳ cục.

“Tháng giêng là tháng ăn chơi”, người xưa đã đúc kết, nhưng chắc người xưa không hiểu được những thế hệ con cháu sau này đã “ăn chơi” khốn khổ đến như thế nào.


 

Năm nào cữ này báo chí cũng vào cuộc phản ánh nạn chặt chém, nạn sư giả chùa giả, nạn chen nhau bẹp ruột để xin, mua ấn, nạn hành xác để hành hương về cõi phật, là nơi để trộm cắp ăn xin hành nghề...

Người ta bây giờ đi hội với tâm lý vì mình, bằng mọi giá vì mình. Ban tổ chức thì lập kỷ lục cho địa phương mình, người đi lễ hội thì đa phần là xin xỏ cho cá nhân hoặc gia đình mình. Thế nên mới có chuyện chen nhau trả tiền lấy ấn, mới có chuyện mang tiền thật đi vay tiền ảo ở đền bà chúa Kho và cả bà chúa Xứ..., mới có chuyện các thầy bói mọc ra như rươi để phán số phận người, mà đa phần là cầu tài cầu lộc cầu tiền cầu chức, mới có chuyện năm nào đấy người ta nhặt được tờ sớ của một sĩ quan xin... chức thả trôi lều bều trên một con suối.

Có lẽ căn nguyên bắt đầu là ở sự thiếu niềm tin.        

  cả ở sự thừa tiền, tức ở sự giàu lên một cách nhanh chóng của một bộ phận dân cư, mà văn hóa ứng xử, mà khả năng nhận thức và cả sự hiểu biết không “giàu” lên kịp?

Thử trở lại sự kiện cướp hoa ở Hà Nội năm nào. Không ai có thể tưởng tượng giữa Hà Nội thanh lịch và hào hoa lại xảy ra sự việc vừa đau lòng, vừa xấu hổ, vừa buồn cười như thế. Nhiều người đổ cho những người cướp hoa là người ngoại thành, ở nông thôn lên. Nhưng lại cũng có một thực tế là ở các tỉnh thành phía Nam,  hoa, cây cảnh, có cả những chậu cây giá hàng chục triệu được bày ngoài đường và không bị mất. Năm nào thành phố Hồ Chí Minh chả tổ chức lễ hội hoa xuân ở đường Nguyễn Huệ, rất hoành tráng và diễm lệ, chả suy suyển một cành. Và nhiều tỉnh thành nữa đều tổ chức như thế, có bị cướp đâu? Nói thế là xúc phạm người nông thôn, người ngoại thành. Có một điều gì đó để người thủ đô không coi thủ đô là của mình, để họ thấy thủ đô không phải là của họ. Soi nó vào lễ hội đền Trần năm nào thì thấy còn thê thảm hơn nữa. Cả quan lẫn dân lăn vào cướp ấn. Phải gọi là cướp mới chính xác vì không thể dùng động từ nhẹ hơn. Dẫu là một thứ rất hão nhưng ấn vẫn tượng trưng cho uy quyền và sự giàu sang. Thế là già trẻ lớn bé lao vào cướp, quan dân cùng cướp, đau đớn và tủi hổ mà vẫn nhào vào.


 

Khi mà nền giáo dục càng cải cách càng sai lầm, đến mức có người phải kêu lên không được mang học trò ra làm vật thí nghiệm, không được biến giáo viên thành người buôn chữ. Khi mà thi cử trở thành thước đo hão huyền của năng lực thực sự, bằng cấp trở thành vật bán mua, cả công khai và ngấm ngầm, bọn tội phạm thì in bằng giả bán, ngành chức năng thì tổ chức thi cử nhập nhèm học hành qua loa. Thi tốt nghiệp thì gần 100% học sinh đậu thì thi làm gì cho tốn tiền của và công sức của nhân dân. Đại học mở tràn lan, năm bảy điểm cũng đậu. Tỉnh bé bằng “bàn tay” mà có khi có vài ba trường đại học, lấy sự có nhiều trường đại học để chứng minh sự phát triển. Nhưng chưa kinh bằng thảm họa tại chức, từ xa... Thảm họa này gây ra cho xã hội những đảo lộn giá trị ghê gớm khi mà những tấm bằng phọt phẹt ấy vô tư và đương nhiên sánh ngang, thậm chí  là hơn những tấm bằng chính quy nghiêm túc, dù cái loại chính quy nghiêm túc ấy có khi cũng ra đời từ những đại học 5 điểm và những đợt thi nhốn nháo mà mới đây nhất, là cuộc tố cáo của sinh viên khoa luật nào đó tố cáo trưởng khoa ăn tiền của sinh viên để họ chả phải học gì vẫn nghiễm nhiên đậu...

Rõ ràng là các giá trị rất cao đẹp, được cha ông vô cùng tôn trọng đang bị thả nổi, bị biến tướng, bị hóa thành thương trường dành cho những kẻ bất lương lũng đoạn. Và như thế thì niềm tin vào sự công bằng, vào những giá trị, dẫu là tương đối, đã bị trả giá. Khi ấy thì người ta phải tin vào thánh thần. Và nó khiến con người ích kỷ, chỉ lo nghĩ cho mình, không quan tâm đến người khác, đến xã hội và cao hơn là dân tộc, đất nước. Sự ích kỷ còn bắt nguồn từ chính hệ quả của cách giáo dục ở cả gia đình và nhà trường khi mà cái tôi bị đẩy đi quá đà, và cả khi mà tinh thần cộng đồng vì lý do này hay lý do khác bị ngăn cản. Cái ý thức cha chung không ai khóc, của chung ai dùng cũng được, việc lớn đã có người khác lo khiến người ta lăn xả vào cướp hoa, cướp ấn, khiến người ta bằng mọi giá khấn vái lạy lục rất to (có khi còn phải thuê người khấn hộ) ở chỗ đông người xin chức xin tiền mà không biết ngượng mồm...


 

Sự giàu lên bất thường cũng tạo ra khủng hoảng. Người ta không tin những gì người ta đang có, hoặc tin nhưng mong manh. Tự nhiên đang ăn mày đánh giậm, đang xe ôm cửu vạn bỗng biến thành đại gia, bỗng nứt đố đổ vách, bỗng có quyền “xuyên tường”... Dẫu hung hăng thế nhưng ban đêm, vắt tay lên trán, chợt nhớ về thân phận, là hoang mang, là toát mồ hôi. Thế là người ta phải củng cố niềm tin, vào chùa chiền công đức, vào cả những điều nhảm nhí, mà khốn thay, không chỉ dân đen ít học tin theo. Vì thế thi thoảng báo chí lại chụp ảnh hàng đoàn xe biển xanh nối đuôi nhau đi lễ. Nó là sự khủng hoảng niềm tin. Không tin vào mình, không tin vào những gì xung quanh mình. Thế là nghe nói ở đâu thiêng bèn tìm mọi cách đến lễ. Ở đền thờ bà Chúa Xứ An Giang, nghe nói có người cung tiến cả những đồ vật có giá trị hàng trăm cây vàng, cuối năm ban quản lý đem tất cả đổi thành vàng thỏi, chất đầy cả kho...

 Báo chí nhiều khi cũng tiếp tay vào sự khủng hoảng niềm tin. Tôi là một công chức, tốt nghiệp đại học hơn ba mươi năm nay, công việc cũng được coi là ổn định, thành đạt, thế mà lương bây giờ không quá 5 triệu/ tháng. Thì biết thế và an phận thế. Nhưng khi xem báo, thấy ca sĩ này ở nhà triệu đô, hoa hậu nọ có trang trại vạn đô, người mẫu kia sở hữu rì soọc chục triệu đô vân vân thì trời ạ, ai mà không gợn lên một chút mặc cảm tự ti. Xã hội ta hơn chín mươi phần trăm là những người bình thường như tôi, thế mà báo chí lại dành rất nhiều sự quan tâm cho thiểu số còn lại, nào là yêu thế nào, “lộ hàng” ra sao, cởi quần cởi áo có gì khác người, cho đến con chó họ nuôi cũng thành “vơ đét”...


 

Sự khủng hoảng còn chính ở lòng... nghĩa hiệp. Một đất nước có chính quyền hùng mạnh, có các đoàn thể chính trị vững bền, mà lâu lâu lại thấy báo chí rộ lên những bài viết về sự kiện các “hiệp sĩ bắt cướp” được chính quyền khen thưởng. Dần dần, các hiệp sĩ này lại trở thành đội săn bắt cướp chuyên nghiệp, dù là cơm nhà áo vợ, họ lại trở thành chỗ dựa của những người dân thấp cổ bé miệng. Lại phải tổ chức những tốp đoàn viên tình nguyện chạy xe máy kéo theo cái thùng như thùng kem dò đinh của bọn đinh tặc rải, và coi đó như là những tấm gương xả thân vì cộng đồng, những điển hình tiên tiến. Một nhà báo bạn tôi bảo: Mỗi khi đọc những tin ấy bạn lại thấy buồn. Và quả là không thể không buồn. Lễ hội là nơi người ta gửi gắm niềm tin, người ta nhận ở đấy một sự an ủi... nhưng hình như lễ hội của chúng ta bây giờ chưa làm được điều ấy?

Lễ hội vì thế, nó bị biến tướng, bị lợi dụng, bị dùng để kinh doanh, nhiều người sống nhờ vào việc tổ chức các lễ hội, mà lẽ ra lễ hội dân gian là của nhân dân, họ là người tổ chức và cũng chính là người thưởng thức. Đằng này chúng ta, có những lễ hội Nhà nước phải đứng ra tổ chức, có những người sống nhờ nghề tổ chức lễ hội, có những công ty chuyên thầu lễ hội...

Nhưng may thay, tình yêu Tổ quốc của dân ta thì vẫn ngùn ngụt như thuở nào. Những động thái biển đông vừa qua, các ý kiến của nhân dân vẫn tràn ngập nguyên sơ tình yêu nước. Dân tộc Việt Nam là thế, tinh thần tự hào và xả thân vì nước của dân ta là không thể phủ nhận.


Văn Công Hùng


Bình luận
vtcnews.vn