Lễ hội đang bị làm hỏng?

Tổng hợpThứ Sáu, 24/02/2012 04:42:00 +07:00

Một trong những định hướng tâm lý của dân ta sau chiến tranh là xu thế quay về truyền thống...

    Cơ quan nơi tôi công tác là một cơ quan ít người, thành ra công việc cấp trên phải lo, bọn tôi nhìn qua cũng biết. Chẳng hạn một trong những nỗi lo mà các Sếp tết nhất đến phải lo là làm sao có tiền tổ chức cho anh em một dịp du xuân đi các lễ hội.
   Tôi vốn thích thăm thú các di sản từ lâu. Nay có dịp thì sẵn sàng. Ngoài thể nghiệm bản thân, tôi chăm chú đọc thêm sự  phản ánh trên báo chí.
   Nhưng, phải nói ngay, càng tham gia càng thấy… ngần ngại. Vấn đề tôi muốn đề nghị mọi người cùng suy nghĩ hôm nay là tại sao lễ hội lại diễn biến như nó đang xảy ra, tại sao dần dà chúng ta đã làm hỏng lễ hội đi trong khi vẫn bị cuốn theo nó và có vẻ như không thể thoát khỏi nó.

 

 

NHÌN TỪ TÂM LÝ NGƯỜI ÐI HỘI

Sự sai lạc của mục đích

       Một trong những định hướng tâm lý của dân ta sau chiến tranh là xu thế quay về truyền thống, tìm cách giải thích chiến thắng từ truyền thống và muốn tìm hiểu lại truyền thống.  Báo Lao động  ngày 19-2-2003 khi hỏi tại sao người ta đi hội, đưa ra con số 3% nói đi để biết, 1% đi theo phong trào, 5% đi để thư giãn còn con số đi về niềm tin tín ngưỡng là 91%.

      Tôi không tin ở những câu trả lời đó với nghĩa những người trả lời đã nói đúng ý nghĩ của họ. Theo sự quan sát của tôi thì đằng sau cái vỏ trở về truyền thống là một mảng tâm linh phức tạp và rắc rối hơn.

     Nhu cầu của người tham gia lễ hội thực chất là gì ?

      Trong một công trình nghiên cứu được sự bảo trợ của Viện Harvard Yenching mang tên Sự biến đổi của tôn giáo và tín ngưỡng ở VN hiện nay (in 2006), ngay trong phần dẫn luận, người ta đã đọc được một nhận xét đại ý nói trong xã hội hiện đại, sự hồi sinh của tôn giáo kể cả hình thức sơ khai như các lễ hội các cuộc hành hương cầu cúng…  chính là một cách phản ứng của con người trước những thay đổi lớn lao mà nền kinh tế thị trường mang lại.

     “Có cầu nên mới có cung.”  Nhu cầu nói ở đây trước tiên là trên phương diện tinh thần. Vào những ngày xuân trong mỗi con người chúng ta  thức dậy cả một định hướng tâm linh. Muốn tìm tới phần sâu kín trong chính mình và chung quanh. Muốn hiểu quá khứ. Muốn tự cắt nghĩa.

     Trở về cội nguồn… Cố kết với cộng đồng thông qua các biểu hiện thờ cúng… Cân bằng đời sống tâm linh… Vừa sáng tạo vừa hưởng thụ văn hóa… Những luận điểm ca tụng lễ hội đã được các nhà nghiên cứu văn hóa ở ta nêu khá đầy đủ và nhiều người chia sẻ.

     Nhưng đó mới chỉ là một phần sự thực. Gần như trong lòng mọi người đi hội Việt Nam xưa nay, một mục đích kép đã được đặt ra - đồng thời với việc hành hương văn hóa, ta đặt vào đấy khá nặng những nguyện vọng cá nhân như là cầu may và cầu lợi.

      Tâm lý cầu may vốn là bạn đường của những con người bối rối trước đời sống. Thế giới luôn luôn hàm chứa những bất trắc. Cuộc sống còn nhiều bóng tối, người ta đánh mất cả niềm tự tin, thường xuyên mỗi người cảm thấy mình chỉ  là vật hy sinh của số phận. Cuộc truy đuổi vận may không biết có hứa hẹn kết quả gì không, nhưng có làm vẫn hơn. Những lực lượng siêu nhiên và cả những ngẫu nhiên bất chợt  thành chỗ bấu víu cho những ảo tưởng.

       Bởi sự bất trắc cũng đang bao trùm trong việc làm ăn, nên khía cạnh cầu may cũng đã có mặt trong việc cầu tài cầu lợi. Thực tế là bao người tử tế vì không biết trơ tráo liều lĩnh làm càn vẫn thất bát, ngược lại làm bậy vẫn được, giỏi mưu mô xảo quyệt tự khắc giàu lên đùng đùng.

     Trong những lúc lắng lại đối diện với mình, những kẻ thành đạt bằng con đường gian dối không khỏi hoảng sợ. Cùng một lúc nẩy sinh hai tâm trạng. Một mặt lo bị trừng phạt, phải đi tìm thần thánh để hối lộ. Mặt khác tiếp tục phiêu lưu vào con đường tội lỗi, mong rằng cái vận may hôm qua nay lại gặp lại. Cầu cúng chính là một dịp nuôi dưỡng những tham vọng ngầu đục muốn tìm vào chỗ tăm tối của đám đông để được nuôi dưỡng và an tâm sống tiếp.

     Thực chất của cầu cúng của hành hương là thế. Cùng với tham vọng đua đả vui chơi, nó làm nên bộ mặt chính của các lễ hội thời gian qua.

 

Đua nhau tìm cơ hội  xả láng     

       Hãy thử đến với một số hội có tiếng là thiêng. Vào những tháng trước và sau Tết âm lịch người đông như hội, người chật như nêm, vào đền rồi, có khi đứng hàng tiếng đồng hồ hai tay mỏi rời với mâm lễ đang bưng, mà vẫn không lê nổi đôi chân đến bên bàn thờ.

     Những ai đi lễ mà lắm thế? Dân buôn, tất nhiên rồi. Nhưng thời buổi này, quốc doanh không chịu kém tư nhân về làm ăn, thì làm sao lại chịu kém tư nhân về lễ bái - nghe nói ở nhiều công ty, anh em xúm lại chuẩn bị vàng hương để “sếp” đánh xe đi làm lễ.

     Ngoài việc tìm về cộng đồng, đám đông, để củng cố thêm sự tự tin, lòng ham sống, - đi hội tức là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng thú vị, người ta cảm thấy như được vượt ra khỏi sự thống khổ của đời sống thường nhật, để tha hồ sống thoả thích, sống theo ý muốn.

     Các nhà nghiên cứu văn hóa đã tổng kết : Lễ hội vừa hoan lạc vừa có tính chất lễ nghi. Lễ hội hòa giải những điều trái ngược. Lễ hội liên kết những gì mà dòng ngày tháng có xu hướng muốn tách rời — nghiêm trang và lêu lổng, tôn giáo và phàm tục, tàn phá và phục hồi. Trong khi đi tìm cái thiêng liêng, nhiều khi lễ hội chẳng khác gì một cuộc truy hoan phóng đãng.

        Lêu lổng, tàn phá, phàm tục, xả láng…  Cái khía cạnh thứ hai ở đây lại đang được chúng ta đẩy đi quá trớn.

         Thực ra lối đến với lễ hội như thế vốn có từ xưa.

         Trở lại với một cuốn sách được viết ở Sài gòn trước 1975 mang tên Hội hè đình đám, tôi thấy tác giả Toan Ánh ghi rõ ba đặc điểm của hội hè người Việt là tính luyến ái, tính chiến đấu và tính đổ bác.

       Dịch ra từ vựng hiện đại, tức các lễ hội đó thường cho phép con người buông thả trong các hành động dâm tục và thường diễn lại bạo lực vốn có trong hoàn cảnh sự dã man còn ngự trị. Còn đổ bác là từ Hán Việt để chỉ cờ bạc cũng như bao quát chung các tệ nạn xã hội khác.

       Trong một số báo Ngày nay ra năm 1938, tôi  còn đọc một bài viết của Tứ Ly mang tên Hội Lim... hội liếc, trong đó kể chuyện bọn công tử Hà thành về Hội Lim thường dở trò cợt nhả. Và một người như nhà văn Tô Hoài cũng thú thực với bọn tôi là chính làng ông xưa nay đâu có hội, chỉ toàn đi xem nhờ thiên hạ. Khá nhất có hội làng Đông thì cũng là dịp để các họ tranh chấp, trai gái đi hội để khoe khoang mấy thứ mốt mới học đòi và những cậu choai choai trâng tráo “chim” gái hoặc đánh nhau. 

        Giờ đây, khi mà hàng quán karaoke mọc lên như nấm ở các phố phường và các loại bia ôm, cơm ôm nhan nhản khắp nơi đến độ báo chí phải lên tiếng thì còn ai phải chờ đến lễ hội mới thực hiện cuộc sống ngoài vòng cấm đoán như con người trung thế kỷ. Vậy mà người ta vẫn đi hội, tại sao? Đi để “xả hơi”, du ngoạn, ngắm cảnh. Và nhất là đi để được sống trong hội, khổ sở về hội, và trở về, nhìn vào mắt những người hàng xóm với chút tự hào nho nhỏ là mình đã đi hội. Tóm lại, đi để cảm thấy, mình đã sống giống như tất cả mọi người, để khỏi cảm thấy lạc lõng,  ý giả sâu xa là thế.

 

 

NHÌN TỪ PHÍA ÐỊA PHƯƠNG  TỔ CHỨC

Bùng phát vô tội vạ     

    Cái nhu cầu của khách thập phương chúng ta như trên vừa tả, nhanh chóng được dân và nhà chức trách các địa phương chấp nhận và đáp ứng, ngay từ khâu số lượng

     Không phải đến ngày nay mà từ hai chục năm trước, đã có nhiều tiếng phàn nàn, mà lời phàn nàn đầu tiên đáng để ý là: Sao nhiều lễ hội thế?

      Theo trí nhớ của một người nổi tiếng là “cường ký” (nói nôm na là giỏi nhớ) như nhà văn Tô Hoài, những năm từ 1945 về trước, ở vùng Bưởi quê ông, đây không phải là việc làm dàn đều. Cúng bái thì làng nào cũng có. Nhưng hội thì không chắc. Chỉ có một số làng như thế nào đó mới có hội và hội ở đấy mở ra, không chỉ dành cho dân sở tại mà còn cho dân làng khác đến xem.

        Điều mà những người có cái nhìn nghiêm túc về lễ hội lo lắng, càng ngày càng thấy có lý. Lễ hội hôm nay đang thành mốt trở thành món thời thượng! Một hiện tượng tưởng như hoàn toàn có sắc thái truyền thống lại đang tồn tại theo quy luật của thị trường, mà trên nét lớn người ta có thể phác ra một loạt biểu hiện.

        Có sự chín ép, tức thúc đẩy những nơi không có lễ hội cũng cố bịa ra lễ hội. Có lễ hội chỉ manh nha bé nhỏ bị đẩy lên thành lễ hội hoành tráng về tầm vóc mà lại “hàng mã” về chất lượng. Rồi là có  sự cạnh tranh đua đả. Có tin ở vùng giáp ranh Hà Nam và Hà Tây có một ngôi đền gọi là đền Thánh Cả. Bên Hà Nam thấy bên Hà Tây đông khách, nên từ năm 1999 liền cho xây một ngôi đền tương tự với các loại hoành phi câu đối tương tự và gọi là đền trình Thánh Cả để tranh khách. Giải quyết mãi không xong.

 

  Nội dung văn hóa nhợt nhạt pha tạp

        Muốn là một chuyện còn làm được hay không là một chuyện khác. Trình độ tổ chức các lễ hội hiện nay không theo kịp nhận thức của cộng đồng, toàn lặp đi lặp lại, hỗn tạp, tầm thường.

        Chùa chiền được sang sửa nhiều. Nhưng đáng lẽ phải nghiêm túc nghiên cứu để trùng tu cho ra không khí cổ kính thì người ta lại chỉ lo tô lại một ít chữ nho làm dáng, và thường là tô sai. Các bức tường bị bôi xanh bôi đỏ khiến công trình sặc sỡ một cách khó coi.

        Phần hội mà các Ban tổ chức buộc khách thập phương phải xem cũng không khá hơn. Một hai chiếc thuyền rồng đặt trong cái ao cạn không sao gợi được vẻ trữ tình cần thiết. Các điệu múa ở các địa phương khác nhau mà quá giống nhau, hình như quanh quẩn học của nhau cả.

      Những điệu múa đơn sơ và thô thiển. Những điệu nhạc pha tạp. Những chi tiết trang trí lố lăng và cẩu thả, những mặt bằng chật chội lủng củng, xấu xí… Sự thực diễn ra tố cáo chúng ta có một văn hóa lễ hội khá nghèo nàn.

    Tiếp tục câu chuyện Tô Hoài kể về lễ hội xưa và nay. Vùng ông xưa nay nhiều hội, nhưng toàn hội “nhạt như nước ốc” – chữ của Tô Hoài trong nguyên văn.

     Làng mỗi năm vào đám một lần, nhưng cũng sơ sài tạm bợ, có năm mất trộm áo thánh “phải lấy vạt cờ đuôi nheo trùm lên ngai làm áo khoác cho thánh”. Xưa những gánh chèo được mời về đám cũng toàn là phường kiết xác, mấy bác kép vừa hát xong chạy vội vào hậu trường, rệp rơi lả tả từ miếng gỗ làm chỗ cắm cờ đeo sau lưng.

    Nay việc làng do mấy anh cán bộ đi khắp thiên hạ về khởi xướng thì cũng chẳng khá hơn.Toàn thợ tế đi thuê ở các làng bên cạnh. Còn ông chủ tế thì chữ Nho bẻ làm đôi không biết, đến thành hoàng làng tên gì cũng không biết nốt.

 

 Trước là  phục vụ sau là kiếm ăn

     Tâm lý cầu lợi mà chúng ta đã nói ở phần dân đi hội cũng đang chi phối cả những người làm lễ hội đón khách cầu cúng. Bởi họ cũng chỉ như chúng ta. Ban đầu họ cũng say người vì những mục đích cao cả. Nhưng rồi cuộc sống hàng ngày chi phối, họ cũng sa đà vào cảnh buôn thần bán thánh, nhân danh sự thiêng liêng của lễ hội để làm chuyện lừa lọc.

      Đàn bà đi bán vàng hương, xôi bánh, hoa quả, các thứ hàng cúng và không quên những thứ làm no bụng người đi thờ cúng. Đàn ông đi trông xe, đi giữ trật tự, người nào có dáng nho nhã và khéo học lỏm một chút còn kiêm cả viết sớ. Việc cho trẻ con đi kiếm tiền cũng không thiếu. Tan buổi học về - đây là nói những đứa chưa tiện bỏ học - chúng sấp ngửa chạy ra trước cửa đền. Đồ nghề chẳng cần gì, chỉ có cái miệng khéo nói, với lại đôi tay bưng bê chắc chắn, là tha hồ dắt khách.

      Lần ấy tôi theo vợ đi lễ Bà chúa Kho. Vừa xuống xe đã có người bám theo, miệng thao thao những là để em sửa lễ cho bác, để em dẫn bác đi viết sớ. Lẽo đẽo theo mãi đến lúc vào đến cổng đền mà chúng tôi không nhận đặt hàng, họ quay lại chửi, những là đồ ngu với lại phí cả lời chào của họ. “Tưởng con cá quả, hóa con tép ranh !”. Họ khái quát về chúng tôi như vậy.

 Dân sao Ban tổ chức vậy

       Hai chữ thương mại hóa vốn không có lỗi. Nhưng hãy nhìn vào cách hiểu về thương mại hóa hiện nay. Bên cạnh việc bán với giá “cắt cổ” các mặt hàng cúng, lễ; “chặt chém” ở các bãi trông giữ xe, người ta không quên dúi vội cho đám khách thập phương trước khi ra về, một số thứ hàng kỷ niệm loại rởm. Thôi thì lạy trời lạy phật,  các bác đi lễ để cầu lợi thì cũng phải chia lợi với chúng em mỗi bên một tí, cho hợp với lẽ công bằng!

     Lại đã thấy có những trường hợp, sự vụ lợi tiến sát đến điều giả dối, chẳng hạn biến một ngôi đền vốn thuộc dâm từ thành đền thờ anh hùng dân tộc, hoặc sửa sang tô điểm một điểm du lịch vừa phát hiện thành một nơi có ý nghĩa lịch sử.

       Vậy là cả các ban tổ chức địa phương cũng theo tinh thần vụ lợi mà làm việc. Dân làng lo bán hàng. Hàng giăng ra từ xa đến gần (đến mức một bài báo viết về lễ hội nọ đã trương lên cái đầu đề khái quát: “Chùa hay chợ?” Còn ban tổ chức thì sao? Việc quản lý một đám đông hàng trăm hàng vạn người là một chuyện phức tạp. Song không ai nhận là mình không biết, mà chỉ bảo nhau cứ để tự nhiên, thế nào cũng xong(!) Năm nào cũng rút kinh nghiệm mà chẳng năm nào thấy trật tự vệ sinh nhúc nhích.

     Thành công của một lễ hội, sau hết hình như trông vào mức “công đức” thu được nhiều hay ít, và sự thực người ta đã nghĩ về nó nhiều hơn mọi chuyện khác.

 

 

NGUỒN CƠN TỪ ÐÂU CHÚNG TA LẠI CÓ NHỮNG LỄ HỘI NHƯ VẬY

   Trong những lý do cần tìm hiểu để giải thích sự mất thiêng, đồng thời là tình trạng làm hỏng lễ hội tôi muốn nhấn mạnh một là thật ra lễ hội hôm nay đang mang rất nhiều nét nó vốn có trong lịch sử cộng đồng và hai là xã hội nào lễ hội vậy.

Mô hình xã hội thu nhỏ

   Trên các mặt báo, những hàng tít kiểu như: Thảm hại lễ hội. Buồn lo lễ hội. Cờ bạc “áp đảo” văn hóa lễ hội. Phải chăng lễ hội đang dẫn chúng ta lạc đường… vẫn xuất hiện thường xuyên. Đặc biệt có nhiều bài viết, nhiều bình luận nói về nỗi sợ của người đi hội thời nay.

     Tại sao lại có tình trạng như vậy?

    Câu trả lời chung nhất trong trường hợp này chỉ có thể là sự giống nhau giữa lễ hội và đời sống .

     Với những đám đông hỗn độn, lễ hội thực đã là điển hình của tình trạng tự phát bản năng của đời sống người Việt.

    Nó đang mất thiêng vì bao nhiêu phương diện khác nhau của đời sống đang bị hả hơi .

   Tại sao, hết hội này đến hội khác, chúng ta đua đả nhau để đi bằng được? Vì biết bao việc hàng ngày ta làm đâu có hiểu vì sao mà làm, đúng ra là chỉ nhắm mắt đưa chân theo nhau mà sống, yên tâm làm vì có bao nhiêu người đang làm như mình. 

   Trên mảnh đất muôn đời nghèo khổ là đồng bằng Bắc bộ này, một không khí mua bán xoay xỏa kiếm chác đang len vào mọi mặt đời sống. Thậm chí, một tờ báo đã khái quát: Nay là thời toàn dân vào cầu cả nước đánh quả. Làm sao lễ hội có thể  nằm ngoài cái xu hướng nói chung đó?

     Phải chăng, cái sự buôn thần bán thánh ở đây chỉ là tiếp tục các vụ mua quan bán chức mua bằng bán học vị ngoài đời. Người ta giẫm đạp lên đồng tiền. Người ta nhét tiền vào bất cứ chỗ nào được cho là thiêng liêng.

     Tại sao chỗ nào cũng thấy kêu về những Ban tổ chức chỉ có trình độ làng xã, nhưng lại nhất quyết đứng ra tổ chức cho hàng chục ngàn người. Thực tế, chỉ lo tổ chức một ít bãi giữ xe và giữ trật tự cũng không xong ?

 

 PHẢI THAY ÐỔI TỪ QUAN NIỆM

Một bước giật lùi

       Trong bài tạp văn Chiến binh khi đã về già, in trong Tuyển tập của mình, nhà văn Nguyễn Khải vẽ ra một bức tranh đối lập. Bước vào kháng chiến chống Pháp, thị xã Hưng Yên có một cuộc từ bỏ lớn, đó là từ bỏ mọi thói mê tín vốn đã thâm căn cố đế. Bói bụt ở chùa Chuông, bỏ. Xin thẻ ở đền Mẫu, cũng bỏ. Rước Niềm, rước Du của hội Mẫu vào tháng ba ta cũng bỏ luôn. Còn giờ đây người ta đua nhau lễ bái. Và lạ nhất là mấy ông cán bộ cũ nhà mình cũng tham gia vào việc tế lễ một cách hào hứng. Một nhân vật như thế, có sự ăn nhập tuyệt vời với đám đông chung quanh.

      Trường hợp mà Nguyễn Khải vừa miêu tả ở trên (cũng như nhiều chuyện tương tự đã được nhắc tới đây đó trên mặt báo)  cho thấy một là  vấn đề nhức nhối của nông thôn ta hiện nay, sự trở lại của những tập quán mê tín dị đoan, mà có một thời chúng ta tưởng đã tuyệt diệt. Trong khi suy nghĩ về hiện tượng này, và những hiện tượng “lại gạo tương tự, có người chỉ đổ thừa cho kinh tế thị trường. Nhưng có lẽ, nên tìm nguyên nhân ở ngay trong quá khứ mấy chục năm qua: có phải là trong khi mải miết với những công việc lớn lao, mỗi chúng ta cũng như cả quê hương làng xóm chúng ta chưa để cho cái mới ngấm sâu vào mình cho nên khi có dịp thuận lợi, lập tức cái cũ bột phát trở lại?!

…và một đề nghị trước khi quy hoạch lại

    Đang có những nỗ lực muốn quản lý lễ hội một cách chặt chẽ hơn, thậm chí tính tới việc quy hoạch lại lễ hội. Việc này trước tiên đặt ra với các nhà làm chính sách văn hóa một việc mà chúng ta hoặc bỏ qua hoặc chỉ làm một cách đãi bôi, đó là nghiên cứu lại về lễ hội.       

      Nhưng tôi cho rằng cái trước tiên cần thiết là xã hội phải tìm đến một quan niệm đúng trước khi hành động.Thế nào là truyền thống? Có phải cứ nhắm mắt khôi phục lại quá khứ một cách tùy tiện vơ bèo vạt tép?  Hay là cần gạn đục khơi trong, dám từ bỏ những “truyền thống” lạc hậu để tìm đến một truyền thống lành mạnh phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại?


Bài: Vương Trí Nhàn

Ảnh: Thế Duyệt


Bình luận
vtcnews.vn