Đạo diễn Quốc Tuấn: Cuộc sống kết thúc khi ta đầu hàng

Tổng hợpThứ Bảy, 03/12/2011 11:47:00 +07:00

Người đàn ông đang ngồi trước mặt tôi – người luôn biến những khát khao của mình thành nghị lực mạnh mẽ...

“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu con người thực sự có niềm tin cộng với một khát khao cháy bỏng về một điều gì đó thì dù đúng hay sai, điều đó cũng sẽ trở thành sự thật”. Đúc kết ấy của Napoleon Hill tôi tin nó đúng với người đàn ông đang ngồi trước mặt tôi – người luôn biến những khát khao của mình thành nghị lực mạnh mẽ để không bao giờ chịu lùi bước dù chỉ một giây trước những thử thách của số phận – Đạo diễn Quốc Tuấn!

 

 

Mọi thứ đều xuất phát từ con người…

Anh có tin vào số phận không?

Tôi tin. Mỗi con người sinh ra đều có một số phận khác nhau.

 Vậy những đau khổ, những khó khăn con người gặp phải trong cuộc đời, có phải do số phận tạo ra cho họ?

Tôi nghĩ 50/50. Người ta vẫn hay xem chỉ tay để đoán số phận con người. Trai thì xem tay trái, gái thì xem tay phải. Nhưng trong một cuốn sách tử vi tôi từng đọc, họ nói xem cuộc đời một người phải xem cả hai tay. Một tay là thiên định, là số phận đã sắp đặt sẵn. Một tay là nhân định, là khả năng chống lại số phận, chỉnh sửa lại số phận của con người. Tôi cho rằng nó đúng và chúng ta có thể kiểm chứng điều đó ở ngay trong cuộc sống thực tế.

Nhiều bạn trẻ sinh ra trong gia đình sung túc, có điều kiện, số phận bạn ấy sẽ sung sướng nếu bạn ấy biết tận hưởng, tạo cho mình nền tảng để phấn đấu. Nhưng nếu chỉ biết hưởng thụ, phá phách thì chính bạn ấy sẽ tự phá đi sự sung sướng mà số phận đã sắp đặt cho mình. Nhiều bạn sinh ra trong đói nghèo, đau khổ… nhưng bằng nghị lực vươn lên lại có thể chỉnh sửa lại số phận và đạt được những thành công trong cuộc đời. Rõ ràng cách sống của mỗi người đều có xu hướng tác động ngược lại số phận của họ, chỉ là theo hướng tiêu cực hay tích cực mà thôi.

 Tôi thấy khi gặp khốn khó, nhiều người vẫn thường đổ lỗi cho số phận…

Đổ lỗi cho số phận để rồi sau đó xác định số phận của họ nó phải như thế và họ không kêu ca, không nghĩ tới chuyện sao mọi người sướng mà mình lại khổ... Tôi nghĩ đó là một cách đổ lỗi tích cực giúp con người không thấy bi quan quá trước những vấn đề họ gặp phải.

Nhưng nếu đổ lỗi cho số phận theo hướng tiêu cực, để ủ dột, day dứt rồi đầu hàng theo số phận thì không khác nào tự chôn vùi cuộc sống của mình.

 Thực tế, giới trẻ bây giờ không ít người đi theo chiều hướng thứ hai: đổ lỗi cho số phận một cách tiêu cực. Chỉ một chút thất bại: trượt đại học, thất tình… họ đã nản lòng, muốn bỏ cuộc, thậm chí là bỏ cả… cuộc sống…

Chuyện này một phần nguyên nhân xuất phát từ môi trường sống. Bây giờ người ta vẫn thường gọi thế hệ trẻ 9X là “Thế hệ gối ôm”. Trẻ con sinh ra đã được bố mẹ bao bọc cả về vật chất lẫn tình thương. Họ có thể dồn hết tâm sức vào lo cho con rành máy tính, giỏi ngoại ngữ, đi du học để có bằng cử nhân nước này, bằng thạc sĩ nước kia… nhưng lại không dạy con những kĩ năng nền tảng của một con người, hay cách ứng phó với những sự cố trong cuộc sống, đơn giản như thổi một nồi cơm khi mất điện thế nào? Họ lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, con lớp 12 cao hơn bố ngoài việc đi học đến cái quần lót có khi vẫn phải có người giặt hộ. Thế nhưng họ lại không có thời gian làm bạn, không thể trò chuyện với con xem con đang nghĩ, đang lo lắng điều gì. Tôi gặp nhiều bạn trẻ, lớp 7 đã biết thích bạn gái, nhưng không bao giờ dám nói với mẹ vì sợ mẹ mắng, vì sợ đi chệch mục tiêu trở thành giáo sư, bác sĩ mà cả gia đình kì vọng.

Chính sự bao bọc quá đà của phụ huynh đã khiến thế hệ trẻ không mạnh mẽ như thế hệ trước kia, không biết phải ứng phó thế nào khi gặp sự cố trong cuộc sống, dễ nản lòng và bỏ cuộc khi đối diện với khó khăn. Cũng vì xã hội quá coi trọng bằng cấp nên khi không đạt được mục tiêu đậu đại học hay có bằng cấp này nọ, họ không chấp nhận thực tế đi làm một người “thợ”, phấn đấu cuộc sống từ một người “thợ” mà trở nên mất định hướng, bế tắc và dễ sa đà theo những thói hư, tật xấu để tìm sự giải thoát.

 

 

Dường như càng ngày con người ta càng có vẻ ngại đối đầu với khó khăn và dễ dàng bỏ cuộc trước những thử thách hơn…

Nói là vậy nhưng tôi không bi quan đến mức như thế! Những chuyện như trên chỉ là phần nổi, chỉ là một bộ phận của giới trẻ mà thôi. Thông thường những gì tiêu cực thường dễ lộ, dễ bị người ta chú ý, quan tâm hơn là những cái tích cực. Giống như trong phim ảnh, những nhân vật xấu thường nổi bật ngay từ đầu, còn nhân vật tốt thường chìm, phải có thời gian dài để họ chứng minh.

Tôi vẫn gặp nhiều sinh viên, nhiều người trẻ, người Việt thành đạt ở nước ngoài, họ rất nghị lực và mạnh mẽ. Ở những thành phố lớn hiện nay như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đa phần người giàu có lại có xuất phát từ… tỉnh lẻ. Từ một điểm khởi đầu thấp hơn những người vốn là dân thành phố, để có thể tồn tại và đạt được thành quả như thế, tôi chắc họ phải phấn đấu gấp nhiều lần người bình thường.

Hay mới đây nhất, câu chuyện nữ Vận động viên Nguyễn Thị Phương dù kiệt sức ngã xuống đường đua vẫn cố gắng nhoài người bò về đích cũng là một hình ảnh điển hình cho nghị lực phi thường của giới trẻ Việt. Càng trong hoàn cảnh khó khăn con người lại càng bộc lộ rõ hơn nghị lực mạnh mẽ của mình.

 Vậy theo anh, nghị lực là bản tính của mỗi con người hay do hoàn cảnh sống tạo ra cho họ, buộc họ phải như vậy?

Cái gì cũng phải xuất phát từ bản thân con người. Nhưng môi trường sống là tác động lớn làm cho nghị lực trong con người ấy trở nên mạnh mẽ hơn hay bị thui chột đi.

 Không bao giờ lùi bước dù chỉ một giây

 

Có khi nào anh gặp khó khăn tới mức nghĩ cuộc đời “bỏ rơi” mình chưa?

Có lẽ vì tính tôi lạc quan nên chưa bao giờ tôi nghĩ mình bị cuộc đời “bỏ rơi”. Khi gặp khó khăn tôi luôn nghĩ rồi nó sẽ qua thôi. Mà đúng là như thế thật. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ cùng đường. Cùng đường tức là chết. Chính vì vậy, tôi phải vùng vẫy, phải vận động và phải tìm mọi cách đề thoát ra được những khó khăn.

 Nhưng có những khó khăn thực sự khiến người ta rất dễ nản lòng… Nhất là khi có quá nhiều khó khăn đến cùng một lúc đẩy con người xuống điểm cuối cùng của giới hạn chịu đựng….

Tất nhiên, trong cuộc đời không ai tránh khỏi những khó khăn, thử thách lớn, cảm giác vượt quá sức chịu đựng của mình. Người bản lĩnh, biết chấp nhận và chịu vùng vẫy thì khó khăn ấy sẽ trôi qua nhanh hơn. Người yếu đuối sẽ mất nhiều thời gian hơn để vượt qua, thậm chí là suy sụp và chìm hẳn trong khó khăn ấy nếu họ không biết yêu bản thân mình, không có lòng tự trọng. Đầu hàng hay tìm đến cái chết trước những khó khăn thì dễ dàng quá, nhưng đó là hành động thiếu trách nhiệm nhất của con người….

 Nhìn con trai chào đời không “vuông tròn” có lẽ là những giây phút quá khó khăn đối với một người cha như anh. Lúc ấy anh đã nghĩ gì, có oán trách số phận hay muốn buông xuôi?

Tôi chết đứng trong phòng đẻ mất nửa tiếng. Mấy tiếng sau đó là sự suy sụp hoàn toàn. Tôi không tin nổi những gì đang diễn ra, không hiểu chuyện gì đã đến với mình, không biết mình phải làm gì nữa. Tất cả là một sự sụp đổ và bấn loạn… Cho đến bây giờ, đó vẫn là sự khó khăn lớn nhất mà tôi từng trải qua. Cảm giác không khó khăn nào có thể lớn hơn trong cuộc đời mình nữa.

 Điều gì đã tạo cho anh động lực quyết tâm tìm lại sự bình thường cho con đến cùng?

Sáng hôm sau tôi vào viện thăm con, khi nắm tay thằng bé tôi thấy nó thổn thức. Lúc ấy thằng bé mới chỉ một ngày tuổi. Trong thâm tâm, tôi luôn tin rằng con trai tôi sẽ phát triển bình thường. Bằng cách nào? Tôi chắc phải có một cách nào đó và tôi biết là tôi sẽ tìm ra nó. Hơn bất cứ điều gì khác, tôi khao khát con trai mình sẽ lớn lên như mọi cậu bé khác. Chính vì khát khao đó mà tôi không bao giờ lùi bước dù chỉ một giây. Tôi có thể làm gì đây? Lúc ấy tôi không biết chắc chắn, nhưng dù thế nào thì tôi cũng sẽ tìm ra những cách thức và phương tiện để gieo vào trong tâm trí con trai mình một nghị lực lớn cùng những khát khao cháy bỏng đó. Tôi đã tự nhủ với thằng bé: “Bố con mình sẽ cùng chiến đấu”.

 Và anh đã truyền nghị lực cho con theo cách nào?

Tôi truyền cho con niềm tin và lựa chọn để con phải tự đấu tranh với cuộc sống từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, để con tự ý thức giữa mình và những đứa trẻ khác không có sự khác biệt.

Thi thoảng con hỏi “Mũi Bôm làm sao?” , tôi nói “Mũi Bôm rất bình thường”. Đi tàu điện thằng bé lại hỏi “Sao mọi người nhìn Bôm?”, tôi lại trả lời “Vì mọi người quý Bôm. Bôm ra chào, ra bắt tay mọi người đi”. Từ tò mò, Bôm cảm thấy mình không khác biệt, thậm chí là được yêu quý.

Trong cuộc sống, tôi cũng tránh không để con nghĩ rằng mình không làm được việc này, việc kia. Tôi thường động viên con tự làm mọi thứ cho mình: đi giày, đánh răng, rửa mặt… thậm chí là giúp bố mẹ việc nhà. Bôm luôn thấy mình có ích trong cuộc sống, thậm chí là người lớn hơn những bạn cùng tuổi một chút vì được bố phân công công việc, được làm việc…

 

 

Không ít lần phẫu thuật không thành công. Một cậu bé như Bôm hẳn rất khó khăn để có thể trải qua được nhiều cuộc phẫu thuật như thế?

Tôi thấy điều lớn nhất mình làm được cho con là mang con ra nước ngoài điều trị. Đó là một điều kì diệu. Nếu mổ trong nước mà thất bại tôi cũng sẽ run rẩy, lo sợ cho con lắm. Nhưng bác sĩ ở nước ngoài đã nói ca này làm được thì có thể yên tâm tới 99,99% họ sẽ thành công. Nếu không may ca mổ thất bại thì tôi tin họ sẽ có phương án giải quyết. Niềm tin được đảm bảo đã tạo cho tôi động lực mạnh mẽ, tạo cho con tôi tâm lý ổn định để đi tiếp trong việc điều trị.

Trong mọi trường hợp các bác sĩ đều cố gắng giảm thiểu tối đa sự đau đớn cho bệnh nhân. Bôm không phải chịu quá nhiều đau đớn. Tôi cũng luôn bông đùa, biến mọi thứ trong bệnh viện thành những sự khám phá mới khiến tâm lý con những nhẹ nhàng hơn. Nhưng phải nói Bôm là đứa trẻ có nghị lực mạnh mẽ, đó là bản năng gốc của thằng bé. Đến bây giờ mọi thứ cũng đã tạm ổn, cuộc sống của Bôm và cả gia đình tôi cũng đã dần trở lại với nếp sống bình thường như tôi từng khao khát.

 

 Thất bại thì đã sao?

Cuộc sống riêng đã vất vả, công việc của anh có vẻ cũng gặp không ít khó khăn. Đang là diễn viên gạo cội, có tên tuổi, sao bỗng dưng anh lại chuyển sang làm đạo diễn?

Ở Việt Nam, diễn viên là một trong những nghề nghiệt ngã nhất. Vai chính không bao giờ dành cho những diễn viên có tuổi. Hơn nữa, khi đã thành công họ không có được một vị trí xứng đáng cả về đãi ngộ lẫn thu nhập, không đủ để đảm bảo cho việc “tái sản xuất” của người nghệ sĩ.

So sánh một chút, diễn viên Hollywood có thể sống được vài năm nhờ tiền cát-xê của một bộ phim. Họ có thoải mái thời gian để lựa chọn tiếp những kịch bản phù hợp với mình. Nhưng ở Việt Nam, thu nhập đóng một bộ phim chỉ sống được hai, ba tháng. Dừng đóng phim là đói. Nó khiến diễn viên nhiều khi không chủ động được với nghề, với cách lựa chọn vai diễn cho mình.

Nói như vậy có vẻ anh thấy nản với nghề quá?

Tôi thất vọng thì đúng hơn.

 Một người nghị lực như anh sao không tìm cách “chiến đấu”?

Tôi vẫn chiến đấu với nghề nhưng bằng cách tìm cho mình một lối đi khác, đó là làm đạo diễn. Tôi tin nó sẽ tạo ra cho mình một con đường mới để phát triển.

 Từ diễn viên chuyển sang đạo diễn anh có gặp khó khăn gì không?

Tôi là người cầu toàn. Trước khi sang đạo diễn tôi đã chuẩn bị rất kĩ chứ không phải làm theo ngẫu hứng. Chính vì thế tôi có thể chủ động được trước mọi khó khăn trong công việc của mình.

 Nghị lực, sẵn sàng chiến đấu mà lại cầu toàn?

Nhiều người sẵn sàng nhận một vài kịch bản, làm một lúc  4,5 phim, thu nhập cao, đi xe hơi nhưng tôi không làm được như thế. Một diễn viên trước đây và một đạo diễn bây giờ, ở vị trí nào tôi cũng là một người rất… kén chọn. Chỉ cần đọc kịch bản tôi đã biết phim này ổn không? Hợp với mình không? Phải xác định thành công đến 60% tôi mới nhận.

Tôi muốn chuẩn bị thật chu đáo những gì mình sẽ làm, hướng tới con đường và mục tiêu lớn nhất của mình. Bỏ ngoài tai những cám dỗ, những lời thị phi, những lợi nhuận trước mắt để tập trung làm điều mình muốn, đạt được cái đich mình đề ra, tôi tin đó là một nghị lực lớn mà không phải ai cũng làm được.

Không bỏ cuộc tức là kiên trì đi theo mục tiêu, theo khát khao của mình dựa trên sự tính toán, chuẩn bị nhất định chứ không phải là sự lạc quan tếu, cứ lao bừa đi mà không cần biết nó sẽ ra sao. Ranh giới giữa những con thiêu thân và những người biết kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng nhiều khi khiến người ta lầm tưởng và đánh đồng chúng với nhau.

 Vậy mục tiêu lớn của bộ phim mà anh hướng tới là gì?

Tôi không ham tiền, cũng không ham xuất hiện trên truyền hình. Đó là sự quen mặt chứ không phải tạo ra dấu ấn của người nghệ sĩ. Nếu xét ở góc độ này, các nghệ sĩ làm sao so sánh được với các MC hay phát thanh viên? Tôi muốn mình làm ít thôi, nhưng đã làm là tạo ra được dấu ấn cho khán giả. Điều đó mới ít nhiều khẳng định được sự thành công.

 Bộ phim đầu tay của anh bị trì hoãn khá nhiều lần, anh gặp không ít khó khăn từ kịch bản cho tới nhân sự…. Xem ra bước khởi đầu của anh cũng không mấy thuận lợi dù anh đã …“cầu toàn”?

Đúng là tôi làm bộ phim đầu tay “Trái tim kiêu hãnh” quá vất vả. 4 năm ròng mới viết xong kịch bản, diễn viên chính không đợi được nên đi lấy chồng, nhân sự cũng có nhiều vấn đề, không ít người nghi ngờ khả năng làm đạo diễn của tôi… Thôi thì mình làm, mình chịu. 7 ngày trời không nghĩ nổi một câu thoại thì tôi tự mày mò, tự dò hỏi, tự vật vã… Đến ngày thứ 8 thế nào tôi cũng tìm được một chi tiết, một câu thoại đắt mà mình tâm đắc. Người khác làm việc một lần thì tôi chấp nhận làm việc nhiều gấp 4 lần họ… Tôi chỉ biết tự mình vượt qua tất cả những khó khăn ấy và khẳng định bằng sản phẩm. Bao nhiêu năm chuẩn bị, tôi không muốn vì sự nóng vội của ai đó mà cho ra đời một sản phẩm tồi.

Đến bây giờ mọi khó khăn cũng đã dần đi qua. Bộ phim đã hoàn thiện được 90% rồi. Chỉ còn 10% nữa thôi tôi sẽ hoàn thành được ước nguyện của mình. Tôi không tin có cái gì có thể cản trở mình được. Mọi người nói “Chỉ có giời hại là thua”, nhưng tôi thấy có lẽ mình sống tử tế nên giời thương mình, đang mưa ngập đường mà ngày mình đi quay trời lại hửng nắng. Cứ đi, thế nào rồi cũng sẽ đến đích. Ngồi một chỗ mà than “thôi chết rồi” có lẽ là sẽ chết thật.

 Một bộ phim có thể biết cái kết. Nhưng không ai biết những câu chuyện trong cuộc sống sẽ kết thúc thế nào. Có khi nào anh sợ mình đi mãi mà… không đến đích?

Ai chẳng sợ thất bại? Nhất là những người làm nghệ thuật như chúng tôi. Hôm nay có thể vững bước trên vinh quang, nhưng ngày mai xuống đáy là chuyện bình thường. Sự thăng trầm ấy nó ám ảnh ghê gớm lắm. Nhưng nếu mình chưa làm mà cứ sợ không đi đến đích thì sao làm được? Chúng ta phải lạc quan, phải xác định mình sẽ thành công thì mới đi được, mới sống được chứ? Tôi nhớ ai đó đã từng nói “Thành công chính là sự đảo ngược của thất bại”. Vì thế, phải chiến đấu khi mình bị trúng đòn nặng nề nhất. Khi mọi thứ có vẻ tệ hại nhất thì đó chính là lúc mình càng không được phép bỏ cuộc, càng có thể mình đã chạm tay rất gần đến thành công.

   Có ích gì khi ta nằm xuống và than vãn thay vì đứng dậy và cố gắng. Thất bại thì đã sao? Một lần, hai lần, ba lần, thậm chí cả trăm cả ngàn lần. Cuộc sống sẽ thực sự kết thúc khi ta đầu hàng và không đứng dậy nữa. Đến bây giờ tôi tin chắc mình sẽ thành công.

   T.T

Bình luận
vtcnews.vn