Oan cho cái phong bì

Tổng hợpThứ Sáu, 21/10/2011 02:21:00 +07:00

Bắt đầu từ tháng 9 năm 2011, Bộ Y tế đưa ra Quy tắc ứng xử dành cho nhân viên y tế, trong đó có khẩu hiệu “Ngành Y nói không với phong bì” nhằm nâng cao y đức.

VN chưa có thói quen làm điều tra xã hội học triệt để trên mọi lĩnh vực như phương Tây Nhưng căn cứ vào lượng phản hồi trên các trang mạng và lượt tải về của clip Bài ca phong bì của GS Cù Trọng Xoay thì đủ biết “văn hóa phong bì” ngấm sâu đến mức nào trong xã hội.

 Bắt đầu từ tháng 9 năm 2011, Bộ Y tế đưa ra Quy tắc ứng xử dành cho nhân viên y tế, trong đó có khẩu hiệu “Ngành Y nói không với phong bì” nhằm nâng cao y đức. Không mới, nhưng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ. Trong toàn cảnh vấn nạn “Tiền tệ hóa phong bì” hiện nay, có thể coi đây là một cuộc cách mạng xây dựng lại nhân cách. Và ở Hà Nội đã có năm bệnh viện lớn là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, viện K và E ký cam kết.

 
“Nói không với phong bì”, có nghĩa là chiếc phong bì đã mang biểu tượng của sự tha hóa xấu xa: Lót tay, mua chuộc, hối lộ…

Đau cho cái phong bì! Oan cho cái phong bì!

Cái phong bì nhỏ xinh, mỏng manh, còn gọi là bì thư, nó có chức năng bao gói lá thư, ở đó là những dòng chữ viết của một người nào đó gửi cho một người nào đó, mà chỉ người nhận nó mới biết những gì người viết nó bày tỏ. Thường là bày tỏ tình yêu và tình thân giữa con người với con người gần gặn.

Thời trai trẻ tôi được xem một bức thư của một cô gái tên Quyên gửi cho bạn tôi, ngoài bì thư có vần thơ viết nắn nót: “Xa xôi tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu tá chuyển vào tận tay!”

Nhạc sĩ Đàm Thanh xúc cảm với những cánh thư như thế của các chiến sĩ ta ngoài mặt trận gửi về hậu phương, đã sáng tác bài hát “Anh quân bưu vui tính”. Khi nghe ca sĩ Quốc Hưng, Trần Hiếu hát, ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng của những cánh thư “Ai dá da à ai, tôi cười vì lòng tôi vui”.

Mẹ vợ tôi năm còn chiến tranh chống Mỹ, nhận bức thư con trai gửi từ chiến trường  xa về mà lòng chộn rộn nước mắt lưng tròng, bởi bốn mép bì thư đã sờn, dòng chữ đề ngoài nhòe nước, mẹ hiểu lá thư ấy đã trải qua nhiều binh trạm bưu tá quân bưu.

 
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm để lại mỗi người một cuốn nhật ký xúc động lòng mỗi ai đọc nó, chính là những bức thư chưa gửi hoặc chưa thể gửi đi vì người viết thư và người nhận thư còn cách xa hai đầu trận đánh tiền phương và hậu phương.

Mỗi quốc gia đều phiên chế một ngành vận chuyển những bức thư ấy, gọi là ngành bưu chính. Và có hẳn một Công ty tem chuyên sáng tác những mẫu tem và bì thư đẹp, có ý nghĩa, phục vụ những lá thư bên trong. Những bì thư ấy, con tem ấy mang nhật ấn một bưu cục nào đó trong nước hoặc trên thế giới, đã làm nên một văn hóa chơi tem và bì thư được xác lập thành một tổ chức hội toàn cầu.

Ở Việt Nam Chính phủ hằng năm phải chi một khoản tiền lớn mà trong danh mục tài chính ghi là “Bưu chính công ích” dành cho ngành bưu chính vận chuyển những bức thư đó từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền núi cao xa lắc và ngược lại, với giá cước chỉ là một con tem có 400 đồng, gần đây lên 800 đồng một lá thư.

Vậy mà chiếc bì thư, “cánh én” một thời thiêng liêng mang tin vui, bây giờ không để dùng phong bọc những lá thư tình nghĩa, mà lại là phong bao…tiền, tiền Việt và tiền Mỹ, với mục đích lót tay, hối lộ cho nhân viên Y tế ở các bệnh viện công, cầu mong tấm lòng từ mẫu của lương y. Đến nỗi Ngành Y tế phải nêu khẩu hiệu “Nói không với phong bì”.

Đau cho cái phong bì! Oan cho cái phong bì! Mà lại là loại phong bì của ngành bưu chính Việt Nam in và phát hành.

Chiếc phong bì thư đã chuyển công năng sử dụng sang phong bao tiền từ khi nào? Đâu phải có đầu tiên ở Ngành Y tế?

Thời bao cấp, mỗi khi họp tổng kết hoặc bất kỳ cuộc vui mừng nào đó, thường là có bữa ăn liên hoan. Cũng hay. Nhưng cũng lắm nhiêu khê. Ai đó có sáng kiến đưa số tiền ấy vào phong bì, với lời diễn giải rất chí tình chí nghĩa: “Xin có chút quà chuyển tới chị nhà / bà nhà làm giúp bữa ăn cho ông anh và các cháu cùng vui!” Vậy là chị nhà / bà nhà khen nức nở cơ quan ấy, xí nghiệp ấy sao tình cảm thế! Chiếc phong bì ấy chưa mang ý nghĩa xấu xa. Bởi vì nó không vụ lợi.

Một người bạn tôi mải chơi về trễ, muốn nghĩ cách giải trình với vợ. Thì một người bạn khác nảy ý hay: “Hãy bỏ 10 hoặc 20 nghìn vào một chiếc phong bì, đưa vợ. Nói rằng đi họp. Ngân sách Ủy ban bèo bọt quá!” Quả rằng chị vợ thấy tiền dù ít dù nhiều cũng vui rồi. Chiếc phong bì bắt đầu phong bao nói dối.

Chiếc phong bì tiền đầu tiên bén mảng tới khu vực công quyền. Từ thưa thớt đến phổ cập khi mà nó đem lại hiệu quả khả quan, lại nằm ngoài tầm kiểm soát, trong những công việc xin chức mua quyền, xin vị trí ngồi và mua phiếu tín nhiệm hoặc bầu bán. Thậm chí xin cấp cô-ta duyệt dự án. Số tiền phong bao trong phong bì này dùng tiền Việt quá dày và lộ liễu, phải dùng đô-la Mỹ gọi né đi là “vé”, gọn mỏng.

 
Nhà báo Đình Khải có lần kể một chuyện thật mà như phịa về chiếc phong bì của một quan chức có nhiều thẩm quyền. Mang màu sắc văn hóa, và cũng để quan chức này không cảm thấy ngượng ngùng, người xin chức đã mang biếu ông một cuốn tạp chí “Người Đẹp” trong đó có kẹp một chiếc phong bì. Ông cứ thế đút cuốn tạp chí vào cặp xách về nhà. Vợ các quan chức bao giờ cũng chu đáo trong việc treo áo khoác ngoài, nắn túi và dọn cặp cho chồng. Bỗng bà nổi cơn thịnh nộ về cuốn tạp chí “Người Đẹp” toàn những ảnh con gái tuổi Teen trong làng showbiz ăn mặc hở sâu mà bà cho rằng ở tuổi ông mà còn đĩ tính bỏ mấy chục nghìn đồng ra mua cái của nợ này thì thật xấu xa. Bà ném cuốn tạp chí vào thùng rác. Nào ngờ, một chiếc phong bì rơi ra. Bà vội nhặt lên. Mở. Là 10 vé (1.000 đô-la). Tiện tay, bà tầm soát tất cả các lọai báo chí trên bàn ông mà ông mang từ cơ quan về. Một phong bì nữa kẹp trong tờ “Văn Nghệ trẻ”. Người gửi thận trọng hơn còn đính một mẩu băng dính. Phong bì này chứa 5 vé. Hú vía. Suýt nữa là béo mấy chị đồng nát. Vậy là từ đấy thành lệ quen bà săn sóc áo khoác và cặp của chồng hằng ngày ngay sau khi ông từ cơ quan về.

Một trường hợp người bạn khác kể. Vợ một quan chức bất chợt thấy túi áo trong chiếc áo vét chồng mình treo trên tay ghế lấp ló mép một chiếc phong bì. Bà lôi ngay nó ra. Nơi góc trái chiếc phong bì ấy viết duy nhất một  từ “Em”. Bà quát vào phía trong nhà tắm: “Con nào gửi thư cho ông đây?” Nước vòi sen xối mạnh. Nghe không rõ. Ông khóa vòi. Ló đầu ra: “- Gì thế?” “- À không có gì! Em gọi con bé giúp việc.” Trước đó bà đã rút ruột phong bì và kịp hạ hỏa bởi không phải thư mà là tiền. 10 tờ mệnh giá 500.000 đồng. Bà tự nhủ: “Mình cả nghĩ quá. Chồng mình đâu có tình ái lăng nhăng. Cũng may con bé ấy dùng tiền nhờ, chứ không dùng thứ khác”.

Chiếc phong bì xuất hiện ở những nơi công quyền còn ở các khâu dịch vụ công như xin chứng thực muốn nhanh không phải đợi chờ, hoặc thiếu một giấy tờ thủ tục nào đó cần được châm chước, hoặc một vi phạm vi cảnh muốn tránh phiền hà, hoặc xin học cho con cái trái tuyến. Những chiếc phong bì này dẫu nhẹ về trọng lượng, thấp về dung lượng, nhưng vẫn là không sạch sẽ.

Trong một “hội thảo” tùm lum trên bàn bia nơi quán bia, một “chuyên gia” xã hội tặc lưỡi cho rằng âu cũng là “sự điều tiết lại thu nhập” trong kinh tế thị trường. Ai cũng thế lẽ gì mình không thế. Chỉ là đồ dở hơi mới không thế. Bởi vậy trong dân gian mới truyền miệng câu ca “Tiền là Tiên là Phật. Là sức bật của tuổi trẻ. Là sức khỏe của người già!” Có lẽ người ấy nói cho vui hoặc bia nói. Dân nghèo và người về hưu có đâu thu nhập thừa mà điều tiết lại? Ngay lương viên chức, công nhân nơi các khu công nghiệp còn chẳng đủ nuôi chính miệng mình lấy gì mà điều tiết?

Chiếc phong bì bao tiền đến các bệnh viện công là điểm đến cuối cùng trong chuỗi các hành động “lót tay” “móc ngoặc” trên toàn xã hội. Bởi “qua sông nên phải lụy đò” và “muốn sống thì phải chung chi”. Từ hiện tượng nay đã trở thành vấn nạn từ lâu, nhưng quản lý xã hội bó tay, và luật pháp thì thiếu bằng chứng. Nỗi đau bằm dập trái tim người.

Dư luận xã hội và báo chí tốn nhiều giấy mực nêu vấn đề luận bàn xào đi xáo lại liên tục mà hiệu quả như nước đổ lá khoai. Trong khi không thể dùng pháp lý, và càng không thể phát động lòng tự trọng cũng như phẩm giá con người, khi mà hình như ai cũng vậy và nơi đâu cũng có. Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn trong thời gian nằm viện, đã có dịp quan sát nỗi cực nhục của người dân khi phải lo bao thứ tiền trong điều trị bệnh nơi bệnh viện. Người ta quy ra tiền. Họ phải quy ra thóc. Đau lòng, anh viết bài thơ “Nhân Dân”. Trong cơ cấu xã hội cái gì cũng lấy nhân dân làm gốc. Khái niệm ấy nhạt nhòa, lừa mị. Muốn hiểu nhân dân hãy đến bệnh viện.

Nhà văn Y Ban có truyện ngắn “Hành trình của đồng tiền giả”. Có một điểm đến của đồng tiền ấy là bệnh viện. Một bệnh nhân đàn bà ra viện biếu bác sĩ ba tờ 100.000 đồng. Người bác sĩ gạt hai tờ vào ngăn kéo bàn. Đưa lại cho người bệnh một tờ: “Biếu lại bà lấy tiền tàu xe”. Đồng tiền ấy là đồng tiền giả. Hành trình tiếp.

Một cô gái vào viện sinh em bé. Trong các việc phải chuẩn bị có việc mua 100 cái phong bì và đổi vài chục tờ tiền mệnh giá 5 và10 nghìn đồng để “bôi trơn” công việc thay tã thay ga thay băng cho em bé của hộ lý và y tá.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới đây có một lời bình về nhân cách Việt trong một hội thảo: “Ngày nay, nhân cách là vấn đề lớn của thời đại. Do thuận lợi của thời thế, một người bây giờ có thể hiểu biết rất nhiều, nhưng anh ta vẫn có thể không đủ nhân cách để làm điều tốt đẹp, nhiều khi còn làm điều xấu xa. Vì vậy mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh của nhân cách!”

 
Từ đáy lòng xin  hoan nghênh Ngành Y tế, ngành đi đầu trong nhiều ngành phục vụ khác, đã “dũng cảm” phát động cán bộ nhân viên toàn ngành “Nói không với phong bì”. Trong xã hội có hai bậc người được nhân dân suy tôn là “Thầy”: Thầy thuốc và Thầy giáo. Thật vinh hạnh.

Trong ngành y có hai câu thiêng liêng như Kinh Thánh - Phúc Âm: “Lương y như từ mẫu”, và “Cứu được một người phúc đẳng hà sa”. Nhất là những trường hợp cấp cứu hiểm nghèo thành công, bác sĩ thường nói: “Rất may. Chậm 15 phút nữa là tử vong!” Trong khi mạng sống được tính từng phút, thì người bệnh báo ân thầy thuốc trở thành đạo nghĩa, một truyền thống đẹp của người Việt có từ ngày xưa xa. Ngày ấy, “Lương y như từ mẫu”. Người bệnh báo ân thầy thuốc như báo ân mẹ hiền. Không phải bằng vàng bằng tiền, mà bằng những thứ gọi là của “nhà trồng”: Vài đấu gạo tám thơm mới giã. Chục trứng gà mới đẻ. Những trái cây bói lứa đầu. Con gà mái tơ. Những thứ đó là tấm lòng thơm thảo chứ đâu thầy thuốc sống bằng những thứ này. Mà còn dúi đi đẩy lại mãi với lời trần tình thành tâm: “Xin thầy thuốc nhận cho gia đình cháu vui lòng!” Ở những trường hợp qua được bệnh hiểm nghèo thì người bệnh còn sụt sùi: “Cha mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ nhất. Và giờ thầy thuốc tái sinh tôi lần thứ hai!”

Năm đầu những năm 60 thế kỷ trước, tôi quen một bác sĩ ngoại khoa giỏi nghề ở Bệnh viện tỉnh Hải Ninh cũ. Anh đã cứu sống bao bệnh nhân là người Hoa ở thị xã Móng Cái. Nhiều lần anh từ bệnh viện trở về nhà, mở cửa, gà bay tứ tung kêu quang quác. Có một mảnh giấy dán ở cửa sổ: “Cái Bác sĩ Hàm à! Biếu nỉ tận tay nỉ không nhận. Chúng ngổ nhét gà vào khe cửa đấy! Đừng mắng chúng ngổ vớ!”. Một bác sĩ trưởng bệnh viện lao Quảng Ninh đã không kịp lấy dụng cụ làm thủ thuật, vội ghé miệng mình mút miệng bệnh nhân đang có nguy cơ đờm làm tắc đường thở.

Những năm 80 cũng thế kỷ trước, Giáo sư Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Năng An nhờ tôi và nhà báo Đỗ Quảng viết về các Giáo sư - bác sĩ đầu ngành, tôi mới có cơ hội tiếp xúc một  thế hệ các Giáo sư - bác sĩ tài đức song toàn rất được ngưỡng mộ và đáng kính trọng: Hồ Đắc Di, Nguyễn Tấn Di Trọng, Nguyễn Văn Trung, Phạm Khuê, Bửu Triều…Các ông quý trọng sinh mạng người bệnh như sinh mạng mình. Câu chuyện mà thời trai trẻ tôi thuộc lòng, là chuyện Bác sĩ Tôn Thất Tùng trong lần dự Hội thảo về mổ tim tại Pháp. Có một chàng trai con một nhà danh giá mắc bệnh tim. Các bác sĩ châu Âu đều nói không thể can thiệp vì bệnh bất khả kháng. Bác sĩ Tôn Thất Tùng đặt ra một giả thiết: “Nếu chàng trai đó là con chúng ta. Có người mách cách đây 100 cây số có thầy thuốc chữa được, có đi không. Chắc chắn phải chạy bộ cũng đi tìm mời”. Người ta thách ông. Ông nói tôi sang đây là để hội thảo. “Nhưng việc đã thế này, tôi nhận lời”. Và ông đã thực hiện ca mổ đầy khó khăn cứu được sinh mạng chàng trai trẻ đó. Báo chí châu Âu hết lời ngợi ca lòng nhân hậu cùng đôi tay vàng của thầy thuốc Việt Nam.

Cũng trong những năm này một bệnh viện ngành là Bệnh viện Bưu Điện đã treo những tấm biển ở những nơi dễ nhìn nhất trong bệnh viện với những dòng chữ rõ ràng: “Các bác sĩ và nhân viên y tế không được phép nhận quà  của bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào”. Bệnh viện trưởng và lãnh đạo Tổng cục Bưu điện hồi đó có sáng kiến mời các giáo sư, bác sĩ giỏi có uy tín trong các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ở Hà Nội cộng tác chữa bệnh trong các ca bệnh khó hoặc bệnh nhân yêu cầu, thực hiện tại bệnh viện Bưu điện. Người bệnh rất hoan nghênh vì chi phí dịch vụ rất thấp. Các bác sĩ nhận tiền thù lao thăm khám và điều trị theo quy định được ghi trong sổ thanh toán minh bạch, đường hoàng và thanh thản. Mục đích vẫn là điều trị có hiệu quả. Các bác sĩ của bệnh viện có điều kiện học tập “một thầy một trò” nâng cao tay nghề chuyên khoa.

Có một thời các bác sĩ “Như mẹ hiền”!

Có một thời ngành Y tế “Sạch như Bệnh viện”!

Thời @ viễn thông công nghệ cao phát triển mạnh. Điện thoại di động, Thư điện tử và Internet có hình đã lấn át vị trí truyền tin truyền thống của những lá thư dẫu là thăm thân hay tỏ tình trai gái.

Vậy mà ở các quầy giao dịch bưu chính người ta vẫn mua phong bì thư từng bọc trăm cái một. Trước cổng các bệnh viện các quầy tạp hóa mặt hàng phong bì bán đều tay. Và sản lượng in ấn phong bì ngành bưu chính lại có phần gia tăng. “Phong bì là đầu câu chuyện!”

Năm nay ngành Y tế của các “Thầy thuốc” “Nói không với phong bì”.

Sang năm đến ngành nào đây? Còn ngành Giáo dục của các “Thầy giáo”? Còn các ngành Công quyền của các “Thầy quyền”?

Xã hội chờ. Nhân dân đợi!

Giang Lân


Bình luận
vtcnews.vn