Khủng hoảng “trẻ điên” hay lí lẽ tâm hồn con trẻ

Tổng hợpThứ Hai, 11/07/2011 01:16:00 +07:00

Dùng dao cắt trên cơ thể mình những hình thù quái dị, đến khi máu loang chảy thì cảm thấy… sung sướng tột độ...

“Dùng dao cắt trên cơ thể mình những hình thù quái dị, đến khi máu loang chảy thì cảm thấy… sung sướng tột độ. Nhiều người sẽ nghĩ rằng chúng điên, nhưng ít ai biết thẳm sâu trong lòng những “trẻ điên” ấy đã từng có những day dứt, đớn đau, uất hận và đổ vỡ rất đỗi con người”- TS. Ngô Thanh Hồi- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương chia sẻ.

 

Vết xước tinh thần - vết thương sâu

Cô bé ngồi trước mặt bác sỹ có gương mặt trắng trẻo, xinh xắn, với những nét hồn nhiên tuổi 15, nhưng lộ rõ nét mệt mỏi, phờ phạc trong đôi mắt, sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện do chứng Trầm cảm rối loạn tâm thần. Bác sỹ Hồi không thể nhớ rõ trong một năm ông gặp bao nhiêu bệnh nhân tuổi teen phải nhập viện vì Hội chứng trầm cảm kiểu này. Phương (tên cô bé) là nhóm trưởng nhóm Emo (viết tắt của emotion- cảm xúc). “Nhóm có 10 bạn, bạn nào cũng có những nỗi buồn riêng. Chúng em nhuộm tóc theo kiểu “1 mất 1 còn”, bên đen, bên đỏ; đi giày đỏ đen, kiểu giày hầm hố, có những chiếc gai kỳ dị khó “đụng hàng”. Chúng em thành lập trang web riêng để san sẻ với nhau những bản nhạc buồn, những kiểu ảnh nói lên tâm trạng đau đớn sau mỗi lẫn tự “hành xác”. Có bạn nói là tự “hành xác” đến chảy máu thì thấy vui sướng, thấy hết buồn, nhưng em thì chỉ thấy càng đau hơn, và thấy tủi…”

Sau khoảng thời gian chữa trị, Phương đã trở lại bình thường, nhưng những ám ảnh về gia đình dường như vẫn khiến em mệt mỏi. “Em là con độc nhất của mẹ. Mẹ là chuyên viên của một ngân hàng lớn. Từ nhỏ “bà ấy” đã không để em thiếu thốn gì. Nhưng lại bắt em học hành cật lực. Mẹ muốn em học môn gì cũng phải giỏi nhất lớp, từ toán, lý, văn cho tới học piano, ba-lê,… Khi em vào lớp 3, bất cứ môn nào bị dưới 8 điểm là mẹ mắng. Mỗi lần như thế, mẹ cũng không cho em đi chơi đâu, bắt em ở một mình trong phòng và cắt hết ti-vi, điện thoại để em tự… sám hối. Khi em lên lớp 7, lịch học mẹ vạch ra cho em càng dày. Nhưng khủng khiếp hơn, mẹ xỉ vả em mỗi khi em bị điểm kém. Mẹ nói, em khốn nạn, em ngu si, tệ bạc,… tất cả đều do giống bố - người đàn ông đã bỏ rơi mẹ”- Phương ngậm ngùi. Cô bé như rơi vào hố sâu tuyệt vọng từng ngày.

“Lên lớp 9, em chán nản nhiều hơn. Nghĩ rằng làm cho mình thật đau, thì mẹ sẽ thương em hơn, hay chí ít thì cũng có thể đưa mình vào thế giới khác. Nơi không có những lời sỉ vả của mẹ khiến em tổn thương, sợ hãi. Em bắt đầu bằng việc nhảy nhót trên những bậc tường cắm mảnh chai trước cổng, bàn chân em tóe máu. Lên mạng, thấy nhiều teen khác cũng có tâm trạng giống mình, em bèn lập hội Teen Emo, để cùng nhau giãi bày cảm xúc, dù nhiều khi cảm xúc ấy trở nên quá đà, điên loạn…” - Phương lý giải về vết xước tinh thần.

“Bố mẹ ít học vẫn giàu, sao bắt con phải học giỏi?”

Hoàng là một cậu bé có đôi mắt sáng, thông minh. Cậu bị bố mẹ “lôi” đi hết bệnh viện tâm thần này sang bệnh viện tâm thần khác. Bố mẹ Hoàng cho rằng cậu bị “điên nặng”. Bởi, thay vì học hành như những đứa trẻ được sinh ra trong giàu có, Hoàng chọn cách bỏ học ở nhà, ăn chơi và tụ tập bạn bè.

Những ngày đầu nhập viện, các bác sỹ, các chuyên gia tâm lý đều… choáng với vẻ ngoài rất lãng tử của cậu bé vừa bước sang tuổi 15. Tính sơ sơ, toàn bộ trang phục mà Hoàng diện trên người đã tới vài chục triệu. Ngoài bộ dạng rất sành điệu ra, Hoàng còn nói chuyện rất… tỉnh. Điều này khiến các bác sỹ ngạc nhiên. Tại sao bố mẹ cậu lại mang con tới chữa về tâm thần? Hoàng kể: “Bà nội cháu bảo, bố mẹ cháu ngày xưa đi Nga về, có vốn mở cửa hàng lớn nhỏ. Bố  mẹ học lớp 7 mà bây giờ vẫn giàu, sau này cháu cũng kế nghiệp bố mẹ. Tại sao bố mẹ lại bắt cháu phải đi du học, cháu không học lại túm tóc đánh cháu, rồi  bảo cháu là… điên.  Đã thế, cháu lao vào những cuộc chơi “hành xác” đau đớn, rồi đi “bay” khắp các sàn.

“Khi bố mẹ nghĩ một đằng, con nghĩ một nẻo thì rất dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột cha mẹ - con cái, các em tuổi vị thành niên đang phát triển về cảm xúc, có nhu cầu san sẻ, nếu không được cảm thông, rất dễ dẫn đến buồn chán, phá phách. Với trường hợp của Hoàng, cậu bé mới chỉ bất mãn, chứ chưa có biểu hiện về tâm thần. Với suy nghĩ của em “bố mẹ ít học vẫn giàu có” cần được giải thích và khuyên răn tỉ mỉ, để tránh ở em sự ghét bỏ đối với cha mẹ.” - Bác sỹ Hồi cho biết

 

Chặt phăng “sợi xích” khủng hoảng

Mấy chục năm làm tư vấn, chuyên gia Lê Thị Túy - trung tâm tư vấn Tuổi trẻ và kỹ năng sống cho biết, chưa bao giờ bà thấy nhiều trẻ bị mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ và “loạn” giáo viên dạy trẻ trầm cảm như thời điểm này. Theo bà Túy, trường hợp của những Teen Emo, thay vì đưa con vào trại tâm thần, bố mẹ nên tìm cách bình ổn tâm lý. Bà Túy cũng đã phối hợp với nhiều phụ huynh để “cứu” các em ra khỏi những tình huống mà theo bố mẹ các em là điên loạn. Bà dẫn chứng cho chúng tôi trường hợp của Kiên. Trong mắt bố mẹ, Kiên là đứa trẻ lười học, ham chơi, hư hỏng. Mới lớp 8, Kiên đã trộm tiền của bố mẹ nhiều lần. Bố Kiên không muốn “mất mặt” vì con, ông xích em vào căn phòng hẹp. Với sợi xích dài, em có thể đi lại trong nhà nhưng mỗi ngày đến trường, bố em đều giao cho nhân viên bảo vệ… trông chừng giúp cho tới khi bố đón về và lại bị… xích. Kiên đã nhiều lần phá phách đồ đạc trong nhà, dùng dao lam rạch tay, chân những hình thù kỳ dị vì bắt chước… tivi.

Bố Kiên nói với chuyên gia rằng, ông đã hết cách với đứa trẻ hư này mới cư xử với con như thế. Được biết trước kia Kiên là một cậu bé học rất khá, hát hay ở trường, vì bố mẹ cấm em có tình cảm với một bạn cùng lớp, em trở nên ngỗ ngược và phá phách hơn để chứng tỏ mình đã lớn. Chuyên gia đã bàn với bố mẹ và cô giáo chủ nhiệm, nhờ một cô bạn có giọng nói dễ thương gọi điện cho Kiên. Cô bé nói rằng, cô rất mến giọng hát ấm áp của cậu, rồi nhờ cậu giải giúp những bài toán mà cô thấy khó. Dần dần, biết cô bé học cùng trường, Kiên càng háo hức đến trường hơn, cậu nghĩ rằng vẫn có người đánh giá cao về mình, vẫn quý mến mình. Lực học của Kiên nhanh chóng khá lên. Khi em giã từ những sợi xích áp lực của bố mẹ, cũng là lúc cô bé chấm dứt “phương án tình cảm” của chuyên gia.

Bác sỹ Ngô Thanh Hồi, chuyên gia Lê Thị Túy đều khẳng định, với tình trạng Teen Emo nổi loạn, lỗi tại các em chỉ một phần, phần lớn còn lại là lỗi ở những người làm cha mẹ đã chưa biết cách yêu thương và hiểu con mình. Trên thực tế, tình trạng các em rơi vào khủng hoảng tinh thần bởi người lớn thường kỳ vọng quá sức, đặt những gánh hy vọng quá nặng nề lên vai khi con mình đang tuổi lớn, tuổi cần được vỗ về và yêu thương. Cũng không thể phủ nhận rằng, sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ phần lớn do áp lực xã hội, áp lực của cuộc sống hiện đại “phủ sóng” xuống từng ngôi nhà, từng gia đình mà nhiều người lầm tưởng đó là sự hoàn thiện. Điều đó cắt sâu vào lòng con trẻ những sợ hãi vô hình, dần trở thành hoang mang, hoảng loạn, sợ hãi thậm chí ghét bỏ bố mẹ và cuối cùng là thú vui tự hành xác hòng mong tìm được tiếng nói yêu thương, đồng cảm. Những vết cắt trên cơ thể các em dù rất đau rồi cũng sẽ lành. Nhưng những vết xước, tổn thương về tâm lý trước cách hành xử của người thân mới là vết đau còn mãi. Những vết đau ấy dễ dàng đẩy các em rời xa vòng tay gia đình để cuốn theo những cơn lốc xoáy của cuộc đời.

Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện về My “Sói” (biệt danh giang hồ của Đào Thu Hương sinh năm 1996, nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội). Có thể nói đây là một vụ án đã làm choáng váng dư luận và cất lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về những chấn thương đạo đức, những khủng hoảng về lối sống đã và đang hình thành bởi hậu quả của nhiều bất cập trong đời sống. Điều nguy hại nhất có lẽ xuất phát từ sự thờ ơ của những người lớn, coi thường trách nhiệm với thế hệ tương lai để rồi cuối cùng đưa ra đáp số là vô tình hoặc cố ý đẩy con trẻ vào con đường tội ác. Một khi khát vọng làm người lương thiện, sự thèm muốn được yêu thương, được chăm sóc, được giáo dục và hơn nữa là được hướng dẫn, uốn nắn tử tế trên đường đời không có cơ hội để đến với những trẻ em như My “Sói”, như những nhóm teen Emo nổi loạn, thì tất yếu cái ác sẽ tới!

Thanh Hải

Bình luận
vtcnews.vn