Giọt buồn trong “cõi người say”

Tổng hợpThứ Tư, 06/07/2011 12:24:00 +07:00

Bước chân vào cõi u mê sau những khủng hoảng của cuộc đời, niềm riêng của họ bất giác thổn thức khi nghĩ tới mẹ, tới cha,...

Họ như những cái bóng vô hồn, dật dờ giữa khuôn viên bệnh viện. Hỏi quê quán họ ngác ngơ, hỏi tuổi họ mếu máo lắc đầu. Bước chân vào cõi u mê sau những khủng hoảng của cuộc đời, niềm riêng của họ bất giác thổn thức khi nghĩ tới mẹ, tới cha, tới người vợ, người chồng “răng long đầu bạc” hay những đứa con bé nhỏ đang bơ vơ giữa dòng đời…

 

Khủng hoảng giữa đời sau lần “vượt cạn”

Khoa Bệnh nhân nặng (Bệnh viện Tâm thần TW I - Huyện Thường Tín - Hà Nội) nằm riêng rẽ giữa khoảng đất mênh mông của bệnh viện, nơi đây đêm ngày đều có cánh cổng với sợi xích to và dài đề phòng nữ bệnh nhân lên cơn sẽ cuồng chạy ra ngoài, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cả trăm số phận từ muôn nẻo đường ngây dại, những tưởng vào đây sẽ quên hết những đắn đo phía bên ngoài cánh cổng sắt, thì mỗi khi loa đài từ phía nhà dân dội vào nhắc về tình yêu, về sự xum họp, khơi lại trong họ những nỗi da diết nhớ con, nhớ chồng. Huệ là một trong số không ít những bệnh nhân nữ đã hơn 2 năm sống với “trại cai điên” này. Quê Huệ ở Nam Định, năm 22 tuổi, cô con gái xinh đẹp nhất nhì làng đi lấy chồng, lại lấy được anh kỹ sư sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố mẹ Huệ mừng ra mặt, làng xóm cũng vui lây.

Ngày Huệ mang thai đứa con trai, cả gia đình nhà chồng mừng khôn xiết, chạy đôn chạy đáo chăm sóc cho cô con dâu ngoan hiền. Nhưng sét đánh ngang tai đối với bố mẹ đẻ của Huệ, khi đang trong thời gian ở cữ, cô bỗng gặp những cơn đau đầu dữ dội, ú ớ nhớ quên. Đi khám biết Huệ bỗng dưng mắc bệnh tâm thần, gia đình chồng kiên quyết cách ly không cho cô gặp con, mặc cho đứa trẻ khát sữa, nhớ mẹ khắc khoải khóc ngặt suốt những đêm dài. Chán ghét sự có mặt của cô con dâu điên dại, gia đình chồng đưa cô về tận nhà trả cho bố mẹ đẻ, chỉ nhận đứa con.

Thương con, bố Huệ đưa cô tới bệnh viện chữa trị, mỗi khi tới thăm con, ông mím chặt môi nuốt đi nước mắt. Ông thầm trách đứa con rể nhu nhược, bạc tình một phần, thì ông lại ước ao có thể gặp cháu ngoại bội phần, để đưa nó vào gặp mẹ dù chỉ 1 lần, vì ông nghĩ nếu được gặp cháu, con gái ông sẽ yên tâm chữa bệnh, chứ không phải lồng lên giữa mỗi cơn say, hoảng loạn, ú ớ gào lên trong nước mắt “anh bỏ em chứ đừng bỏ con” - tiếng khóc người mẹ trẻ nghe đến xót lòng.

 Bị đuổi việc, chồng bỏ rơi, hoảng loạn muốn hành hạ con

“Phần nhiều bệnh nhân khi mới vào đây mắc chứng rối loạn cảm xúc, với những giai đoạn hưng cảm thất thường. Có những bệnh nhân trong cơn mê tự nhận là công chúa, là hoa hậu, nhưng khi hỏi về đứa con thì họ cúi mặt rồi khóc nức nở nói rằng mình có tội với chúng…” - Bác sỹ Nguyễn Thị Vân cười buồn rồi chỉ cho chúng tôi một bệnh nhân đang ủ rũ xoay xoay bát cơm ở phía cuối phòng. Bệnh nhân tên Thoa, trước đây sống với bố mẹ trong căn nhà nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Thoa đi làm rồi gặp và yêu một người đàn ông ngoại tỉnh sa cơ mà đến tận sau này cô mới biết, người chồng lấy cô chỉ vì “cái mác” hộ khẩu thủ đô. Cuộc hôn nhân tan vỡ của Thoa với người chồng đầy mưu toan cơ hội khiến cô trở nên suy xụp, làm việc gây nhiều sai sót, cô bị buộc thôi việc. Quằn quại trong nỗi đau, căn bệnh thần kinh của Thoa xuất hiện từ lúc nào không rõ.

Thoa cũng đã hơn một lần “nhập hộ khẩu” nơi này khi căn bệnh ở giai đoạn hưng cảm. Từ khi mắc bệnh, cô cứ đi lang thang ngoài đường rồi tự nhận mình là công chúa. Thoa không nhớ mình đã rơi vào tay bao nhiêu người đàn ông rồi, những kẻ thủ ác để lại trong đời cô hai đứa con mà chính Thoa cũng không biết ai là cha chúng. Mỗi khi lên cơn, Thoa nói rằng con là do “người trời” phái đến, nói rồi Thoa đánh con thật đau. Cũng không ít lần đem chúng bỏ ra đường, mặc cho những đứa trẻ vô tội cứ ê a khóc bấu víu lấy chân mẹ. Cũng may, có người nhận ra, thương tình nên đưa chúng về nhà. Vào viện tới mấy lần, cứ hơi tỉnh là Thoa lại nhắc đến con. Đứa con lớn của cô được người ta nhận làm con nuôi, đứa nhỏ bơ vơ nên được gửi vào trại trẻ mồ côi. Nhiều đêm xót con, Thoa vẫn rủ rỉ khóc, khiến các bác sỹ ai nấy đều thương xót. Sau những cơn mê, vẫn có lúc Thoa tỉnh táo. Cô đã ôm lấy bác sỹ Vân nức nở: “Em nhớ con em lắm, bác sỹ ạ! Em có tội với chúng…”. Là bác sĩ tưởng như đã quá quen với những cảnh khóc cười của bệnh nhân mà cũng chẳng thể cầm lòng.

 

“Sốc” vì trượt đại học, điên vì khát… làm tỷ phú

Đó là một buổi sáng khi vừa thấy chúng tôi xuất hiện ở cửa, bác sỹ Vũ Phạm Mai Phương - Khoa bệnh nhân nam đã hớt hải nhờ chúng tôi “đăng báo tìm người nhà” giúp một bệnh nhân mới được bố đưa vào cách đây mấy hôm. Chàng trai tên Nguyễn Văn Lưu, quê ở Hưng Yên. Bố của bệnh nhân nói rằng, cho ông “gửi” con ở đây mấy ngày, xem tình hình bệnh của con có giảm thì sẽ quay lại đón. Dù đã quá quen với những bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, nhưng mỗi lần như vậy là một lần bác sỹ cảm thấy thất vọng. Trò chuyện mới biết, Lưu là một chàng trai ham học, thậm chí học rất khá ở trường. Lưu có ước mơ trở thành một doanh nhân nên năm trước cậu thi vào một trường kinh tế. Học hành đêm ngày, quên ăn quên ngủ với quyết tâm thi đỗ. Nhưng đúng như sự lo lắng của gia đình, Lưu có những biểu hiện rất khác thường sau khi biết tin mình đã trượt đại học.

Từ lúc vào viện, Lưu rất vui vẻ, gặp ai cậu cũng nói rằng mình đang có những kế hoạch kinh doanh, rồi cậu sẽ trở thành tỷ phú, thành Thủ tướng. Rất kỳ lạ là cậu nói về kế hoạch từng năm của mình một cách rất rõ ràng, rành mạch. “Thực chất, cậu bé mắc căn bệnh hưng cảm và cần một thời gian dài điều trị” - Bác sỹ Mai Phương cho biết.

Những bệnh nhân - công chức

Tại bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, nhìn lên tấm bảng trắng theo dõi bệnh nhân, có thể thấy gần 100% số bệnh nhân trong độ tuổi từ 21-45. Những trường hợp này đa phần đều giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan, những người đang trong quá trình phấn đấu nhưng gặp phải quá nhiều áp lực trong cuộc sống cũng như công việc. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Q, 35 tuổi, hiện đang là Trưởng phòng Hành chính Nhân sự một công ty liên doanh, được người nhà đưa vào nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, hoang tưởng, không điều khiển được cảm xúc. Nguyên nhân cũng chỉ vì đặc thù công việc, sống ly thân với chồng, con còn nhỏ, mẹ đẻ lại thường xuyên đau ốm nên lúc nào chị cũng lo sợ người thân của mình chết.

Q. có một công việc tốt, lương bổng khá cao nên mỗi khi căng thẳng hay buồn chán cô lại lao vào mua sắm như một cách giải tỏa stress. Có những ngày đỉnh điểm cô mua sắm nhiều đến nỗi phải thuê cả xe tải chở đồ về nhà. Đồ mua về chất cả đống mà không hề dùng đến.

Lại có không ít trường hợp, sau khi sinh con quay trở về với guồng quay của công việc, vừa chăm con vừa đối mặt với cuộc sống gia đình đã hoàn toàn thay đổi so với trước, khiến sức chịu đựng của họ quá tải. Tâm sự với phóng viên, các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, đều có chung một điều trăn trở. Đó là, hầu hết những người được đưa tới điều trị đều là những trường hợp muộn. Và, phía sau mỗi bệnh án là một câu chuyện buồn, là những sự đáng tiếc mà lẽ ra họ đã có thể tránh được...

Theo bác sĩ Ngô Thanh Hồi - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Mai Hương: trong số bệnh nhân trí thức, công chức, có rất nhiều người trẻ tuổi, đó là những người dễ bị tổn thương về tâm lý, bản thân ít chịu thất bại trong cuộc sống. Họ thuộc mọi ngành nghề, nhất là những nghề chịu áp lực cao như công an, bác sĩ, luật sư, nhà báo… Khi người bệnh phải đối mặt với một khủng hoảng nào đó hay còn gọi là một sang chấn về tinh thần, ranh giới giữa một trạng thái tâm lý bình thường với một trạng thái tâm thần nhiều khi rất mong manh. Đặc biệt với những trí thức làm việc căng thẳng, thường trở nên “nhạy cảm” hơn, ít có khả năng đề kháng khi đối mặt với các sang chấn tâm lý. Lúc đó, nếu như không gặp được những liệu pháp tâm lý kịp thời, thì có thể dẫn đến bệnh tâm thần, thậm chí là hành vi tự tử.

Nếu như trước kia bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt là chủ yếu thì hiện trên 50% bệnh nhân là do các chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ... Những chứng bệnh này có nguồn gốc từ những khủng hoảng về tinh thần như đổ vỡ về tình cảm, thất bại trong nghề nghiệp, guồng quay quá nhanh của nhịp sống hiện đại, những áp lực học đường, áp lực của “giàu-đẹp-thành đạt”, cấu trúc gia đình bị phá vỡ…

 Phải chăng đó chính là “cái giá” mà con người phải trả cho cuộc sống hiện đại?

Hải Vân 

Bình luận
vtcnews.vn