Nhà báo Anh Ngọc: “Tôi chưa bao giờ tắt lửa nghề”

Tổng hợpThứ Hai, 27/06/2011 04:36:00 +07:00

Tên anh đã trở thành một “thương hiệu” không thể trộn lẫn bởi chất “lửa” luôn bừng cháy trong mỗi trận đấu anh tham gia bình luận.

Một thời, nhắc tới giải Seria A, người hâm mộ ngay lập tức nghĩ tới Bình luận viên Anh Ngọc. Tên anh đã trở thành một “thương hiệu” không thể trộn lẫn bởi chất “lửa” luôn bừng cháy trong mỗi trận đấu anh tham gia bình luận. Ngày anh “dứt áo ra đi”, quá nhiều khán giả truyền hình cảm thấy tiếc nuối, và không ít trong số họ từng băn khoăn: phải chăng Anh Ngọc đã “tắt lửa” nghề?

 
“Tôi yêu bóng đá như yêu chính cuộc sống này”

 Người ta nói, để thế hệ Bình luận viên (BLV) trẻ vượt qua được cái bóng của những người như anh có vẻ như quá khó…

Tôi không cho là mình hay những BLV thuộc thế hệ của mình giỏi. Mỗi thời có một lượng khán giả khác nhau, sức ép của thế hệ trẻ hơn chúng tôi là phải tìm ra và tiếp cận bóng đá theo một cách khác.

Thời xưa bóng đá ít nhưng tinh. Người ta ít có sự lựa chọn về thông tin, buộc phải nghe ông này nói, ông kia bình, phần nào đó nó tạo ra thành công cho người đi trước, và một phần khiến cho người đi sau cảm thấy khó. Giờ giữa một biển thông tin, nói thế nào để người ta chấp nhận lại càng khó. Đó là nỗi khổ của người đi sau.

 Nhưng rõ ràng, khi xem một trận bóng, có cảm giác thế hệ BLV trẻ bây giờ không có được “chất lửa” như các anh trước kia nữa…

Tôi không biết các bạn trẻ bây giờ thế nào, nhưng tôi yêu bóng đá theo cách của mình. Tôi yêu bóng đá như yêu chính cuộc sống này vậy. Vào trận đấu là quên hết mọi thứ xung quanh. Mỗi trận bóng giống như một con người, thay đổi cảm xúc rất nhanh, lúc trầm, lúc sôi nổi, lúc căng thẳng… Nếu mình yêu con người ấy thì mình phải chấp nhận và đối phó với sự thay đổi của họ. Nhưng dù thế nào thì mình vẫn yêu. Không chỉ dừng lại ở góc độ chuyên môn, bình luận viên phải khiến người xem có được những cảm xúc thăng trầm như mình trong suốt 90 phút. Ở những trận đấu lớn có lúc tôi quên mất mình là ai, mình đang ở đâu, chỉ cảm giác mình đang ngồi ở sân vận động với tiếng khán giả hò hét, tiếng bóng chạy… Mình có thể cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của cầu thủ, của khán giả và truyền lại tất cả những cảm xúc ấy tới người xem. Đó là những phút xuất thần tạo nên cái hồn cho trận đấu. Đây là điều mà tôi nghĩ thế hệ đi sau nhiều người chưa làm được. Có lẽ vì họ chưa thực sự sống hết mình với trận đấu.

 
Anh dường như đang nghiêm khắc và nghiêm trọng hóa vấn đề quá?

Nếu không coi trận đấu đến mức thật sự nghiêm trọng như thế thì sẽ không bao giờ có thể thành công được. Ba ngày sát trận đấu, tôi không nghĩ được gì ngoài nó. Trận đấu sẽ diễn ra theo chiều hướng nào, mình sẽ nói gì trong trận đấu ấy, tâm điểm của trận đấu nằm ở đâu và ai có  thể sẽ là người quyết định số phận của trận đấu?... Thậm chí đến tận bây giờ, khi máy tính, máy laptop có sẵn, chúng tôi vẫn ngồi viết tay từng trang thông tin trận đấu, vẫn lọ mọ ghi ghi chép chép từng câu mào đầu chào khán giả trước khi trận đấu bắt đầu. Đến khi trận đấu diễn ra không như ý mình thì mình cũng phải ứng biến rất linh hoạt. Không phải tôi chê các bạn trẻ đâu, nhưng tôi cảm giác các bạn ấy chưa làm được điều đó. Cũng có thể quan niệm của các bạn ấy khác quan niệm của những người thời chúng tôi quá…

Từ sau lứa chúng tôi, gần như chưa tìm thấy nhân vật nào thực sự nổi trội trong làng BLV thế hệ 8X. Tôi thấy vui vì có nhiều bạn trẻ muốn theo nghề này, nhưng cũng thấy vọng bởi không nhiều bạn trụ lại với nghề, không hình dung ra con đường mà họ sẽ phải bươn trải. Thích là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Hình ảnh những người đi trước thành công và nổi tiếng trên tivi là một sự quyến rũ khó cưỡng, nhưng đừng lao vào đó như những con thiêu thân. Phải tự tạo cho mình ngọn lửa thực sự chứ không phải chạy theo ánh sáng tỏa ra từ nơi khác.

 Anh đam mê vậy sao không tiếp tục làm BLV? Phải chăng anh đã hết lửa với nghề?

Không. Lửa nghề lúc nào cũng cháy trong tôi. Nhưng đơn giản tôi là người biết dừng lại đúng lúc. Có nhiều người coi BLV là một nghề, tôi chỉ coi đó là một đam mê. Khi đã thỏa mãn, đã cháy hết mình với đam mê rồi thì phải lo cho cuộc sống của mình. Tôi ra đi là vì cuộc sống của tôi. Tôi tìm kiếm một cuộc phiêu lưu mới trong sự nghiệp. Tôi học báo, được đào tạo các kĩ năng từ báo ảnh, báo viết cho tới báo hình… Và tôi muốn thử sức trên nhiều lĩnh vực của nghề báo, được đi đến những vùng đất mới, trải nghiệm mới để mắt thấy, tai nghe và tay viết cho độc giả ở nhà. Không thể ngồi quá lâu trên một chiếc ghế nhỏ trong khi thế giới lại quá rộng lớn được.

 Tôi đã đọc bài “Mấy suy nghĩ về nghề BLV” của anh viết trên blog cá nhân. Anh cho rằng nghề BLV đang trong thời kì khủng hoảng. Đó có phải là một lí do khiến anh thấy nản và muốn từ bỏ công việc BLV?

Tôi chưa bao giờ từ bỏ. Tôi viết bài đó là viết cho các bạn BLV thế hệ sau. Tôi cảm thấy khán giả trẻ ngày nay họ không hiểu cặn kẽ nghề, họ cho nghề này quá dễ làm, chỉ cần ngồi trong phòng thu, trước màn hình nói dăm ba câu là xong, và ai cũng có thể làm được. Tôi cảm thấy thương những BLV trẻ vì khán giả đánh giá thấp công việc này. Bản thân những người ở thế hệ chúng tôi cũng từng phải chịu áp lực đó.

 
Sao anh không ở lại với nghề để thay đổi quan điểm của khán giả? Hay anh không chịu được áp lực?

Tôi nói rồi đấy, tôi vẫn quay lại với nghề khi có cơ hội và vẫn cố gắng làm thay đổi quan điểm của khán giả theo những cách khác. Tôi đã làm xong một phần đời và đến lúc phải chuyển qua một phần đời khác.

 Có nhiều người cùng thế hệ với anh đến giờ vẫn bền bỉ đeo đuổi với công việc BLV, có vẻ như anh chưa đam mê đến tận cùng hoặc đam mê ấy vẫn có chút hời hợt…

Nếu đam mê hời hợt không bao giờ tôi có thể tạo ra được dấu ấn. Nếu hết lửa thì khi VTC mời tham gia bình luận các trận đấu của Ý trong khuôn khổ WC2006 tôi đã từ chối. Tôi đã làm và làm rất có lửa. Cái đam mê, cái chất lửa ấy nó là trong con người mình, đến khi có cơ hội là nó bùng cháy.

8 năm trong vai trò BLV, tôi đã thỏa mãn được đam mê của mình, và đến lúc phải tiếp khẳng định chất lửa của mình trong một lĩnh vực khác. Không ai biết sau bao nhiêu năm nữa tôi lại tiếp tục chuyển việc và thử thách mình. Làm báo viết tôi vẫn có thể làm một BLV tốt. Hơn nữa, sau 3 năm ở nước Ý, cảm nhận bóng đá ở đây bằng hơi thở thực sự, cân đo đong đếm lại nỗi đam mê của mình tôi thấy nó không hề vơi đi, ngược lại còn lớn hơn.

Không nhất thiết mình phải làm một việc duy nhất với một đam mê duy nhất thì mới có lửa, mà quan trọng là khi làm gì mình cũng phải cháy hết mình cho nó.

 Sự thật là công chúng vẫn nhớ tới một BLV Anh Ngọc hơn là một phóng viên Anh Ngọc. Có vẻ như “lửa” khi anh viết bài không bùng cháy và tạo dấu ấn bằng “lửa” khi làm BLV?

Đúng là trong tâm trí của công chúng, phần nào đó họ vẫn nghĩ về tôi là một BLV hơn là một nhà báo viết bài. Một phần vì báo giấy không có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng lớn như truyền hình, nhưng một phần đúng là khi rời khỏi truyền hình tôi là một cái tên mờ nhạt. Suốt hai năm đầu dù cố gắng, nỗ lực viết đến bao nhiêu thì công chúng cũng không quan tâm. Họ chỉ nhớ tôi là một BLV không còn làm việc nữa. Có những lúc tôi cảm thấy công chúng không đánh giá hết những cố gắng của mình. Nhưng tôi không nản mà coi đó là động lực. Có thể mình đã không thể hiện được hết cái chất lửa của mình trong truyền hình vào bài viết, và tôi nỗ lực điều chỉnh để thể hiện được chất lửa đó. Cho đến bây giờ thì tôi nghĩ mình đã phần nào đó đã làm được, đã thành công.

 
“Tôi luôn biết cách duy trì ngọn lửa nghề…”

 Anh nghĩ “Lửa đam mê công việc” là do bản thân mỗi người tạo ra hay do hoàn cảnh tạo nên?

Tôi nghĩ chất lửa trong công việc được tạo ra từ bản thân mỗi người chứ không ở ngoại cảnh. Nó xuất phát từ cách sống và quan niệm sống của mỗi người. Vì thế cách thể hiện cũng khác nhau. Tôi luôn xác định đã làm thì phải làm hết mình, nếu hời hợt sẽ không bao giờ có thể thành công.

Bây giờ làm quản lý (hiện BLV Anh Ngọc phụ trách mảng thể thao của báo Thể thao&Văn hóa-PV), tôi cũng luôn yêu cầu anh em khi làm việc phải có cái tôi. Tôi luôn khuyến khích anh em để tên thật khi viết bài, để có trách nhiệm hơn với hình ảnh của mình, biết chấp nhận sức ép và nỗ lực để thành công.

 Nhưng có những yếu tố ngoại cảnh không tốt có thể gây cản trở cảm hứng làm việc của mỗi người?

Tất nhiên khi đi làm, người nào cũng sẽ phải gò bó trong một khuôn khổ nhất định nào đó, nhưng phải cố gắng để làm tốt nhất có thể trong khuôn khổ ấy.

Ngày mới chuyển qua báo viết, có những vấn đề tôi cho là lớn, phải viết tầm 2000 chữ. Nhưng tòa soạn chỉ cho 1000 chữ. Tôi vẫn viết chắt lọc những gì tốt nhất để 1000 chữ ấy chất lượng tương đương với 2000 chữ, vẫn có bài hay. Tôi vẫn giữ lại vấn đề mình trăn trở, một lúc nào đó sẽ quay lại thuyết phục để tòa soạn đồng ý với mình.

Các bạn trẻ mới vào nghề bao giờ cũng rất thích viết. Nhưng vì tích lũy chưa nhiều nên viết một thời gian thấy cạn, hẫng và rồi viết lại chính những gì họ đã viết trước đây, không thể sáng tạo thêm cái mới. Tôi cũng từng ở trong trạng thái của họ. Có những lúc cảm thấy mệt mỏi, phải đọc truyện, nghe nhạc, thậm chí nghỉ một vài ngày để tự mình thoát ra được cảm giác đó. Khi trở lại làm việc, có thể động lực cống hiến của mình còn gấp nhiều lần so với trước.

Mà không chỉ nghề viết đâu, tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, cũng có những rào cản, khó khăn nhất định, nhưng hãy coi đó là những thử thách để mình có động lực vượt qua và trưởng thành hơn chứ không phải là lí do để mình vin vào, nhụt chí, nản lòng và chìm sâu trong đó.

Không đầu hàng với khó khăn, không thỏa hiệp với bản thân mình là cách tốt nhất để duy trì ngọn lửa đam mê công việc. Nếu nói môi trường, do ngoại cảnh, do sếp…  mà cạn lửa thì đó chỉ là cách đổ lỗi cho khách quan mà thôi.

 
Không phải ai cũng ý chí được như anh… Chắc chắn những nhân viên, đồng nghiệp của anh sẽ có lúc rơi vào trạng thái…hết lửa. Anh sẽ làm thế nào?

Khi mà họ không có sáng tạo, đưa ra ý kiến nào họ cũng chấp nhận thì ấy là lúc lửa nghề không còn nữa. Lúc ấy phải kích họ thôi. Phải đối thoại, phải tìm hiểu, phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất để hiểu họ muốn gì. Tôi đặt lợi ích tập thể lên cao nhất nhưng không để các cá nhân phải chết chìm trong đó. Do vậy, tôi luôn cố gắng tạo ra môi trường để anh em thể hiện được đam mê của họ như mình từng đam mê. Bắt đầu từ những việc nhỏ, rồi dần dần giao cho họ những việc lớn hơn. Quan trọng là phải tin họ sẽ làm được những gì họ muốn và Ekip của tôi bây giờ đều là những người có thể làm được những điều họ muốn.

 “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng giới trẻ bây giờ thường có xu hướng nhảy việc khá nhiều. Phải chăng vì lửa đam mê của họ không thực sự lớn?

Nhiều lí do chứ. Có thể họ không thấy hợp môi trường. Hơn nữa tư tưởng đứng núi này trông núi nọ đâu chẳng có? Nhưng cũng không hẳn vì không có đam mê mà người ta nhảy việc đâu. Có thể họ muốn tìm một công cụ, một môi trường khác để thể hiện niềm đam mê đó tốt hơn.

 Có khi nào anh thấy mình cạn lửa?

Chưa bao giờ. Tôi thích đi, thích viết. Khi nào tôi cảm thấy không đi được nữa, không xem bóng đá được nữa, không cảm nhận và viết bài được nữa thì lúc ấy có lẽ là cạn lửa. Nhưng chắc là còn phải lâu nữa đấy… (Cười).

Tiến Toàn

Bình luận
vtcnews.vn