Nhà báo anh là ai?

Tổng hợpThứ Sáu, 03/06/2011 01:44:00 +07:00

“Qúa ít sự thật, quá nhiều tưởng tượng!”, là tựa đề của một bài viết trên tờ Spiegel (Đức) cho thấy “nỗi đau khổ” của báo chí thế giới trong những ngày...

1 - Chuyện thế giới                     

“Qúa ít sự thật, quá nhiều tưởng tượng!”, là tựa đề của một bài viết trên tờ Spiegel (Đức) cho thấy “nỗi đau khổ” của báo chí thế giới trong những ngày đầu tiên Chính phủ Mỹ thông báo đã tiêu diệt được Bin Laden. Nỗi “đau khổ” là cứ phải “nói lại” theo “nói lại” của quan chức chính quyền Mỹ, mà trong thời gian có một tuần thôi báo chí đã phải “nói lại” tới 4 lần về các chi tiết tiêu diệt Bin Laden mà vẫn chưa biết là đã chính xác chưa. Bởi giới truyền thông chỉ “nghe sao nói vậy”, không có bằng chứng kiểm chứng. Vậy thì: Khi Bin Laden bị bắn trong tay có vũ khí không? Bin Laden bị bắn vào đầu hay vào ngực? Khi ấy hình ảnh có truyền hình trực tiếp về Mỹ? Vì gấp rút nên kênh truyền hình đã nhầm lẫn tên “Osama” với “Obama”, chạy những hàng chữ lớn “Obama Bin Laden (is) dead”. Tai nạn này đã xảy ra với ABC News, BBC cùng các phát thanh viên của MSNBC.

 
Ngày 6 – 5 một  website chuyên theo dõi tính trung thực của báo chí Mỹ (AIM – Accuracy in Media) đã vạch ra rằng bức ảnh chụp êkip Nhà Trắng nín thở theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden là một bức ảnh dàn dựng. Bởi chính giám đốc CIA Leon Panette thừa nhận “làm gì có truyền hình trực tiếp cuộc đột kích”. Báo chí Mỹ “vô tư” đăng bức ảnh không ghi nguồn là Nhà Trắng. Báo chí thế giới khi đăng lại cứ thế dẫn nguồn là các báo Mỹ đó, như thể các báo Mỹ đã có mặt đầy đủ ở “phòng tình hình” cùng các quan chức Mỹ và chứng kiến tất cả. Có thể nói, báo chí truyền thông không chết trước sự cạnh tranh của truyền thông xã hội. Nó chỉ chết (nên chết) nếu không duy trì được các nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp vốn đã tạo những đặc ân – uy tín – vị trí của nó trong xã hội. Đó là sứ mệnh đưa tin chính xác - công bằng - khách quan.

2 - Chuyện trong nước

Cũng mới đây thôi. Khi đưa tin vợ một nhà báo ở một tỉnh phía Nam đốt nhà giết chồng, một tờ nhật báo viết “chị tự đến công an phường đầu thú”, một tờ nhật báo khác lại viết “chị gọi điện đến công an xin được đầu thú”, và một tờ nhật báo thứ ba lại đưa “chị nhờ một đồng nghiệp của chồng đưa chị đến công an đầu thú”. Vậy sự thật thì người vợ nhà báo đó đầu thú bằng hình thức nào?

Huấn luyện viên trưởng Calisto sau khi để đội tuyển bóng đá Việt Nam nhận thất bại ở ASIAD Quảng Châu, chính những tờ báo trước đó từng ca ngợi ông là “phù thủy”, nay “mổ xẻ” tội lỗi xem ông như người thiếu năng lực chỉ đạo chiến thuật và bảo thủ võ đoán mới nên nông nỗi ấy.

 
Còn buổi sáng vào một ngày cách nay vài năm, một công dân tổ dân phố tôi ở tay cầm xấp báo đùng đùng đến nhà tìm tôi. Ngay khi còn chân trong chân ngoài bậc cửa, ông đã oang oang:

- Này nhà báo! Anh tưởng anh là ai chứ? Là “anh nói láo!”

Khi đã bước vào giữa nhà, ông xả giận tiếp:

- Chưa hết đâu. Anh còn là “anh ba phải!”

Ông đặt và vỗ mạnh tờ báo Pháp luật thứ nhất lên bàn, rồi dằn vào trang báo mở sẵn có bài: “Thánh vật ở sông Tô Lịch”. Đoạn, ông đặt và vỗ tiếp vào tờ báo Pháp luật  thứ hai, có bài : “Không có thánh vật. Chỉ là một trận đồ bát quái yểm long mạch của nhà địa lý Cao Biền thôi!”.

Hôm đó, tôi đang ngồi chuyện tầm phào với một nhà báo cao niên và cũng là một nhà thơ trào phúng - ông Lã Vọng. Ông Lã Vọng cười khơ khơ khoái chí:

- Thật đáng đời. Đã “nói láo” lại còn “ba bốn phải”.

Người công dân đó tên là Điện. Tôi mời ông ngồi và xơi chén trà Long Tỉnh mới pha. Cảm ơn ông về những lời mắng mỏ rất đích đáng đó.

Tôi thú thật với ông Điện, là tôi mới đọc loạt bài này hôm qua, khi thấy cả Hà Nội đã sôi lên chuyện “Thánh vật” và tìm mua vét báo. Hết. Phải mua bản photo copy. Tôi vốn dị ứng với những kiểu bài như thế.

Tôi cung cấp thêm cho ông một số thông tin. Đang có những cuộc hội thảo khoa học lịch sử về “long mạch”, về các “phép yểm”, về các “tuyến long mạch” chạy xuyên vùng lãnh thổ từ Hà Nội - Thăng Long xưa lên tận dãy núi Ba Vì, Tam Đảo và chạy dài tớithành Cổ Loa. Thậm chí chạy tới cả Hoa Lư - Ninh Bình và Hàm Rồng - Thanh Hoá. Các truyền thuyết và văn thư ghi chép lưu trữ được lục lọi và dẫn trích khá công phu. Tôi cũng nghe có chuyện các cơ quan quản lý báo chí đã cảnh cáo nghiêm khắc việc đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng và có phần hồ đồ.

Phải “rút lửa đáy nồi” thôi. Tôi xác nhận ý kiến ông là đúng. Và kể ông nghe một chuyện vui vui về vị quan Tô Hiến Thành. Rằng, vào buổi trưa một hôm, có anh hàng xóm của Tô Hiến Thành đã lấy trộm chiếc quần của anh hàng xóm khác đang phơi trên bờ rào sân hai nhà. Tô Hiến Thành nhìn thấy. Người hàng xóm mất quần đã ra một cái miếu trong làng được truyền tụng là miếu rất thiêng. Anh ta xin thần miếu hãy vật chết kẻ nào đã lấy trộm chiếc quần của anh. Một tuần lễ trôi qua, Tô Hiến Thành vẫn chưa thấy người trộm quần bị thần miếu vật chết. Vậy là thần miếu không thiêng. Tô Hiến Thành ra lệnh đóng đinh niêm phong cái miếu đó. Ngay đêm ấy, Tô Hiến Thành có một giấc mơ: Thần miếu nói với ông rằng nếu ông không mở cửa miếu thì người con cả của ông sẽ chết. Ông không mở. Ba ngày sau con cả của ông chết thật. Một giấc mơ thứ hai về số phận đứa con thứ. Tô Hiến Thành vẫn không nao núng. Và đến lần người con thứ cũng đột tử. Một giấc mơ thứ ba đe doạ đến tính mạng ông. Cũng không lay chuyển được Tô Hiến Thành mở cửa miếu. Nhưng nửa tháng lại trôi qua mà ông vẫn sống khoẻ. Bảy ngày sau nữa Tô Hiến Thành có giấc mơ thứ tư. Và đây là đoạn hội thoại giữa Tô Hiến Thành và thần miếu:

- Ngươi bảo ngươi thiêng sao không vật chết được ta?

- Vật chết ai được. Ấy là ta biết trước được mệnh đoản của hai đứa con trai ngươi mà thôi.

- Thế còn người ăn trộm quần?

- À! Một cái quần sao đáng phải chết.

- Ra thế. Ngươi là một thần miếu sáng suốt và công minh. Đáng thờ. 

Sáng hôm sau, Tô Hiến Thành ra lệnh tháo niêm phong cho mở cửa miếu.

Ông Điện cười phé:

- Thật không hổ danh danh nhân Tô Hiến Thành.

- Vâng. Cũng không hổ danh thần miếu, lượng hình công bằng - tôi nói.

Tôi biết ông Điện đã nhiều năm. Ông không phải là người dễ bị kích động. Tôi làm báo chuyên nghiệp nhưng toàn “đọc ghé” báo ở cơ quan. Chứ ông Điện đặt mua tới ba tờ báo hằng ngày và hai tờ báo tuần. Và lúc rảnh, ông thường qua nhà tôi đàm luận thời sự và những vấn đề xã hội. Đã có lần ông nói với tôi rất chi mỹ miều: “Khi đói, người ta cần ăn. No đủ rồi, người ta lại thấy đói thông tin. Nếu không có nhà báo các ông, thì thật là…”

Nhiều năm làm tổ trưởng dân phố, những cuộc họp chuyên đề ông luôn dẫn báo để phổ biến. Ông cắt những bài báo, phân loại và dán thành an-bum theo từng vấn đề để vận dụng giải thích cho dân trong những trường hợp dân thắc mắc cần giải thích. Không phải chờ thỉnh ý kiến phường.

Hai tuần trà Long Tỉnh, với những câu chuyện vui vui đã làm tâm trạng ông Điện không còn giận dữ nữa. Bỗng ông Điện cười phe phé như hóa giải:

- Ngỡ thật ư? Tôi thử chọc giận các nhà báo mấy câu thôi mà.

          *

Báo chí có hai khối. Báo ra hằng ngày là cập nhật tin tức và thời sự. Đó là những thông tin về sự kiện “có thật” trên mọi lĩnh vực diễn ra trong ngày đáng quan tâm mà nhà báo thấy cần thông tin. Nó được bạn đọc, khán thính giả cảm nhận là thật, khi người đưa tin cho biết rõ nguồn: nhà báo thấy, nhân chứng kể lại, hoặc cơ quan nào cung cấp.

 
Những vụ án ngẫu nhiên xảy ra như cướp của, giết người, đâm xe… thì nhà báo (kể cả cảnh sát) đều chưa có mặt. Để đưa tin hoặc tường thuật những vụ như vậy, nhà báo được các nhân chứng kể lại, hoặc được cơ quan chức năng cung cấp tài liệu đơn lẻ hoặc thông qua họp báo (mà họ thì cũng có được thông tin qua nghiệp vụ điều tra từ nhân chứng, vật chứng và hiện trường).  Để bài viết có vẻ “thật”, có sức thuyết phục, lôi cuốn độc giả, nên khi nhà báo viết tin hoặc tường thuật lại vụ án đã thể hiện cứ như “tôi chứng kiến” mặc dù chỉ là sự mô tả, mô phỏng các tình tiết mà nhân chứng cung cấp hoặc kể lại. Chính động thái này đã làm nên những “nói láo”.

Về vụ cướp tiệm vàng, nhân chứng kể: “Lúc ấy vào quãng trưa. Đường phố vắng lắm…” Còn nhà báo thì mô tả: “Vào một buổi trưa mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Đường phố vắng tanh không bóng người xe qua lại…” Nhân chứng kể: 

“Tên cướp cao và gầy. Thấy tiếng kêu tôi chạy ra cửa còn thấy tay nó cầm con dao dính máu…” Nhà báo “thêm thắt” tí chút: “Tên cướp cao và mặt choắt như kẻ nghiện ma tuý. Hắn đã dùng con dao chọc tiết lợn mà hắn đã mua ở chợ Hàng Da trước đó để đâm chết nạn nhân sau khi đã hốt trọn số vàng bạc có trong quầy vào một chiếc túi vải, rồi tẩu thoát trên một chiếc xe máy mà đồng bọn đã nổ máy chờ sẵn ở bên đường”. Trí tưởng tượng của nhà báo tiếp tục được “bay bổng”: “Ít phút sau, cảnh sát 113 đã có mặt tại hiện trường”, rồi: “Lực lượng dân phòng nghe tiếng tri hô đã kịp thời đến ứng cứu”. Cứ thế…

Càng chi tiết, càng khó tin, càng xa với lời kể của nhân chứng. Và sự mô phỏng theo cách riêng của mỗi nhà báo đã làm nên nhiều điều ngộ nghĩnh khi ta đọc nhiều tờ báo đưa tin, tường thuật về cùng một vụ án.

Cho đến bây giờ tôi không thể nào tin nổi các vụ án xảy ra mà “chỉ ít phút sau” (nghĩa là bốn, năm phút) mà cảnh sát 113 đã có mặt tại hiện trường.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết rõ rằng vụ buôn bán thuốc gây nghiện mà báo đưa tin ở phường Thanh Xuân Bắc, là bắt quả tang ông chủ tịch phường đèo vợ đi bán (tin của một tờ báo), hay bắt quả tang vợ ông chủ tịch đèo em gái ông đi bán (tin của một tờ báo khác).

Một trường hợp khác, một hôm có một tin đăng trên tờ báo ngày: “Một xe taxi của hãng H.L đang phóng nhanh trên đường T.Đ.T đột ngột phanh gấp, mũi xe chúi xuống còn đuôi xe lộn ngược về phía trước chổng hai bánh lên trời. May là cửa xe bật tung và lái xe văng ra thoát nạn. Đây là hậu quả của việc taxi chạy nhanh tranh khách gặp sự cố phải phanh gấp…”. Hôm sau lại có báo đưa vẫn tin ấy nhưng nguyên nhân thì khác: “…Là do trên đường có một hố đào sâu và to mới được lấp sơ sài…”

Cùng thời gian đó, một tờ báo ngành tiếp tục đăng ba, bốn số liền về vụ buôn lậu và trốn thuế của công ty Đông Nam với nhiều mánh khoé tinh vi, xảo quyệt. Ngay trong tuần đó, một tờ báo khác lại đăng bài thanh minh cho cựu hoa hậu H.K.A, giám đốc một công ty vệ tinh của Đông Nam và là vợ của “tội đồ” N.G.T, rằng “em không quan tâm tới việc kinh doanh của chồng em”, rằng “em làm giám đốc 11 tháng thì đã đi Mỹ 5 tháng, còn là đi lưu diễn”, rằng “không nên dậu đổ bìm leo…”

Thú thực, là nhà báo chuyên nghiệp, tôi còn ngờ ngợ về những thông tin kiểu như trên của các đồng nghiệp, thì nói chi tới những người khác nghiệp, ngoài nghiệp! Hiệu quả là phản cảm.

Còn báo chí ra hằng tuần là “cập thời vấn đề” và “thời đàm”. Ở đây có sự chuyển đổi về hình thức tư duy, từ trần thuật sự thật của sự kiện chuyểnhoá thành tính trung thực của phương pháp luận và tính chân thực của đàm.

Vào một năm ngành giáo dục xảy ra một loạt chuyện: Ăn bớt khẩu phần của trẻ ở một trường mẫu giáo; trường nọ trường kia có “mua điểm”; cuộc thi công chức ở cơ quan văn phòng Bộ cũng có hiện tượng gian lận. Đó là những sự việc có thật. Nhưng không phải là tất cả. Nhưng nhà báo của một tờ báo lại thời đàm một câu “Ngôi nhà giáo dục Việt Nam dột từ nóc dột xuống!” Xét đoán vấn đề thiếu trung thực, dẫn tới phản ánh không chân thực.

Một nhà báo bạn tôi, gửi cho tôi một bài với tựa đề: “Quyền lực thứ tư… chưa to”. Bài báo dẫn ra hơn chục bài báo của 5 tờ báo đồng loạt trong 3 tháng “đăng… hội đồng” bảo vệ cho một “thân chủ” bị đòi nhà, và phê phán Thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường - Nhà đất, Toà án sơ thẩm và phúc thẩm… khuất tất và thiếu công minh.

Tôi đọc đi đọc lại bài báo này, và thấy có một “con số quyết định” để toà xử phải – trái: Căn nhà đó có diện tích 117 mét vuông (dưới mức khởi điểm cải tạo tư sản - 120 mét vuông) như một cơ quan có trách nhiệm đo đạc công bố, hay 147 mét vuông như các nhà báo dựa vào tài liệu được cung cấp (chứ không phải nhà báo đo) để “đấu lý”?

Thua kiện, nhà báo bạn tôi nói với “thân chủ”: “-Xin lỗi ông! Quyền lực thứ tư… chưa to. Ông thử cầu cứu ba quyền lực trên nó: lập pháp, tư pháp, hành pháp xem sao. Còn tôi, sẽ chạy ra đường cái quan gào to: -Hỡi cụ Đông-ky-sốt, hãy đợi tôi đi cùng!”

Những năm qua, báo chí đã góp phần có thể nói là rất quan trọng phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực tầm cỡ xuyên quốc gia, được Chính phủ và chính quyền các cấp nể trọng. Nhưng cũng có không ít vụ quá đà làm nhiễu thông tin. Đến nỗi, nhìn vào các quan chức nhà nước, người ta cứ thấy trong bụng họ lớn nhỏ đều có tham nhũng. Nhìn vào các thầy thuốc ở động thái nào người bệnh cũng thấy như họ muốn… đòi phong bì. Ông Riedl, cựu huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia là nạn nhân của “nhà báo ba phải”. Ông được ca ngợi hết tầm khi đội chiến thắng oanh liệt ở Tiger Cup, Agribank Cup, rồi ở một vài trận giao hữu với các đội mạnh ở Trung Đông, ở Đông Âu mà nhà báo gọi là “phép thử”. Nhưng vào SEAGAME thì hàng loạt lỗi đổ lên đầu ông không thương tiếc: không biết chọn cầu thủ, sơ đồ chiến thuật dở, độc đoán trong chỉ huy… đã dẫn tới mất «vàng» rất sớm, hy vọng «bạc» mất «bạc». Đến ‘’đồng» dưới tay Mai Đức Chung còn mất thảm ê chề hơn. Ấy vậy, một bài báo sau đó lại dẫn: «Huấn luyện viên Riedl đã nói rất đúng, rằng, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam chỉ quan tâm cái “ngọn” (thành tích), chứ không quan tâm cái “gốc” (bóng đá trẻ).

Vâng. Những chuyện nhặt trên đây là “Bi hài Liệt truyện” của báo chí. Nếu như dựa vào cuốn tự truyện «Bốn mươi năm nói láo» của nhà báo Vũ Bằng, thì câu “nhà báo là anh nói láo” đã có cách nay hơn năm thập niên.

Khiếu Quang Bảo - Ảnh: Hts

Bình luận
vtcnews.vn