Chung tay gỡ bài toán nhân lực CNTT

Tổng hợpThứ Sáu, 25/02/2011 04:18:00 +07:00

Cùng với sự tăng trưởng nóng của các đơn vị đào tạo CNTT-TT, việc Chính phủ "mở cửa" mời các DN chuyên về CNTT-TT cùng chung tay giải quyết thách thức

Cùng với sự tăng trưởng nóng của các đơn vị đào tạo CNTT-TT, việc Chính phủ "mở cửa" mời các DN chuyên về CNTT-TT cùng chung tay giải quyết thách thức về nhân lực được đánh giá là một trong những yếu tố cơ bản nhằm nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới.

 

Đào tạo bậc cao song song với đại trà

Là cơ hội vàng của ngành TT-TT và của thế hệ trẻ Việt Nam, Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT đang trong kế hoạch thực hiện rốt ráo với 4 nội dung trọng điểm và các chính sách về đào tạo luôn nằm ở vị trí ưu tiên để giải quyết thiếu thốn cơ bản về nhu cầu nhân lực CNTT.

Theo đó, Bộ TT-TT xác định tập trung vào nhân lực, đào tạo vẫn là yêu cầu cấp bách, vì chỉ có nguồn nhân lực cao mới đủ khả năng tiếp thu công nghệ mới đưa vào sản xuất, tham gia thị trường lao động quốc tế, từ đó tạo dựng và hình thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Khi đó, các hãng hàng đầu thế giới (cả phần cứng, phần mềm) sẽ tìm đến Việt Nam.

Đề án thể hiện tham vọng nâng cao chất lượng nhân lực với mục tiêu khoảng 30% lượng sinh viên CNTT và điện tử viễn thông tốt nghiệp đại học đủ khả năng chuyên môn ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế vào năm 2015. Mục tiêu này đến năm 2020 là 80% và có 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực CNTT.

"Không chỉ là quyết tâm hành động của Chính phủ, của Bộ TT-TT, Đề án còn là cơ hội "vàng" của thế hệ trẻ VN, là một quyết tâm chính trị tốt và nhận được sự ủng hộ rất cao ở cả trong và ngoài nước", Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

 

Tin tưởng vào sự thành công của Đề án nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận định, nền tảng để phát triển cho Đề án này hiện vẫn còn hạn chế, đặc biệt là vấn đề nhân lực. Đề án đặt mục tiêu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT lên tới 1 triệu người trong năm 2020, năm 2015, có khoảng 30% lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Trong khi, thực tế, tổng số nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này là 300.000 người và chưa có những đo kiểm cụ thể về chất lượng số nhân lực này. Như vậy, VN phải đối mặt với những thách thức lớn và đòi hỏi về đào tạo tốt nguồn nhân lực CNTT đang là điều cấp thiết phải giải quyết trước tiên.

Để giải quyết hiệu quả điểm yếu về nhân lực CNTT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh ngành TT-TT phải tập trung giải quyết 2 vấn đề trọng tâm là đào tạo bậc cao và đào tạo đại trà để vừa đáp ứng đủ về số lượng và đảm bảo cả chất lượng nhân lực. Việc đào tạo đại trà có thể phân cấp cho địa phương chủ động, đồng thời, Bộ sẽ chủ trì việc đào tạo bậc cao, để có lớp nhân lực đầu đàn, tạo bước đột phá cho ngành. Trong đó, khâu đào tạo bậc cao chủ yếu hướng tới đào tạo kỹ sư công nghiệp CNTT nhằm tạo ra bước chuyển nhanh, rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa VN với thế giới.

Nhân lực thiếu chuyên môn sâu

Cùng phối hợp giải quyết khó khăn về nhân lực với Bộ TT-TT, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục, dự đoán đến năm 2015 các trường sẽ cung cấp khoảng 250.000 lao động chuyên môn về CNTT, điện tử, viễn thông. Các lao động này hầu hết có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp và sơ cấp nghề trở lên, trong đó có 50% lao động có trình độ cao đẳng, đại học và 5% có trình độ thạc sĩ trở lên.

Ông Quách Tuấn Ngọc cũng thẳng thắn, nhiều sinh viên mới ra trường chưa có khả năng sẵn sàng đáp ứng công việc thực tế của các doanh nghiệp yêu cầu. Tính thực tiễn trong công việc cũng như sự hòa nhập ngay với công việc còn hạn chế. Hạn chế của nhân lực CNTT được đào tạo đại trà hiện nay phổ biến là khả năng ngoại ngữ và trình độ chuyên môn chuyên sâu.

Vì thế, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải tham gia thêm các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của các doanh nghiệp, cũng như học và thi lấy chứng chỉ chuyên môn chuyên sâu về CNTT-TT của một số hãng nổi tiếng thế giới như Microsoft, Oracle, Cisco,.. mới có thể đảm nhiệm tốt được yêu cầu chuyên sâu công việc của doanh nghiệp.

 

Trong những năm qua, các khoa CNTT trọng điểm của quốc gia được chú ý đầu tư như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng,… Các trường đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ giảng viên và nhiều chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam. Các trường này cũng tiến hành giảng dạy thí điểm một số môn chuyên ngành CNTT-TT bằng tiếng Anh trong các lớp CNTT trọng điểm. Tuy nhiên, mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều.

Ngoài ra, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc còn khẳng định mục tiêu nâng cao chất lượng và tăng số lượng giảng viên, giáo viên CNTT, điện tử, viễn thông ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề là một trong những mục tiêu quan trọng. Và đến năm 2020, trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng về CNTT có trình độ thạc sĩ trở lên, trên 30% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ".

DN tham gia đẩy mạnh chất lượng đào tạo

Hiện nay, hình thức đào tạo hiện nay khá phong phú, nhằm tạo điều kiện tối đa cơ hội học tập, bồi dưỡng nhân lực CNTT. Trong đó phải kể tới hình thức đào tạo theo các chương trình chính qui đại học, cao đẳng trong nước; cử giảng viên, chuyên gia theo học các khóa đào tạo ở nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài; đào tạo tại chức; đào tạo từ xa; đào tạo văn bằng 2 về CNTT; đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học. Thậm chí còn cho phép doanh nghiệp mở trường đào tạo về CNTT.

Ông Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT-TT đánh giá, Việt Nam chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn CNTT-TT lớn trên thế giới khi có nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc được ở cả trong nước và quốc tế.

Đây cũng là chủ trương của Chính phủ về phát triển các cơ sở đào tạo. Tại cuộc họp Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 58 của Chính phủ, Phó Thủ tướng gợi mở: "Chính các doanh nghiệp nên phát triển cơ sở đào tạo để đáp ứng nhu cầu của mình đồng thời cung cấp cho thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ và nhân rộng các mô hình tốt. Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trường" và "thay vì chờ đợi nguồn nhân lực do các trường đạo tạo, các doanh nghiệp hãy trực tiếp tham gia quá trình đào tạo, để thực hiện kết nối cung cầu nhân lực bằng phương tiện kinh tế".

Cùng với đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần sớm hình thành Hội đồng thống nhất giáo trình giảng dạy và tăng cường đưa nội dung giảng dạy qua mạng. Theo đó, mỗi học viên đều có khả năng tiếp cận với nội dung giảng dạy của các giáo viên mà không bị ảnh hưởng về khoảng cách địa lý và thời gian. Đồng thời, cần nhân rộng các chương trình giảng dạy tiên tiến và kiểm tra, cấp chứng chỉ hành nghề cho những người đạt trình độ quốc tế về CNTT.

Là đại diện một trong các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa giáo dục và góp phần đào tạo nhân lực CNTT – TT cho mục tiêu Đề án, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) bày tỏ: "Các doanh nghiệp đầu tàu của Bộ TT-TT sẽ nỗ lực đóng góp, để đến năm 2020 VN có 1 triệu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT. Trong đó, Đại học VTC Văn hiến sớm đồng hành để đạt được mục tiêu này".

"Các nước đi qua chiến tranh đều được lịch sử bù đắp là quốc gia trẻ. Sau 30 năm kết thúc chiến tranh, VN đang đứng trước cơ hội đó. Cơ hội này chỉ còn khoảng 10 – 15 năm nữa thôi. Nếu chúng ta không làm được điều này nghĩa là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội vàng của dân tộc mà không bao giờ lấy lại được. Nói cách khác, nếu không chớp được cơ hội này nghĩa là chúng ta có lỗi với dân tộc và các thế hệ mai sau", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bày tỏ sự quyết tâm.

Hoàng Ly

Bình luận
vtcnews.vn