Các Nhà văn – Nhà giáo tài năng trên văn đàn Việt Nam

Tổng hợpThứ Sáu, 05/11/2010 08:00:00 +07:00

Trong lịch sử văn chương Việt Nam thời hiện đại có không ít nhà văn tài năng vốn là nhà giáo. Sự kết hợp “hai trong một” này là một hiện tượng thú vị...

Trong lịch sử văn chương Việt Nam thời hiện đại có không ít nhà văn tài năng vốn là nhà giáo. Sự kết hợp “hai trong một” này là một hiện tượng thú vị xét về nhiều phương diện, nó tiêu biểu cho một đất nước vốn có truyền thống coi trọng văn chương và đề cao sự học. Trên văn đàn Việt Nam trước năm 1945, đã có nhiều nhà văn nổi tiếng từng là nhà giáo, tiêu biểu như: Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Vũ Đình Liên, Nam Cao, Chế Lan Viên.

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách (1896- 1973), bút hiệu là Song An, quê ở Hà Tĩnh. Từ năm 1919 từng viết cho tạp chí  Nam  phong và các báo khác khi đang còn là học sinh trường Bưởi (Hà Nội). Từ năm 1919 đến 1922 là sinh viên trường Cao đẳng  Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp từng đi dạy học ở nhiều nơi như Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh...Sau Cách mạng tháng Tám 1945, từng giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục: Giám đốc Học khu Bắc Ninh (945- 1951); Giám đốc Giáo dục khu XII (1947- 1948); Giám đốc trường Cao đẳng Sư phạm trung ương (1951)...Từ năm 1954 công tác tại Ban Tu thư, Bộ Giáo dục; từ năm 1959 công tác ở Viện Văn học. Một trích ngang lí lịch như thế cũng đủ cho thấy con người này đã gắn bó đời mình với ngành giáo dục trong một quãng đời gần 40 năm. Con người nhà giáo Hoàng Ngọc Phách nhất định là chuẩn mực, là tận tâm với nghề trồng người vì lợi ích trăm năm.

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách

Với tư cách là nhà văn, Hoàng Ngọc Phách được coi là cây bút tiên phong mở đường cho trào lưu lãng mạn trong văn chương Việt Nam những năm 20 của thế kỉ XX. Sự nghiệp văn chương của Hoàng Ngọc Phách được đánh dấu bằng thiên tiểu thuyết có tính chất diễm tình nhưng sâu sắc về tâm lí: Tố Tâm (viết 1922, in 1925). Và cũng có thể nói đó là tác phẩm văn chương độc dáo, duy nhất của nhà văn này vì sau đó ông thiên về viết các tác phẩm có tính chất lí luận, biên khảo.

Như đã nói ở phần trên, Tố Tâm là một cuốn tiểu thuyết có tính chất mở đường cho khuynh hướng tiểu thuyết lãng mạn trong văn chương hiện đại Việt Nam những năm 20 của thế kỉ XX. Dưới hình thức là một “tiểu tuyết tình cảm”, tác phẩm đã phản ánh bi kịch thời đại: mâu thuẫn giữa tình yêu tự do và lễ giáo phong  kiến, giữa cá nhân và gia đình. Mối tình giữa Đạm Thủy và Tố Tâm dù có một kết thúc bi thảm nhưng đã nhận được sự đồng vọng của độc giả đương thời, nhất là tầng lớp thanh niên trí thức thành thị. Và cũng cần nói thêm là, đã có những giọt nước mắt của nhiều nam thanh nữ tú nhỏ xuống trên những trang văn của tiểu thuyết Tố Tâm. Đó là những giọt nước mắt thanh sạch, có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Hiện nay ở thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên nhà văn Hoàng Ngọc Phách.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903- 1977) quê ở Bắc Ninh, từng là học sinh trường Bưởi (Hà NỘI); năm 1922 vào học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp (1926), dạy học cho đến năm 1945. Trong gần 20 năm dạy học trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhà văn đã bị chính quyền thực dân để ý, theo dõi và tìm cách buộc phải thuyên chuyển nơi dạy từ Hải Dương về Nam Định, từ Nam Định ra Quảng Ninh, từ Quảng Ninh lên Lào Cai...Sự luân chuyển gian khổ đó, với người viết văn lại là một sự may mắn nghề nghiệp - vì thế mà được đi nhiều, biết nhiều, hay nói cách khác là được sống nhiều. Nguyễn Công Hoan bắt đầu cầm bút viết văn từ năm 1920; tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan in năm 1923 lập tức khẳng định vị trí vững chắc của ông trên văn đàn đương thời. Tiếp theo, tập truyện ngắn Kép Tư Bền xuất bản năm 1935 đã gây một tiếng vang lớn lúc bấy giờ (tác phẩm này cũng chính là nguyên cớ nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phái Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh). Trước năm 1945, nhà văn Nguyễn Công Hoan được ví như một “lực sĩ văn chương”, cần mẫn lao động nghệ thuật: ông đã viêt hơn 200 truyện ngắn, hơn 20 truyện dài. Trong tác phẩm của mình, nhà văn thẳng tay đả kích bọn quan lại tàn ác, tham lam và bỉ ổi; bọn địa chủ cường hào keo bẩn, ngu dốt; bọn “ông chủ” vô lương tâm chỉ biết chạy theo và tôn thờ đồng tiền...Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng được ví như một “bách khoa thư” về xã hội Việt Nam thời kim tiền, nhố nhăng mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã gọi là một “xã hội chó đẻ”. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công hoan thực sự là một bức tranh chân thực về đời sống xã hội với những cảnh sống khốn cùng của những con người nhỏ bé bị  tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Người đọc nhiều thế hệ vẫn luôn luôn xúc động và không cầm được nước mắt khi đọc những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn như: Hai thằng khốn nạn, Ngựa người và người ngựa, Kép Tư Bền, Thằng ăn cắp. Có thể nói đó là những tấn bi - hài kịch nhân gian mà nhà văn đã dựng nên bằng một nghệ thuật truyện ngắn tài tình. Nói đến Nguyễn Công Hoan là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn chương hiện đại Việt Nam. Đọc Nguyễn Công Hoan, nhiều người có sự liên tưởng và so sánh ông với nhà văn Ý thế kỉ XIV Giovanni Bôcaxiô (1313- 1375), người đã tạo nên kiệt tác Chuyện mười ngày (Decameron, xuất bản năm 1471). Người ta nói, không phải ai khác mà chính là Bôcaxiô là người đã đem tiếng cười vang dội vào văn chương nước Ý thời đại Phục hưng. Tương tự, chúng ta cũng có quyền tự hào mà nói: không phải ai khác mà chính là Nguyễn Công Hoan là người đã đem tiếng cười trào phúng vang dội vào văn chương hiện đại Việt nam. Ngay từ năm 1942, trong sách Nhà văn hiện đại, nhà văn Vũ Ngọc phan đã tinh tường nhận xét về đặc trưng văn chương Nguyễn Công Hoan “tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút ông thôi”. Người ta vẫn nói tiếng cười là vũ khí của người mạnh, tiếng cười là “phép vệ sinh tinh thần”- điều đó ứng nghiệm trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan một cách thật rõ ràng.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan

Hơn năm mươi năm lao động nghệ thuật bền bỉ, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã để lại một di sản văn chương đồ sộ. Ông vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Hiện nay ở thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Nhà thơ Vũ Đình Liên(1913- 1996), sinh tại Hà Nội; đỗ Tú tài sau đó  đi dạy học các trường tư và viết báo. Từ năm 1940 làm công chức ở Nha Thương chính. Trong kháng chiến chống Pháp  (1946- 1954) ông dạy học và hoạt động văn nghệ ở  Liên khu III, Việt Bắc. Sau hòa bình (1954), dạy học ở Trường Đại học Sư phạm Hà nội và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội cho đến năm 1975. Ngoài dạy học, làm thơ, Vũ Đình liên còn là một dịch giả, một nhả nghiên cứu văn học có uy tín.

Bài thơ đầu tay in báo của Vũ Đình Liên là Đứa trẻ ăn mày (1932). Có thể nói ông là người thuộc thế hệ đầu của phong trào Thơ mới(1932- 1945) nhưng cũng từ giã Thơ mới rất sớm từ năm 1937 với mặc cảm“Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa” (Thư gửi Hoài Thanh). Vũ Đình Liên là nhà thơ viết ít, mãi tới năm 1957 ông mới in tập thơ đầu tay và cũng là duy nhất của mình: Đôi mắt. Nhưng trong nghệ thuật nói chung và văn chương nó riêng có một quy luật bất thành văn nhưng lại rất ứng nghiệm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhắc tới Nhà thơ Vũ Đình Liên người ta vẫn nhắc tới kiểu  “nhà thơ một bài thơ”. Nói cách khác, nhắc tới Vũ Đình liên là nhắc tới bài thơ độc đáo Ông đồ (1936). Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, gồm 5 đoạn “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua...”. Nhịp thơ trễ nãi, buồn hiu hắt đặc trưng cho những cái đang mất đi không thể cưỡng lại được. Và cái kết của bài thơ thật buồn, buồn đến tê tái lòng “Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Bài thơ ngân vang nỗi niềm hoài cổ và da diết tình thương cũng như lòng trắc ẩn. Trong thơ trước năm 1945 Vũ Đình Liên hay viết về “lòng ta là những hàng thành quách cũ” hoặc “hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ”...Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên sở dĩ có sức sống lâu bền trong lòng độc giả, có lẽ là nhờ sự kết hợp hài hòa hai phẩm tính quan trọng: tình thương con người và lòng kính trọng quá khứ. Trong đời sống hiện đại không ít người có thái độ muốn “nhổ nước bọt vào quá khứ”, muốn tống tiễn quá khứ theo tinh thần hiện sinh. Nhà văn Hoài Thanh trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam (1941) đã nhận xét một cách chính xác và tinh tế về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên “Ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu...Cái cảnh thương tâm của nền học Nho lúc mạt vận chúng ta vô tình không lưu ý. Trong bọn chúng ta vẫn có một hai người ca tụng đạo Nho và các nhà nho(...). Vũ Đình Liên với một tấm lòng dễ cảm nhận đã nhận ra sự thực ấy và gián tiếp chỉ cho ta cái thái độ hợp lí hơn cả đối với các bậc phụ huynh của ta. Bài thơ của người có thể xem là một việc nghĩa cử”. Bây giờ cứ mỗi độ Tết đến, đi dạo quanh Bờ Hồ, hay thăm qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám ta lại thấy hình ảnh những ông đồ thời hiện đại ngồi viết chữ Nho cho nhiều người dịp xuân về.

Nhà văn Nam Cao (1917- 1951), quê ở Hà Nam; học hết bậc thành chung ở Nam Định, năm 1935 bỏ học vì ốm, sau đó lập gia đình. Từ năm 1935 đến 1938 vào Sài Gòn kiếm sống; từ năm 1939 dạy học, làm báo, viết văn tại Hà Nội. Nam Cao đã từng dạy học tại một trường tư ở phố Thụy Khuê, Hà Nội trước năm 1945. Khi nhật nhảy vào Đông Dương, ngôi trường tư bị đóng cửa, Nam Cao sống chật vật bằng nghề gia sư, viết văn làm báo...thậm chí có khi phải về quê ăn nhờ vợ. Năm 1943, tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc bí mật; năm 1945 tham gia cách mạng ở địa phương (từng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã). Năm1946, tham gia phong trào Nam tiến hoạt động ở vùng Nam Trung Bộ. Năm 1948, lên Việt Bắc, làm báo Cứu quốc Việt Bắc; năm 1950 tham gia chiến dịch Biên giới; năm 1951, hi sinh trên đường đi công tác ở Gia Viễn, Ninh Bình.

 Nhà văn Nam Cao

Nam Cao cầm bút viết văn rất sớm, từ năm 1936 với các bút danh Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê...Những sáng tác này chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời nên thường ủy mị, ướt át và không mấy tiếng vang. Nam Cao thực sự khẳng định mình trên văn đàn Việt Nam khi in truyện ngắn Chí Phèo (1941) - một tác phẩm xuất sắc đánh dấu sự từ bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của văn chương lãng mạn và thoát khỏi những non nớt, vụng về ban đầu của nghề văn. Tuy là người đến muộn nhưng chính Nam Cao là người thực hiện vai trò đem lại sự chiến thắng vẻ vang của chủ nghĩa hiện thực trong văn chương hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Trong  khoảng thời gian từ năm 1941 đến 1943, có thể nói văn tài của Nam Cao đã phát lộ rực rỡ và đầy đủ nhất- ông hoàn thành những kiệt tác trong đời cầm bút viết văn của mình: Chí Phèo, Đời thừa, Giăng sáng, Lão Hạc, Một bữa no, Mua nhà, Những truyện không muốn viết...Sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng thường tập trung vào hai đề tài về người trí thức - nghệ sĩ và người nông dân. Ông thường viết về những bi kịch đau đớn của những con người bị cái đói, cái khốn khổ, dốt nát làm cho dị dạng cả hình hài lẫn tâm hồn. Những ngày tháng dạy học đã giúp Nam Cao vốn sống viết truyện dài đặc sắc Sống mòn (1944) - có thể nói đây là tác phẩm viết về giáo giới thành công nhất trước 1945. Theo hồi ức của nhà văn Tô Hoài thì tác phẩm này khi mới viết Nam Cao đặt tên là Chết mòn (sau hòa bình, năm 1956 khi in lại đổi tên thành Sống mòn). Thông qua việc miêu tả cuộc sống thường nhật của những “giáo khổ trường tư” (các nhân vật Đích, Thứ, Oanh), Nam Cao tô đậm cái tình cảnh “sống mòn” của những người trí thức trong xã hội cũ, cái tình cảnh dẫn đến nguy cơ làm cho cuộc sống “gỉ ra, mòn đi, mốc lên”. Điều đáng nói là: tuy không trực tiếp tố cáo tội ác của thế lực thực dân phong kiến, tác phẩm vẫn có cái sức mạnh của tinh thần phản kháng - phản kháng lại cái xấu, cái ác kìm hãm sự phát triển của nhân cách con người và lóe lên niềm hi vọng về một sự đổi thay cần thiết và tất yếu. Cùng với Chí Phèo, Sống mòn là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp văn chương của nhà văn Nam Cao trước Cách mạng. Nam Cao là một điển hình của kiểu nhà văn - chiến sĩ. Tám năm cuối đời (1943- 1951), Nam Cao đã làm một cuộc thay đổi lớn lao, phấn đấu trở thành một nhà văn kiểu mới, phụng sự lí tưởng mới. Vì những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp văn chương nước nhà thời hiện đại, ông đã được Nhà nước truy tặng  Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Ở thủ đô Hà Nội hiện nay có một đường phố mang tên nhà văn Nam Cao.

Nhà thơ Chế Lan Viên (1920- 1989), tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở Quảng Trị. Năm 1936, tốt nghiệp trung học, vào Sài Gòn làm báo, dạy học ở các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Huế). Chế Lan Viên là một tài năng thơ ca: năm 1937, khi mới 17 tuổi ra mắt tập thơ Điêu tàn. Trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam (1941), nhà văn Hoài Thanh đã nhận xét:“Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị (...). Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỉ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật”.

 Nhà thơ Chế Lan Viên

Sự nghiệp văn chương của Nhà thơ Chế Lan Viên trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Thơ ca (13 tập); Văn xuôi (5 tập); Lí luận - phê bình (6 tập). Con đường thơ của Chế Lan Viên tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ lãng mạn đến với cuộc đời mới: từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”. Phong cách một người từng làm nghề dạy học để lại dấu ấn rất rõ trong đời sống riêng cũng như trong lao động nghề nghiệp văn chương của nhà thơ Chế Lan Viên. Chính con gái nhà thơ, nữ văn sĩ Phan Thị Vàng Anh đã viết về thân phụ của mình trong tác phẩm Cha tôi như sau: “Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát...xong hết mới gọi tôi dậy ăn. Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân...làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài. Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ; học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa (...). Cứ vậy, đầu óc của cha tôi không lúc nào thảnh thơi, đôi lúc tôi nghĩ, cha đã già rồi, đã có một vị trí ít ai dám mơ tới trong văn học rồi, sao cha không nghỉ ngơi một chút. Cha dạy chúng tôi: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Cha cũng muốn tôi học, tôi đã có gần chục quyển vở chép tay của cha, ở bìa ghi rõ: “Sách dạy cho Vàng Anh”, cha muốn hàng ngày đều có ít thì giờ để giảng cho tôi; nhưng tôi, vì đã không ý thức được những giờ học ấy quý như thế nào, tôi đã trốn đủ bằng mọi cớ, khi ấy, tôi chỉ thích làm thơ chứ không thích học thơ”.

Vì những đóng góp lớn lao cho sự phát triển nền văn chương dân tộc thời hiện đại, nhà thơ Chế Lan Viên  đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thụật năm 1996.

Nhà văn Bùi Việt Thắng

Bình luận
vtcnews.vn