Bạn – tôi và những biểu tượng cảm xúc

Tổng hợpThứ Hai, 24/10/2011 03:41:00 +07:00

Có rất nhiều cách để an ủi một người vừa gặp điều không may,và việc gửi email có phải là một cách tốt để sẻ chia?

Có rất nhiều cách để an ủi một người vừa gặp điều không may, hay thất bại như đổ bể thương vụ hàng triệu USD chẳng hạn, và việc gửi email với hình mặt người chiếc miệng trễ xuống liệu có phải là một cách tốt để sẻ chia?

 Alexis Feldman, giám đốc của tập đoàn bất động sản ở Manhattan – Feldmam Realty Group, nhớ lại bức email mà cô nhận được từ một người môi giới có nội dung như sau: “Xin lỗi, khách hàng của tôi không thích không gian đó lắm. Thật tệ là chúng ta đã mất cả đống tiền rồi ”.

“Thật nực cười khi thông báo cho tôi một tin xấu như vậy mà lại kèm theo hình . Tôi không cảm thấy khá hơn chút nào với biểu tượng cảm xúc đó. Nó đáng nhẽ chỉ được sử dụng ở độ tuổi thiếu niên để chát chít nhằm thông báo cuộc đá bóng sau giờ học đã bị hoãn lại” - vị giám đốc 30 tuổi bức xúc.

Tuy nhiên, đó chỉ là phản ứng điển hình của những người trong môi trường công sở của chục năm về trước.

 
Xã hội hóa biểu tượng cảm xúc

Biểu tượng cảm xúc như thế này :( :) ;) đã xuất hiện trên bàn phím máy tính từ hơn 30 năm nay và liên tục phát triển. Cho tới ngày nay, nó đã được sử dụng phổ biến như dấu chấm câu và trở nên quen thuộc đối với cả những người tưởng chừng bảo thủ và chỉn chu nhất.

“Trong việc viết email văn phòng, biểu tượng cảm xúc giúp chúng ta nhận biết rõ hơn trạng thái tình cảm trong lời nói bằng văn bản, tránh những hiểu lầm không đáng có. Chúng ta sử dụng nó nhiều lần trong ngày nhưng dưới một áp lực nhất định.” – Will Schwalbe, tác giả của cuốn “Những điều cần biết khi gửi email văn phòng và tại gia”, nói.

Ông nhận thấy rằng ngày càng nhiều người trưởng thành sử dụng biểu tượng cảm xúc trong những cuộc giao tiếp mang tính quan trọng và cần sự chỉn chu. Ngay cả những người trước đây từng coi nhẹ biểu tượng cảm xúc như Alexis cũng bắt đầu sử dụng chúng một cách thường xuyên.

Trong một nghiên cứu tiến hành trên 40.000 người dùng Yahoo Messenger, có tới 52% người trên 30 tuổi và trong số họ 55% sử dụng biểu tượng cảm xúc hàng ngày.

Christopher P. Michel, người sáng lập đồng thời là chủ tịch của trang web về quân đội www.military.com cho biết biểu tượng cảm xúc giờ đây còn được sử dụng rộng rãi trong những bản báo cáo hoặc bài báo tại Lầu Năm Góc. Những lãnh đạo cấp cao cũng sử dụng biểu tượng cảm xúc để bình luận về những vấn đề nhạy cảm.

“Một biểu tượng nháy mắt ;) nói lên rất nhiều điều nếu nó đến từ vị chỉ huy. Với tôi, đó là một dạng mật mã” – Christ nói.

Không chỉ nằm trên giấy tờ hay máy tính, các biểu tượng cảm xúc giờ đây còn ảnh hưởng ngược trở lại phương thức biểu cảm trên khuôn mặt và lời nói của con người khi nói chuyện trong cuộc sống thực.

Những người đàn ông ở phố Wall giờ đây thường xuyên nói “boo hoo” trong cuộc giao tiếp nhằm ám chỉ biểu tượng cảm xúc QQ (đang khóc).

Trong khi đó, Kristina Grish, tác giả của cuốn “Niềm vui từ việc soạn thảo văn bản: Kết bạn, hò hẹn và những điều liên quan đến công nghệ”, nói rằng cô sử dụng biểu tượng thè lưỡi :-P trong các tin nhắn điện tử, email ở công ty nhiều đến mức một lần hò hẹn với bạn trai trong nhà hàng, bồi bàn đến giới thiệu món đặc biệt và cô đã thè lưỡi ra một cách vô thức và người bồi bàn đó ồ lên: “Cô vừa làm một biểu tượng IM đúng không?”.

 
Lịch sử biểu tượng cảm xúc

Mặc dù chúng ta nghĩ biểu tượng cảm xúc thuộc về thời đại Internet; tuy nhiên, nó đã có mặt từ trước đó rất lâu. Không rõ vì sơ xuất khi đánh máy hay cố ý mà tờ New York Times năm 1862 đã đăng bài phát biểu của Abraham Lincoln trong đó có biểu tượng nháy mắt ;). 50 năm sau, tức vào năm 1912, tác gia Ambrose Bierce đã tạo ra biểu tượng mặt cười với ba gạch rời \_/! để biểu thị niềm vui. Tiếp đến, vào năm 1979, Kevin MacKenzie trong bài báo Sự tiêu hóa của độc giả trên ARPANET (mạng lưới dùng công nghệ chuyển mạch gói đầu tiên hoạt động, và là cha đẻ của mạng lưới Internet toàn cầu hiện nay) cũng tạo ra biểu tượng -) nhằm mô tả hình ảnh phấn  khích “lưỡi lên má”.

Tuy nhiên, người tạo ra phong trào sử dụng biểu tượng cảm xúc trên diện rộng là Scott Fahlman. Năm 1982, khi đang là giáo sư nghiên cứu về máy tính tại trường Đại học Carnegie Mellon, ông thường xuyên phải kết nối thông tin trên bản tin điện tử của trường, nơi những người yêu thích công nghệ hay trao đổi ý kiến. Ông nhận thấy nhiều sự hiểu lầm phát sinh từ việc mọi người không nhận biết được đâu là đùa cợt và đâu là nghiêm túc. Vì vậy, tiến sĩ Scott đã gợi ý mọi người sử dụng biểu tượng :-P để biểu thị sự vui đùa và dùng biểu tượng [-( để biểu thị sự nghiêm túc mà sau này có thêm ý nghĩa là không bằng lòng.

Trong vòng một tháng, tiến sĩ Scott nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người. Ông và những người yêu công nghệ khác bắt đầu sáng tạo thêm những biểu tượng mới. Tiến sĩ chưa bao giờ được nhận bằng sáng chế hay được trả tiền cho sáng kiến của mình. Ông nói: “Đây chỉ là một chút quà nhỏ mà ông muốn gửi tặng mọi người trên thế giới và nó phải được miễn phí.”

 
Thúc đẩy những tình cảm tốt đẹp và giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực

Như là mốt thời trang trên mạng Internet, những biểu tượng cảm xúc ngày càng đa dạng, được biến hóa theo thời đại và văn hóa của từng quốc gia. Từ chỗ chỉ là những biểu tượng tĩnh, nay chúng có thể cử động, dịch chuyển, phát âm thanh, ở dạng 2D và 3D. Điện thoại di động và nhiều thiết bị nhắn tin điện tử khác cũng đều được tích hợp những khuôn mặt cảm xúc.

Nhờ những biểu tượng ấy, những thông điệp bằng văn bản trở nên mềm mại hơn, giúp biểu đạt những tâm trạng không thể diễn đạt bằng lời. Một chàng trai nhút nhát có thể tặng một bông hồng đỏ @}; -qua tin nhắn điện thoại và cô gái sẽ trở nên nữ tính biết bao khi đáp lại bằng biểu tượng :”> (ngượng ngùng). Cô ấy cũng có thể làm ngơ một chút với biểu tượng :-” thay vì nói rằng “em sẽ đồng ý với điều kiện anh phải thuyết phục em”.

Không chỉ vậy, biểu tượng cảm xúc còn giúp tiết kiệm nhiều thời gian và giúp văn bản ngắn gọn hơn rất nhiều. Trên Yahoo Messenger, thay vì phải gõ chữ “Mình đang học bài”, người sử dụng máy tính chỉ cần gõ vài nét ?@ _@? hoặc “đang nấu ăn” []--- “đang bận điện thoại” :)] hoặc “đang xem TV” :(tv).

 
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Dacher Keltner từ trường Đại học California, một cách tự nhiên, con người có xu hướng tìm kiếm những cử chỉ tương tự như trên khuôn mặt thật. Họ cảm thấy gần gụi, có thiện cảm và thậm chí dễ chấp nhận ngay cả những biểu tượng cảm xúc tiêu cực trên máy tính như tức giận, ghê sợ, giè bỉu… Ngay cả trẻ em sơ sinh cũng tỏ ra thích thú với những biểu tượng cảm xúc.

Trong cuộc điều tra của Yahoo, có tới 82% người cho rằng phụ nữ nói chung sử dụng biểu tượng cảm xúc nhiều hơn đàn ông, còn đàn ông thường sử dụng chúng đặc biệt khi thể hiện lời yêu bởi chúng giúp họ bộc bạch tình cảm một cách hiệu quả, thậm chí hơn cả ngôn từ.

Dù biểu tượng cảm xúc đang được ưa chuộng nhưng khi công nghệ phát triển, không có gì là đứng yên mãi mãi. Nhạc chuông đơn âm xưa kia thịnh hành là thế, những năm gần đây cũng trở nên mờ nhạt khi thiết bị điện tử tân tiến cho phép chạy những bản nhạc đa âm với chất lượng cao. Biểu tượng cảm xúc nay càng ngày càng được cải tiến. Nhiều chương trình cho phép tạo biểu tượng với hình ảnh các nhân vật hoạt hình hoặc phác họa giống người nổi tiếng và tích hợp quảng cáo. Tuy nhiên, việc động hóa và tích hợp quá nhiều trong tương lai có thể sẽ làm mất đi linh hồn cũng như khả năng gợi trí tưởng tượng của các biểu tượng cảm xúc.

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn