Ông trùm cuối cùng của ngành truyền thông

Tổng hợpThứ Tư, 03/08/2011 07:01:00 +07:00

Có mặt trong cuộc họp quốc hội ngày 19/6, Rupert Murdoch giải thích một cách lúng túng và thể hiện rõ sự lo âu trước những câu chất vấn.

Như một quy luật của tự nhiên, không ai có thể duy trì mãi mãi sự thống trị của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị và truyền thông. Trùm truyền thông Rupert Murdoch không phải là ngoại lệ.

 

 

Có mặt trong cuộc họp quốc hội ngày 19/6, Rupert Murdoch giải thích một cách lúng túng và thể hiện rõ sự lo âu trước những câu chất vấn như: làm thế nào mà gần đây những vụ nghe lén điện thoại cá nhân để đăng tin lại xảy ra thường xuyên trên báo chí của Anh quốc đến thế; tại sao có tin đồn rằng News Corporation hối lộ cảnh sát 100.000 bảng; và tại sao một số người làm việc cho Rupert lại bị bắt giam. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là dù màn thể hiện của trùm truyền thông này có đáng thất vọng đến đâu thì cổ phiếu của tập đoàn News Corporation do ông đứng đầu vẫn tăng lên vùn vụt.

Thông thường, sự yếu kém của lãnh đạo luôn tỷ lệ thuận với sức mạnh của doanh nghiệp đó. Nhưng với News Corporation thì khác. Nó là một tập đoàn truyền thông của gia đình, được kiểm soát bởi những cổ đông có đặc quyền biểu quyết (hầu hết là thành viên gia đình). Vị chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Rupert Murdoch, nay đã 80 tuổi, dường như muốn cầm quyền cho đến khi không thể không trao cho một hay vài người con của mình. Rupert có 3 đời vợ và 6 người con). Hơn nữa, lợi ích của mỗi người con và lợi ích của cả tập đoàn ngày càng không đồng nhất. 

Những nhà chính trị và công chúng có góc nhìn về ông Murdoch khác với góc nhìn của những nhà đầu tư. Nhóm đầu tiên cho rằng ông là kẻ gây dựng nên đế chế truyền thông toàn cầu một cách xảo trá, một kẻ có thể tạo nên cũng như đạp đổ sự nghiệp của một chính trị gia. Còn đối với nhóm thứ hai, ông là một cái nợ, một chướng ngại vật đối với sự phát triển trơn tru của News Corporation. Càng gần lúc Rupert nghỉ hưu thì tập đoàn lại càng phát đạt. Và khi tập đoàn này dần cải tiến cách kinh doanh thì ngài Murdoch cũng dần trở thành kẻ lạc hậu và không lâu nữa sẽ trở thành ông trùm truyền thông cuối cùng của thời đại Internet.

 Thời của những ông trùm truyền thông và sự thay máu

Trước đây, ngành truyền thông từng là lãnh địa của những gia đình quyền lực. London có dòng họ Rothermeres; Los Angeles có nhà Chandlers; các studios của Hollywood khởi đầu cũng nằm dưới sự sở hữu của những gia đình. Thế nhưng kể từ khi Internet và công nghệ điện tử ra đời, kết hợp với những quy định mới từ chính phủ Mỹ năm 1948 thì mô hình truyền thông độc quyền dần dần bị phá vỡ. Quyền lực được chia lại cho những doanh nghiệp mới khởi sự, các blogger hay các công ty như Google và Yahoo! – nơi mà tin tức chỉ là lĩnh vực ngoại biên, không phải là mục tiêu sống còn.

Ðến nay, hầu hết các gia đình đã bán lại doanh nghiệp của mình hoặc dần nhượng quyền quản lý cho người ngoài. Ban đầu, họ nhường lại cho những người có công phụng sự nhưng sau này, bất cứ ai có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp sẽ được nắm quyền. Michael Eisner đã bị đánh bật khỏi Disney năm 2005 để nhường chỗ cho Bob Iger – kẻ nói ít làm nhiều. Time Warner có người điều hành mới là Jeff Bewkes, một kẻ chống chế độ “ông trùm”, đã tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn. Viacom thì nằm dưới quyền kiểm soát của một kẻ không mấy khi ra mặt – Summer Redstone. Ðế chế truyền thông của Silvio Berlusconi – một ông trùm truyền thông, một nhà chính trị của Ý – cũng đang quằn quại dưới sự tấn công từ Sky Italia, một chi nhánh của News Corporation tại đây.

 

 

Rupert Murdoch – khi một tay muốn che cả bầu trời

Ngài Rupert Murdoch thừa hưởng từ cha cơ nghiệp báo chí này và đã biến nó trở thành một đế chế truyền thông đa phương tiện hùng mạnh nhất thế giới. Ðặt chân lên nước Anh từ những năm 1960, ông đã tạo ra những tờ báo lá cải ăn khách nhất nước Anh – một nồi lẩu của những câu chuyện tình dục, đạo đức suy đồi, công kích giới chính trị... Tại Mỹ, với sự thành lập Fox News Channel vào năm 1986, Rupert đã phá vỡ gọng kiềng của 3 hãng truyền hình lớn nhất là ABC, CBS, và NBC. Mặc dù xét toàn diện, Fox không được coi là một trong ba ông lớn nhưng ở các khoảng thời gian vàng trong ngày thì nó đã vượt qua ABC, NBC về lượng khán giả và chỉ tranh giành vị trí nhất nhì với CBS, đem lại lợi nhuận ngày càng tăng cho trùm Murdoch.

Trước sự sụp đổ của các đế chế truyền thông khác, Rupert Murdoch liên tục gia tăng các cuộc thôn tính nhằm khẳng đinh ngôi vị bá chủ ngành truyền thông thế giới của mình. Tuy nhiên, sự nhìn nhận của công chúng về ông trùm này ngày càng tiêu cực. Ngài Murdoch soán lấy Myspace trong một vụ mua bán trơ trẽn năm 2005, để rồi sau đó bất lực nhìn Facebook “nốc ao”. Vào năm 2007, với sự tinh khôn hơn người, Rupert nhận thấy sự suy yếu trong gia đình nhà Bancroft nên đã tranh thủ nắm gọn Dow Jones và Wall Street Journal. Tuy nhiên, ông đã không nhận ra rằng ngành báo giấy đang “xẹp” dần. Giá trị của Down Jones sau đó cũng giảm xuống một nửa. Nghiêm trọng hơn, vụ scandal nghe lén thông tin của người nổi tiếng, các chính trị gia và hoàng gia để có được những tin giật gân, độc nhất vô nhị không chỉ khiến cho công chúng nổi giận mà nó còn đặt dấu chấm hết cho tờ báo lá cải News of the World ăn khách số một tại Anh của Murdoch bắt đầu từ ngày 10/7/2011. Rupert Murdoch nói rằng có 53.000 nhân viên đang làm việc dưới quyền ông và tờ báo này chỉ chiếm 1% trong số đó vì thế không nên đổ mọi trách nhiệm lên ông chỉ vì 1% nhân lực đó làm không đúng. Ông và những lãnh đạo cấp cao khác hoàn toàn không biết về việc này. Tất nhiên, ông sẽ không từ chức nhưng nó cho thấy sự yếu kém về mặt quản lý khi một người kiêm nhiệm nhiều chức vụ, luôn cố gắng thâu tóm mọi quyền lực với một tập đoàn có quy mô vĩ đại như News Corp.

Đầu tháng 7 vừa qua, chính phủ Anh đã có cuộc tranh luận gay gắt việc có đồng ý cho News Corp. mua lại kênh truyền hình vệ tinh BSkyB hay không trong khi người đứng đầu phe đối lập trong Quốc hội Ed Miliband đang tìm cách ngăn thương vụ này. Các bộ trưởng lo ngại rằng họ có thể bị kiện bởi tập đoàn đầy quyền lực News Corporation của ngài Murdoch nếu gạt gói thầu của ông ra ngoài.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bao gồm cả những tập đoàn truyền thông khác và thành viên quốc hội thì mối lo ngại rằng cuộc chuyển giao nếu thực hiện sẽ mang đến cho Murdoch quá nhiều quyền lực. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng của truyền thông Anh quốc. Cuối cùng, News Corp. bị buộc phải chấm dứt cuộc theo đuổi BSkyB mặc dù Rupert Murdoch chính là người đã góp công xây dựng nên hãng truyền hình vệ tinh này. Thủ tục kiện tụng đang trong thời gian chờ đợi. Các nhà chính trị Anh – những người đang cảm thấy được phóng thích khỏi sự cùm kẹp của Murdoch – có lẽ sẽ xiết chặt các quy định và khiến việc kiếm tiền trong lĩnh vực truyền thông sẽ khó khăn hơn.

 Bom hẹn giờ trong những công ty gia đình

Sự độc quyền của Rupert cũng cho thấy những mối nguy của việc điều hành một công ty gia đình. James Murdoch, con trai của vị chủ tịch, là một người tài năng, đã điều hành BSkyB rất xuất sắc. Giá như mang họ khác và nếu làm việc với một hãng truyền thông nào đó không phải News Corp., sự nghiệp của James có lẽ còn xán lạn hơn nhiều. Được học về truyền thống kinh doanh của gia đình nhưng James chưa từng thích báo chí nếu như không muốn nói rằng báo chí là điểm yếu của James. Sau scandal với News of the World, ngày 15/7, hai người con của Murdoch cùng vị CEO Rebekah Brooks của News International (công ty sở hữu tờ News of the World) đã xin từ chức. Việc này cho thấy sẽ thật sai lầm nếu tin rằng đời ông, đời cha từng thành công với báo chí thì đời con cháu cũng vậy. Và càng sai lầm hơn khi nghĩ rằng tương lai của News Corp. vẫn dựa vào báo chí.

Cả ban lãnh đạo lẫn những cổ đông dù đang bất bình đều không thể từ bỏ dòng họ Murdoch. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ hoạt đông tốt hơn nếu như sự thù ghét trong tầng lớp quản lý giảm đi. Công việc của một chủ tịch kiêm giám đốc điều hành nên được chia sẻ hơn là ôm đồm; điều này tốt cho mọi doanh nghiệp và ngài Murdoch “lớn” nên lui vào hậu cung. Ông có thể vẫn giữ chức chủ tịch vì cái danh ấy xứng đáng với người thành lập ra nó, đặc biệt là với người có khả năng bổ nhiệm tướng lĩnh tài như Murdoch.

 

 

Trang sử đã đến hồi khép lại

Ngành truyền thông cần một tập đoàn News Corp. vững mạnh và được quản lý tốt. Khi nó không bị chi phối bởi tham vọng thôn tính các tập đoàn khác nhằm trở thành bá chủ, tập đoàn sẽ có thể tập trung phát triển một cách khôn ngoan nhằm giúp các bài báo, chương trình truyền hình, hoặc phim không trở thành những thứ bị trôi nổi trên Internet. News Corp. đã và đang là kẻ có tiếng nói lớn nhất đấu tranh cho việc thu phí đọc báo - biện pháp có thể giúp doanh nghiệp sống sót, mặc dù nó không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Ngài Murdoch không phải là ông trùm cuối cùng gây dựng nên một đế chế truyền thông. Michael Bloomberg đã và đang tạo ra một đế chế hùng mạnh đồng thời còn là thị trưởng của New York; tuy nhiên, Michael biết tách biệt hai công việc này một cách khôn ngoan. Hay kể như Emilio Azcárrage của Mexico cũng đang lớn mạnh. Tuy nhiên, kỷ nguyên của những ông trùm truyền thông thế giới đã đi qua và ngài Murdoch nên chấp nhận sự thực này. Sự hăng hái của ngài Murdoch là yếu tố đã giúp tập đoàn thành công như ngày nay và tính cách này sẽ không biến mất khỏi News Corp. nếu ông bằng lòng ở một cương vị duy nhất là chủ tịch tập đoàn.

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn