Hollywood – Khán giả Mỹ hay Quốc tế nặng ký hơn?

Tổng hợpThứ Hai, 23/05/2011 02:10:00 +07:00

Xu hướng quốc tế hóa này đang khiến các kịch bản phim của Hollywood dần vượt khỏi những vấn đề của nước Mỹ, ví dụ như bộ phim Prince of Persia...

   Hollywood mặc nhiên là có tầm quốc tế, vấn đề là hiện nay nó vươn sâu và ảnh hưởng tới thị trường mục tiêu đến mức nào; và các thị trường này tác động ngược trở lại Hollywood ra sao. Trước đây một thập kỷ, mà cụ thể là vào năm 2001, 1/2 nguồn thu của phim chiếu rạp là từ Bắc Mỹ. Vậy mà đến nay, xu hướng này đã đảo lộn, nguồn thu từ thị trường nước ngoài đã gấp đôi nguồn thu từ Bắc Mỹ. Nhờ có Harry Potter, Sherlock Holmes và Inception, Warner Bros đã gặt hái được 2,93 tỷ USD bên ngoài nước Mỹ trong năm 2010, phá vỡ mức kỷ lục của năm trước là 2,24 tỷ USD. Việc doanh thu bán DVD tại Mỹ giảm sút cho thấy Hollywood đang lệ thuộc nhiều hơn vào thị trường quốc tế.

 

 

Xu hướng quốc tế hóa này đang khiến các kịch bản phim của Hollywood dần vượt khỏi những vấn đề của nước Mỹ, ví dụ như bộ phim Prince of Persia (Hoàng tử Ba Tư), The Chronicles of Narnia: The Voyage of the Dawn Treader (Biên niên sử Narnia: Cuộc hành trình trên tàu Dawn Treader) dựa theo tiểu thuyết của Anh. Với bộ phim Gulliver’s Travel (Gulliver du ký), dù có sự tham gia của diễn viên Jack Black mà người Mỹ hết mực yêu mến, doanh thu nội địa cũng chỉ đạt 42 triệu USD (dưới mức kỳ vọng), trong khi doanh thu ở Nga và Hàn Quốc là 150 triệu USD – đủ để khiến nhà sản xuất John Davis trở nên phấn chấn.

Xu hướng phát triển mạnh mẽ ra thị trường quốc tế này một phần là do đồng đô la bị yếu đi. Một phần là do sự thành công chói lọi của Avatar với khoản thu 2 tỷ USD ngoài Bắc Mỹ. Tuy nhiên ba yếu tố đáng kể nhất đó là: sự bùng nổ các rạp chiếu tại các nước đang phát triển, nỗ lực của các “ông lớn” Hollywood trong việc làm phim bên ngoài nước Mỹ, và lực đẩy marketing toàn cầu mạnh mẽ.

Nước Nga với dân số ở tuổi thiếu niên đang dần co hẹp đáng nhẽ khó có thể trở thành điểm bùng nổ các rạp chiếu phim. Tuy nhiên, việc nhiều hệ thống rạp chiếu siêu hiện đại được xây dựng nhanh chóng đã khiến cung tạo ra cầu. Năm ngoái, 160 triệu vé xem phim được bán ra tại Nga. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lượng vé vượt quá cả số dân.

 
Những ông lớn của Hollywood cũng dần đánh bật các nhà sản xuất phim nước ngoài ngay trên chính đất nước của họ. Vào năm 2007, các studio của Mỹ sản xuất gấp hai lần số lượng phim của các nhà sản xuất ở Nga và doanh thu lần lượt là 8,3 tỷ Rúp (325 triệu USD) so với 4,5 tỷ Rúp. Còn trong năm ngoái, theo thống kê của Movie Research của Nga, phim nhập khẩu mang lại 16,4 tỷ Rúp – gấp năm lần phim nội địa. Đầu tháng 2/2011, thủ tướng Vladimir Putin còn tuyên bố rằng chính phủ sẽ giảm ngân sách hỗ trợ cho các hãng phim nội địa và gia tăng đầu tư vào việc mở rộng hệ thống rạp chiếu.

Ở Nga thì như vậy còn ở Trung Quốc, sự phát triển của phim Hollywood còn nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều. Năm ngoái, doanh thu của các nhà sản xuất Hollywood tại đây đạt tới 1,5 tỷ USD. Trung bình mỗi ngày có đến 3 phòng chiếu mới được xây dựng, trong đó có cả những phòng chiếu IMAX với giá vé cao ngất. Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép mỗi năm có 20 bộ phim ngoại được thâm nhập vào thị trường nội địa, vô hình chung lại đảm bảo cho những hãng phim lọt vào danh sách ấy một lượng khán giả khổng lồ. Vì thế, những kẻ “xâm lược” phải tìm mọi cách để tranh thủ tình cảm của người Trung Quốc bằng cách sản xuất ra những bộ phim mà trong đó Trung Quốc như thể là trung tâm của thế giới. Và nhờ đó, “Kung Fu Panda 2” được người dân xếp hàng dài đón đợi.

Tuy nhiên, Hollywood cũng nhận ra rằng bán được nhiều vé tại Trung Quốc chưa hẳn mang lại nhiều lợi nhuận. Tại Mỹ, các nhà phân phối được nhận 50-55% tiền lãi từ bộ phim, còn lại là dành cho các rạp. Ở các nước khác, họ nhận được 40-50%. Thế nhưng ở Trung Quốc, các nhà sản xuất Hollywood phải thông qua qua nhà phân phối của Trung Quốc nên tỷ lệ này chỉ được xấp xỉ 15%. Không những thế, các nhà sản xuất phim của Mỹ còn phải chịu nhiều ấm ức từ chính sách bảo hộ vô lý của họ. Đơn cử như việc Trung Quốc bất chấp các ràng buộc từ hiệp ước tự do mậu dịch quốc tế mà họ đã ký, cấm hoặc hạn chế chiếu Avatar tại nước này vì sợ Avatar sẽ lấn át bộ phim Khổng Tử do Đảng và Nhà nước bỏ nhiều công sức và tiền của ra dàn dựng. Tổ chức WTO đã đề nghị Trung Quốc cải tổ chính sách của họ nhưng chẳng mấy ai tin về một sự đổi thay.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim của Mỹ cũng lo sợ về nạn ăn cắp bản quyền nên họ buộc phải ra mắt phim cùng lúc trên toàn thế giới. Điều này cũng lại khiến “trò chơi” thay đổi. Trước đây, sau khi một bộ phim được công chiếu tại Mỹ thì kết quả đánh giá của người dân Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tới việc lựa chọn phim của người dân tại các quốc gia khác. Các studio của Mỹ dựa vào tiếng vang này để tiếp tục kinh doanh tại nước ngoài. Giờ đây, khi chiếu cùng một thời điểm, họ phải thực hiện song song các chiến dịch quảng bá trên toàn cầu, liên kết với các hãng nội địa để marketing. Chi phí và nguồn lực bỏ ra tăng lên gấp bội.

 
“Có những ngôi sao trong vòng hai tuần phải đến tận mười nước để thực hiện chiến dịch quảng bá, chẳng khác nào chiến dịch bầu cử chính trị. Những diễn viên nhận lời tham gia lúc nào cũng thấy mình phải làm việc liên tục” – Michael Lynton, chủ tịch Sony Pictures, cho biết.

Thành công của những bộ phim ngoài nước Mỹ tuy nhiên không chỉ phụ thuộc vào vấn đề marketing. Khi doanh thu từ rạp chiếu nước ngoài ngày càng quan trọng, những người quản lý của các hãng phân phối phim dần có ảnh hưởng lớn hơn. Họ bắt đầu có quyền quyết định “bật đèn xanh” hay “đèn đỏ” để sản xuất một bộ phim. Các studio phải thận trọng viết kịch bản, lựa chọn diễn viên, địa điểm công chiếu, thậm chí là cả ngôn ngữ phổ biến tại các quốc gia mục tiêu. Về chiến lược này, Sony cũng lấy The Green Hornet (Chiến binh bí ẩn) làm ví dụ với nhân vật anh hùng là người Đài Loan còn kẻ hiểm ác là người Đức-Áo, hay như với Resident Evil: Afterlife (Vùng đất quỷ dữ: Kiếp sau) thì bối cảnh quay là nước Nhật.

Sự ầm ĩ thường thu hút sự chú ý của mọi người hơn. Jason Statham, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng với những bộ phim hành động sử dụng cơ bắp nhiều hơn là trí tuệ, được đặc biệt yêu thích tại Nga. Những bộ phim dựa trên các tác phẩm văn học nổi tiếng (trong đó có truyện tranh) và thần thoại tương đối ăn khách, còn nếu phản ánh những vấn đề liên quan tới văn hóa đương đại của Mỹ thì lượng vé bán ra tại các nước khác chỉ nhỏ giọt. Phim hài cũng không mấy thành công trên đất khách. “Chúng tôi sẽ không làm nhiều các bộ phim hài nữa” – Brad Grey, chủ tịch của hãng Paramount Pictures, tuyên bố.

Xu hướng bành trướng sang thị trường nước ngoài thuận lợi hơn đối với các hãng kinh doanh điện ảnh lớn, không chỉ vì họ có nhiều tiền, cũng không hẳn là vì họ có thể tạo ra những bộ phim hay – các hãng nhỏ vẫn làm ra được những tác phẩm để đời – mà là vì họ có khả năng khai thác mọi nguồn lợi xung quanh một bộ phim. Bên cạnh đó, với hệ thống marketing toàn cầu và khả năng nắm bắt thị hiếu của người nước ngoài siêu đẳng, họ đang chiếm lĩnh thị trường quốc tế ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ.

Hồng Đào
Bình luận
vtcnews.vn