Xúc cảm Thái Lan...

Tổng hợpThứ Ba, 30/07/2013 10:23:00 +07:00

Hơn 10 ngày ở Thái Lan, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, sẽ là những kỷ niệm khó quên với nhóm làm phim VTC16...

Thường thì các chuyến đi công tác nước ngoài ở kênh VTC16 luôn được thông báo và lên kế hoạch trước 1 tháng, thậm chí có những chuyến đi phải mất 1 năm để chuẩn bị. Nhưng chúng tôi nhận được quyết định đi công tác Thái Lan khá bất ngờ. Thứ 6 được thông báo thì thứ 2 chúng tôi đã phải lên máy bay. Hơn 10 ngày ở Thái Lan, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, sẽ là những kỷ niệm khó quên với nhóm làm phim VTC16.

 


Thời gian quá ít ỏi để lên kế hoạch đề tài, trong khi, đây lại là lần đầu tiên nhóm chúng tôi sang tác nghiệp ở xứ sở của Chùa Vàng. Hai ngày cuối tuần, tôi cuống cuồng tìm hiểu thông tin, lên đề tài, liên hệ với các đầu mối. Buồn cười là do không có bạn bè bên Thái Lan nên tôi đành phải nhờ những người bạn ở… Philippines gọi điện sang Thái Lan để giới thiệu và nhờ giúp đỡ. Nhóm chúng tôi đi gồm 3 người: tôi, quay phim Văn Hòa và BTV Bùi Xuân. Lịch trình chuyến đi khoảng 2 tuần. Tuần đầu tiên chúng tôi sẽ theo chân một kênh truyền hình nông nghiệp của Thái Lan để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất chương trình; tuần còn lại, nhóm sẽ được tác nghiệp tự do.

Nóng
Dự định ban đầu của chuyến đi là 15 ngày nhưng cuối cùng chúng tôi đành rút xuống còn 12 ngày vì không chịu nổi cái nắng nóng của xứ bạn. Trước khi đi, vẫn biết Thái Lan vốn rất nóng nhưng không nghĩ lại nóng đến mức như thế. Xui xẻo cho nhóm chúng tôi là lại sang đúng đợt thời tiết nắng nhất. Nhiệt độ hôm nào cũng 41 - 42 độ C, có hôm lên đến 44 độ. 
Tuần đầu tiên, chúng tôi được theo chân nhóm phóng viên của kênh nông nghiệp Farm Chanel về địa phương sản xuất chương trình. Có hôm, cả đoàn đi quay chương trình gameshow dành cho trẻ em tìm hiểu về nông nghiệp. Gần trưa, nhiệt độ lên cao, mắt tôi bắt đầu… nổ đom đóm và đứng không vững vì say nắng. Tôi và BTV Bùi Xuân chạy vào bờ ruộng chỗ có mấy bụi khoai nước, ngắt lá khoai để che tạm. Chỉ khổ cho quay phim, đứng giữa trời nắng chỉ với cái mũ cộc trên đầu. Nhìn đám trẻ con hăng hái chạy nhảy giữa ruộng lúa dưới cái nắng 42 độ, chúng tôi không khỏi cảm kích, nể phục. Sang buổi chiều, nhiệt độ càng tăng cao hơn. Nhóm phóng viên của Thái Lan và những người nông dân thì dường như đã quá quen với cái nắng này rồi nên họ vẫn làm việc hăng say. Chỉ riêng 3 anh em chúng tôi là bắt đầu… héo. Tôi lân la làm quen và gạ gẫm… đổi áo với những người dân. Những chiếc áo rộng rãi và khá dày, có thể che nắng rất tốt. Thật may là họ đã vui vẻ đồng ý, còn khuyến mãi thêm cho chúng tôi mỗi người một chiếc mũ rộng vành nữa. Nhờ thế mà ê-kip đủ sức chiến đấu, không gục ngã dưới cái nắng cháy da cháy thịt.
Để tiếp cận gần hơn với cuộc sống của người nông dân, cũng như thuận tiện cho việc đi tác nghiệp, chúng tôi quyết định xin ở theo hình thức “homestay” tại nhà một người dân. Không biết có phải vì thời tiết quá nóng hay do chúng tôi xui xẻo mà ở đây thường xuyên mất điện vào buổi tối. Cả ngày đi quay mệt mỏi, tối về lại không có điện, ngột ngạt oi bức, mồ hôi nhễ nhại… Cả 3 chỉ biết méo mặt nhìn nhau.
Sau những nỗ lực chống chọi với cái nắng, cái nóng của Thái Lan, nhóm phóng viên VTC16 chúng tôi đã mang về Việt Nam thứ “đặc sản” là làn da cháy nắng và đen nhẻm. 

 

Đói 
Đồ ăn ở Thái Lan quá cay! Đó là nỗi kinh hoàng đối với một người vốn dị ứng với đồ cay nóng như tôi. Không ăn thì đói, nên đành cố nhắm mắt mà ăn. Kết quả là sau 3 ngày sang Thái Lan, cả 3 anh em chúng tôi đều bị… rộp lưỡi. Riêng tôi, còn bị bong hết da tay vì dị ứng. Ở các khu chợ vùng nông thôn Thái Lan, luôn có hẳn một khu bán ớt với đủ loại ớt tươi, ớt bột, ớt khô... Thấy hay hay, tôi và chị Xuân mua vài gói về Việt Nam làm quà. 
Một hôm, chúng tôi tìm mua trứng để luộc ăn. Rất ngộ là trứng ở đây được người ta sơn đủ các màu xanh đỏ tím vàng. Chọn mãi cũng được mấy quả màu trắng. Về nhà, tôi hì hục luộc, nhưng lúc bóc ra thì trứng đã bốc mùi. Mọi người nhìn nhau thở dài. Cũng may anh Hòa dũng cảm ăn thử thì phát hiện không phải trứng hỏng mà là trứng muối. Sau này mới biết, ở Thái Lan, trứng muối là món ăn rất phổ biến. Ban đầu hơi khó ăn, nhưng mãi rồi chúng tôi cũng quen, cũng thấy ngon ngon so với việc phải ăn mấy món đồ cay. 
Một vấn đề nữa là các phóng viên của kênh nông nghiệp Thái Lan không có thói quen ăn trưa. Thường, cứ khoảng 9h, sau khi ăn sáng xong thì cả đoàn bắt đầu xuất phát từ Farm Chanel xuống địa phương. Đến nơi thì đã gần giữa trưa, họ lao ra ngoài ruộng tác nghiệp miệt mài. Và hôm nào cũng làm việc xuyên trưa, không hề ăn uống. Tôi lấy làm lạ và tìm hiểu thì được biết, sở dĩ họ không ăn trưa vì sợ ăn xong sẽ buồn ngủ, sẽ muốn nghỉ ngơi và không làm được việc. Nghe xong, 3 anh em chúng tôi hơi… hoảng nhưng cũng cố gắng bóp mồm bóp miệng nhịn đói để không thua kém các đồng nghiệp nước bạn. Nhưng chỉ cố được đến gần 2h chiều là quay phim Văn Hòa đã run lẩy bẩy, không thể ôm nổi máy quay vì… tụt huyết áp. Thế là các bạn người Thái hoảng hồn đưa ngay nhóm phóng viên Việt Nam đi… bổ sung nhiên liệu cho dạ dày. 

 


Run
Đây có lẽ là chuyến đi để đời của quay phim Văn Hòa. Anh vốn dĩ là trưởng phòng kỹ thuật của kênh chúng tôi. Và chuyến đi này đánh dấu vai trò mới của anh ở lĩnh vực quay phim, sau khi hoàn thành xong khóa học quay phim- đạo diễn. 
Ban đầu, chúng tôi cũng khá run vì không biết rồi anh có quay được không. Bản thân Văn Hòa cũng hơi áp lực với vai trò mới, trách nhiệm mới nên hai hôm đầu tiên cầm máy không tránh khỏi chuếch choáng. Nhưng cứ rút kinh nghiệm dần, anh càng ngày “lên tay” và thậm chí có những cảnh quay rất đẹp, rất đắt khiến chúng tôi vô cùng hài lòng. Anh cũng không ngại đứng hàng giờ giữa trời nắng gắt hay xông pha xuống vùng sông nước để tác nghiệp. Tinh thần nhiệt huyết của quay phim khiến cho hai chị em biên tập chúng tôi hoàn toàn yên tâm về hình ảnh và có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ. 
Một nỗi sợ nữa cứ ám ảnh tôi và chị Xuân mãi, đó là ban đêm ngủ rất hay nghe thấy tiếng sột soạt ở dưới sàn nhà. Ở khu làng chúng tôi ở, các ngôi nhà đều được làm như kiểu nhà sàn của người Việt Nam, sàn nhà luôn cách mặt đất khoảng 1m. Hôm đầu mới đến, do quá mệt nên mấy anh em đều lăn ra ngủ, không để ý. Nhưng hầu như đêm nào cũng nghe thấy tiếng cào cào ở dưới chỗ chúng tôi nằm. Hỏi chủ nhà thì họ bảo có thể là do kỳ nhông hoặc cá sấu ở bờ sông gần đấy bò vào. Nghe xong, cả tôi và chị Xuân đều hồn bay phách lạc. Ngay tối hôm đó, cả hai chị em nhất quyết ngủ trên ghế chứ không dám nằm giữa sàn nữa. 

 

Ngưỡng mộ
Trước khi đến thăm Farm Chanel, chúng tôi đều nghĩ rằng kênh nông nghiệp của Thái Lan - một nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo - chắc phải hoành tráng lắm. Nhưng khi sang đến nơi thì tất cả đều bất ngờ. Trường quay của kênh chỉ rộng khoảng 400m2, được bài trí khá đơn giản, mỗi góc được chia làm một khu trường quay riêng biệt, dành riêng cho các chương trình. Hệ thống đèn của trường quay được lắp hoàn toàn bằng đèn tuýp, nhưng khi lên hình vẫn đẹp lung linh. Đặc biệt hơn, ngay trên trần nhà của trường quay còn có cả một… tổ chim đang sinh sống. 
Chúng tôi lại càng bất ngờ hơn khi biết cả kênh chỉ có gần 50 người, tức là bằng một nửa nhân sự của kênh VTC16 chúng tôi. Chủ yếu, họ xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở các tỉnh gửi tin bài về. Điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ chính là cách làm việc rất chuyên nghiệp và chủ động của các phóng viên Farm Chanel. Trang thiết bị kỹ thuật không có nhiều nhưng họ vẫn triển khai công việc rất tốt. Thậm chí quay phim cũng có thể làm luôn công việc của biên tập. Ô tô ở Thái Lan khá rẻ nên hầu như các phóng viên đều có xe riêng tự lái. Điều đó giúp họ chủ động phương tiện đi lại, có sự kiện gì là có thể xông ra hiện trường mà không cần xe của cơ quan đưa đón. Nhờ thế, thông tin được cập nhật rất nhanh. 
Không chỉ phóng viên của kênh Farm Chanel mà hầu như các gia đình nông dân ở Thái Lan đều có phương tiện vận tải. Đời sống của họ cũng khá đầy đủ. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, mỗi năm chỉ có 2 mùa, mưa và khô, nhưng với chế độ đa đảng, mỗi đảng lại có một chính sách hỗ trợ nông dân nên người dân được hưởng lợi rất nhiều. 

 

Cuộc sống của nông dân ở đây cũng rất thanh bình. Buổi tối, họ có thể yên tâm đi ngủ mà không cần khóa cửa. Xe ô tô, xe máy luôn để bên ngoài sân, thậm chí một cửa hàng bán đồ lặt vặt cũng để nguyên hàng qua đêm, sáng hôm sau lại ra bán. Cũng giống như nông dân Việt Nam hay ở các quốc gia khác, người nông dân Thái Lan cũng chất phác, thân thiện và rất mến khách. Mỗi lần chúng tôi đến nhà người dân quay thì đều được họ mang ra thết đãi bất cứ thứ gì có trong nhà, lúc về còn được biếu thêm nông sản làm quà. Sự nồng hậu đó khiến chúng tôi cảm giác như đang ở một vùng nông thôn của Việt Nam vậy. 
Hôm lên chào tạm biệt mọi người ở kênh Farm Chanel, biết tôi thích nuôi mèo nên một bạn phóng viên còn mang cả mèo lên để tặng tôi mang về Việt Nam. Tôi vô cùng bất ngờ, nhưng vì vướng hành lý nên đành phải từ chối món quà của những người đồng nghiệp mến khách. 

Vui 
Vui nhất có lẽ là chuyện giao tiếp với người dân bản xứ. Có hôm, anh phiên dịch có việc đột xuất không đi cùng đoàn được, vậy là chúng tôi đành đi tác nghiệp trong hoàn cảnh hai bên không hiểu tiếng nhau. Cũng may tôi có học được mấy câu tiếng Thái nên xử lý được khâu… chào hỏi và cảm ơn. Còn lại chủ yếu dùng ngôn ngữ hình thể và… tiếng Thái “bồi”. Ở vùng nông thôn Thái Lan rất ít nông dân biết tiếng Anh, vì thế, nhiều lúc muốn phỏng vấn là chúng tôi lại phải gọi điện về kênh Farm Chanel rồi nhờ họ dịch hộ. 
Một hôm, anh Hòa được phân công đi mua mấy thứ lặt vặt như xà phòng, nước rửa bát, kem đánh răng và muối. Sau một buổi sáng lòng vòng thì anh về tay không vì không thể giao tiếp được với người dân. Sau khi được đồng đội chỉ cho vài mánh khỏe, Hòa lại tiếp tục đi ra cửa hàng. Một lúc sau, anh mang về được hộp đánh răng (sau khi đã diễn điệu bộ “cọ cọ” hàm răng với người bán hàng). Lần này, tôi và chị Xuân quyết định ra tay. Cả ba lại kéo nhau ra cửa hàng. Tôi dùng tay diễn tả động tác vò quần áo, may quá, họ đưa ra gói bột giặt. Tôi cố gắng để diễn tả hành động rửa bát thì họ mang ra… cái khăn. Cử chỉ kỳ quặc cuối cùng là “chấm chấm” lên miệng thì họ đưa ra đường và mì chính chứ không phải là gói muối tôi cần. Sau một hồi “đôi co”, tôi xin phép chủ cửa hàng được vào trong sục sạo khắp gian hàng, cũng may, cuối cùng đã tìm thấy những thứ mình muốn. Trên đường về, mấy anh em cứ nhìn nhau cười ngặt nghẽo. 

 

Những ngày đầu mới sang Thái Lan, với cái nóng cháy da cháy thịt, mấy anh em đều quyết tâm hoàn thành công việc một cách nhanh nhất để về Việt Nam sớm. Vé máy bay ngày về cũng đã mua, dự tính về sớm hơn 3 ngày so với lịch trình đăng ký ban đầu. Oái ăm thay, càng về những ngày cuối, khi mà dường như da thịt đã bắt đầu “sống chung” được với cái nắng hơn 40 độ, mấy anh em bắt đầu thấy hiểu và “thích thích” Thái Lan, muốn đi nữa, khám phá nữa… thì lại phải lục tục ra về trong sự quyến luyến.  
Hôm cuối cùng ở Thái Lan, chúng tôi quyết định lên Băng Cốc đi chơi một chuyến để “giải ngố”. Thời gian không có nhiều nên mọi người quyết định sẽ đi thăm Chùa Vàng một lần cho biết. Đang đi taxi trên đường thì thấy có một ngôi chùa với cái đỉnh… màu vàng, mấy anh em đã thấy nghi nghi. Sau khi cố gắng vận dụng hết vốn tiếng Thái bập bõm cộng với tiếng Anh “bồi” cộng với chỉ trỏ rối rít để hỏi thăm lái xe thì tôi càng tin đó là Chùa Vàng. Cả nhóm xin dừng xe để vào thăm quan và chụp ảnh với thái độ rất hí hửng. Đến hôm lên máy bay về Việt Nam, chúng tôi ngồi gần một anh hướng dẫn viên du lịch người Việt chuyên dẫn tour đi Thái. Trong lúc nói chuyện có nhắc đến Chùa Vàng, tôi vội mang ảnh ra khoe. Xem xong, anh này phán một câu xanh rờn “Đây có phải Chùa Vàng đâu em!” , khiến ba chúng tôi suýt nữa té khỏi ghế. Vậy là công cuộc “giải ngố” của cả nhóm đã thất bại hoàn toàn!
Ngoài một tuần học hỏi kinh nghiệm của kênh nông nghiệp nước bạn, nhóm làm phim VTC16 chúng tôi còn mang về 3 phóng sự. Có thể, thành quả đó vẫn còn khá khiêm tốn nhưng điều chúng tôi nhận được là những trải nghiệm, những cảm xúc, những kỷ niệm khó quên mà không phải chuyến đi nào cũng có được…

(Ghi theo lời kể của BTV Phương Thảo)
Bình luận
vtcnews.vn