VTC10 - Những ngày ở xứ Phù Tang

Tổng hợpThứ Hai, 01/07/2013 01:51:00 +07:00

… Sau khi nghe Kiên kể về cuộc đời của chú Lâm, tôi thực sự rất hứng thú và bắt đầu lên kế hoạch...

Sang Nhật, phương tiện di chuyển phần lớn là đi bộ nên nhiều hôm chúng tôi mệt quá, chỉ muốn ngồi bệt xuống đường “ăn vạ”. Quần áo cũng không có thời gian để giặt, đành mặc đi mặc lại suốt cả chuyến đi. Quay phim Hồng Thái mặt mày đau khổ vì phải đi một đôi bít tất… suốt 3 ngày liền…”

 Cơ hội bất ngờ

 Chuyến đi Nhật công tác 10 ngày đến với tôi khá bất ngờ. Qua Facebook, tôi có quen với bạn Hoàng Đức Kiên, hiện đang là tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật. Bạn ấy cũng biết tôi đang làm việc ở VTC10 lại thường xuyên theo dõi họat động của Việt kiều nên đã giới thiệu cho tôi một nhân vật rất hay. Đó là ông Ngô Hùng Lâm - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Chiba kiêm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản, một doanh nhân người Việt hiếm hoi thành đạt ở xứ sở hoa anh đào. Ông hiện là chủ của 3 siêu thị hoa, cây cảnh lớn ở Nhật… Sau khi nghe Kiên kể về cuộc đời của chú Lâm, tôi thực sự rất hứng thú và bắt đầu lên kế hoạch.

 

Việc kết nối với doanh nhân Ngô Hùng Lâm diễn ra thuận lợi. Tôi cảm thấy thật may mắn và rất cảm động trước sự giúp đỡ của Đức Kiên, vì từ chỗ bạn ấy ở đến chỗ chú Lâm khá xa nhưng Kiên vẫn nhiệt tình chạy qua chạy lại để liên hệ, sắp đặt kỹ lưỡng cho ê-kip VTC10 mà không đòi hỏi một sự đáp lại nào. Sau này tôi mới biết thêm, Đức Kiên cũng là một trong những bạn trẻ tích cực tham rất nhiều họat động của người Việt Nam tại Nhật.

Một điều may mắn nữa cho ê-kip của chúng tôi, đó là, một tháng sau, chú Ngô Hùng Lâm có dịp về Việt Nam. Chúng tôi có dịp ngồi bàn bạc kỹ hơn với chú Lâm về chuyến đi sắp tới. Và một điều bất ngờ là sau buổi nói chuyện, chú đã quyết định tài trợ chi phí máy bay cho ê-kip sang công tác tại Nhật. Khỏi phải nói, tôi và quay phim Hồng Thái sung sướng đến cỡ nào.

 

Ấn tượng đầu tiên là… sốc thời tiết 

Sau 10 tiếng ngồi trên máy bay, chúng tôi đặt chân xuống đất nước Nhật Bản. Mệt, chắc chắn rồi, song quay phim Hồng Thái vẫn quyết định tác nghiệp luôn để tiết kiệm thời gian. Và mọi việc không hề dễ dàng bởi mới chỉ ôm máy bấm hình được một lúc thì cả Hồng Thái và tôi đều… loạng choạng vì sốc nhiệt. Đang quen với cái nóng tháng 4 ở Việt Nam, lúc chúng tôi sang Nhật thì lại rét tê tái. Trước khi đi, cả hai anh em vẫn  cứ đinh ninh Nhật Bản đang mùa xuân nên chỉ mang theo chiếc áo khoác mỏng, không ngờ lại xui xẻo gặp đúng đợt thời tiết “trở chứng”. Quay phim vừa bấm máy vừa run rẩy. Tôi thì co rúm trong chiếc áo mỏng. Cũng may, sau đó tôi mua được mấy miếng giữ nhiệt để hai anh em ốp vào người cho đỡ lạnh. Quay xong những cảnh quay ở sân bay thì cũng vừa lúc chú Lâm đến đón. Chúng tôi nhanh chóng theo chân chú về tỉnh Chiba, nơi gia đình chú đang sinh sống. 

Trước khi đi, cả tôi và quay phim đều bàn bạc kế hoạch cụ thể cho những ngày ở Nhật Bản. Với những chất liệu từ doanh nhân Ngô Hùng Lâm, tôi quyết định sẽ làm hai chương trình với hai nội dung khác nhau về chú. Dự tính thời gian chúng tôi lưu lại ở Chiba chỉ khoảng hai ngày, sau đó sẽ tiếp tục lên Tokyo làm các chương trình khác.  Tính toán là thế nhưng thật ra, đây là lần đầu tiên chúng tôi được đến Nhật Bản nên tất cả mọi thứ từ phương tiện đi lại, chỗ ăn nghỉ và bối cảnh tác nghiệp đều đang rất lờ mờ trong đầu, khiến hai anh em khá lo lắng.   

 

Thời tiết ở Chiba cũng không thuận lòng người cho lắm. Vừa rét lại còn lất phất mưa. Vì chỉ có 2 ngày lưu lại nên cả tôi và Hồng Thái đều muốn dành hết thời gian hoàn thành công việc, cứ thế, ghi hình từ sáng đến tối mịt. Tôi cũng rất bất ngờ khi thấy chú Lâm và gia đình lại chăm chỉ đến mức 11h đêm mới đi làm về. Và đó cũng chính là thời điểm cả gia đình cùng ngồi ăn tối. Vì muốn lấy cảnh mọi người quây quần bên mâm cơm nên dù rất mệt và buồn ngủ, quay phim Hồng Thái cũng phải cố gắng tiếp tục tác nghiệp.

Tối hôm đó, chúng tôi ăn cơm và ngủ lại nhà chú Lâm. Ở đấy khá rộng rãi và thường xuyên đón tiếp du học sinh nên chủ nhà luôn có chỗ nghỉ chân cho khách. Ngay từ lúc chập tối, chú Lâm đã gọi các du học sinh đến nhà tụ họp, cùng tổ chức nấu nướng những món ăn Việt để tiếp đón nhóm phóng viên VTC10. Ngồi xì xụp bên nồi lẩu, trong tiết trời se lạnh trên đất khách, trong tiếng nói cười đầm ấm của mọi người, cảm giác trong tôi thật xúc động khó tả. Hỏi ra mới biết, những bữa tụ họp vui vẻ như thế vẫn thường xuyên diễn ra ở nhà chú Lâm vào những dịp cuối tuần. 

 

Với sự thân thiện, gần gũi của chú Lâm, không khó hiểu khi các bạn trẻ du học sinh luôn xem nơi đây là mái nhà thân quen của mình. Rất nhiều du học sinh người Việt tại Nhật đã được chú Lâm giúp đỡ, cưu mang lúc khó khăn. Và nhiều người trong số họ sau khi thành đạt đã quay lại giúp đỡ chú trong công việc kinh doanh cũng như những họat động trong Hiệp hội Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản... Ngay cả quyển sách “Chinh phục đỉnh Phú Sĩ” viết về doanh nhân Ngô Hùng Lâm- một tác phẩm mà ngay sau khi ra đời ở Việt Nam đã trở thành “cẩm nang” cho những bạn trẻ người Việt, cũng do một bạn du học sinh đã chắp bút.

Càng tiếp xúc với chú Lâm, tôi càng cảm thấy sự giản dị, điềm đạm cũng như đức tính chăm chỉ, cật lực với công việc của chú. Nhật Bản vốn là một thị trường khó tính, nếu không thực sự chăm chỉ, không có quyết tâm nỗ lực hết mình thì không thể tồn tại được chứ đừng nói là thành công. Như vậy, đủ biết những thách thức, khó khăn mà vị doanh nhân người Việt này đã trải qua không hề dễ dàng.

Lang thang ởTokyo

 

Sau hai ngày quần quật ở Chiba, chúng tôi chào tạm biệt chú Lâm và các bạn du học sinh để tiếp tục lên Tokyo. Ở đây, chúng tôi tìm gặp ni sư Thích Tâm Trí - một nghiên cứu sinh người Việt sang Nhật để học về Phật giáo và đã xây dựng một ngôi chùa mang đậm văn hóa Việt trên xứ sở Phù Tang. Ngôi chùa này từ lâu đã trở thành một một nơi để thể hiện tâm linh, là chốn về bình yên của người Việt Nam tại Nhật Bản. Trong đợt sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, rất nhiều người Việt Nam đã được cưu mang tại đây.

Chúng tôi hòan toàn bất ngờ khi đến thăm ngôi chùa. Bởi khác với hình dung về một ngôi chùa nguy nga, bề thế, trước mắt chúng tôi chỉ là một ngôi nhà hai tầng bình thường, tưởng như nếu không biết trước thì tôi vẫn lầm tưởng đây chỉ là một ngôi nhà của người dân. Nhưng khi bước chân vào trong thì chúng tôi mới thực sự ngạc nhiên bởi cách bài trí đẹp mắt và ấn tượng, rất Việt Nam. Không gian đó mang lại cho tôi cảm giác như đang ở Việt Nam, một cảm giác thân thiện, gần gũi.

 

Những ngày sau đó, chúng tôi còn được theo chân ni sư Thích Tâm Trí đi về các tỉnh để thăm các ngôi chùa khác của phật tử Việt. Ở đó, chúng tôi được gặp rất nhiều người Việt, được nghe họ kể những câu chuyện và chia sẻ nỗi niềm của người con xa quê vẫn luôn một lòng hướng về tổ quốc. 

Có một điều may mắn là khi sang Nhật, nhờ sự giới thiệu của mọi người mà nhóm phóng viên chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp cận với rất nhiều nhân vật hay. Vì thế, có những đề tài, những kế hoạch đến rất đột ngột khiến cho cả hai anh em quay phim và biên tập đều cảm thấy hứng thú. Đề tài nào cũng ham, cũng muốn làm, nên hầu như ngày nào cũng trong tình trạng di chuyển và gặp gỡ. Ấy thế mà không biết mệt, chỉ đến khi tối về mới cảm giác tay chân cứ như rời ra.

Tôi cũng rất ấn tượng khi đến công ty Metran để gặp doanh nhân Việt kiều Trần Ngọc Phúc. Ông là người Việt đã sinh sống ở Nhật hơn 50 năm. Suốt những năm tháng đó, ông đầu tư nghiên cứu khoa học và đã phát minh ra máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh rất nổi tiếng, từng được Nhật hoàng hết sức khen ngợi. Một điều đặc biệt là mặc dù nổi tiếng nhưng ông lại giản dị, chân chất như một nhà khoa học chứ không mang phong thái đường bệ của một vị giám đốc.

 

Bận rộn với công việc nhưng ông vẫn đón chúng tôi nhiệt tình như với những người bà con từ quê xa tới. Ông đích thân dẫn chúng tôi đi thăm những người Việt Nam hiện đang làm việc tại công ty.  Ai cũng vui vẻ trò chuyện, hỏi han thân tình khiến cho cả tôi và quay phim Hồng Thái suýt quên là mình đang đi làm việc. Mọi người ở đây, ai cũng giản dị, từ ăn mặc đến tác phong. Thế nên mới có chuyện khi gặp anh Minh Sơn- một người mà ban đầu chúng tôi cữ ngỡ là… công nhân của nhà máy, hóa ra lại là kỹ sư số 1 của nhà máy, chuyên thiết kế các loại máy hô hấp nhân tạo nổi như cồn ở đất Nhật Bản.

Những ngày lang thang ở Tokyo, chúng tôi còn được gặp ca sĩ Hải Triều - một giọng ca gốc Huế đang khá nổi ở Nhật. Không chỉ được cộng đồng người Việt yêu mến, Hải Triều còn chiếm được tình cảm của người dân bản xứ, đặc biệt với bài “Quê hương” bằng tiếng Nhật được dịch rất sát với lời Việt. Đến tham dự một buổi tập của anh và ban nhạc “Xích lô”, nghe anh hát những ca khúc Việt Nam da diết, nồng nàn khiến cho tôi cũng thấy bồi hồi… nhớ Việt Nam.

Chúng tôi còn được gặp cả chị Tống Kim Giao, người có một hệ thống nhà hàng Việt Nam rất nổi tiếng tại Nhật Bản và là một phụ nữ có nhiều đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng người Việt ở xứ sở hoa anh đào. Chị là người đã tổ chức các sự kiện như “Hoa hậu Việt Nam tại Nhật”, các chương trình lưu diễn của ca sĩ Việt Nam sang Nhật và rất nhiều sự kiện văn hóa Việt- Nhật khác… Câu chuyện và sự tâm huyết của người phụ nữ ấy đã khiến cho chúng tôi thật sự xúc động và ngưỡng mộ.

 

Tôi đã may mắn có cơ hội được đi công tác ở khá nhiều nước, nhưng đây là lần đầu tiên được đặt chân đến Nhật Bản. Ấn tượng thì rất nhiều, nhưng có lẽ nỗi ám ảnh lớn nhất chính là sự chăm chỉ của người Nhật. Chăm chỉ đến nỗi tưởng như gặp bất cứ ai trên đường cũng cảm thấy khuôn mặt họ đang đăm đăm suy nghĩ vể công việc. Họ trầm lặng, không phô trương ồn ào. Kể cả lúc lên tàu điện ngầm, nếu có tiếng trò chuyện thì chắc chắn chỉ có thể của người ngoại quốc.

Lịch làm việc dày đặc nên chẳng mấy chốc mà 10 ngày trên đất Nhật đã trôi vèo qua thật nhanh. Các nhân vật đều rất bận rộn nên hai anh em phóng viên chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để… chạy. Hễ ai sắp xếp được lịch là chúng tôi ôm máy quay lao tới.

Ngày cuối cùng ở Nhật Bản, chúng tôi cũng tận dụng nốt để gặp gỡ hội sinh viên Việt Nam tại Nhật. Chỉ khổ cho quay phim Hồng Thái là người vất vả nhất vì luôn phải vác theo máy móc, đồ nghề tác nghiệp. Anh lại không hợp khẩu vị với đồ Nhật nên hầu như ăn uống rất ít. Sang Nhật, phương tiện di chuyển phần lớn là đi bộ nên nhiều hôm chúng tôi mệt lả, chỉ muốn ngồi bệt xuống đường. Quần áo cũng không có thời gian để giặt, đành mặc đi mặc lại. Quay phim Hồng Thái mặt mày đau khổ vì phải đi một đôi bít tất… suốt 3 ngày liền.

 

Thời gian này thật tiếc là hoa anh đào cũng đã hết song phải nói là chúng tôi khá may mắn vì lại được các bạn du học sinh đưa đến một vườn hoa vô cùng đẹp ở Asicaga. Tôi gần như òa lên thích thú với những cảnh đẹp mà trước đây mới chỉ được ngắm trong các bức ảnh chụp. Sau một vòng vãn cảnh, ngắm hoa, chúng tôi lại được thưởng thức những que kem mang hương vị của từng loài hoa rất đặc biệt. Tiếng nhạc dặt dìu, hương hoa dìu dịu khiến cho cả hai anh em chúng tôi cảm thấy thanh thản vô cùng, bao nhọc nhằn, vất vả dường như tan biến hết.

Lần đầu tiên công tác tại Nhật, dù rất bỡ ngỡ nhưng chúng tôi cảm thấy khá thành công vì đã gặp được những người rất quan tâm và hết lòng với cộng đồng người Việt tại Nhật. Họ giúp đỡ chúng tôi hoàn thành chuyến đi một cách trọn vẹn với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Sau chuyến đi Nhật, tôi mới thấy người Việt Nam mình thật giỏi, thật đáng tự hào.

Tổng kết lại sau 10 ngày ở xứ sở Phù Tang, chúng tôi đã làm được 4 chương trình chuyên đề 30 phút và 10 phóng sự cho Bản tin người Việt năm châu. Vất vả nhưng hầu như mọi đề tài, kế hoạch đều được thực hiện. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, chỉ tiếc một điều là không có thời gian nên mặc dù ở Tokyo mấy ngày nhưng chúng tôi vẫn chưa biết tháp Tokyo ở đâu. Nhất định một ngày nào đó, tôi sẽ quay trở lại Nhật Bản để đòi nốt “món nợ” này…

(Ghi theo lời kể của BTV Hoài Quyên)

Bình luận
vtcnews.vn