Người xưa làm báo như thế nào?

Tổng hợpThứ Sáu, 14/06/2013 10:37:00 +07:00

Tự lực văn đoàn giỏi tự lực và tài tổ chức. Họ tự lực về tài chính, không chịu ảnh hưởng của nhà cầm quyền.

* Tự lực văn đoàn (TLVÐ) ra đời năm 1933 do nhà văn Nhất Linh (tức Nguyễn Tường Tam) làm chủ súy. Tổ chức văn chương này còn có tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay là cơ quan ngôn luận, họat động có ảnh hưởng lớn trong làng báo chí , văn chương ở nước ta những năm 30-40 của thế kỷ trước.

* Như tên gọi, văn phái này có tính tự lực.

 

 

Họ tự lực về tài chính, không chịu ảnh hưởng của nhà cầm quyền. Trong khi các báo khác như: Nam Phong nhận trợ cấp của Pháp mỗi tháng 600 đồng, báo Trung Bắc Tân Văn mỗi tháng được trợ cấp 500 đồng (mỗi lạng vàng khi đó là 30 đồng) thì TLVÐ hoàn toàn tự lực. 

Họ tự lực về chuyên môn và khuynh hướng nghệ thuật, tư tưởng tiến bộ trong văn chương, thể hiện trong 10 điều tôn chỉ được khái quát :

 * Không dịch sách nước ngoài nếu đơn thuần văn chương. Chỉ soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho chủ nghĩa bình dân

* Dùng lối văn dễ hiểu ít chữ nho, thật sự có tính An Nam

* Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.

* Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước nhà với tính cách bình dân,

* Tôn trọng tự do cá nhân.

 

Nhà văn Nhất Linh

TLVÐ có tài năng, tâm huyết trong sự nghiệp đổi mới cách tân văn chương. TLVÐ đã nói lên khát vọng dân tộc dân chủ của quần chúng; đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, quyền sống của phụ nữ và chống lại lễ giáo phong kiến trói buộc. TLVÐ chủ trương cải cách xã hội, đồng cảm nỗi khổ của người lao động và đả kích gay gắt bọn tham quan ôm chân Pháp. Họ đề cao tinh thần dân tộc, có hoài bão về một nền văn hoá dân tộc, trên cơ sở kết hợp truyền thống và hiện đại, giữa phương Ðông và phương Tây… Ðồng thời họ chống lai căng, phủ nhận xã hội thối nát đương thời.

 Họ có tài tổ chức. Tổ chức bộ máy gọn nhẹ và hiệu quả. Với con số biên chế nòng cột chưa đến 10 người (Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Trần Tiêu và Xuân Diệu), nhưng TLVÐ đã làm  việc của hai cơ quan xuất bản: Họ vừa làm báo vừa in sách của nhóm, lại cho in thuê kiếm lời. Ðó là chưa kể làm quảng cáo, phát hành rộng rãi đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong nước. Khi báo bán chạy họ biết làm kinh doanh, cho gọi cổ phần, mỗi cổ phần 500 đồng, và mua nhà in với những thiết bị khá đồ sộ.

Nhà văn Khái Hưng

Họ thu phục con người bằng tình tương thân tương ái. TLVÐ lập ra quỹ cứu tế tương trợ ban biên tập, hoặc trị sự khi ốm đau, xảy việc tang gia, họa hoạn, có khi trừ vào lương cũng có trường hợp cho không, để cho các thành viên an tâm làm việc. Họ trân trọng, cư xử tử tế với cộng tác viên, tạo cho mọi người lương cao, và làm việc hết mình vì mục tiêu chung. Họ tổ chức hoạt động nghiệp vụ báo chí, in ấn, phê bình, đặt giải thưởng… một cách bài bản chuyên nghiệp. Hai năm xét giải một lần, khen tặng cũng có giấy Lời khen tặng. Họ chiêu hiền đãi sĩ, bồi dưỡng nghề. Tú Mỡ thừa nhận là trước khi đi làm báo Phong Hóa là học nghề. Làm báo Phong Hóa là vào nghề, thời kỳ làm báo Ngày Nay mới lành nghề.

 Họ năng động. Khi nhà xuất bản Ðời Nay có máy in, Nhất Linh đã có tầm nhìn xa, chủ trương xin chính phủ cấp đất cho TLVÐ ở vùng Cầu Lính, gần núi Tam Ðảo, Vĩnh Yên. Nếu có đất, sẽ cử người quản lý khai khẩn trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng cho TLVÐ một cơ sở kinh tế, để người trong TLVÐ, đặc biệt mấy người đang là công chức có thể thoát ly công việc nhà nước sống được bằng sáng tác văn chương. Họ dự kiến lập đồn điền, xây trường học, nhà trẻ, câu lạc bộ, phòng thuốc...v.v, mua sắm phương tiện tạo nên cuộc sống văn minh.

Nhà văn Thế Lữ

TLVÐ khởi xướng và cổ vũ cho phong trào ánh sáng, xoá bỏ nhà ổ chuột, xây nhà ánh sáng rẻ tiền cho thợ thuyền và dân nghèo ở nông thôn. Ðó là những ý tưởng tiến bộ, có mầm xã hội chủ nghĩa..

 Họ luôn luôn tìm tòi sáng tạo nghệ thuật làm báo để hấp dẫn bạn đọc, như các mục: Vấn đề thuộc địa, mỗi số đi vào một khía cạnh có ý nghĩ chính trị diễn ra trên đất nước. Mỗi tuần lễ một, ghi lại những thông tin mọi mặt đời sống. Mục Người và việc nêu ra các vụ việc xảy ra với những lời bình luận sâu sắc. Ðặc biệt mục Trông và tìm đã lay động nhiều suy nghĩ của người quan tâm tới vận mệnh của đất nước. Dí dỏm nhất là mục Tập tranh vân đẩu. Dưới bút danh Tứ Ly, các bài viết ngắn, sắc lạnh mà hóm hỉnh, sâu cay đả kích các nhân vật trong xã hội thượng lưu bấy giờ, như nghị viên Ngô Trọng Trí, Phạm Kim Bảng, Bùi Trọng Ngà, Nguyễn Ðình Cung, Tô Văn Lượng, cho đến ông phủ Hàm, dân biểu Phạm Huy Lục đến các ký giả Bùi Xuân Học, Phạm Bá Khánh, những người vừa quan liêu, hợm hĩnh, ba hoa, nịnh hót bề trên và thiếu nhân cách. Mục Hạt sạn được chăm chút thường xuyên có ý nghĩa văn hoá, nó giống như mục dọn vườn bây giờ, hài hước cốt làm cho trong sáng của tiếng Việt.

Nhà văn Thạch Lam

Họ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu văn chương, thi ô chữ như các trò chơi thời bây giờ. Một lần Thạch Lam, Thế Lữ, Khái Hưng, Hoàng Ðạo viết chung một truyện ngắn, do mỗi người viết một chương, đăng lên bốn kỳ báo và ra cuộc thi nếu ai chỉ ra số báo nào, là của nhà văn nào viết. Nói đúng sẽ có giải. Khi xảy ra cuộc bút chiến giữa hai tờ báo Ngày Nay và Tân Việt Nam, thì họ lại nghĩ ra cách thành lập Ban thẩm phán danh dự để họp và phân xử có lý có tình, rồi tường trình trên mặt báo. Chính việc này coi như một cú hích làm cho báo bán rất chạy thời bấy giờ.

Từ cách đây hơn bảy chục năm, TLVÐ đã quan tâm tới đời sống cơ sở, cụ thể là đời sống làng quê. Báo chí của họ có những chuyên đề sát sao gần gũi với con người. Từ chuyện gà nuôi bị toi, bị đi tướt, dịch tả đến chuyện ruộng đất chật hẹp, người nông dân phải dời làng di dân, cho đến chuyện nước lụt và thuỷ triều, đê điều, đều được đưa vào các chuyên đề có phân tích, diễn giải. Chúng ta có thể hiểu vì sao TLVÐ đã chiếm được cảm tình của bạn đọc nhiều nhất.

Nhà văn Tú Mỡ

 Vì tự lập, TLVÐ đã ngang nhiên chống Pháp bằng báo chí. Một lần  Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ bìa tờ Ngày Nay có cái lều tranh xơ xác, ngoài có người đàn bà lam lũ và mấy đứa trẻ bụng ỏng đít vòn trông thật thảm thương. Bên dưới phụ đề: “Bố cu mẹ đĩ rúc vào nằm”. Nhà chức trách cho là có ý nói xấu chế độ ra lệnh đình bản ba tháng, còn định đưa chủ báo Nhất Linh ra toà. Cuối cùng Phong Hoá đầu năm 1936 bị đóng cửa vĩnh viễn..  Ðến khi làm đơn xin chính phủ cấp đất cho toà báo, bị Pháp gạt toẹt không cho. Thế nhưng Ngô Văn Phú, chủ báo Ðông Pháp được quan thầy cấp cho mấy trăm mẫu ruộng bãi bồi ở Thái Bình.

 Hoàng Xuân Hãn trên Tạp chí Sông Hương số 37 - tháng 4/1989 phát biểu: “TLVÐ là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.”

Báo Ngày Nay

Phan Cự Ðệ trong cuốn "TLVÐ con người và văn chương – NXB Văn Học-1990" nhận xét: Thành công của TLVÐ trong xây dựng nội tâm nhân vật tinh tế hơn so với nhiều tiểu thuyết trước đó, kết cấu hiện đại hơn. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng giàu khả năng diễn đạt, gần gũi tâm hồn dân tộc.

Các nhà nghiên cứu dễ nhất trí khi nói về tiểu thuyết TLVÐ, rằng họ có công lớn trong việc đổi mới nền văn học vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, đổi mới từ quan niệm xã hội cho đến việc đẩy nhanh các thể loại văn học trên con đường hiện đại hoá làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng và giàu có hơn.

Các tác phẩm của TLVÐ thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục. Cùng với ý thức đả kích những kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội là tinh thần cảm thông với những nỗi khổ cực, sự lam lũ bần cùng của người lao động; tinh thần đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo, bình đẳng bác ái, của thời kỳ Mặt trận Dân chủ” (Viện văn học- Văn chương TLVÐ- tập 1, NXB GD, 1999).

TLVD thành lập (1933) đến nay, đã 80 năm trôi qua, đất nước có bao nhiêu đổi thay. Nhưng hình ảnh về Văn chương Tự Lực văn đoàn vẫn còn sống trong tâm trí nhiều bạn đọc và thực tế nó có một vị trí xứng đáng trong văn học sử đất nước.

Khúc Hà Linh

Bình luận
vtcnews.vn