VTC10 – đặc sắc “văn hóa biển đảo Việt Nam”

Tổng hợpThứ Ba, 28/02/2012 12:06:00 +07:00

Dự án này không chỉ thể hiện tầm vóc của kênh VTC10 mà còn đại diện cho đài TH KTS VTC...

   Dự án này không chỉ thể hiện tầm vóc của kênh VTC10 mà còn đại diện cho đài TH KTS VTC bởi từ trước đến nay có lẽ chưa có kênh đài nào sản xuất được dự án riêng về biển đảo dài 60 tập trong khoảng thời gian sản xuất hiện trường chỉ có một tháng để phát sóng hàng ngày với thời lượng hơn 15 phút. Vừa phải đảm bảo chất lượng lại phải gấp rút hoàn thành kịp tiến độ là những nỗ lực không ngừng của lãnh đạo và êkip làm chương trình.

 

Hành trình dọc bờ biển

Từ trước đến nay, VTC10 vẫn luôn thể hiện thế mạnh của mình là kênh quảng bá văn hóa Việt, không những thế, kênh đang ngày càng đổi mới để hướng tới mục tiêu trở thành một kênh truyền hình quốc tế của người Việt. Được sự đồng tình ủng hộ của Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, cuối năm 2011 vừa qua, kênh VTC10 đã thực hiện thành công dự án “Văn hóa biển đảo Việt Nam” với mong muốn quảng bá văn hóa biển đảo của người Việt từ “Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, giới thiệu các vùng hải đảo và các bãi biển đẹp, những địa điểm du lịch kỳ thú, giàu tiềm năng kinh tế nhằm góp phần  thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào kinh tế biển Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Đất nước Việt Nam có diện tích biển rộng gấp nhiều lần diện tích đất liền, bờ biển dài hơn 3.000 km với 28 tỉnh thành giáp biển Đông, kéo dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với những bãi biển lý tưởng, nhiều vịnh đẹp, được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, ngoài ra, còn có nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ cùng nguồn hải sản phong phú, trữ lượng khoảng sản dồi dào, “biển Đông huyền thoại” luôn giữ vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế, tiềm năng đầu tư và du lịch Việt Nam. Các vùng duyên hải có nền văn hóa vô cùng phong phú đa dạng với các phong tục tập quán đặc biệt, nét kiến trúc độc đáo, các bộ môn nghệ thuật dân gian phong phú liên quan chặt chẽ đến tất cả các thời kỳ phát triển của lịch sử và văn hóa Việt....

Trên những chất liệu đó, “Văn hóa biển đảo Việt Nam” được thể hiện dưới dạng phóng sự truyền hình dài 60 tập. Mỗi tập phim gồm 3 phần: Điểm đến, Khám phá và Khoảnh khắc đáng nhớ. Phần Điểm đến sẽ giới thiệu vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa địa danh điểm đến của chương trình. Phần này được thể hiện bằng hình ảnh vẽ 3D sống động theo lộ trình từ Bắc vào Nam.

 

Trọng tâm của phóng sự là phần Khám phá, đi sâu vào những nét đặc trưng nhất của địa danh như giá trị văn hóa, lịch sử, lợi ích kinh tế, địa lý của biển đảo Việt Nam. Đồng thời đưa ra những thông điệp kêu gọi mọi công dân biển và bạn bè bảo vệ môi trường, tài nguyên biển vô giá. Tùy vào mỗi tập phim, trong phần này luôn có một nhân vật cụ thể để làm cầu nối giữa các vấn đề đang được nói đến, họ có thể là một nghệ sĩ, một nhà đại dương học hoặc một ngư dân, một du khách… Phần cuối Khoảng khắc đáng nhớ sẽ là những hình ảnh đẹp về kỷ niệm của êkip làm chương trình trong mỗi cuộc hành trình.

Bộ phim được thực hiện theo phong cách khám phá, truyền hình thực tế, là một cuộc hành trình từ Bắc vào Nam, men theo bờ sóng hình chữ S. Nội dung phim mang tính chất ngẫu hứng, bất ngờ, không dàn dựng hoặc sắp đặt bối cảnh một cách gượng ép. Phim chú ý nhiều đến điểm nhấn cảm xúc để đưa đến cho khán thính giả thưởng ngoạn một bức tranh hoàn mỹ, tinh tế, khai thác chi tiết cũng như toàn cảnh về biển đảo Việt Nam. Phong cách quay phim hiện thực, không bố trí các cỡ cảnh một cách khiên cưỡng và máy móc.

 

Một tháng, 60 tập phim, và hơn  thế nữa…

Để đạt được những thành công trong 60 tập phim về văn hóa biển đảo Việt Nam thì không thể không kể đến công sức của giám đốc dự án Nguyễn Trung Hùng. Vốn xuất thân từ một đạo diễn điện ảnh, với tuổi đời khá trẻ, khi về làm việc tại kênh VTC10 với chức vụ phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất, anh cũng mong muốn xây dựng một sê-ri chương trình về biển đảo để thể hiện tình yêu với đất nước, với biển đảo quê hương. Luôn quan tâm và theo sát công việc của từng ekip khi tác nghiệp tại hiện trường, anh cùng với lãnh đạo kênh luôn tạo mọi điều kiện và sẵn sàng đến tận nơi để động viên, đốc thúc anh em phóng viên làm việc hiệu quả. Từng tác phẩm gửi về từ các ê-kip cũng được anh kiểm duyệt kỹ lưỡng và điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, để mỗi tác phẩm ra đời chứa đựng được cái hồn của văn hóa biển đảo quê hương.

Thông thường để sản xuất một khối lượng chương trình lớn trong thời gian ngắn như thế phải cần đến một ekip hùng hậu nhưng “Văn hóa biển đảo Việt Nam” chỉ được thực hiện bởi 3 ekip: một nhóm sản xuất từ Quảng Ninh vào Thanh Hóa, một nhóm sản xuất từ Nghệ An vào Đà Nẵng, ekip còn lại là các phóng viên, biên tập của Chi nhánh kênh VTC10 tại TP HCM nhận nhiệm vụ sản xuất từ Đà Nẵng trở vào các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.

Các ekip đều phải tự túc tác chiến trong hoàn cảnh thiếu thốn các phương tiện kỹ thuật, máy móc đồng bộ. Đi qua hết địa danh này đến vùng đất khác, hết mưa bão lại đến nắng hanh. Thời gian gấp rút nên từ các khâu quay phim, dựng phim, hậu kỳ, đọc lời bình… đều được thực hiện ở hiện trường, ekip chỉ chuyển sản phẩm về kênh để lãnh đạo duyệt phát sóng. Có những nơi không có internet, họ đành phải chuyển đĩa chương trình qua chuyến xe khách duy nhất trong ngày về Hà Nội. Mỗi ekip có 2 quay phim, 2 biên tập để thay nhau làm, người này đi sản xuất thì người kia ở nhà dựng phim, cứ thế bình quân hai ngày hoàn thiện một tập để gửi về phát sóng. Riêng ekip thứ 3 có nhiệm vụ hỗ trợ hình ảnh, những thông tin được gửi về tập trung ở VTC10 và các biên tập viên của kênh sẽ thao tác những công đoạn cuối cùng trước khi cho tác phẩm lên sóng.

 

Cả đoàn phim rong ruổi suốt tháng trời, với các phóng viên nữ, việc phải xa gia đình, xa con cái suốt một tháng trời là điều không hề đơn giản, nhưng vì công việc, vì niềm say nghề nên họ chấp nhận hy sinh. Thậm chí BTV Tuyết Ngọc còn được mọi người bình chọn là “bà bầu dũng cảm” khi mang bầu gần 7 tháng rồi nhưng vẫn  tham gia dự án và lặn lội cả tháng trời vào Nghệ An. Đáp lại những cố gắng và hy sinh của chị, những chương trình do Tuyết Ngọc thực hiện đều giàu cảm xúc và nhận được rất nhiều lời khen từ lãnh đạo, đồng nghiệp. Hay như BTV Thu Bình dù đã hơn 40 tuổi, sức khỏe chắc chắn không thể dẻo dai như các phóng viên trẻ nữa nhưng vẫn bền bỉ theo suốt chiều dài từ Trà Cổ đến Thanh Hóa để thực hiện những tập phim.

Trong cả đoàn làm phim thì quay phim Quang Huy là người nhỏ con nhất nhưng cũng là người gần như dai sức nhất. Không ngại những nơi sóng to, đá nhô hiểm trở, anh vẫn vác máy xông vào để có được những cảnh quay đẹp. Tuy nhiên, sau gần một tháng cầm cự để “giữ mình”, Huy đã lăn ra ốm một tuần liền, chỉ vì khi làm chương trình “Cưỡi sóng lặn sỏi” ở vùng biển Hà Tĩnh, đúng đợt bão, sóng to đánh ập vào ướt sũng cả người lẫn máy nhưng anh chàng vẫn ngoan cố chịu rét để “săn” cho được những hình ảnh đắt giá. 

Hôm ekip 1 đi ghi hình ở Quan Lạn- Quảng Ninh, cứ tưởng rằng phải xách máy về không bởi thời tiết hoàn toàn quay lưng với đoàn làm phim. Ngay cả người dân ở đó cũng phải thốt lên “25 năm trở lại đây chưa hôm nào thời tiết xấu như hôm nay”. Khác với khung cảnh trời xanh, nước xanh mà người ta thường thấy khi về Quan Lạn, thay vào đó là không gian u ám, trời đất xám xịt và nước biển thì đục ngầu. Không thể bỏ cuộc, ekip đành phải bố trí ở lại thêm vài ngày, mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc sẽ làm ảnh hưởng đến thời hạn hoàn thiện của cả dự án. Kịch bản cũng được thay đổi ngay tại hiện trường để phù hợp với tình hình thời tiết nơi đây.

Thời điểm ekip 2 vào Nghệ An thực hiện chương trình rơi vào tháng 10, cũng lại đúng vào thời gian có bão nên gặp rất nhiều khó khăn. Dự định ban đầu là cả nhóm sẽ cùng ngư dân ra khơi đánh cá, miêu tả niềm vui của ngư dân trước những mẻ cá lớn, niềm hy vọng của họ về tương lai ấm no… nhưng khi đứng trước khung cảnh tiêu điều sau cơn bão vừa đổ bộ lên vùng biển xứ Nghệ, cả ekip đành phải chuyển đề tài thành “Tâm sự làng chài mùa biển động” để nói về cuộc sống khó khăn, khổ cực của ngư dân khi suốt đời trông ngóng vào biển nhưng biển cả vô tình đã lấy đi của họ rất nhiều thứ.

 

Người đi đã khổ sở vì sự đỏng đảnh của thời tiết, người ở nhà cũng đứng ngồi không yên dõi theo diễn biến của đất trời. Mọi chi phí và nhân lực của kênh đều hướng về “Văn hóa biển đảo Việt Nam” nên từ lãnh đạo đến các phóng viên, quay phim đều nhiệt tình, tâm huyết với này nên mọi người rất tâm huyết với dự án này.

Có một kỷ niệm mà đoàn làm phim nhớ mãi, đó là khi làm chương trình về một cây đa làng rất to ở ngoài đảo Bạch Long Vĩ. Vì muốn để lại dấu ấn nên cả đoàn đã mua một cây đa nhỏ trên đất liền, mang ra trồng lên một bãi đá của hòn đảo mang tên “đuôi rồng trắng” này. 

Những khó khăn trong quá trình tác nghiệp hơn 60 tập phim không thể kể hết trong vài ba câu chữ, hơn nữa bản thân các phóng viên, biên tập, quay phim kênh VTC10 cũng đã quá quen với việc đối mặt với tất cả những tình huống có thể xảy ra khi tác nghiệp hiện trường. Điều mà họ hướng tới là chất lượng của những tác phẩm mình làm ra, cho dù phải trải qua những rủi ro, vất vả như thế nào đi chăng nữa. Một thuận lợi rất lớn cho các ekip khi đi thực hiện chương trình, đó là đến đâu, bất cứ vùng biển nào, họ cũng được ngư dân và các cơ quan địa phương chào đón, giúp đỡ nhiệt tình. Lãnh đạo kênh cũng đã quan tâm sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ekip có thể yên tâm “chạy show” khắp các vùng biển Việt Nam trong vòng 1 tháng trời.

Xung quanh biển đảo Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nhiều vấn đề nhạy cảm. Trong bối cảnh ấy, dự án “Văn hóa biển đảo Việt Nam” ra đời như một bức tranh chi tiết, cho người xem trong nước cũng như quốc tế cơ hội hiểu hơn về nét đẹp của biển đảo cũng như hiểu hơn về đời sống của cư dân miền biển Việt Nam.


Thanh Hương


Bình luận
vtcnews.vn