Sóng Cô Tô hòa sóng VTC

Tổng hợpThứ Tư, 24/08/2011 07:00:00 +07:00

Ngày hôm nay, thỏa nguyện, được nhìn tận mắt thấy cái màu xanh nước biển Cô Tô...

Cái màu xanh luôn biến đổi của màu nước bể chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như chuối non? Xanh như chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết thanh minh? Đúng một phần thôi. Bởi con sóng đang đội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biển sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư Mã nghe đàn trên con sóng Giang Châu có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh như một màu áo cưới, được không? Hay là nói thế này, nước biển chiều nay xanh như một trang sử loài người, lúc con người phải víu vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng quá phải không? Mà kìa, nhìn cho kĩ mà xem, nước biển đang xanh như cái màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương. Cũng không phải, sợ lai căng, nhưng nghe có vẻ vẫn chưa trúng, chưa ổn phải không? Sóng vẫn kế tiếp cái màu xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều nay luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp với nhịp sóng…

 

 Đây là những dòng ký tuyệt vời của cụ Nguyễn Tuân, mà tôi đã từng mê đắm từ khi còn học phổ thông. Ngày hôm nay, thỏa nguyện, được nhìn tận mắt thấy cái màu xanh nước biển Cô Tô mà Nguyễn Tuân đã phải loay hoay đánh vật với từng con chữ để rồi vẫn không sao diễn tả nổi. Sau cuộc hành trình hai tiếng đồng hồ, vượt qua những con sóng lừng lững nơi Cửa Đối, vịn vào những khối bê tông vững chắc của cầu tàu, tôi đã thực sự đặt chân lên đất Cô Tô…

     Khác hẳn với những gì tôi từng tưởng tượng, thị trấn Cô Tô cũng sầm uất và đông đúc chẳng khác gì một thị trấn nơi đất liền. Cũng những dãy phố dọc ngang với đường bê tông trải dài sạch sẽ. Cũng những căn nhà san sát kiên cố, khang trang. Đây đó đã mọc lên vài khách sạn cao tầng theo lối kiến trúc hiện đại. Có khác chăng chỉ bởi khung cảnh ấy được đặt sát bờ biển, nơi những con sóng của vịnh Bắc Bộ quanh năm ào ạt vỗ trắng bờ. Bằng sự hồ hởi và những cái nắm tay thân tình, các đồng chí lãnh đạo huyện Cô Tô đã tạo cho chúng tôi những ấn tượng đầu tiên khó quên về một cuộc đón tiếp thật cởi mở, giống như cái cảm giác nồng ấm của một người thân khi trở về nhà hơn là cảm giác bỡ ngỡ của những vị khách lần đầu tiên ra thăm đảo.

 

 

Ngày xưa: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Cô Tô”.

Đó là những ấn tượng kinh hoàng nhất của người dân Đảo trong những ngày đầu lập nghiệp. Chúng tôi tới thăm căn nhà mới hai tầng khang trang của vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngãi (Thị trấn Cô Tô- Quảng Ninh) nằm ngay sát biển. Mùa thu gió mát rười rượi, mùa hạ nắng tràn rực rỡ. Dẫn chúng tôi qua những dãy phi lao rì rào trước biển, chị Ngãi kể câu chuyện lập nghiệp đời mình ở nơi đảo xa này. Vợ chồng chị quê gốc Thái Thụy- Thái Bình. Lấy nhau từ khi rất trẻ, nhưng kiếp nghèo, nên làm mãi chẳng có nổi một tấc đất cắm dùi. Quanh năm làm ruộng và đi ở nhờ, cuộc đời lêu đêu phiêu bạt như cái tôm, cái tép. Những năm cuối thập kỷ 80, Nhà nước có chiến dịch vận động tuyên truyền bà con nông dân tại các vùng quê Bắc Bộ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Phải bỏ đất, bỏ làng, tha hương cầu thực, là việc bần cùng chẳng ai muốn. Nhưng nếu không đi, đời mình rồi con mình cũng sẽ mãi lầm lũi, tối tăm không thoát ra được.

“Tôi còn nhớ, chuyến tàu từ biển Diêm Điền (Thái Bình) tới đảo Cô Tô mất tới 13 giờ, những cơn say sóng và cái đói cồn cào cứ quất tới tấp lên những con người liêu xiêu vốn đã quá tiều tụy vì thiếu ăn. Mấy chục gia đình chúng tôi, hành lý mang theo chỉ lỉnh kỉnh vài cái xoong chảo sứt sẹo, chăn chiếu, quần áo, đùm đùm bọc bọc, rách rưới cũ nát cùng giấc mơ về một mái ấm gia đình. Ấn tượng đầu tiên với Cô Tô chỉ là những dãy nhà lụp xụp của người Hoa kiều bỏ lại sau cuộc di cư từ chiến tranh biên giới nằm ngay mé biển, gió thông thốc thổi. Vợ chồng con cái chúng tôi nằm la liệt mệt mỏi rã rời như những đoàn thuyền nhân vượt biển... Đến bữa, không có rau, chúng tôi thường ngắt lá dại như lá vông để nấu làm canh ăn trừ bữa. Dần dần, chúng tôi cũng được phân một gian nhà nhỏ cũ. Gọi là nhà nhưng đó là một vuông đất ẩm thấp, có mái che, chỉ vừa kê được một chiếc giường, rắn rết vào ra như chỗ không người... Thế mà vợ chồng con cái cùng nhau dắt díu vượt qua tất cả. Giờ nhớ lại, thấy phục mình quá…”.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Mơ (Khu 2- Thị Trấn Cô Tô) cũng không kém nhọc nhằn. Vợ chồng bà Mơ viết đơn tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới ở Cô Tô khi đã có mảnh đất cắm dùi ở quê, nhưng một nách nuôi tới 7 người con, chúng cứ lớn lên nheo nhóc, đói khổ, mà vùng quê Hải Hậu- Nam Định của bà cũng đất chật người đông. Trong ký ức của bà Mơ, chuyến tàu đưa gia đình bà ra đảo năm 1989 buồn lắm, chỉ có 32 người, giờ đây có người còn sống, người đã qua đời, mang nỗi nhọc nhằn về với biển. Đường xá những ngày đó chỉ mon men chạy vòng quanh như sợi chỉ, với um tùm cỏ gianh và lạo xạo bước chạy của thú rừng. Có lúc đói, mệt và nản, tưởng như sẽ chết. “Nhiều khi hoảng, vợ chồng con cái tôi định bàn nhau bỏ về quê. Nhưng rồi cứ nấn ná, cắn răng vượt qua, lâu dần thành quen, đến lúc không còn biết là khổ nữa thì bỏ đi không đành. Chúng tôi bảo nhau phát cỏ, làm vườn, đục đồi để lấy đất dựng nhà. Tự đóng thuyền, đóng bè lao ra biển đánh bắt cải thiện cuộc sống. Con cái lớn lên, cũng lấy vợ lấy chồng, làm ăn cặm cụi. Cha mẹ con cái bên nhau, nỗi nhớ đất liền vơi dần”. Bà Mơ rót nước mời chúng tôi rồi lặng lẽ với chiếc khăn lau nhẹ lên bề mặt chiếc ti-vi cũ, ngậm ngùi: Ông ấy nhà tôi đã về với đất. Hồi còn sống ông ấy quý chiếc ti-vi này lắm. Vất vả đã nhiều, đến lúc được nghỉ ngơi thì lại ra đi. Biển ôm lấy ông và vỗ về nỗi buồn nhân thế đang ngày một đầy lên trên mái đầu điểm bạc của bà trải ký ức vụt qua.

 

 

Ngày nay…Nhà nhà được xem truyền hình

Cùng trên chuyến tàu về đảo, chúng tôi trò chuyện với Chánh án TAND huyện Cô Tô- ông Hoàng Huy Thục là một trong những người đầu tiên từ bỏ cuộc sống sung túc ở đất liền, vận động vợ con theo về đảo để tiếp tục cống hiến nốt quãng đời còn lại của mình cho Đảo. Ông nhớ, cũng đã hơn 10 năm kể từ ngày lên tàu vượt sóng ra khơi. Câu chuyện của ông dập dềnh, trúc trắc với những con sóng mưu sinh, những con sóng tình và giờ đây lại có cả sóng truyền hình VTC nữa… Để tìm hiểu thêm về thế hệ những người dân đầu tiên đến đảo khai phá, ông Thục dẫn chúng tôi tới gặp ông Nguyễn Văn Nghĩa (Khu 2- Thị trấn Cô Tô- Quảng Ninh) người có hơn 30 năm gắn bó với nghề biển.

Theo trí nhớ của ông, từ thuở khai hoang lập đảo, cuộc sống của những người dân nơi đây đã trải qua không ít những khốn khó, gian nan. Làm nghề cá, nghĩa là quanh năm coi thuyền là nhà, biển cả là quê hương, đêm ngày lang thang trên biển. “Trước đây, chúng tôi đi đánh bắt cá trên những con thuyền gỗ, chỉ dám đánh bắt gần bờ vì không có phương tiện đảm bảo. Cuộc sống lênh đênh trên biển đã khó khăn, lên bờ cũng chẳng khá khẩm hơn, vì lo cho bụng không đói đã là may mắn, không dám mơ đến đời sống tinh thần. Nhưng nhiều năm gần đây, nhờ có sóng truyền hình, sóng phát thanh về đảo, nhà nhà mua ti vi, chúng tôi không chỉ xem, nghe thông tin từ đất liền, thích thú nhất là được theo dõi những trận cầu nảy lửa ngay trên thuyền, thông qua kênh truyền hình kỹ thuật số VTC.

Hiện đời sống vật chất tại Cô Tô đã được cải thiện, nhưng đời sống tinh thần vẫn còn rất khiêm tốn. Người dân trên huyện đảo vẫn phải dùng điện rất hạn chế và các kênh của VTC là một trong những món ăn tinh thần quý nhất của người dân nơi đây.

 

 

Những “cánh sóng” từ VTC

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo 9-5 (1961-2011), nhân dân huyện đảo Cô Tô đã nhận được món quà hết sức ý nghĩa từ Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Đó là 6 tháng thuê bao dịch vụ truyền hình số vệ tinh cho 1.400 hộ dân huyện đảo Cô tô với trị giá 560.000.000đ (Năm trăm sáu mươi triệu đồng). UBND sẽ tặng toàn bộ kinh phí đầu tư lắp đầu VTC-SD cho hộ nghèo và cận nghèo, số hộ còn lại tỉnh sẽ hỗ trợ 80% tổng giá trị kinh phí của đầu kỹ thuật số VTC-SD. Như vậy, các hộ dân huyện đảo Cô Tô sẽ xem được các kênh truyền hình VTC và VTV từ VTV1 đến VTV6. Đặc biệt bắt được sóng QTV1 của Đài PTTH Quảng Ninh theo phương thức thu sóng trực tiếp từ vệ tinh, không qua chuyển tiếp của Đài huyện. Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình này trị giá gần 2,9 tỷ đồng. Với món quà này, Cô Tô (dân số hơn 5 nghìn người) là huyện đảo đầu tiên trong toàn quốc được trang bị đầu thu kỹ thuật số VTC tới từng hộ dân.

Trong buổi lễ “Trao tặng thuê bao dịch vụ truyền hình VTC SD cho các hộ dân huyện đảo Cô tô” và lễ bàn giao Bộ thu Truyền hình số VTC SD cho 1400 hộ dân huyện đảo Cô Tô, ông Trần Duy Phương-  Phó TGĐ Tổng CTy Truyền thông đa phương tiện VTC đã nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương suốt những năm qua, Tổng công ty VTC, Đài Truyền hình KTS VTC luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống văn hóa thông tin của người dân các tỉnh, đặc biệt là các huyện đảo, với mong muốn mang đến từng hộ gia đình những sản phẩm truyền hình chất lượng tốt nhất. Theo ông Phương: “Với phương châm VTC – KHÔNG KHOẢNG CÁCH, VTC sẽ làm hết sức mình để góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho toàn thể người dân Cô Tô, giúp bà con có cơ hội được xem những chương trình truyền hình hấp dẫn, đặc sắc với chất lượng tốt nhất”.

 

Còn vươn lên mãi

Nói về sự “đổi đời” của huyện đảo Cô Tô từ khi mới thành lập (năm 1994) đến nay, ông Mai Tuấn Phượng- Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Từ một huyện nghèo, bộ mặt Cô Tô đã đổi thay rõ rệt. Những năm gần đây, kinh tế xã hội Cô Tô đã phát triển vượt bậc. Một trong những nguyên nhân tích cực tác động quyết định tới sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội văn hóa của huyện là sự xuất hiện của sóng phát thanh truyền hình nối liền Cô Tô với đất liền và cả những vùng cực xa của Tổ Quốc.

Cùng hòa chung niềm vui với bà con khi nhận món quà từ Tổng công ty VTC, ông Mai Tuấn Phượng khẳng định điều này sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân huyện đảo Cô tô. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà lãnh đạo nơi đây đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện”.

Hai ngày ở Cô Tô, không nhiều để có thể tìm hiểu cặn kẽ và sâu sắc tất cả, nhưng cũng đủ để tôi có một cái nhìn bao quát và rõ nét thêm về một vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Tạm biệt Cô Tô, khi tàu quay mũi, tôi còn kịp nhìn thấy tượng Bác vẫy tay chào, nụ cười hiền hậu vẫn tươi rói trên nét mặt rạng ngời. Và phía sau Người, mấy nghìn nóc nhà thấp thoáng lẫn trong cây. Những lá cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà vẫn tung bay phấp phới, kiêu hãnh và kiên trung, như đất và người Cô Tô - huyện đảo tiền tiêu vững vàng nơi đầu sóng. Rồi đây những con sóng truyền hình của VTC chắc chắn sẽ vượt lên trên những con sóng bạc đầu của biển Cô tô để đến với bà con huyện đảo… tôi chắc chắn thế!

Thu Dung, Ảnh: Hồ Quang      

Bình luận
vtcnews.vn