Chuyện những cô nàng đen… “giòn”

Tổng hợpThứ Ba, 23/08/2011 01:09:00 +07:00

Họ tự giễu nại làn da ấy của mình với vẻ ngậm ngùi nhưng tự hào khi nói về những trải nghiệm trong những chuyến “phượt” đã khiến da của mình nhuộm màu nắng ấy.

   Ở phòng Văn hóa, Xã hội của kênh Truyền hình Tam nông mỗi người một vẻ, mỗi cô gái có một cá tính nhưng giống nhau ở làn da ngăm ngăm đen - sản phẩm sau những chuyến đi công tác dài ngày ở những vùng sâu xa, hẻo lánh. Họ tự giễu nại làn da ấy của mình với vẻ ngậm ngùi nhưng tự hào khi nói về những trải nghiệm trong những chuyến “phượt” đã khiến da của mình nhuộm màu nắng ấy.

 

 

Phòng “ăn chơi nhảy múa”

Phòng Văn hóa xã hội có 12 thành viên thì có 9 là nữ, trẻ, phần lớn chưa có gia đình và đều có máu “xê dịch”. Nhưng xê dịch không phải để hưởng thụ mà vì yêu cầu công việc. Đặc biệt, do đặc thù kênh 16 là kênh truyền hình chuyên biệt dành cho nông dân và nông thôn nên phạm vi xê dịch tuy rộng, trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược, miền xuôi đủ cả nhưng chỉ trong các vùng nông thôn, miền núi, đường đi mới khó khăn hiểm trở, và điều kiện sinh hoạt thì vô cùng thiếu thốn.

Thế nên, ở phòng Văn hóa truyền tai nhau một “quy luật”, đã vào đây nhan sắc chỉ có theo chiều đi xuống mà thôi. Đố nàng nào xinh lên được với lịch trình liên tục đi công tác xa, ăn ngủ thất thường, nơi sang trọng chả đến lượt còn quanh quất với đồng ruộng giữa cái nắng chói chang, những cơn mưa bất chợt là thường tình. Để phản ánh đời sống, sinh hoạt văn hóa của người nông dân ví như Lá lành đùm lá rách, Tre xanh, Giữ gìn các làn điệu dân ca, Chuyện trong xóm ngoài làng…. các biên tập viên VTC16 cũng xắn quần, lội ruộng bì bõm như một nông dân thực sự. Nhân vật đóng gạch, phơi thóc giữa trời nắng chói chang, gay gắt biên tập viên cũng lụi cụi làm theo như một người thợ, người làm nông đích thực. Có khác chăng chỉ là lớp quần áo bên ngoài tươm tất, sạch sẽ hơn. Có trải nghiệm như thế, người làm chương trình mới thấu hiểu để đặc tả được sự vất vả, nhọc nhằn của người lao động, cảm nhận được những giọt mồ hôi ướt đầm mí mắt, đẫm trên mặt, trên lưng hay đôi vai oằn xuống dưới đôi quang gánh trĩu nặng,  và những đôi bàn tay chai sần, nứt nẻ khô ráp cứ đều đều dãi thóc trên sân....

Cuộc sống thường nhật, nhọc nhằn của người nông dân đâu chỉ trên từng thửa ruộng, luống cày. Đó còn cuộc sống đạm  bạc, thiếu thốn trong từng nếp nhà  sau khi nắng tắt trên đồng. Các biên tập viên lại nếm trải cùng họ những bữa ăn đơn giản chỉ với bát canh rau tự trồng, vài quả cà muối mặn, giấc ngủ chênh vênh trên chiếc giường chật chội. Sau vài ngày thấm thía nỗi cực nhọc, họ trở về với đầy ắp tư liệu, miệt mài bám riết lấy cái máy dựng, một lần nữa sống lại với những cảm xúc đã qua để hoàn thành một phóng sự truyền hình sống động đưa đến cho khán giả.

 

Trở lại không khí ồn ào, bụi bặm nơi thành phố, Hồng Lĩnh, Phụ trách phòng Văn hóa,  thuê một phòng chỉ để... về ngủ có vài ngày trong tháng. Thời gian còn lại không đi công tác thì cũng làm việc ở đài cả ngày đến tối khuya mới về, chưa kể hôm nào bận quá thì ở lại qua đêm luôn. Còn BTV Lại Thu Thủy phụ trách Chuyên mục Tre xanh và Giữ gìn các làn điệu dân ca, mặc dù mang tiếng là “tổ chức sản xuất” mà hôm nào cũng dính lấy cái máy dựng và lịch sản xuất dài kỳ. Xinh xắn như Diệu Năng mà cũng chẳng tránh được có lúc ăn vận giản đơn, tay cầm bánh, tay cầm nước ăn vội bữa tối cho kịp giờ làm việc. Hay Tuyết Mai, tổ chức sản xuất chương trình Chuyện của làng có khi còn phải tự tay kéo xe cải tiến chở đạo cụ để ghi hình. Thu Hiền – mặc dù “may mắn” hơn những người còn lại khi đã có một bé trai  kháu khỉnh  2 tuổi nhưng vẫn phải thường xuyên vắng nhà, để con cho bà nội trông. Xuân Quỳnh, Bích Lưu, Thu Huyền - những cái tên đã gắn liền với phòng Văn hóa và Kênh 3NTV ngay từ ngày đầu lên sóng, mặc dù còn rất trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng các phóng viên đều nhiệt tình và dám xông pha.

Giám đốc Kênh 3NTV - VTC 16 Nguyễn Kha Thoa tâm sự: Nhìn các em tác nghiệp cũng thấy thương. Có lẽ rồi Kênh cũng sẽ phải lập thêm một khoản phụ cấp “ngoài luồng” kiểu như phụ cấp môi trường cho các biên tập viên của mình. Tuy vậy, các cô gái của phòng Văn hóa, xã hội vẫn vui vẻ tự nhận mình là những người có tâm hồn “treo ngược cành cây” và mỗi người bay bổng theo một cách khác nhau. Họ đặt cho phòng mình một cái tên khác, hấp dẫn hơn là phòng “Ăn chơi nhảy múa”. Cái tên ấy, có lẽ đủ nói lên tinh thần lạc quan của những chàng trai, cô gái này.

 

 

Những chuyến “phượt” đặc biệt

Trẻ và chưa có gia đình, lợi thế của các BTV Phòng văn hóa kênh VTC16 là dám đi những chuyến công tác dài ngày. Đó hầu hết đều là những chuyến “phượt” đặc biệt.

Vì là “phượt” nên họ không bỏ lỡ một cơ hội nào để tận hưởng và trải nghiệm, dù đôi khi sự trải nghiệm ấy chẳng dễ chịu chút nào.

Phụ trách phòng Văn hóa, xã hội - Hồng Lĩnh chia sẻ, chuyến đi đáng nhớ nhất của cô là khi làm về Tết của người Hà Nhì ở Điện Biên. Đi vào ngã ba biên giới, mảnh đất một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe thấy với nhiều kỷ niệm vui và không ít nguy hiểm. Thật may mắn anh bạn đồng hành Giang Hải, BTV chương trình Nông thôn mới đồng thời dân ”phượt” chính hiệu nên đến nhà dân cứ như đứa con đi xa trở về, được họ đón tiếp nồng hậu.

Duy chỉ có đường đi khó khăn, nhiều đoạn xe bị sụt cứ đi một đoạn lại phải xuống xe đẩy. Hay có lúc phải phó thác tính mạng cho mấy anh xe ôm bản phi như bay qua những con dốc lúc lên lúc xuống đến nỗi thót tim.

Nhưng, nỗi sợ đó không đáng bằng sợ... rượu. Hồng Lĩnh đến bản Sín Thầu ở địa đầu của tổ quốc, mùa này hoa Dã quỳ đang nở, tiếng dã bánh dày râm ran. Tết của người Hà Nhì tổ chức rất to, với thịt lợn đen, làm 3 ngày. Nhưng luật bất thành văn là uống rượu, vào mâm người ta chào nhau bằng 3 chén. Một ngày phải 3 lần say. Cho nên Hồng Lĩnh mới có một tác phẩm Tre xanh “đáng nhớ” có tên “Có nhẹ chà” (Tết sớm của người Hà Nhì). Trong đó, có đoạn cô BTV nhỏ nhắn, mặt đỏ bừng đang phỏng vấn người “anh hùng” của dân tộc Hà Nhì cao 1.8m.

 
   Đến những nơi xa xôi hẻo lánh, tuy vất vả nhưng đồng thời cũng mang đến cho các BTV kênh 16 những phát hiện mới về con người, những cuộc đời nhỏ bé trong xã hội. Có những tác phẩm đã ra đời ngay trên đường đi. Chẳng hạn như tác phẩm “Anh Giao bưu chịu khó” được thực hiện trên đường đi Quảng Nam làm về người Cơ Tu. Trong đó nhân vật chính là anh đưa thư nhỏ bé, mặc quân phục tình cờ xin đi nhờ xe của chương trình. Câu nói thật thà của anh “mưa nắng cái chi em cũng chịu, dù sao cũng phải đưa báo cho đồng bào. Mình ướt nhưng không để báo ướt” đã trở thành câu nói gây xúc động trong tác phẩm.

Anh Giao bưu chịu khó là một câu chuyện giản dị được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn nhất, bất ngờ nhất, trong “trường quay” di động chính là chiếc xe U Oát. Và nhạc nền cho cả chương trình chính là tiếng khèn đặc trưng của người Cơ Tu do người bố bị ốm của anh đưa thư thổi. Đây cũng là lần đầu tiên Chuyện trong xóm ngoài làng có một câu chuyện tình cờ như vậy.

Với những BTV Kênh 3NTV - VTC 16 trong đó có các phóng viên phòng Văn hóa, xã hội, những chuyến đi dường như bị biệt lập khỏi thế giới hiện đại chẳng còn xa lạ nữa nhưng, mỗi chuyến đi lại mang đến cho họ những ấn tượng và cảm xúc không bao giờ cũ, những trải nghiệm không bao giờ thừa. Để rồi sau đó, họ gọi nhau bằng những cái tên mới:  nhà M’nông học, nhà H’Mông học..., cười phá lên khi tự giễu nại mình vừa đen, vừa xấu nhưng lòng thì không lúc nào ngậm ngùi khi đánh đổi sự an nhàn để lấy những phút giây “sống hết mình” trên những cung đường mới.

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn