Chuyện của Làng VTC16

Tổng hợpThứ Tư, 03/08/2011 06:43:00 +07:00

Nội dung câu chuyện thì mộc mạc, chỉ xoay quanh cái cổng làng cũ, mới, chuyện cái ao làng, chợ quê, chuyện thanh niên nông thôn rời làng lên phố làm thuê...

Có một câu chuyện vui của cô bạn đồng nghiệp phòng tôi. Một hôm, chị Giám đốc kênh VTC16 mời cô làm MC một chương trình trên kênh VTC16. Cô bạn tôi nghe xong liền từ chối: “Em “già” rồi, thôi MC thì xin nhường cho các em Teen trẻ trung, xinh đẹp. Nào ngờ, chị Giám đốc bảo “ồ không, chị cần những MC trông già dặn, mộc mạc một chút, lại có lối nói chuyện tự nhiên… như em thì càng tốt”.

 

 

Chỉ là một câu chuyện vui của mấy anh chị em trong nghề nhưng trong đó có một điều rất thật, những BTV, MC của kênh VTC16 đặc biệt là những chương trình mang tính chất tọa đàm như Chuyện của làng thì cần những gương mặt mộc mạc, giản dị để tạo sự gần gũi với bà con nông dân. Chính vì vậy mới có sự khác biệt rất rõ ràng giữa MC, BTV của kênh VTC16 so với các kênh khác.

Chẳng nói đâu xa, Chuyện của làng là một chương trình tọa đàm giao lưu ngoại cảnh. Nội dung câu chuyện thì mộc mạc, chỉ xoay quanh cái cổng làng cũ, mới, chuyện cái ao làng, chợ quê, chuyện thanh niên nông thôn rời làng lên phố làm thuê... mà nhân vật giao lưu chính là người nông dân của làng ấy và người dẫn chương trình. Câu chuyện diễn ra ở giữa những làng quê, vừa gần gũi, tự nhiên, người nông dân cũng thoải mái nói chuyện mà không cảm thấy căng thẳng như khi trong trường quay. Cuối tháng khán giả được “đổi món” bằng một chương trình trò chuyện với các nghệ sĩ nông dân hoặc các nghệ sĩ sáng tác về đề tài nông thôn, nông dân.

Nếu chương trình được làm ở trường quay thì mọi thứ sẽ rất đơn giản nhưng sẽ không có được đúng cái chất “quê” cần phải có. Vậy là trường quay được “bê” nguyên đến làng, hoặc đình, chùa cho “đúng điệu”. Thế nên mới có chuyện, bữa nọ phóng viên đến làng Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm để gặp một khách mời của chương trình, năm nay 81 tuổi. Đã nhờ bà con trong làng chuẩn bị sẵn một bộ bàn ghế “quê ra trò” nhưng đến nơi, bàn ghế không có, chỉ có mấy cái ghế nhựa xanh mà MC lại... trót mặc áo dài. Thế là, cả nhân vật lẫn các BTV phải đi khắp làng mượn một bộ bàn ghế khác. Mãi sau mới mượn được bộ chõng tre có vẻ khả dĩ thích hợp với ngoại cảnh. Bữa đó, mấy cụ cháu đắc dĩ phải mượn xe cải tiến, hì hục kéo xe chở chõng. Mọi người ai cũng vừa mệt, vừa buồn cười với tình huống này.

 

Tuy vất vả vậy nhưng bù lại Chuyện của làng đã có một cuộc talk rất hay. Cụ ông chia sẻ rất thoải mái, tự nhiên nên câu chuyện trở nên sống động và hấp dẫn. Tất nhiên vì sự tự nhiên ấy nên cũng có lúc cả ekip được phen ớ người ra không kịp hiểu gì, chẳng hạn như khi đang đang ghi hình, MC đang còn chưa kịp nói xong câu thì nhân vật “tự tiện” đứng dậy bỏ ra ngoài làm việc riêng.

Những tình huống như vậy có lẽ không ít gặp, đặc biệt là đối với các BTV của kênh VTC16. Cho nên, họ thường phải chuẩn bị rất kỹ cho nhiều tình huống có thể xảy ra. Nhưng rồi, đôi khi chuẩn bị kỹ lắm rồi mà vẫn bị “leo cây” như thường. Êkip Chuyện của làng cũng gặp khá nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười liên quan đến cái sự “hồn nhiên” của nhân vật kiểu như vậy. Đấy cũng là những kỷ niệm rất “đặc thù”, rất “nông dân” mà chắc chỉ có phóng viên kênh 16 mới gặp phải.

Chẳng hạn trường hợp số vừa rồi chương trình làm về đề tài Bạo hành gia đình. Khó khăn lắm, Tuyết Mai, Tổ chức sản xuất chương trình mới xin hẹn được một chị là nạn nhân của bạo hành gia đình và đang trong thời gian thụ án ly hôn. Nhưng đến phút cuối trước hôm ghi hình thì nhân vật kiên quyết không chịu cho phỏng vấn nữa và giới thiệu một chị trong ban hòa giải, người cùng thôn trả lời thay. Đến thời điểm ghi hình, BTV gọi điện thì nhân vật này cứ nằng nặc, phải có chị có em mới chịu, chứ nhất định không chịu đi một mình. Vậy là kế hoạch ban đầu bị đổ bể dù BTV đã chuẩn bị đâu ra đấy, đành tự nhủ “chẳng qua cũng chỉ là chuyện bình thường ở huyện”, “thua keo này ta bày keo khác” mà thôi.

Tuy mới phát sóng được 5 số đều đặn vào 11h00 Chủ nhật hàng tuần nhưng cách thức thể hiện của Chuyện của làng đã chứng tỏ được hiệu quả rõ rệt mặc cho đồng hành cùng với nó là những câu chuyện dở khóc dở cười như đã kể ở trên. BTV Hồng Lĩnh là người dẫn chương trình Chuyện của làng chia sẻ: “Trò chuyện với nông dân không giống như trò chuyện với chuyên gia ở chỗ là khi nói với nông dân, MC phải dùng ngôn từ sao cho dễ hiểu, dùng những từ ngữ quen thuộc với họ, thậm chí vận dụng dân ca, tục ngữ cho gần gũi thì càng tốt, miễn làm sao để họ cảm thấy thoải mái, cởi mở khi nói chuyện cũng như bày tỏ thái độ, quan điểm của mình”. Đúng như Hồng Lĩnh nói, cái hay của chương trình này là người nông dân được nói một cách tự nhiên và tự tin khi thể hiện suy nghĩ của mình.

Nhưng để được như vậy, có lẽ các BTV cũng phải là những người khéo gợi chuyện và kiên nhẫn. Bởi phần lớn nhân vật đều không quen nói trước ống kính. Chẳng hạn như chương trình số đầu tiên có tên Hệ lụy ly hương trò chuyện với một anh nông dân Bắc Giang rời quê lên Hà Nội làm thợ cả. Lần đầu xuất hiện trước máy quay, anh thợ ấy căng thẳng đến độ mồ hôi vã ra như tắm, nói nhỏ gần như lí nhí. Nhưng vào mạch chuyện rồi, nói đúng vấn đề “cơm áo gạo tiền” và nỗi lo của mình thì anh ấy bắt đầu chia sẻ cởi mở hơn.

Thế nên các phóng viên, BTV kênh 16 vẫn trêu nhau rằng: Phóng viên kênh 16 nghèo mà quê lắm. Nhưng đằng sau câu nói đó là tâm huyết và sức lực để mỗi chương trình lên sóng đến với bà con nông dân đều là những chương trình hay. Nếu các chương trình như Hướng Nghiệp, Con đường làm giàu…cho bà con kiến thức và cách làm ăn để làm giàu cho chính  mình thì các chương trình văn hóa chẳng hạn như Chuyện của làng lại làm cho đời sống tinh thần của bà con thêm phong phú. Vì vậy họ vẫn thường nói đùa với nhau rằng: phóng viên kênh 16 thì ngày càng “nghèo” đi còn bà con nông dân thì ngày càng “giàu” lên là thế.

T.M

Bình luận
vtcnews.vn