Quang Huy: Gã đàn ông luôn trễ hẹn…

Tổng hợpThứ Năm, 23/06/2011 05:37:00 +07:00

… Chẳng mấy khi gã cười, nhưng được cái, mặt gã phúng phính, tròn tròn nên nhìn vẫn có vẻ gì đó thần thật, hồn nhiên và… đáng yêu một cách kì lạ.

 Cảm nhận đầu tiên của tôi về Quang Huy ư? Gã xấu vì gã quá béo. Gã đáng ghét vì gã luôn thất hẹn. Gã cứng nhắc vì gã rất cầu toàn. Gã phô trương vì theo như lời gã nói, chẳng đời nào gã mặc trên người một chiếc áo có nguồn gốc không rõ ràng…. Và tôi cam đoan: nếu tình cờ gặp ngoài đường, không phải vì cái thương hiệu “BLV Quang Huy” to vật vã thì người ta sẽ chẳng bao giờ để ý đến gã đâu, gã quá nhiều khiếm khuyết…. Nhưng tôi nói rồi đấy, đó chỉ là cảm nhận ban đầu thôi…

 

 

Không nhớ nổi phải mất bao nhiêu cú điện thoại, bao nhiêu hôm thấp thỏm đợi chờ, bao nhiêu phen bực tức, bao nhiêu lần bị cướp mất chiến thắng vào phút đá bù giờ (xách túi đi rồi còn bị gã hủy hẹn)… tôi mới gặp được gã. Mặc kệ lòng tôi “ấm ức”, gã ngồi đối diện, quần sooc, áo phông, đầu đội mũ lưỡi trai và miệng thì liên tục nói đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển… Chẳng mấy khi gã cười, nhưng được cái, mặt gã phúng phính, tròn tròn nên nhìn vẫn có vẻ gì đó thần thật, hồn nhiên và… đáng yêu một cách kì lạ. Sau này khi gặp BLV Anh Ngọc – người bạn “nối khố” của gã tôi mới biết, chuyện gã đến muộn, gã lỡ hẹn là “chuyện thường của huyện”. Thậm chí, dù đã nhận lời bê tráp ăn hỏi cho Anh Ngọc mà gã vẫn có thể khiến người khác phải chờ dài cổ. Có thể, gã quá nhiều việc, gã bận. Cũng có thể gã thích chơi trội. Biết đâu được đấy, bởi khi gã đến người ta cứ chăm chăm nhìn gã (người mà họ ngưỡng mộ) thay vì nhìn chú rể. Nhưng bạn bè gã quen rồi, tính gã thế, gã luôn đến muộn, họ chấp nhận, họ yêu quý và chẳng ai nỡ giận, bởi vì ở gã có quá nhiều thứ khác để… yêu.

 Đam mê…

Dân tình đồn thổi, ngày bé gã đặc biệt yêu thích một chiếc … quần đùi đỏ. Đó là chiếc quần gã được người bạn tập bóng đá năng khiếu ở Thể Công tặng. Gã hâm mộ Thể Công nhất, đến độ mỗi lần cầu thủ Cao Cường qua nhà chơi, cái quần đùi đang ướt gã cũng bắt mẹ hơ lửa và mặc vội nó trong tình trạng… bốc khói chỉ để thể hiện mình yêu bóng đá, yêu Thể Công như thế nào.

Không biết có phải vì trong bóng đá con người được thể hiện sự hiếu thắng, được hâm mộ, được tôn vinh như gã ấn tượng thời bé nên gã đam mê hay không, chỉ biết sáu tuổi gã đã lẽo đẽo theo bố ra sân Hàng Đẫy xem túc cầu. Sau khi xem trọn vẹn World Cup 1986 trên truyền hình, gã nhận ra từ đây sẽ phải cập nhật những thông tin về bóng đá như một món ăn quen thuộc. Thay vì ăn sáng, mua đồ chơi, gã dành toàn bộ số tiền để mua báo Thể thao văn hóa. Chiều thứ 7 nào không thấy báo về, gã bồn chồn như con nghiện thiếu thuốc, phải tự mình lọc cọc đạp xe lên tận Lý Thường Kiệt, lùng sục để mua.

Đam mê vậy nhưng chưa bao giờ gã nghĩ mình sẽ trở thành cầu thủ. Bởi gã biết, tài năng của mình chỉ dừng lại ở mức… vườn nhà. Gã đầu tư cho học hành và đậu cả hai trường “oách” nhất thời ấy: Bách Khoa và Tổng Hợp. Gã chọn Khoa kinh tế, ngành kinh tế đối ngoại, trường Tổng hợp – một ngành cực kì “hot” khi đất nước mở cửa lúc bấy giờ.

Tốt nghiệp với số điểm khá cao, gã được một công ty nước ngoài chào đón với cơ hội kiếm tiền và làm giàu rộng mở thênh thang trước mắt. Nhưng đùng một cái, VTV tuyển BLV, và gã liều đăng kí thử xem sao. Nhưng thử rồi gã lại không dứt ra được.

 
Suốt hơn năm trời, trong khi bạn bè rủng rỉnh ví thì gã lương ba cọc ba đồng, lọ mọ làm bản tin, phụ giúp các anh chị đi trước. Nhưng gã lại thấy rất thỏa mãn vì tìm được công việc hợp ý mình. Gã nghĩ nếu như làm việc khác, gã cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để xem bóng đá. Còn làm công việc này gã vừa được xem bóng đá mà vừa vẫn làm việc. Gã thấy mình lợi đơn lợi kép. Hơn nữa, đó cũng là quãng thời gian gã tích lũy được nhiều nhất những kinh nghiệm làm truyền hình. Dù còn nhiều bỡ ngỡ với công việc, dù chưa bao giờ có ý định trở thành BLV, nhưng thử làm, thử quan sát gã biết mình sẽ làm được và sẽ trụ được với công việc này. Chỉ cần được thỏa mãn đam mê, với gã thế là đủ. Mọi cơ hội làm giàu khác không thể chiến thắng được niềm đam mê đang ngày một lớn dần lên trong gã.

Sau một năm phải toàn làm việc vặt, gã mới được đọc băng bình luận trận đấu đầu tiên. Một năm sau nữa mới được bình luận trực tiếp. Và vài năm sau đó tên tuổi của gã trở thành một “thương hiệu” trong giới BLV. Đến bây giờ gặp lại, bạn bè học cùng lứa với gã ngày đó đã thành ông này, bà nọ, sung túc và giàu có. Nhưng mỗi lần nhậu nhẹt hay café, có người chạy tới gã xin chữ kí, bạn bè gã lại chép miệng: “Để được như ông tôi mất bao nhiêu tiền cũng được”. Những lúc ấy, gã chỉ cười tủm tỉm. Gã vui với những gì mình có, mình được làm, được cống hiến và được đón nhận mỗi ngày. Điều ấy làm cho lửa nghề của gã ngày càng bùng cháy hơn.

Trong cuộc đời mình, gã thích nhất đội bóng được mệnh danh là những con quỷ đỏ thành Manchester bởi sự đồng đều về kĩ thuật, lối chơi đẹp mắt và đặc biệt, được dẫn dắt bởi một nhà cầm quân đầy nhiệt huyết và khát vọng nhưng người gã thần tượng nhất lại là cầu thủ Maradona. Với gã đó là con người đam mê bóng đá hết mình. “Người ta vẫn nói “phải biết dừng lại đúng lúc”. Nhưng Maradona không như vậy. Đã đến trên đỉnh vinh quang rồi nhưng khi đất nước cần, bóng đá cần, anh ta vẫn xỏ giày vào sân”, gã trầm ngâm. Và gã cũng vậy, dù bạn bè BLV cùng lứa thời ấy người giải nghệ, người chuyển nghề, người chuyên tâm làm quản lý thì gã vẫn tiếp tục với nghề, vẫn đều đặn lên sóng bình luận các trận đấu trên VTC3 và VTC-HD Thể Thao mỗi tuần. Nhiều người khuyên gã nên chuyên tâm vào làm quản lý cho đỡ vất vả, còn gã một mực không thể bỏ nghề. Không được bình luận nữa gã thấy mình bứt rứt, thấy mình khó sống và gã thích sự vất vả ấy. BLV Anh Ngọc nhận xét, chẳng mấy ai đam mê được như gã. Chẳng biết gã sẽ làm công việc BLV đến bao giờ, nhưng hi vọng nó mãi như vậy, bởi nếu không có những người như thế, lứa trẻ sẽ mất đi một tấm gương để nhìn vào…

 

Những phút “xuất thần”…

Từ một BLV, trở thành Phó giám đốc kênh, Giám đốc kênh VTC3 và bây giờ là Phó Giám đốc Đài VTC, Trưởng Ban Tuyên Truyền Liên Đoàn Bóng Chuyền Việt Nam, thậm chí có thời gian còn kiêm cả Tổng Biên Tập Báo Thể Thao 24H, với người ngoài mà nói,con đường thăng tiến của gã khá nhanh và phẳng phiu. Gã cũng là người được nhớ đến với rất nhiều những phút “thăng hoa”, “xuất thần”. Dưới sự lãnh đạo của gã, VTC3 và VTCHD Thể Thao liên tục tạo ra những đột phá về làm thể thao trên truyền hình tại Việt Nam. Từ một kênh thể thao sơ khai, chỉ có một số “tiền đạo” biết “ghi bàn” nhưng rất bản năng, đến nay VTC3 đã trở thành một “đội bóng” có chiều sâu, với dàn “cầu thủ” đồng đều, thiện chiến, trở thành đối tác số 1 tại Việt Nam cho những hãng truyền thông lớn, tổ chức và thực hiện được rất nhiều chương trình đặt hàng từ các đối tác nước ngoài: ASIAN CUP, AFF CUP, Giải Bóng Chuyền Grand Prix, Giải Bóng Chuyền Nữ Vô Địch Châu Á, Giải Cầu Lông Việt Nam Open…. Với gã, được bạn bè quốc tế thừa nhận mới là niềm vui lớn. Trong một lần trả lời phỏng vấn, gã còn cao hứng nói rằng: “Thể thao Việt Nam còn kém thế giới rất nhiều nhưng những người làm thể thao trên truyền hình tại Việt Nam đã thực sự tiếp cận đỉnh cao của thế giới”.

Trong những trận đấu phong trào, gã cũng thường xuyên đá ở vị trí tiền đạo và được đánh giá là có duyên ghi bàn, có khả năng tỏa sáng trong những trường hợp cần thiết. Bạn bè gã nhiều người vẫn còn rất ấn tượng về bàn thắng gã ghi được từ một cú đá phạt góc trực tiếp trên sân Bách Khoa Hà Nội. Đó là một tình huống ghi bàn rất hi hữu đối với bóng đá phong trào. Có thể kĩ thuật gã không thật tốt, nhưng gã lại là người biết chọn vị trí, cảm giác và tận dụng được các cơ hội.

Có nhiều phút “thăng hoa”, “xuất thần” như vậy nhưng gã luôn quan niệm: “Đằng sau những phút xuất thần ấy là sự tích lũy lâu dài, cộng với những may mắn mới có thể tạo ra sự thăng hoa”. Người ta vẫn nói, người làm thể thao có chút bay bổng, nghệ sĩ, nhưng gã thì lại giống một quân nhân trong quân ngũ hơn. Gã coi VTC3 như một đội bóng mà mỗi cầu thủ đều phải đá tròn vai. Cầu thủ nào chỉ chăm chăm chứng tỏ mình để khán giả ghi nhận sẽ rất khó tiến xa. Phải chấp nhận kỉ luật chung, để khi đội bóng chơi tốt rồi mới có thể có những phút ngẫu hứng và thăng hoa.

Không biết gã có “low tech” không, nhưng tôi cứ thấy tồi tội khi nghe bạn gã kể giữa thời đại laptop, macbook… nhan nhản như hiện nay mà gã vẫn cứ lọ mọ, hì hục ngồi chép tư liệu, thông tin trận đấu vào sổ tay, hay cần mẫn cắt từng mẩu báo để lưu lại. Nhưng cũng vì thế mà đến bây giờ trong giới BLV, gã vẫn được đánh giá là Từ Điển Sống với một kho tư liệu khổng lồ, được lưu giữ khoa học để có thể  sử dụng bất cứ lúc nào. Mỗi lần bình luận trận đấu nào đó, những gì gã nói không phải là những thông tin lướt nhanh trên mạng, mà là cảm xúc gã chắt lọc được từ nguồn kiến thức khổng lồ gã tích lũy trong suốt bao nhiêu năm trời làm nghề.

Gã tự ví mình giống như một cầu thủ chuyên nghiệp, đã ra sân là phải đá hết mình, còn lại mọi sự đãi ngộ, mọi hậu quả khác thì … tính sau. Đối với gã, mỗi trận đấu, mỗi chương trình không chỉ là công việc phải làm mà còn là cơ hội để tích lũy sự đam mê. Một ngày bình thường của gã bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào… 3h đêm. Nhưng thường xuyên người ta thấy gã thức trắng đêm làm việc ở cơ quan, nhiều tuần gã không hề có ngày nghỉ… Chính vì thế gã luôn biết mình là một người “đá” tròn vai trong công việc, nhưng lại có quá nhiều khiếm khuyết đối với những mảng màu khác của cuộc đời.

 

 

… Và những chuyện ít người biết…

Có lẽ, gã là con người cầu toàn nhất trong số rất nhiều những nhân vật tôi đã từng gặp. Điện thoại của tôi đầy những tin nhắn gã gửi sau buổi phỏng vấn chỉ với nội dung: “Em ơi, anh muốn bổ sung cái này…”, “Em ơi, anh muốn đính chính thông tin này như sau…”, “Em ơi, có chi tiết này…”… bla bla…. Đồng nghiệp không ít lần phải đỏ mặt tức giận vì sự cầu kì, cặn kẽ, cẩn thận tới từng chi tiết nhỏ của gã, nhưng họ cũng thừa nhận làm việc với gã vô cùng dễ chịu, bởi mọi thứ đều mạch lạc, rõ ràng… Gã không chấp nhận những thứ lập lờ, lửng lơ, dễ nhạt nhòa lẫn vào số đông.

Gã thích màu xanh lá cây, dịu dàng và mát mắt. Cực ghét màu bã trầu bởi nó khiến gã … phải căng mắt ra mỗi lần nhìn số trên áo cầu thủ.

Gã tự nhận mình là một người dễ tính, không cầu kì về chuyện ăn mặc, chỉ cần đồ dễ vận động và tiện dụng là được. Nhưng cứ thử tặng gã một cái áo mua ngoài chợ xem? Chẳng đời nào gã mặc. Trong tủ đồ của gã chỉ có hai loại quần áo. Một loại gắn mác “Made in Vietnam” của Viettien, Nhabe, May 10… Một loại là những bộ đồ hàng hiệu được mua ở… nước ngoài. Không bao giờ gã bỏ tiền ra mua một cái áo hàng hiệu nước ngoài được bày bán ở Việt Nam. Nếu là hàng hiệu thì phải đảm bảo được nó là hàng hiệu 100% và được mua ở nước ngoài. Không ít người cho rằng gã muốn thể hiện đẳng cấp. Còn gã chỉ giải thích một lí do đơn giản: gã ghét mọi thứ không rõ nguồn gốc.

Trên truyền hình, gã nói nhiều, nói liên tục, nhưng ở nhà gã lại là người ít nói bởi đơn giản gã ít khi… ở nhà. Gã đặc biệt thích sự ngăn nắp, gọn gàng. Sẽ không thể chịu nổi nếu một ngày nào đó đồ vật của gã bỗng dưng biến mất khỏi chỗ ở quen thuộc. Gã biết cái lỗi của mình là quá đam mê công việc, không dành được nhiều thời gian cho gia đình, thế nên gã chỉ cần sự ngăn nắp thôi, còn lại mọi thứ gã không đòi hỏi nhiều. Gã có thể ăn mọi món vợ nấu, có thể ăn liên tục chả xương sông, thịt luộc chấm mắm tép, lòng lợn… hoặc tự úp mì ăn cả ngày không chán, không kêu ca.

 

Đồng nghiệp của gã ở Đài VTC đồn thổi, gã là người cực kì trân trọng gia đình bởi họ luôn thấy gã gói chùm chìa khóa nhà trong chiếc khăn tay nhỏ. Còn gã thì giải thích vô cùng đơn giản: gã không thích đeo lủng lẳng chùm chìa khóa ở thắt lưng, đút vào túi xách thì sợ để quên trong phòng nhỡ sập khóa thì không có cách nào mở cửa, thế nên tốt nhất là cho vào túi quần. Người bình thường thì không sao, nhưng gã lại… quá khổ, và vì thế gã nghĩ ra cách bọc chìa khóa vào chiếc khăn tay chỉ để nó đỡ… chọc vào người.

Công việc, gia đình là thế, còn nói về tài lẻ thì gã là một Rocker thứ thiệt. Gã từng tham gia ban nhạc Rock thời sinh viên. Kiến thức âm nhạc của gã rất tốt, gã có thể chơi được Guitar và thổi kèn rất điệu nghệ. Thế nhưng, chớ bao giờ dại dột nghe gã… cất giọng hát.

Thời đại “thị trường”, người ta thường có những sở thích mang tính “thị trường”, còn gã vẫn đeo đuổi những món giải trí pha chút… cổ điển. Gã thích nghe các thể loại nhạc Giao Hưởng, Pop, Rock, Country, Jazz… nhưng không bao giờ nghe Disco và Rap. Gã ít khi tìm kiếm những cuốn tiểu thuyết hiện đại, đắt khách, mà vẫn trung thành yêu thích những cuốn như Đồi Gió Hú, Ông Già và Biển Cả, Trên Mảnh Đất Người Đời, Lũ Xuân, Hoa Tuy Líp Đen, Vợ Nhặt, Mảnh Trăng Cuối Rừng…, thỉnh thoảng gã cũng đọc truyện Mỹ hiện đại, nhưng chỉ là những lúc gã cảm thấy bị sức ỳ ngự trị… Và sẽ có không ít người bất ngờ giống tôi khi biết một con người có cảm giác vô cùng năng động như gã lại tìm thấy sự đồng cảm trong những tác phẩm sách, điện ảnh mang tính… lịch sử. Ở nhà gã, có một kho tàng âm nhạc khổng lồ với đầy đủ trang thiết bị nghe nhạc từ cổ chí kim như đĩa nhựa (dân chơi đĩa vẫn gọi là đĩa than), băng cối, băng cassette, băng video, CD, DVD và rất nhiều File nhạc trên máy tính để có thể thư giãn bất kể lúc nào.

Có lẽ vì gã … quá khổ nên khi nhìn gã người ta thường có cảm giác gã hồn nhiên, ngây thơ và đáng yêu, kì thật gã chín chắn, điềm đạm hơn so với vẻ bề ngoài rất nhiều. Ở gã, bạn bè luôn cảm nhận được sự thành thật, thẳng thắn, đam mê, và hết mình. Chính vì thế, họ vẫn một lòng yêu quý dù rằng gã luôn … trễ hẹn…

Mạnh Tiến

Bình luận
vtcnews.vn