Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội

Tổng hợpThứ Năm, 21/10/2010 12:35:00 +07:00

Triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội” không chỉ khiến người xem ngưỡng mộ bởi sự phong phú, đa dạng, tinh xảo của những tác phẩm thủ công mà còn...

Với 201 tặng phẩm được gửi tặng từ 84 tổ chức, cá nhân đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, Triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội” không chỉ khiến người xem ngưỡng mộ bởi sự phong phú, đa dạng, tinh xảo của những tác phẩm thủ công được chế tác từ bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân, mà còn xúc động trước tấm lòng, tình cảm của người dân trên mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế hướng về Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.

 

 

Thu hút nhiều tầng lớp nhân dân…

Đứng trước “Quốc bình Thăng Long” – tác phẩm gốm sứ đặc sắc của nghệ nhân Lý Ngọc Bạch (Bình Dương) gửi tặng Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thảo không khỏi trầm trồ, thán phục.

 Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dù năm nay đã 85 tuổi, lưng đã còng, tóc đã bạc trắng, trong người đã cảm thấy nhọc, nhưng khi nghe thông tin về buổi triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội” bác đã tự mình bắt xe ôm đi từ Cầu Gỗ lên đây. “Tôi đã được ngắm những tác phẩm khắc họa hình ảnh Thăng Long suốt một chiều dài lịch sử và cảm nhận được tấm lòng của người dân cả nước yêu Hà Nội như thế nào”. Lần từng bước trong khu nhà rộng hơn 300m2, có những lúc ông Thảo đã rung rung đôi vai, đỏ hoe đôi mắt khi ngắm nhìn Lá cờ Đảng và Quốc kỳ được kết từ 1000 bông hoa của cụ Đinh Văn Kiên (84 tuổi); Chiếc nón quai thao có đường kính 1,4 m của người thương binh 83 tuổi làng nghề nón Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội, Bức tranh thêu tay dài nhất Việt Nam đạt kỷ lục quốc gia 2010 "Hồn thiêng Đại Việt" có kích thước 3,3mx33,3m của Công ty TNHH XNK thủ công mỹ nghệ Đông Thành (TP.Ninh Bình); Chuông đồng 4 tấn, 4 mặt khắc tứ trấn Thăng Long của Hiệp hội làng nghề Bắc Giang; mô hình Nhà lán Nà Lừa của tỉnh Tuyên Quang; Tác phẩm thủ công mỹ nghệ "Rồng cuốn mây" bằng đá cao lanh của doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Hoa Thuận, Phú Xuyên (Hà Nội); Phù điêu hình quả chuông của nghệ nhân Dương Ngọc Tiến (Quảng Nam); Chiếc giầy cao gót cỡ 1000 của hãng giày TS Milan; Bình hoa dáng trống đồng "Quốc bình Thăng Long" của anh Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát (Bình Dương); Bức "Thiên long Việt đồ" với 1000 con rồng xếp hình bản đồ nước Việt Nam của nghệ nhân dân gian Ngọc Minh và 16 nghệ nhân khác của tỉnh Quảng Nam; Chiếc áo dài Việt Nam kết bằng tóc của phụ nữ các dân tộc Việt Nam của nhà tạo mẫu tóc Nguyễn Thị Kim Quý (Hà Nội)...…

Không chỉ thu hút những người con đã gắn bó máu thịt với Hà thành, “Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội” còn thu hút rất nhiều các bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu những tác phẩm tạo hình về Thăng Long, tìm hiểu các truyền thuyết, hình ảnh văn hóa, các câu chuyện lịch sử dọc theo chiều dài suốt 1000 năm của Thủ đô văn hiến.

Đặc biệt, triển lãm còn có sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ nước ngoài yêu và bị hấp dẫn bởi văn hóa Việt Nam. “Tôi đã đọc nhiều sách lịch sử viết về Hà Nội, nhưng quả thật những tác phẩm trưng bày trong triển lãm này khiến tôi thực sự ấn tượng. Nó không chỉ thể hiện sự tinh xảo trong kỹ thuật thủ công của nghệ nhân Việt Nam mà còn thể hiện được một chiều dài lịch sử suốt 1000 năm của Thăng Long – Hà Nội, thể hiện tình yêu của người dân trên khắp Việt Nam đối với thủ đô của các bạn. Tôi thực sự rất thích”, Robert Carter , 24 tuổi, Du học sinh Mỹ tại Việt Nam chia sẻ.

 

 Bức tranh thêu "Hồn thiêng Đại Việt" là bức tranh thêu dài nhất Việt Nam do nhóm tác giả Thạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Phúc Khôi và họa sỹ Đỗ Như Điềm thực hiện. Bức tranh có kích thước 3,3m x 33,3m và được chia thành 7 chương.

Tấm lòng những con dân đất Việt…

Không ít người xem đã đứng lặng người xúc động khi chiêm ngưỡng bức tranh giấy nghệ thuật có hình ảnh hai rồng thời Lý chầu vào biểu tượng Hà Nội do các cháu ở Trung tâm dạy nghề khuyết tật Quỳnh Hoa làm dành tặng Thủ đô yêu dấu. Chị Đoàn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Quỳnh Hoa chia sẻ, các cháu khuyết tật đã miệt mài cắt từng mảnh giấy để làm nên bức tranh này: “Làm tranh giấy nghệ thuật là công việc thường ngày nuôi sống các cháu khuyết tật ở trung tâm. Trước sự kiện Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, cả cô và trò Trung tâm đều mong muốn có thể làm một việc gì đó thật ý nghĩa để nói lên tấm lòng và tình yêu với Thủ đô, và ý tưởng về bức tranh giấy ra đời”. Hơn 30 trẻ khuyết tật đã miệt mài làm việc hết sức mình. Làm tranh phải ngồi nhiều, một điều không hề đơn giản với các cháu khuyết tật, nhưng với ý nghĩ bức tranh sẽ được thành phố Hà Nội đón nhận, các cháu đều đã cố gắng làm việc, sáng tạo với nỗ lực cao nhất. Sau đúng một nghìn ngày, bức tranh giấy dài 6m đã được hoàn thành trong niềm vui của cả cô và trò Trung tâm.

Một tác phẩm nữa cũng nhận được nhiều sự khen ngợi của khách tham quan triển lãm, đó là bộ “Tam bảo Vĩnh hằng” của nghệ nhân Minh Đức. Đó là một bộ ba báu vật khắc đá tự nhiên trường tồn cùng thời gian, năm tháng bao gồm: Một chiếc lư hương có đường kính 45cm (con số này được lấy theo mốc năm 1945 – năm Cách mạng tháng Tám thành công), chiều cao 1m18 (lấy theo cung của lỗ bang, ứng vào cung thịnh vượng tài lộc). Trên lư hương có khắc 83 con rồng biểu tượng cho 83 năm Thìn trong suốt 1000 năm lịch sử. Mỗi con rồng ẩn hiện trong những tư thế, hình dáng khác nhau, thể hiện hình ảnh quần long tụ hội mừng đại lễ nghìn năm….; Một đôi lục bình chạm khắc cảnh sinh hoạt của người Việt cổ: cày hái, sĩ tử đi thi, đua thuyền, thành trì và quân lính trong các trận chiến chống giặc ngoại xâm…; Sản phẩm cuối cùng trong bộ Tam bảo Vĩnh hằng là Tòa bảo tháp 13 tầng, phỏng theo tòa tháp 13 tầng ở Nam Định, được các nghệ nhân trạm khắc và tạo hình trau chuốt hơn, các đao của tháp thiết kế theo dáng nửa vầng trăng, uốn lượn trong hình tượng cá chép hóa rồng, mái tháp cổ kính, trên cùng là 4 con chim phượng … Nghệ nhân Minh Đức cho biết phải huy động 5 bàn tay vàng, 10 người thợ tay nghề cao, làm việc hết mình trong 1000 ngày ông mới có thể hoàn thiện tác phẩm này: “Tôi nghĩ 1000 năm là sự kiện trọng đại của Thăng Long – Hà Nội. Mình là công dân Hà Nội, là người thợ của Hà Nội mình phải để người dân nước mình cũng như người dân nước bạn thấy được bàn tay của người thợ Hà thành khéo léo, tinh xảo như thế nào”.

Chủ nhân của chiếc bình gốm đặc biệt "Quốc bình Thăng Long" là anh Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát (Bình Dương) tâm sự: Hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ở miền Nam xa xôi, anh đã ngẫm nghĩ nhiều ngày để có một món quà thật ý nghĩa dành tặng Thủ đô. Ý tưởng làm chiếc bình gốm sứ hình trống đồng có chiều cao 0,8m, đường kính điểm phình ra là 0,6m, hai quai và chân đế hình rồng thiêng, trên mặt khắc vàng 24k đã hình thành trong anh từ năm 2008. Đầu năm 2009, anh bắt đầu thực hiện ý tưởng. Thế nhưng, qua gần chục lần làm đi làm lại, tác phẩm mới có thể hoàn thiện như ý muốn bởi lẽ anh muốn nó phải đạt được các tiêu chí: độ bền cao, không bị biến dạng trước sự tác động của thời tiết. Tuy nhiên, việc tìm được loại đất chịu được nhiệt độ nung cao mà không bị nứt ở miền Nam không đơn giản chút nào. Hơn thế, tác phẩm "Quốc bình Thăng Long" có kiểu dáng và hoa văn hết sức cầu kỳ nên mọi công đoạn đều cần đến đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mà nghệ nhân có thể đáp ứng được yêu cầu ấy ở Bình Dương không nhiều. Anh Bạch đã phải mời những đôi bàn tay vàng trên khắp cả nước về Bình Dương để làm nên tác phẩm gốm sứ đặc sắc, và anh đã đặt cho nó cái tên "Quốc bình Thăng Long" để nói lên tâm nguyện: mong ước cho Thăng Long - Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung luôn thái bình, no ấm.

 

 Tác phẩm "Thăng Long" được các nghệ nhân của Công ty đá quý Địa Kim Châu chế tác công phu từ chất liệu Gỗ lim (lũa), thạch anh vàng và hồng ngọc tạo hình ảnh Rồng mạnh mẽ và linh thiêng tượng trưng cho sự trường tồn vững mạnh của Thăng Long - Hà Nội.

Tặng vật nào trong triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội” cũng khiến người xem xúc động - Xúc động bởi cái tình của người tặng và xúc động bởi những ước nguyện, những tâm sự được gửi gắm trong những tặng vật đúng như tên gọi của Triển lãm: Thăng Long - Hà Nội mãi mãi tỏa sáng trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Sau Triển lãm, tất cả những tặng phẩm này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Tác phẩm "Âm hưởng Thăng Long"
 

Tác phẩm âm hưởng Thăng Long, chất liệu mun vân hoa, cao 55x50 do tác giả Nguyễn Trần Hiệp, nghệ nhân điêu khắc gỗ Từ Sơn, Bắc Ninh thực hiện.

Xuyên suốt ý tưởng tác phẩm: Khi vua Lý Thái Tổ đi thực địa trên dòng sông Hồng cách đây 1000 năm, ngài thấy một đàn cá chép bơi ngược sông Hồng, trong đó có một con hóa rồng, vảy tỏa ra ánh hào quang. Ngài nhận ra đây là đất địa linh nhân kiệt và quyết định rời đô. Hình ảnh cá chép hóa rồng báo hiệu thời kỳ đất nước phát triển hưng thịnh.

 

 "Đài sen đặt tượng Bác Hồ"

“Đài sen đặt tượng Bác Hồ” được làm từ chất liệu song mây là sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng (Quốc Oai – Hà Nội).

Ngang thân mặt trước của tác phẩm có chiều dài 79cm, tương ứng với Bác Hồ 79 tuổi. Ngang thân hai bên sườn dài 69 cm. Chiều cao hoàn chỉnh 1,969 m, tương ứng với năm mất của Bác là 1969. Xunh quanh trên bệ đài đan 79 cánh sen tượng trưng cho 79 mùa xuân dâng Bác. Tác phẩm xuất phát từ lòng thành kính hướng về tấm gương đạo đức trong sáng và giản dị của Bác Hồ.

Khánh Toàn

Ảnh Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn