Diệu Thảo lấn sân trên truyền hình

Tổng hợpThứ Bảy, 23/10/2010 12:28:00 +07:00

Diệu thảo, khuôn mặt quá quen thuộc thậm chí còn xưa như Diễm với vai trò MC, người dẫn chương trình…

Diệu thảo, khuôn mặt quá quen thuộc thậm chí còn xưa như Diễm với vai trò MC, người dẫn chương trình… Giờ có ai đó bảo Thảo tổ chức sản xuất, làm đạo diễn hình, quay phim, hay gì gì đó may ra mới tìm được nơi tôi chút hưng phấn, bất ngờ… Tưởng đùa, thế mà Thảo khiến nhiều người bất ngờ thật. Đúng là không gì là không thể với cô MC đa tài và tham vọng này.

 

 

Vừa biểu diễn vừa sản xuất chương trình

Diệu Thảo sẽ nhớ mãi chuyến đi công tác nước ngoài hồi tháng 9 vừa qua. Cô là một trong ba người được đại sứ quán Việt Nam tại Nauy mời sang biểu diễn nghệ thuật. Đồng hành cùng chuyến đi là cô giáo của Thảo - nghệ sĩ Kim Hạnh và Thùy Dương- một cử nhân hoạt động bên mảng du lịch.

Nhiệm vụ mà Lãnh đạo kênh giao cho Diệu Thảo trong chuyến đi này là… sản xuất một chương trình truyền hình về chính sự kiện mà cô được mời tham gia biểu diễn. Khá căng thẳng khi hình dung “vai trò mới” của mình sắp tới, nên cô chủ động tìm hiểu thông tin, đất nước, con người, địa điểm mình sẽ đi qua và liên hệ trước các đầu mối một cách kỹ càng. Một tháng trước khi lên đường, Thảo đã trải qua một đợt tập huấn và được các đồng nghiệp quay phim ở kênh giúp đỡ hướng dẫn tận tình về máy móc, kỹ thuật, kinh nghiệm.

Một ê-kip chỉ có ba phụ nữ, trong đó chỉ mình Thảo có kỹ năng về truyền hình. Bỗng chốc Thùy Dương trở thành MC “bất đắc dĩ” của chương trình. Một tháng Thảo tập tành với kỹ năng quay phim, cũng là thời gian cô thử sức với công việc… đào tạo MC. Tối tối, Thùy Dương lại đến nhà để Thảo hướng dẫn các kỹ năng lên hình, cách đi đứng, điều chỉnh giọng nói… sao cho phù hợp với tiêu chí của kênh văn hóa Việt. Ưu điểm của Thùy Dương là ăn nói hoạt bát, nhanh nhẹn và nhiệt tình. Để đáp ứng yêu cầu của “cô giáo” Diệu Thảo, hàng ngày Dương chăm chỉ đi tập thể dục để có vóc dáng đẹp hơn, thay đổi kiểu tóc và luôn tranh thủ thời gian đứng trước gương tập nói. Vốn là một cô gái cá tính, mạnh mẽ, năng động nhưng trong vòng một tháng trước khi đi, Thùy Dương hầu như thay đổi hoàn toàn - dịu dàng, mềm mại, nữ tính hơn - dưới bàn tay Diệu Thảo. Cả hai đã phối hợp với nhau thành một ê-kip rất ăn ý. Trước khi lên hình, Thảo lại vào vai chuyên gia make up, làm tóc, stylist… mà trên tay vẫn vẫn không rời chiếc máy quay.

Một thuận lợi cho đoàn là thời tiết rất đẹp. Khó khăn lớn nhất mà họ phải trải qua, đó là mang vác theo người quá nhiều đồ đạc. Ngoài chiếc máy quay loại nhỏ cầm tay, để chắc ăn hơn, Thảo chịu khó vác theo một máy chuyên dụng. Chuyến đi lần này phải sang Nauy biểu diễn nhạc dân tộc nên riêng Thảo đã phải mang tới 3 loại đàn: tì bà, K’lông pút và đàn bầu. Thế là lỉnh kỉnh nào máy móc, nhạc cụ và một vali gần 10 chiếc áo dài dành riêng cho MC lên hình. Ngoài ra còn phải kể đến “kho” thuốc mà đoàn mang theo với đủ các thể loại từ nhỏ mắt, nhỏ mũi đến thuốc cảm, đau dạ dày. Vốn được mệnh danh là “liễu yếu đào tơ”, không quen “ăn no vác nặng” nhưng để cẩn thận, đi đâu hay làm gì Thảo cũng kè kè chiếc máy quay và laptop bên mình, nâng niu rất cẩn thận. Riêng Thùy Dương thì khư khư túi đựng áo dài để đảm bảo có trang phục lên hình bất cứ ở đâu và lúc nào.

Lần đầu tiên được đặt chân đến Nauy nhưng thời gian quá eo hẹp, vừa biểu diễn nghệ thuật vừa làm chương trình nên hầu như ngày nào cả đoàn cũng vừa làm vừa chạy. Nhiều hôm chỉ lót dạ mẩu bánh mỳ rồi lại quay tiếp. “Có bắt tay vào làm mới biết nghề quay phim vất vả như thế nào, mới thấy thương các đồng nghiệp của mình”- Diệu Thảo chia sẻ. Không thể chỉnh máy quay tự động như máy chuyên nghiêp, Thảo phải tự chọn không gian yên tĩnh, ánh sáng tốt, góc máy đẹp để ghi hình.

 

 

Ấm áp tình người xa quê

   Cảm xúc của BTV Diệu Thảo xuyên suốt chuyến đi qua 3 quốc gia đó là tình cảm ấm áp của những kiều bào xa quê hương.

Sau 7 năm gián đoạn, đại sứ quán Việt Nam mới mở lại ở Nauy nên kiều bào rất háo hức, nhiệt tình chào đón đoàn Việt Nam sang giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. “Họ vẫn nhớ rất rõ những gì thân thuộc nhất về Việt Nam. Họ quan tâm, hỏi han về tình hình đất nước Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, khiến mình rất xúc động. Thật sự, có đi ra nước ngoài mới hiểu được tình cảm của những kiều bào xa quê”- Diệu Thảo nhớ lại. Có những người vài năm lại được về quê một lần nhưng cũng có những người chưa có cơ hội để trở về nên hầu như ai cũng muốn tổ chức riêng một buổi đón tiếp để có thể mời đoàn về thăm gia đình, tâm sự và thổ lộ cảm xúc về quê hương Việt Nam sau mấy chục năm xa cách.

Ngoài biểu diễn nhạc dân tộc, Diệu Thảo còn được yêu cầu hát dân ca và kiêm thêm nhiệm vụ gõ mõ trong tiết mục của nghệ sĩ Kim Hạnh. Nhiều khán giả xúc động khi lại được nghe những câu hò, điệu hát thân quen của quê hương mình.

Có một kỷ niệm mà tới giờ mỗi khi nhớ lại Thảo vẫn tủm tỉm cười. Số là, khi đoàn vừa xuống máy bay, ngài Đại sứ đã tự lái xe ra tận sân bay đón. Ông ăn mặc giản dị và rất gần gũi, thân thiện. Đoàn lại mới chỉ liên hệ qua điện thoại chứ chưa hề gặp mặt ngài Đại sứ bao giờ. Đến nơi, mọi người đều mệt mỏi sau một chuyến đi dài. Thảo lăn ra ốm do thay đổi thời tiết, nên chỉ kịp chào hỏi qua quít rồi lên xe nằm ngủ, trong đầu đinh ninh “chú ấy là lái xe của đại sứ”. Ngài Đài sứ thì tất tả gọi điện khắp nơi để xin thuốc cho đoàn nên cũng quên cả giới thiệu mình là ai. Sau khi giúp mọi người đến khách sạn, một mình ông khệ nệ bê đống đạo cụ, nhạc cụ lên tận phòng. “Chỉ đến khi yên vị trong phòng, “chú lái xe” mướt mồ hôi hỏi han tình hình của mọi người, cả đoàn mới ngã ngửa hóa ra đó là ngài Đại sứ. Đúng là khó có thể nghĩ một vị đại sứ toàn quyền lại giản dị và thân thiện như thế”. Một may mắn nữa cho đoàn là được vợ chồng vị Đại sứ đích thân dẫn đến gia đình một cô giáo bản xứ lấy chồng người Việt, rất yêu Hà Nội và đã có nhiều kỉ niệm đẹp với Hà Nội. Tại đây, Diệu Thảo lại nhanh chóng “dụ dỗ” phu nhân xinh đẹp của đại sứ làm… MC cho chương trình.

 

Thời gian ở Pháp, Diệu Thảo khai thác chủ yếu những đề tài về giới trẻ. Nhóm sinh viên người Việt nhiệt tình ra tận sân bay chờ, trên tay giơ tấm biển “VTC” chào đón đoàn. Để phục vụ bối cảnh quay, các bạn sinh viên lại cùng đoàn kéo nhau lang thang ra tận bờ biển để ghi hình. Công việc xong xuôi lại đưa mọi người đi ăn kem và nấu một bữa cơm thân mật mời cả đoàn.

Đến Đan Mạch, trừ thời gian đi lại, cả nhóm chỉ còn có 8 tiếng để làm việc. May mắn là trên máy bay lại gặp được Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đan Mạch. Sau khi trò chuyện, cả hai vợ chồng đều nhiệt tình mời đoàn về nhà chơi. Ngôi nhà xinh đẹp của một doanh nhân thành đạt, nhưng bên trong vẫn giữ lại nhiều kiến trúc cổ của Việt Nam. Không bỏ qua cơ hội hiếm có, Diệu Thảo làm luôn một phóng sự nhỏ về cuộc sống của cặp vợ chồng này - cũng là chủ nhân của một chuỗi cửa hàng đồ ăn Việt tại Đan Mạch. Sau đó, cả hai vợ chồng lại nhiệt tình dẫn đoàn đến gặp gỡ, giao lưu với hội doanh nhân. Nhìn thấy cảnh một cô gái bé tí loay hoay với chiếc máy quay, hết chạy chỗ này lại sang chỗ nọ, mọi người đều cố gắng giúp đỡ hết mình.

Thành quả sau chuyến đi của Diệu Thảo là 6 băng ghi hình loại 120 phút, hoàn thành 3 chuyên đề trọn vẹn cho “Người xa quê”, ngoài ra còn làm thêm một số phóng sự cho các chương trình “Người Việt trẻ”, “Gia đình Việt”, ”Việt Nam ngày nay”… Gần một tháng trời ở nước ngoài, điều mà Diệu Thảo nghĩ đến nhiều nhất khi nhớ về Việt Nam là món… bánh đa cua. Cô tâm sự: ưu điểm mà cũng là nhược điểm của mình là sự khó tính, khắt khe và cầu toàn trong công việc. Nhưng có lẽ chính điều đó đã giúp cho chuyến đi ngắn của cô thành công tốt đẹp, cũng như hành trình sự nghiệp của cô hứa hẹn một tương lai sáng lạn…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn