NHỮNG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TRONG ĐẠI LỄ 1000 NĂM TL - HN

Tổng hợpThứ Năm, 23/09/2010 10:53:00 +07:00

8h00 sáng ngày 1/10/2010, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sẽ chính thức khai mạc

8h00 sáng ngày 1/10/2010, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sẽ chính thức khai mạc, mở màn cho một loạt những hoạt động văn hóa có ý nghĩa diễn ra trong suốt 10 ngày tại khắp các địa điểm của Thủ đô như: quảng trường Ba Đình, quảng trường Cách mạng tháng Tám, đường Phan Đình Phùng, vườn hoa Lý Thái Tổ, Yên Sở, Mỹ Đình; Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cửa ô phía Nam.... Tạp chí Truyền hình số xin được điểm qua những hoạt động văn hóa tiêu biểu nhất diễn ra trong 10 ngày Đại lễ nghìn năm một thuở này….

 

Công diễn vở kịch “Thăng Long – Hà Nội – Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”

 

Sau phần thực hiện nghi lễ quốc gia của lễ khai mạc, sẽ công diễn vở kịch “Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”. Nội dung vở kịch được phục dựng đúng với không khí và quy mô của sự kiện. Đó là dựng lại lễ đài Quảng trường Ba Đình ngày mùng 2-9, hàng vạn quần chúng tham gia sẽ phục dựng lại không khí cướp chính quyền thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945; hình ảnh cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập cũng sẽ được tái hiện... Vở kịch xây dựng để thế hệ trẻ hình dung được một đất nước có hơn 2 triệu người chết đói đã đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa 1945 giành độc lập tự do; rồi ngày mùng 10-10 năm 1954, Chính phủ về tiếp quản thủ đô; không khí dựng lại cầu Thăng Long, làm đường sắt; Hà Nội bị ném bom năm 1972, cuộc họp của Bộ Chính trị quyết định tổng tấn công năm 1975; hình ảnh Hà Nội bước vào công cuộc xây dựng... Tất cả sẽ được tái hiện lại một cách sinh động. Đây là vở kịch sử thi quy mô với sự tham gia của hàng vạn người dân, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để câu chuyện có nhân vật, có thân phận, kịch tính...

Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức cho biết: “Mặt nước Hồ Tây sẽ làm một sân khấu nổi, một hành lang nổi nối từ chùa Trấn Quốc đến vườn hoa Lý Tự Trọng”...

Chương trình “Đêm huyền ảo Hồ Gươm”

 

 

Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp đặc biệt nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa trong “Cầu truyền hình cả nước với Hà Nội” trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV4), và kênh H1, HTV9 vào 20h00 ngày 1/10/2010.

Lần đầu tiên, một chương trình nghệ thuật sẽ diễn ra trên một sân khấu mở lớn nhất từ trước đến nay, đó là khu vực xung quanh Hồ Gươm với 5 sân khấu được dựng liên hoàn ở các địa điểm Phía tây của Hồ Gươm, đường Đinh Tiên Hoàng – Tràng Tiền, Tượng đài Lý Thái Tổ, bờ Phía Đông của Hồ Gươm và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Chương trình “Đêm huyền ảo Hồ Gươm” sẽ kéo dài trong 90 phút chia thành 2 phần chính “Đêm hội Hồ Gươm” và “Năm cửa ô chào đón” với nhiều hoạt động phong phú.

Phần 1 “Đêm hội Hồ Gươm” gồm 3 chương: Thăng Long hội tụ, Thăng Long rồng bay và Thăng Long – Hà Nội cánh cửa tương lai.

Phần 2 với tên gọi: “Năm cửa ô chào đón” bao quát toàn bộ khu vực quanh hồ Gươm với 5 sân khấu, tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Mỗi sân khấu đảm nhiệm một chương trình riêng, nội dung ca ngợi truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông ta, nhấn mạnh thời khắc vua Lý Công Uẩn viết chiếu dời đô.

Cùng với “Đêm huyền ảo Hồ Gươm”, “Cầu truyền hình cả nước với Hà Nội” còn diễn ra Chương trình hòa nhạc Hội nhập Quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Lễ ra mắt tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến

 

 

Lễ ra mắt tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” diễn ra vào 9h00 ngày 2/10/2010 tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm. Đây là dự án trọng điểm về văn hóa phi vật thể do Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện.

Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhằm hệ thống hóa, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long – Hà Nội, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Thủ đô. Dựa trên các tư liệu thu thập được từ Việt Nam và quốc tế, có 3 đầu sách được ấn bản: “Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVII qua tư liệu của người Anh và người Hà Lan; Minh thực lục (tư liệu về Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XIV – XVII) và Thanh thực lục (sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn). Bên cạnh đó, với tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” 96 cuốn sách về văn hóa Thăng Long – Hà Nội đã được tổ chức biên soạn.

Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long – Hà Nội

 

 

Vào 17h00 ngày 4/10/2010, Triển lãm và liên hoan Thư pháp Thăng Long – Hà Nội sẽ khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tại đây Ban tổ chức sẽ trưng bày 250 bức thư họa kích cỡ khác nhau.

Có mặt và làm nên không khí đặc thù rất riêng là các Thư pháp gia rất nổi tiếng của Hà Nội và cả nước. Toàn bộ sân nhà Thái học (Văn Miếu) sẽ được dựng thành các nhà bát giác, long đình. Ban tổ chức đã thống nhất tạo dựng trong triển lãm lần này mô hình tấm bia, mô hình cụ rùa và hình ảnh một nhà thư pháp.

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, Giám đốcTrung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Không gian Triển lãm sẽ rất xưa: Có bàn, có mực tàu, có người tài hoa cho chữ. Câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội sẽ chọn ra người tiêu biểu. Các thư pháp gia cũng thường trực với quần the, trang phục cổ để phục vụ nhân dân và khách du lịch đến tham quan. Các loại chữ Hành, Triện, Lệ, Thảo chắc chắn sẽ tâm điểm thu hút những người yêu và quan tâm đến thư pháp…”

Triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng cổ truyền và hiện đại”

 

 

Lễ khai mạc Triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại” kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra vào 14h00 ngày 5/10/10  tại làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Triển lãm sẽ kéo dài trong 4 ngày, được trưng bày theo các chủ đề: “Huyền thoại gốm”, “Hoa của đất”, “Hội nhập” và “Lan tỏa”. Sở VH,TT&DL Hà Nội là đơn vị chủ trì và tổ chức hoạt động này.

Làng gốm Bát Tràng có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, hiện nay làng có trên 6 nghìn hộ, thì có tới 70% số hộ làm nghề sản xuất gốm và dịch vụ gốm. Do đó, triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại” chính là hình thức tôn vinh làng nghề truyền thống độc đáo của đất Kinh kỳ.

Khánh thành Bảo tàng Hà Nội

 

 

Vào lúc 8h30 ngày 6/10/2010, Lễ Khánh thành Bảo tàng Hà Nội sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, Từ Liêm với 50.000 hiện vật được trưng bày. Đồng thời với việc khánh thành mở cửa, festival cây cảnh nghệ thuật cũng sẽ được tổ chức tại đây trên diện tích 3 ha sân vườn trong khuôn viên bảo tàng.

Bảo tàng Hà Nội có tổng diện tích gần 54.000 m2, cao 30,7 mét. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000 m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái). Bảo tàng có kết cấu hình “kim tự tháp ngược” với đầy đủ các công trình liên hoàn điện, nước, cảnh quan (cây xanh, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước ngoài nhà...).

Theo lãnh đạo Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội sẽ cùng với Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn và có tính hỗ trợ nhau. Nếu xét về mặt thẩm mỹ thì cả hai công trình kiến trúc này sẽ làm nên một diện mạo tổng thể đẹp mắt, tạo điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách trong, ngoài nước.

Liên hoan ẩm thực Hà thành 2010

 

 

Liên hoan Ẩm thực Hà Thành 2010 là một trong những sự kiện văn hoá chính thức diễn ra trong 10 ngày Đại lễ do UBND TP.Hà Nội chỉ đạo. Hoạt động ẩm thực độc đáo này sẽ được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây trong 6 ngày từ ngày 6 đến ngày 11/10/2010.

Hình ảnh chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba, chợ Bến Thành được chọn làm biểu tượng đại diện cho không gian chợ ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam.

Khuôn viên của công viên nước Hồ Tây sẽ được chia thành 3 không gian: không gian văn hóa Hà Thành, không gian chợ Việt và không gian trò chơi dân gian với nhiều hoạt động đa dạng đan xen.

Bên cạnh việc khám phá những món ăn đặc trưng của Việt Nam, du khách còn có dịp tìm hiểu những thú chơi tao nhã của người dân Hà Thành và tham gia các trò chơi dân gian. Hình ảnh Hà Nội xưa và nay sẽ được tái hiện trong khu văn hoá Hà Thành với sự xuất hiện của những ông đồ cho chữ, tranh Đông Hồ... Đặc biệt, nghệ thuật pha trà và thú thưởng trà sẽ được tái hiện sinh động trong gian “Đạo nhà”. Đây cũng là dịp để du khách được sống trong không gian của những phiên chợ xưa và thưởng thức những tinh hoa của ẩm thực Hà Thành xưa và nay.

Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Văn hiến, anh hùng, Thành phố VìHòa bình

 

Lễ khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình” sẽ diễn ra vào 8h00 ngày 7/10/2010. Hội thảo kéo dài đến hết ngày 9/10/2010.

Đây là Hội thảo khoa học quốc tế duy nhất, có quy mô lớn nằm trong các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội thảo sẽ tập trung làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi trong suốt 1000 năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội là: “Văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” từ những góc độ và với những cách tiếp cận khác nhau. Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những giá trị cao đẹp của Thăng Long – Hà Nội, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay.

Hội thảo khoa học quốc tế về 1000 năm Thăng Long – Hà nội vừa mang tính chất của một sự kiện khoa học, vừa là một hoạt động nằm trong Chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do đó có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa văn hóa quan trọng góp phần đánh giá, tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Lễ hội đường phố của Tuổi trẻ Thủ đô và cả nước

 

 

20h00 ngày 8/10/2010, nhân dân Thủ đô và cả nước sẽ được chứng kiến hàng vạn bạn trẻ sẽ tham gia Lễ hội đường phố và các hoạt động nghệ thuật mang chủ đề ‘Tuổi trẻ thăng hoa cùng đất Việt...”.

Lễ hội đường phố sẽ diễn ra tại khu vực phố Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám...Đoàn xe dẫn đầu mang nhiều biểu trưng khác nhau như: Nghi trượng, văn hiến, anh hùng, trái tim cả nước, hòa bình, hội nhập và phát triển. 108 thanh thiếu niên với 54 nam, 54 nữ trong trang phục của 54 dân tộc anh em tham gia tuần hành qua lễ đài.

Ngoài ra, Lễ hội đường phố còn thu hút bởi chương trình xiếc và các trò chơi vui nhộn như đi cà kheo, tung hứng, đi xe đạp 1 bánh, thổi lửa, hề xiếc, vũ hội hóa trang được biểu diễn đan xen giữa các khối diễu hành. 100 đôi nhảy đẹp sẽ tham gia tuần hành và khiêu vũ. Khối thanh niên tình nguyện tham gia tuần hành với băng rôn, biểu ngữ và hô đáp khẩu hiệu.

Mít tinh Đại lễ 1000 năm Thăng Long

 

 

Chương trình Mít tinh được khai mạc vào lúc 8h ngày 10/10/2010 tại Quảng trường Ba Đình. Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn kỷ niệm, 1000 con chim bồ câu cùng bóng bay sẽ được thả lên bầu trời.

Mở đầu chương trình diễu binh, diễu hành, 10 chiếc máy bay trực thăng bay theo đội hình hàng dọc, theo đường Hùng Vương từ hướng sông Hồng vào Hà Đông, mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc, dải lụa đỏ ghi dòng chữ “1000 năm Thăng Long-Hà Nội”.

Tiếp đó, khoảng gần 10 nghìn người sẽ tham gia diễu binh và diễu hành. Lực lượng diễu binh gồm 2800 người chia làm 14 khối. Lực lượng diễu hành gồm 5.020 người được chia làm 15 khối.

Lực lượng diễu binh, diễu hành sẽ đi qua các tuyến đường Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Tràng Thi, Tràng Tiền, Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám...

Đêm hội văn hóa nghệ thuật kỉ niệm 1000 năm Thăng Long

 

Đêm hội văn hóa, nghệ thuật chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra vào 20h00 tối ngày 10/10/2010 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình với sự tham gia của khoảng 10.000 diễn viên. Đây cũng là phần kết trong chuỗi các chương trình nghệ thuật Đại lễ kỷ niệm thủ đô nghìn năm tuổi.

4 cửa chính vào Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nơi chính thức diễn ra đêm hội sẽ được trang trí mang màu sắc đặc trưng của các vùng miền đất nước. Cửa phía nam sẽ mang dáng dấp đặc trưng văn hóa miền Nam; cửa phía bắc là không gian văn hóa vùng Tây Bắc; cửa phía đông là biển, đảo quê hương và phía tây là không gian của dãy Trường Sơn, Tây Nguyên.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nội dung kịch bản của Đêm hội văn hóa, nghệ thuật đặc biệt chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không được trùng lặp với các kịch bản đã có trước đó, ngắn gọn và mang tính khái quát cao.

Kịch bản, chương trình sẽ được chia thành nhiều chương, trong đó có chương mang tên gọi “Quyết định trọng đại”, điểm nhấn chính là Chiếu Dời đô.

Theo dự kiến chương trình sẽ kéo dài trong 100 phút, kết thúc là những chùm pháo hoa nghệ thuật tại nhiều nơi ở thủ đô.

Lịch chi tiết các hoạt động chính trong 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long

(từ ngày 1/10/2010 đến ngày 10/10/2010)


Ngày 1/10/2010

8h00: Khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Vườn hoa Lý Thái Tổ

9h30: Biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm

14h00: Triển lãm các tác phẩm Văn học - Nghệ thuật qua các thời kỳ tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng

15h00: Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm

19h30: Khai mạc Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam, 138 Giảng Võ, Ba Đình

19h30: Khai mạc Tuần lễ phim lịch sử, cách mạng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ, Đống Đa

20h00: Cầu truyền hình Cả nước với Hà Nội trên Đài truyền hình Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật đặc biệt, trình diễn áo dài xung quanh hồ Hoàn Kiếm

20h00: Chương trình hòa nhạc Hội nhập Quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội


Ngày 2/10/2010

8h00: Khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 Hoàng Diệu và 19 Nguyễn Tri Phương

9h00: Lễ ra mắt Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm

14h00: Công bố kết quả công trình nghiên cứu khoa học tổng quan về Hà Nội tại Nhà hát lớn Hà Nội

20h00: Biểu diễn các ca khúc chọn lọc mới chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại sân khấu Vườn hoa đền Bà Kiệu, Hoàn Kiếm

20h00: Khai mạc Liên hoan du lịch quốc tế Thăng Long – Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn


Ngày 3/10/2010

7h00: Giải chạy truyền thống “Báo Hà Nội mới” xung quanh hồ Hoàn Kiếm

Chung kết thi đấu bóng đá Quốc tế “Cúp Thăng Long – Hà Nội” tại Sân vận động Mỹ Đình

20h00: Chương trình nghệ thuật “Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh” tại Sân vận động Hàng Đẫy

 

Ngày 4/10/2010

8h30: Tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu Thăng Long – Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng tại Nhà hát Lớn Hà Nội

15h00: Triển lãm “Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam” tại Bảo tàng Cách mạng, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm

15h30: Triển lãm “Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam” tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình

17h00: Triển lãm và Liên hoan Thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

20h00: Trao giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, 8 Huỳnh Thúc Kháng

20h00: Biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội tại Sân tượng đài Lý Thái Tổ

 

Ngày 5/10/2010

9h00: Giới thiệu “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” tại đường Yên Phụ

14h00: Khai mạc Triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng – cổ truyền và hiện đại” tại làng Bát Tràng

14h00: Triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội” tại Cung văn hóa Hữu Nghị

20h00: Biểu diễn Âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội

20h00: Chương trình ca nhạc tổng hợp “Hùng khí Thăng Long - Bài ca đất nước” tại Sân vận động Hàng Đẫy

 

Ngày 6/10/2010

8h00: Liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội 2010 tại Quảng trường Sân vận động Mỹ Đình

8h00: Biểu diễn võ thuật cổ truyền Hào khí Thăng Long tại Nhà thi đấu thể thao Quần Ngựa, Ba Đình

8h30: Khánh thành Bảo tàng Hà Nội tại đường Phạm Hùng, Từ Liêm

14h00: Khánh thành Công viên Hòa Bình tại Xuân Đỉnh - Từ Liêm

14h00: Khánh thành tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất

14h00: Khai mạc triển lãm ảnh “Hà Nội xưa” tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng

14h30: Khánh thành Nhà hát Kim Đồng tại 19 Hàng Bài, Hoàn Kiếm

20h00: Khánh thành Nhà hát Công nhân Hà Nội tại 42 Tràng Tiền

20h00: Khánh thành Nhà hát Đại Nam tại 89 Phố Huế

20h00: Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây

 

Ngày 7/10/2010

8h00: Khai mạc Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Thành phố Vì Hòa bình tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình

9h00: Tổng kết trao giải cuộc thi quốc tế tìm hiểu “Hà Nội - Điểm hẹn của bạn” tại Nhà hát Lớn

20h00: Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại Nhà hát Lớn

 

Ngày 8/10/2010

7h00: Chương trình văn hóa nghệ thuật của Tuổi trẻ Thủ đô và cả nước xung quanh hồ Gươm, các địa điểm sân khấu ngoài trời toàn Thành phố

20h00: Chương trình giao lưu Thăng Long – Hồn thiêng sông núi với sự tham gia của 1.000 Anh hùng và mẹ Việt Nam Anh hùng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia

20h00: Chương trình Lễ hội đường phố của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, 49 Lý Thái Tổ

 

Ngày 9/10/2010

8h00: Khánh thành cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy tại phía Nam cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy

9h30: Khánh thành và gắn biển Đại lộ Thăng Long tại ngã tư Phạm Hùng - Trần Duy Hưng

20h00: Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật Quốc tế tại các sân khấu ngoài trời toàn thành phố

 

Ngày 10/10/2010

8h00: Lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình

20h00: Đêm hội Văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình

tiến toàn

Bình luận
vtcnews.vn