D.O.P Họ là ai?

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 05:41:00 +07:00

Có một người đứng phía sau mỗi khuôn hình, góp phần tạo nên thành công cho một bộ phim, một show truyền hình. Người ta gọi đó là D.O.P

Có một người đứng phía sau mỗi khuôn hình, góp phần tạo nên thành công cho một bộ phim, một show truyền hình. Người ta gọi đó là Đạo diễn hình ảnh, giám đốc hình ảnh hay ngắn gọn là D.O.P (Director of Photography).

 

 

Bàn tay vô hình

Một cảnh quay thường thấy trong các bộ phim hành động của Hollywood: Như những con thú, hai chiếc ô tô lao trực diện vào nhau với tốc độ kinh hoàng. Trong khoảnh khắc, chiếc xe lộn nhào, bánh xe bật tung lên không trung, bụi tung mù mịt. Khuôn mặt của gã bán hàng tạp hóa với chiếc tạp dề lem luốc sững sờ, đôi mắt mở trừng trừng kinh ngạc khi đứng từ xa chứng kiến... Tất cả những cú giật chớp nhoáng của hình ảnh từ toàn cảnh, đến cận cảnh rồi từ cận cảnh đến toàn cảnh tạo ra sự tương phản lớn đến mức khán giả có cảm giác bàng hoàng như mình đang chứng kiến tận mắt một sự việc hoàn toàn có thật, ở đây, ngay lúc này.

Đó chính là cái tài của những nhà làm phim Hollywood. Thông thường, một pha hành động chưa đầy một phút như vậy chiếm tới 100 cảnh ghép lại với nhau. Hãy thử tưởng tượng thế này, nếu đoàn làm phim chỉ có một máy quay, người quay phim sẽ phải quay tới 100 lần tạo thành một pha hành động hoàn chỉnh như khán giả vẫn xem trên vô tuyến. Chưa kể, anh ta sẽ phải sắp xếp góc quay, thiết kế ánh sáng và vô vàn các công việc không tên khác. Tệ hơn, nếu cảnh quay không thành công và phải quay lại thì đó sẽ là cơn ác mộng.

Nhưng sẽ đơn giản hơn nhiều và hiệu quả hơn nhiều nếu có một người chỉ huy ngồi trước bàn dựng với 5 màn hình tương ứng với 5 chiếc camera đặt ở những góc khác nhau. Một Cam (Camera) quay toàn cảnh, hai Cam theo sát hai chiếc ô tô, một Cam đặc tả chiếc lốp xe văng ra, một Cam quay thẳngvào khuôn mặt sững sờ của gã chủ hiệu tạp hóa. Như vậy, chỉ trong vài giây, tất cả các cảnh quay đó cùng đồng thời hoàn thành. Và người chỉ đạo những quay phim đó chỉ việc chọn ra từ 5 góc quay những hình ảnh thích hợp nhất với ý đồ của người đạo diễn, kết hợp lại với nhau.

Tương tự với một trận cầu đỉnh cao được truyền hình trực tiếp. Để khán giả có thể quan sát từ toàn cảnh trận đấu, đến từng cầu thủ đang chạy trên sân, đến trái bóng đang phá tung lưới, khán giả đang reo hò, vị huấn luyện viên đang nhảy lên vui sướng... với những hình ảnh thật sống động, đẹp mắt và đường quay êm, máy quay sẽ phải được bố trí ở nhiều góc khác nhau. Như vậy khán giả sẽ được dẫn dắt một cách mạch lạc, lôi cuốn bởi một người kể chuyện kì tài.

Người đó không ai khác là Đạo diễn hình ảnh, giám đốc hình ảnh hay ngắn gọn là D.O.P (Director of Photography).

 

 

D.O.P - Họ là ai?

D.O.P Mạnh Việt, trưởng phòng Đạo diễn của Đài Truyền hình VTC ví D.O.P giống như huấn luyện viên của một đội tuyển bóng đá, còn quay phim là những cầu thủ. Trước mỗi một chương trình truyền hình trực tiếp, D.O.P sẽ phải chọn ra những quay phim giỏi nhất tập hợp lại thành một đội. Lúc này, D.O.P giống như vị huấn luyện viên quản lý một đội tuyển toàn các ngôi sao. Cái tài của D.O.P là phải thâu tóm toàn bộ đội tuyển, biết ai có thế mạnh gì, có thể đứng máy quay nào, ở vị trí quay nào để có thể phát huy tối đa thế mạnh của người đó. D.O.P phải hiểu chuyên môn, có khả năng điều phối quay phim, đồng thời phải nắm được tâm lý của những người anh ta điều phối để gắn kết họ lại một cách ăn ý, tránh mặt trái tai hại là mỗi ngôi sao thích tự tỏa sáng một mình.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng, D.O.P chính là người tạo ra không khí cho bộ phim bằng hình ảnh. Đạo diễn Trần Hùng lại gọi D.O.P là người thiết kế ngôn ngữ bằng hình ảnh cho bộ phim, tạo nên màu sắc riêng cho phần hình ảnh. Cũng có đạo diễn khác lại ví D.O.P như con mắt của đạo diễn, hay người tạo tình cảm cho phim bằng những khuôn hình hoặc mô tả D.O.P như người họa sĩ, vẽ khuôn hình bằng ánh sáng... D.O.P Mạnh Việt cho rằng, nghề này gần giống với nhiếp ảnh ở ba yếu tố: Phải căn chỉnh ánh sáng, màu sắc và khuôn hình nhưng có thêm một yếu tố đặc thù là chuyển động của máy quay. Chuyển động của máy quay giúp tạo độ sâu và sự sống cho mọi chuyểnđộng, điều mà nhiếp ảnh không thể làm được. Chính vì vậy, D.O.P là người nắm trong tay khả năng biến hóa để thổi hồn vào mỗi khuôn hình.

Làm D.O.P giữa Truyền hình và Điện ảnh cũng rất khác nhau. Truyền hình bao gồm nhiều show: Show ca nhạc, Show diễn thời trang, Talk show, Thể thao, Phim truyền hình... Trong khi đó, nói đến điện ảnh là người ta chỉ nói về phim. Đối với điện ảnh, đôi khi D.O.P chỉ cần điều phối 3 máy quay, có thể sắp đặt lại nếu các cảnh không như mình mong đợi. Trong khi đó, truyền hình là lĩnh vực đặc thù mang tính thời sự. Tất cả các sự kiện diễn ra trên truyền hình giống như một dòng chảy và nếu ta để lỡ thì sẽ không thể quay đầu lại. Vì vậy, với mỗi show như Sao Online, Thần đồng đất Việt, Góc nhìn thẳng, tường thuật trực tiếp bóng đá hoặc các show trực tiếp khác theo sự kiện... thì. D.O.P phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, tính góc quay như thế nào để dự đoán các tình huống có thể xảy ra.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng nhấn mạnh, trên truyền hình show chính luận khác hoàn toàn với show giải trí, vì thế D.O.P phải hiểu mình đang làm gì, hiểu rõ nội dung câu chuyện từ đó thuộc vị trí các góc quay. Khó khăn nhất là khi làm một show trực tiếp với số lượng Cam lên đến hơn 10 cái. Như vậy, D.O.P sẽ phải nhanh mắt để quan sát hơn 10 màn hình trước mặt, chưa kể nếu làm cầu truyền hình sẽ có thêm đường tín hiệu từ vệ tinh về... Nhanh miệng để điều phối các quay phim và nhanh tay để gắp hình cho lên sóng ngay tức thời. Vào thời điểm đó, D.O.P phải tập trung cao độ, bởi cũng như tất cả mọi người, D.O.P bị khống chế chặt chẽ về thời lượng phát sóng.

 

 D.O.P Mạnh Việt đang căn chỉnh khuôn hình trước khi quay

D.O.P- Giấc mơ của các quay phim

Trọng Hiếu được coi là một trong những D.O.P tiềm năng của Đài. Hiện nay, anh đang làm việc tại Ban thời sự của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Đối với anh, việc từ quay phim trở thành một đạo diễn hình là một bước tiến lớn bởi D.O.P là chứng nhận cho sự vượt lên về đẳng cấp của một quay phim. Không chỉ có Trọng Hiếu, mà rất nhiều quay phim khác có cùng chung mong muốn như vậy.

Đã có 10 năm làm công việc quay phim, D.O.P Mạnh Việt lý giải về điều này, D.O.P được coi là sự tăng “cấp bậc” của người quay phim. Thực tế, phần lớn D.O.P đều trưởng thành từ những quay phim lâu năm, có nghề. Một tay quay phim có nghề sẽ có khả năng thiết kế được những khuôn hình đẹp, nhưng đồng thời phải có tư duy dựng phim nhanh. Bởi giữa một rừng camera, thường là từ 3 đến 7 Cam, người D.O.P phải liên tục chọn hình ảnh liên kết với nhau thành chuỗi liên tục cho lên sóng. Có ý kiến cho rằng, với quay phim lên làm D.O.P thường không sáng tạo trong việc chọn lựa hình ảnh. Trong khi đó, nhược điểm này của quay phim lại là thế mạnh của đạo diễn. Nhưng, thực tế, đạo diễn lại không nhiều người rành hình ảnh bằng quay phim. Vì vậy, D.O.P thường là quay phim nhưng có khả năng tư duy hình ảnh tốt, có đầu óc sáng tạo của một đạo diễn. Mạnh Việt cho biết, có những quay phim chỉ cần 1, 2 năm là đã có thể trở thành D.O.P do có năng khiếu cảm thụ về mặt hình ảnh, nhưng cũng có những người mất cả đời không bao giờ có thể trở thành D.O.P.

D.O.P ra đời khi nền công nghiệp truyền hình và điện ảnh phát triển mạnh, cần sự chia nhỏ công việc để chuyên nghiệp hóa. Trước đây, anh quay phim giống như một ông bố bận con mọn, vừa lo đặt máy quay, canh khuôn hình, setup ánh sáng, bố cục... Vì ôm đồm quá nhiều dẫn đến đôi khi người quay phim bị phân tâm, thành việc này lại hỏng việc kia và cũng vô cùng hao tâm tốn sức. Quan trọng hơn, chất lượng hình ảnh của bộ phim bị ảnh hưởng đáng kể. Nhưng có D.O.P, tất cả mọi công đoạn của quá trình làm phim hoặc chương trình truyền hình đều được phân công hợp lý, chuyên môn hóa. Quay phim chỉ việc quay phim và D.O.P rảnh tay để tập trung quan sát tổng thể, sắp đặt và hình ảnh được chau truốt, kỹ lưỡng hơn rất nhiều.

D.O.P có thể coi là “cấp trên” của quay phim. Nhưng không có ai có thể nhảy cóc qua quay phim để trở thành D.O.P. Nói một cách dễ hiểu hơn, để trở thành D.O.P, anh bắt buộc phải trải qua công việc của một người quay phim như điều chỉnh máy quay, kỹ thuật, góc máy... Ngoài ra, người quay phim lên làm D.O.P cần phải học thêm nhiều về kỹ năng dựng hình và dàn cảnh. Bởi trên thực tế, không phải show truyền hình nào có D.O.P cũng thành công về mặt hình ảnh. Tuy vậy, dẫu còn non nớt nhưng rõ ràng, sự ra đời của D.O.P đã là một bước tiến mới trong ngành công nghiệp Truyền hình và Điện ảnh như ngày nay.

 
Bài Hà Trang - Ảnh: Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn