VTC14 - Nhập cuộc mùa mưa bão

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 05:30:00 +07:00

Họ có mặt tại hiện trường để truyền tải hơi thở cuộc sống, đưa không khí bão lũ của địa phương đến với khán giả khắp cả nước…

Mùa mưa bão sắp tới, khi mọi người đều tìm cách tránh xa cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên thì họ lại hùng dũng xông vào, sát cánh cùng người dân vùng bão lũ chống chọi với thiên tai. Họ có mặt tại hiện trường để truyền tải hơi thở cuộc sống, đưa không khí bão lũ của địa phương đến với khán giả khắp cả nước… Họ làm việc - với chỉ tiêu: 12 giờ có bão thì 1giờ lên sóng bản tin.

 

 Quay phim đối đầu với cơn bão số 9 ở Nghệ An

1001 chướng ngại vật

Nhân lực của VTC14 phần lớn là người trẻ và mùa thiên tai năm nay được xem là trận chiến đầu tiên của họ. Khó khăn lớn nhất chính là kinh nghiệm tác nghiệp, đặc biệt trong môi trường dã chiến, thiên tai. Cuối năm 2009, lãnh đạo kênh đã tổ chức một cuộc diễn tập cho các phóng viên, quay phim đối đầu với cơn bão số 9 ở Nghệ An. Gần một tháng vật lộn tin bài trong điều kiện mưa to, gió lớn, dù chưa phải là tâm bão nhưng các nhân của kênh phòng chống thiên tai cũng đã có dịp trải nghiệm và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích.

Ngoài việc đối mặt với nguy hiểm rình rập, diễn biến thất thường của thiên nhiên cũng ảnh hưởng đến các thiết bị máy móc, mất điện, không có internet để truyền tin bài về phát sóng. Thiên tai mỗi năm mỗi khác và ở mỗi vùng miền lại có đặc trưng riêng. Vì thế, mọi sự cố có thể xảy ra và phóng viên phải lường trước phương án đối phó. Hầu hết, các “chiến binh” đều chia sẻ: việc tác nghiệp tại hiện trường không phải là điều lo ngại nhất mà khó khăn nằm ở chỗ vừa tác nghiệp nhanh chóng lại phải khẩn trương chuyển tin bài về phát sóng, đảm bảo độ nóng của một bản tin thời sự. Thậm chí phương án ghi hình xong phải trực tiếp cầm tay mang về Đài cũng đã được tính đến.

Để khắc phục những sự cố máy móc, phóng viên sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các ban ngành như Trung tâm khí tượng thủy văn, Ban phòng chống lụt bão trung ương và các kênh đài địa phương để thu thập và xử lý thông tin hiệu quả nhất.

Là kênh chuyên biệt về phòng chống thiên tai, hiểm họa cộng đồng nên áp lực của lãnh đạo và mỗi phóng viên VTC14 cũng nhiều hơn để thông tin phải nhanh và sâu hơn các kênh đài khác.

Không phải là cuộc chơi để có thể nhấn nút Replay. Mỗi phóng viên đều ý thức được sự nguy hiểm đang chờ đón phía trước. Trách nhiệm của họ không chỉ  đảm bảo tin bài mà còn phải giữ được an toàn cho bản thân và máy móc. Nhiều phóng viên tâm sự: “Người thì có thể dầm mưa hay ngâm nước cũng không sao nhưng máy móc mà trục trặc thì gay go, truyền hình mà không có hình ảnh thì sẽ thiếu tính thuyết phục”.  Máy móc của kênh hiện vẫn chưa phải chuyên dụng để đi quay bão lũ. Tác nghiệp trong điều kiện đặc biệt với thiết bị cồng kềnh, nặng gần 10 kg trên vai là một thách thức với những quay phim của kênh VTC14.

 

 Một Ê-kíp của VTC14 đi thực tế tại địa phương

Sôi động trước giờ G

Tình hình thời tiết và thiên tai năm nay ở nước ta cũng như thế giới diễn biến rất phức tạp và khắc nghiệt. Khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, khi mùa mưa bão 2010 bắt đầu xuất hiện với các hiện tượng lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở đất… tại nhiều địa phương thì hàm lượng tin bài liên quan đến thiên tai, mưa bão ở kênh VTC14 cũng tăng lên. Không những đưa tin về tình hình, diễn biến, các bản tin, chuyên đề của kênh còn tích cực khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đề phòng, hạn chế những thiệt hại do thiên nhiên gây ra.

Trước giờ G đang đến gần, không khí làm việc ở kênh VTC14 cũng sôi động hẳn lên. Hàng ngày, lãnh đạo kênh đều tổ chức họp giao ban với anh em phóng viên, xoay quanh kỹ năng tác nghiệp, nhận xét ưu khuyết điểm các tác phẩm và chia sẻ kinh nghiệm.

Hai bản tin Thời tiết và Nhật ký cuộc sống sẽ là những “phi đội” đánh “giáp lá cà” trong cuộc chiến này.

Bình quân 2 tiếng một lần, các biên tập viên Thời tiết sẽ thu thập thông tin về lượng mưa, cấp bão, nguyên do, hướng di chuyển… Bên cạnh những con số từ khí tượng thủy văn gửi sang còn có những thông tin bên lề mà các phóng viên đi ghi hình thực tế, tác nghiệp ngay tại hiện trường thiên tai xảy ra. Hiện nay, mỗi ngày VTC14 có 5 - 6 bản tin Thời tiết nhưng mùa bão lũ có thể lên tới 10 bản tin. Đặc biệt, khi có áp thấp nhiệt đới bất thường thì cả ê-kip phải thay nhau trực. Có thể mỗi giờ bản tin sẽ lên sóng một lần, cập nhật thông tin liên tục cả trước, trong và sau cơn bão kịp thời, đầy đủ và dễ hiểu nhất. Việc phải ăn, ngủ tại cơ quan cũng đã được các biên tập viên xác định trước.

Nếu như Thời tiết theo sát từng diễn biến của thiên tai thì Nhật ký cuộc sống lại xoáy sâu vào hiểm họa của nó tác động đến nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông… và mọi mặt đời sống như thế nào. Kịch bản phải cụ thể, đi sâu vào từng vấn đề hơn, đưa thông tin chính xác nhất cho người dân về tình hình bão lũ, thiệt hại cũng như nỗ lực của địa phương trong việc giảm nhẹ hậu quả, cứu trợ người dân.

Là kênh chuyên biệt về thiên tai nên trong mùa bão tần suất và thời lượng phát sóng các bản tin Nhật ký cuộc sống cũng sẽ nhiều hơn và sự có mặt của phóng viên tại hiện trường cũng đậm nét hơn. Đặc biệt, bản tin của VTC14 có thể lên sóng bất cứ lúc nào, 12h đêm, thậm chí 2h sáng, theo sát diễn biến của thiên tai.

Tổ chức sản xuất Nhật Minh và Tam Điệp từng nhiều lần tham gia tác nghiệp trong môi trường bão lũ cũng luôn theo sát các phóng viên để gợi ý, hỗ trợ đề tài và chia sẻ kinh nghiệm. 

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời về nội dung thông tin, lãnh đạo kênh cũng có nhiều biện pháp trau dồi kỹ năng cho anh em trở thành những phóng viên thời sự chuyên nghiệp. Mỗi tuần lại có một biên tập viên nhóm Thời tiết sang tham gia sản xuất tin bài cùng nhóm Nhật ký cuộc sống để làm quen với việc tác nghiệp và dẫn tại hiện trường. Trong những chuyến công tác xa, phóng viên vẫn được luyện kỹ năng ghi và dựng hình tại chỗ rồi gửi tin bài về Đài qua internet.

Vừa qua, một số phóng viên của kênh cũng đã cùng đoàn Dự án giảm nhẹ, phòng chống thiên tai của World Bank đi khảo sát tình hình chuẩn bị cho mùa mưa bão của một số địa phương. Lãnh đạo cũng tạo điều kiện để phóng viên tham gia một lớp đào tạo ngắn hạn của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, giúp các bạn trẻ nắm được những kỹ năng cơ bản để giữ an toàn trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

 

 Công tác chuẩn bị cho mùa mưa bão

“Đã sẵn sàng cho cuộc ‘chạm trán’ đầu tiên”

Khi hỏi các phóng viên của kênh cảm xúc trước cuộc chiến sắp tới, tôi đều nhận lại được một câu trả lời giống nhau: “Đã sẵn sàng”.

Thật ra, mỗi bạn trẻ khi bước chân về kênh VTC14 đều tự hiểu rằng: ở đâu có bão thì sẽ phải đến đó. Ngay từ ngày đầu lên sóng, mọi người đều xác định mùa bão sẽ là “vụ mùa chính” của kênh. Vì thế công tác chuẩn bị cho cuộc “chạm trán” đầu tiên này đã gần như diễn ra trong suốt một năm nay. Lần đầu tiên xông pha vào chỗ thiên tai nguy hiểm, chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ nhưng bù lại, mỗi phóng viên cũng sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, đặc biệt là sự nhiệt tình, xen lẫn phấn khích, tò mò.

Một ưu thế của những người trẻ chính là sức khỏe, sức trẻ và… sự tự do. Hầu hết anh em phóng viên, biên tập, quay phim cho đến tổ chức sản xuất của kênh VTC14 đều chưa vướng bận gia đình. Vì thế, đi công tác xa hay làm việc đêm hôm chưa bao giờ là vấn đề với họ.

Đến thời điểm này, khi mà mùa mưa lũ đang đến gần, họ đã trong tư thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, vừa để kiểm nghiệm những gì đã tích lũy được trong thực tế, vừa nâng cao kỹ năng của bản thân. Riêng các phóng viên nữ, phần lớn, đang rậm rịch… đi học bơi.

 

BTV TRUNG KIÊN:

“Là BTV nam duy nhất của Bản tin Thời tiết nên tôi cũng xác định là sẽ phải xông pha nhiều. Điều đó khiến tôi thấy phấn chấn. Tư tưởng thì đã thông, chỉ chờ có bão là lên đường”

 

BTV LAN ANH:

“Trước mùa bão, nhóm Môi trường sức khỏe của chúng tôi sẽ tập trung phản ánh công tác chuẩn bị, sửa sang đê điều, thoát nước. Sau mùa bão sẽ phối hợp với Ủy ban tìm kiếm cứu hộ để cập nhật thông tin về giải quyết dịch bệnh, hỗ trợ nạn nhân. Ngoài ra, tôi cũng sẽ chuẩn bị một số kiến thức cơ bản để tư vấn, tuyên truyền trực tiếp cho bà con vùng bão lũ”

 

BTV BÍCH NGỌC:

“Mùa bão sắp tới, nhóm của tôi cũng sẽ bám sát hơn nữa những hoạt động của các tổ chức quốc tế đối với tình hình thiên tai, bão lũ của Việt Nam. Vừa qua, tôi có tham gia đợt tập huấn của một tổ chức phi chính phủ. Với 3 trường hợp giả định: một cơn lốc xoáy ở miền núi Cao Bằng, một cơn bão ở vùng biển Hải Phòng và một trận mưa đá ở Quảng Ngãi - những tình huống thiên tai khác nhau ở những vùng miền khác nhau - họ đã hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân ý thức và phương pháp chống chọi với thiên tai. 

 

BTV HOÀI THƯƠNG :

“Chẳng đợi đến mùa bão mà mỗi ngày ở kênh, chúng tôi cũng đã luôn ở khí thế hừng hực trong guồng quay tin bài. Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, năm nào tôi cũng phải chứng kiến những trận bão lũ, nhìn cảnh người dân quê điêu đứng chống chọi với thiên tai. Giờ đây sắp phải đối mặt với “kè thù truyền kiếp”, được làm một cái gì đó có ích cho người dân nên tôi không thấy sợ mà chỉ muốn hăng máu đi làm. Tôi cũng quyết định dành tháng chiếc iphone 3G tích hợp internet để có thể gửi tin bài về kịp thời”

 

BTV LƯU PHƯỚC:

“Đây là năm đầu tiên tôi làm truyền hình và lại tác nghiệp trong môi trường nhạy cảm, nguy hiểm nên tôi cũng chủ động xem lại các tin bài do đồng nghiệp thực hiện trước đây và trao đổi để biết thêm kinh nghiệm tác nghiệp. Là một phóng viên trẻ, tôi nghĩ đây là cơ hội để khám phá và thể hiện mình”.

 

QUAY PHIM HÀ DŨNG:

“Tác nghiệp trong môi trường thiên tai cùng một khối sắt cồng kềnh trên vai quả là một điều không dễ dàng. Với quay phim thì kinh nghiệm khi tác nghiệp ở vùng gió bão là phải chú ý kiểm tra mic để không bị tiếng gió át. Đồng thời tìm chỗ đứng và góc quay phù hợp, tránh vùng bị sụt lún, sạt lở. Vừa đảm bảo hình ảnh không bị rung vừa an toàn cho bản thân và máy móc”.

 

BTV MINH HOÀNG:

“Nguy hiểm thì không sợ bởi trong cuộc chiến này, tôi không hề đơn độc. Chúng tôi luôn được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo kênh, bên cạnh lại luôn có những đồng nghiệp sát cánh. Ngoài ra, các cơ quan, ủy ban phòng chống cứu nạn ở trung ương và địa phương cũng phối hợp nhiệt tình. Quan trọng là tác nghiệp sao cho nhanh chóng và hiệu quả nhất, còn kinh nghiệm thì cứ xông vào thực tế thì mỗi người sẽ tự học cách xử lý và trưởng thành hơn”.

 
Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn