Gặp lại “ông cố vấn” Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Tổng hợpThứ Tư, 23/06/2010 03:19:00 +07:00

Đã về hưu nhưng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn không ngừng nghỉ làm việc mỗi ngày. Một trong số những công việc đó của ông là làm cố vấn cho Việt Nam Online.

Đã về hưu những nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn không ngừng nghỉ làm việc mỗi ngày. Một trong số những công việc đó của ông là làm cố vấn cho chương trình Việt Nam Online, chương trình do Website Chính phủphối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện. Nhân dịp Việt Nam Online tròn 2 tuổi, ông đã có buổi trò chuyện thân mật và đôi điều chia sẻ cùng PV Tạp chí THS VTC.


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan


Thưa ông, được biết tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để thường xuyên theo dõi tin tức, tình hình thời sự trong nước và quốc tế?

 

Điều đó là đương nhiên rồi. Tôi xem thông tin trên nhiều kênh khác nhau. Riêng đối với truyền hình, tôi chủ yếu xem kênh Kinh tế, tài chính VTC8 và kênh VTC1, cụ thể là chương trình Việt Nam Online. Bên cạnh đó, tất nhiên tôi xem các kênh của nước ngoài CNN, BBC, ORT...

 

Ông thường xem Việt Nam online trực tiếp trên VTC1 hay trên website chính phủ?

 

Tôi xem trực tiếp trên ti vi lúc 6h30, đó cũng là giờ tập trung nhiều bản tin nhất. Hôm nào bận không xem được thì tôi sẽ xem phần phát lại.

 

Được biết ông là cố vấn cấp cao của chương trình. Xin hỏi, ông cố vấn cho chương trình trên phương diện nào?

 

Khi website Chính phủ có ý tưởng phối hợp với VTC để thực hiện Việt Nam Online đã có đề xuất mời tôi tham gia với tư cách cố vấn. Tôi đã từng làm việc trong chính phủ, có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin do đó cũng thỉnh thoảng có đóng góp ý kiến với anh em.

Công việc chính của tôi là thế này:

Thứ nhất, từng thời kỳ có những trao đổi về định hướng dài hạn cho chương trình. Ví dụ năm nay tập trung vào làm cái gì, ra làm sao, theo hướng nào.

Thứ hai là góp ý kiến về cách thức thực hiện các chương trình đó theo hai chiều từ Chính phủ đến nhân dân và ngược lại. Thứ ba là có chuyên đề nào đáng chú ý mà chưa được phản ảnh thì gợi ý để anh em tiếp cận những đề tài đó. Khi nào chương trình cần ý kiến phát biểu của tôi, thì tôi đóng góp. Đây cũng không phải là công việc thường xuyên, số nào cũng làm mà là công việc từng thời kỳ, có tính chất tổng thể.

 

Ông nhận xét thế nào về sự trưởng thành của Việt Nam online sau 2 năm?

 

Việt Nam Online trưởng thành rất nhiều so với thời gian đầu. Tôi nhớ những buổi đầu chủ yếu chỉ dừng lại ở đọc văn kiện thôi, nó không sống động, hình thức cũng thô sơ. Nhưng sau 2 năm chương trình phong phú, sống động hơn rất nhiều. Tất nhiên nó cũng còn một số mặt cần hoàn thiện nhưng quả thực Việt Nam Online đã trưởng thành rõ rệt. Ví dụ trước đây chưa có phản hồi hai chiều, thì bây giờ đã có, và nội dung chương trình cũng ngày càng đa dạng hơn.

 

Nhưng để Việt Nam Online đến được với đông đảo công chúng hơn, chương trình cần phải làm gì thưa ông?

 

Có hai việc cần phải làm ngay là phải quảng bá rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Và nâng cao chất lượng chương trình hơn nữa.

 

Theo ông, điều gì là quan trọng nhất mà chương trình đã mang lại được cho nhân dân và điều gì còn cần phải khắc phục?

 

Về vấn đề này, tôi có gợi ý Việt Nam Online nên làm một cuộc thăm dò dư luận để xem chương trình có ảnh hưởng thế nào, mang được gì đến cho nhân dân hay còn thiếu sót chỗ nào.

Riêng về cá nhân tôi, tôi thấy điều thứ nhất, điều bao trùm là Việt Nam Online đã mang đến những thông tin chính thức của Chính phủ đến nhân dân một cách kịp thời. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, điều này là vô cùng quan trọng bởi nếu thông tin không chuẩn xác, kịp thời thì dễ gây sự phân tâm trong xã hội.

Cái thứ hai mà Việt Nam Online đã bắt đầu làm nhưng tôi thấy chưa được nhiều lắm là thu nhận phản hồi từ phía người dân, các doanh nghiệp từ các vùng, các miền về chủ chương chính sách của Chính phủ đưa ra. Mà muốn có phản hồi của người dân, phóng viên của Việt Nam Online phải nhạy bén hơn, xông xáo, thăm dò ý kiến của người dân.

Thứ ba, tôi cho rằng Việt Nam Online nên thực hiện những cuộc đối thoại, tiếp xúc, giao lưu với những người có trách nhiệm để có thể giải thích sâu hơn về những chính sách của Chính phủ. Vì lẽ thường các chủ chương, chính sách thì khô khan, trong khi đó trình độ dân trí lại khác nhau. Muốn truyền tải thông tin đó đến đông đảo người xem thì cần phải có cuộc đối thoại, giao lưu giữa các chuyên gia với nhau, giữa chuyên gia với cán bộ quản lý, giữa cán bộ quản lý với người dân để chương trình thêm sống động và sâu hơn. Cái này tôi thấy Việt Nam Online đã có nhưng cần làm nhiều hơn nữa.

 

Chính phủ điều hành rất nhiều mặt: Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đối nội, đối ngoại... Do đó các hoạt động đó trên Việt Nam Online cũng nên được phản ánh đa dạng. Tôi hy vọng trong thời gian tới, nội dung của Việt Nam Online sẽ phong phú, đa dạng hơn nữa.

 

Nguyên nhân của những hạn chế này là do đâu, thưa ông?

 

 Theo tôi thì đó là những thiếu sót của bất kì chương trình nào mới ra đời. Hai năm không phải là dài với một chương trình đặc biệt như vậy. Cần phải có thời gian rút kinh nghiệm, tập dượt. Cuộc sống sẽ đào tạo mình. Cũng có một nhân tố mới cần chú ý là cạnh tranh thông tin bây giờ rất mạnh. Những chương trình chính luận, thời sự, chính trị cũng rất đa dạng. Nếu không xông xáo bắt nhịp và cạnh tranh thì chương trình của mình sẽ ít người biết đến. Do đó cần phải đa dạng hóa chương trình.

 

Ông đã đi nhiều quốc gia và ông có thấy cách làm của họ có gì giống hay khác mình không?

 

Tất nhiên mỗi quốc gia có cách làm rất rất khác nhau. Tôi đã đi 80, 90 nước nhưng tôi cho rằng, một cách khách quan, vô tuyến truyền hình ở Việt Nam tiến rất nhanh, hơn nhiều nước. Nhất là về mảng thời sự, thông tin chính luận rất sôi động, kịp thời. Vì vậy mình nên hãnh diện, tự tin.

 

Ông dành nhiều ưu ái giới trẻ khi tham gia vào nhiều chương trình, diễn đàn của  giới trẻ trên Truyền hình. Tại sao vậy?

 

Người già thì thường quan tâm tới giới trẻ vì thấy trên đầu mình chẳng còn gì nữa rồi. Mình hy vọng vào đất nước là hy vọng vào giới trẻ rồi. Chúng tôi đã là tài sản của quá khứ.  Nhìn lại, đôi khi tôi cũng giật mình vì chưa hẳn đã thông cảm được với lớp trẻ. Tôi còn gia trưởng, lúc nào cũng phải thế này, phải thế kia trong khi cuộc sống đã khác trước nhiều. Nếu mình cứ khư khư ôm cái kiểu sống của mình thì mình sẽ bị đào thải thôi.  Thực sự như bác Hồ đã nói: Đất nước ta có sánh vai được với cường quốc năm Châu hay không là phải nhờ vào lớp trẻ.

Tôi cũng thích đối thoại với các bạn trẻ. Một là mình nắm được tâm tư của các bạn, hai là mình biết được kiến thức của các bạn ra sao, cái gì là thế mạnh của họ, cái gì thiếu để bổ sung thêm. Việc đó khiến tôi thấy mình như trẻ lại.

 

Ông có nhận xét gì về đội ngũ phóng viên trẻ của Việt Nam Online?

 

Phải nói là tôi rất ấn tượng với các phóng viên trẻ hiện nay, ngay cả khi tôi đang làm việc hay đã nghỉ hưu cũng vậy. Anh chị em phóng viên trẻ rất năng động, nhanh nhẹn và rất trực tính.

Việt Nam Online là cổng thông tin chính thức của Chính phủ nên có những khuôn mẫu cứng nhắc khó có thể vượt qua. Vì vậy nhiệm vụ của đội ngũ phóng viên làm chương trình này là phải làm sao để chương trình gần gũi với cuộc sống và dễ thiếp thu hơn. Điều này hoàn toàn không dễ. Nhưng họ dường như đã bắt đầu tiếp cận được với “chìa khóa” để mở cánh cổng cho con đường riêng của mình…

 

Nhân ngày 21/6  ông có lời nào muốn nói với các phóng viên trẻ nói chung và các phóng viên của Việt Nam Online nói riêng?

Lời khuyên của tôi là kiến thức. Thế giới này biến đổi quá nhanh , nếu mình không có kiến thức thì không làm được gì cả. Tôi cũng đã già, đã trải qua rất nhiều công việc, cũng thu thập được nhiều kiến thức nhưng cho đến giờ tôi vẫn tiếp tục bồi đắp thêm cho chính mình bằng việc ĐỌC SÁCH.

Do vậy, lời khuyên duy nhất của tôi là: Các bạn hãy không ngừng tích lũy thu thập thêm kiến thức không chỉ phục vụ cho chuyên môn của mình…

 

Vâng, xin cảm ơn ông!

Hà Trang
Ảnh: Hồ Quang
Bình luận
vtcnews.vn