“SI – PI - AI” ai lo?

Tổng hợpThứ Ba, 18/12/2012 08:50:00 +07:00

Giang Hoài ngồi dãi thẻ trên sàn nhà chia tháng lương của hai vợ chồng mà chị quyết để dồn lại trên thẻ tín dụng mới rút chiều nay.

Giang Hoài ngồi dãi thẻ trên sàn nhà chia tháng lương của hai vợ chồng mà chị quyết để dồn lại trên thẻ tín dụng mới rút chiều nay. Tháng 12 có 31 ngày chị chia 31 món cho vào 31 chiếc phong bì. Chị nói với tôi là chị ghét nhất cái tháng có 31 ngày, mà ai làm lịch lại sinh ra hai cái tháng 7 và 8 liền kề 31 ngày. Cả năm chỉ có một tháng đáng yêu là tháng 2 có 28 ngày thôi. Rồi chị cười hi hi tay vẫn tra những tờ tiền vào phong bì: “Mà sao người ta không trả lương theo năm Âm lịch nhỉ? Mỗi tháng chỉ có 29 và 30 ngày có thích hơn không?


 
Giang Hoài khoe: Hơn một năm nay chị học tập cái chị Maria nào đó từ một bài text “Chi tiêu thời Eurozone khủng hoảng” trong giáo trình tiếng Pháp, ở đó chị Maria có sáng kiến chia thu nhập đều cho mỗi ngày chi tiêu theo phong bì để không “thủng” ngân quỹ. Tất nhiên là sau khi đã để riêng tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh môi trường, tiền “khóc” tiền “cười”, học phí cho con cùng thuốc men quà cáp cũng như trích quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu…Giang Hoài làm cái việc bất đắc dĩ ấy mà vẫn hí hài được. Tài thật. Trong nhà có bốn người thì chồng chị và hai đứa con vô tư nhất. Chúng cứ cù vào sườn mẹ đòi mẹ hát mà không biết chia sẻ. Còn chồng, ngồi chè lá với tôi thì mủm mỉm cười. Thật vô duyên.

- Phiên phiến thôi em. Hát cho con nó nghe đi!

- Anh kiếm thêm cho em 3 triệu mỗi tháng em sẽ hát cả đêm!

Chị nói mà chả hiểu mình nói bừa. Bức bách thì nói cho hả giận. Mà giận ai cơ chứ? Khó khăn cả nước khó khăn. Cơ quan chị làm việc vừa có nhời xin cán bộ công chức chia sẻ, tạm cắt “tiền xăng xe điện thoại” trước mắt là hai tháng cuối năm. Vừa lúc trên ti-vi chương trình thời sự đưa tin:

“Có hai thông tin trong tháng 11: Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI tháng 11 chỉ bằng nửa so với tháng 10. Xuất siêu 14 triệu USD”.



 
Anh chồng vỗ tay hoan hô: “Chỉ số tiêu dùng giảm, đồng nghĩa với kiềm chế được lạm phát. Xuất siêu, có nghĩa là xuất khẩu mạnh hơn nhập khẩu”.Giang Hoài vơ vội 31 chiếc phong bì uất lên nói tràng giang đại hải:  Sao anh ngu ngơ thế? Cứ như người trời. Thông thường CPI tháng 11 phải tăng cao gấp đôi tháng 10 mới hợp lẽ, đây là tháng cận Tết. Nhóm hàng ăn và dịch vụ giảm gần 0,1% so với tháng trước vì các mặt hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn giảm 0,21%. Cho thấy chi tiêu của người dân giảm. Cũng có nghĩa chất lượng sống giảm. Hầu bao siết lại. Đâu phải cần kiệm mà là thu nhập giảm, phải điều chỉnh chi tiêu theo cái cách kinh điển “liệu cơm gắp mắm”. Sáng ra chưa?

Anh chồng ngắc ngớ. Thì ra đôi khi do hoàn cảnh thôi thúc người ta chưa thể sống bên những đóa hoa hồng phải sống tạm bên những bụi tầm xuân.

Xuất siêu cũng thế. Sự đảo chiều trong cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu cũng lo nhiều hơn mừng. Xuất siêu trong thực tế là giảm nhập chứ không phải do khả năng cạnh tranh tăng cao. Có nghĩa “sức khỏe” của các doanh nghiệp tiếp tục kiệt quệ đe dọa sự tồn vong.

 Tôi là hàng xóm của hai vợ chồng này. Quý họ. Chồng làm công nghệ thông tin. Vợ làm báo chuyên mảng kinh tế. Vợ thạo tin. Còn chồng đôi khi có ngu ngơ nhưng ngu ngơ đáng yêu. Thế lại bền. Chị là gái đảm. Chị nói với tôi, lo nhất mỗi khi nghe tin về “Si-Pi-Ai”. Chuyện sinh nhai luôn làm người ta bận lòng nhiều khi vui đấy mà buồn ngay đấy. Thi thoảng sang chơi với nhau, tôi bỗng thành nhà trung gian hòa giải bất đắc dĩ. Như lúc này đây.

Tôi xin phép Giang Hoài cho tôi kéo anh ra quán làm vài vại “bia cỏ” xả stress. Chả là tôi vừa nhận cái phong bì nhuận bút có giá trị bằng cái phong bì chia mỗi ngày của chị. Giang Hoài bật cười hi hi. Mong tôi chịu khó “cày ải” để có nhiều khoản nhuận bút như thế.

Tưởng được giải thoát. Điện thoại reo. Giang Hoài nghe: “Vâng. Khỏe nhưng không mạnh! Vâng. Mấy ngày ạ? À vâng. Ít thế? Cả hai anh chị ạ?”

- Gì thế em?

- Bạn anh. Ngày mai. Từ Phú Thọ xuống.

Tôi kéo vội anh chồng ra khỏi cửa: “Si-Pi-Ai sẽ giảm mạnh đấy!

Trà Bồng

Bình luận
vtcnews.vn