Câu chuyện trường… thực nghiệm

Tổng hợpThứ Ba, 29/05/2012 03:26:00 +07:00

Hơn 10 năm trước, khi đưa con vào lớp 6, tôi đã chọn trường thực nghiệm để xin vào. Bởi vì lý do rất đơn giản, tôi chuyển từ tỉnh xa về Hà Nội.

Hơn 10 năm trước, khi đưa con vào lớp 6, tôi đã chọn trường thực nghiệm để xin vào. Bởi vì lý do rất đơn giản, tôi chuyển từ tỉnh xa về Hà Nội, cho nên không thể đúng tuyến để xin vào các trường công lập. Mà các trường chuyên thi đầu vào thì đã muộn rồi. Chỉ còn trường thực nghiệm là hệ trường công đang tuyển sinh. Con tôi thi vào trường Thực nghiệm và đỗ luôn, vì cứ 3 học sinh thi thì chọn 2.

 

Hồi đó ông Hồ Ngọc Đại còn làm hiệu trưởng. Trường Thực Nghiệm mới chuyển về địa điểm hiện nay, và có nhiều tiếng khen chê lẫn lộn. Tôi lúc đó làm báo, bèn đi làm một cuộc điều tra nhỏ. Khi gặp một giáo viên của trường thực nghiệm, anh này vốn có kỷ niệm lính tráng với tôi, nên bảo: Ông hãy xem, các giáo viên của trường có ai cho con vào trường thực nghiệm không? Quả thật là thế. Tương tự như nông dân trồng rau chỉ để bán chứ không ăn rau mình trồng thì nghi lắm.

May sao, sau đó, một trường công khi đó bị tiếng là trường kém, thấy học bạ con tôi tốt, hiệu trưởng đứng ra nhận liền, tôi bỏ trường thực nghiệm. Câu chuyện này tôi viết thành một bút ký ngắn đăng trên báo Đầu tư năm 1998. Bây giờ thì con tôi đã tốt nghiệp đại học rồi.

Sau này, có thời gian tìm hiểu thêm, tôi thấy giá như con tôi học vào trường thực nghiệm thì cũng tốt thôi. Trường thực nghiệm thể hiện một phương pháp giáo dục mới, coi học trò là trung tâm, không có sức ép nặng về bài vở. Tuy nhiên, kiểu giáo dục như thế thì có ích lợi cho những học sinh có tố chất tốt, giỏi, có gia đình nề nếp. Nếu mà đứa trẻ có tố chất kém, gia đình không sát sao thì lợi bất cập hại. Với những học sinh giỏi, luyện thi học sinh giỏi liên miên, thì môi trường trường thực nghiệm đặc biệt tốt. Nếu ở trường thường, sau khi thi học sinh giỏi, đáp ứng yêu cầu (đôi khi hình thức) của các môn khác rất vất vả, đôi khi bị chính các thày dạy môn khác kỳ thị, cũng rất khổ.

Song, trường thực nghiệm có cái hạn chế chính ở cách tổ chức. Cái gọi là “thực nghiệm” khiến cho học sinh trường này là một kiểu riêng trong hệ thống giáo dục. Cách đây 20 năm còn “thực nghiệm”, sao bây giờ vẫn thực nghiệm? Tôi đã gặp một quan chức Bộ Giáo dục, ông này coi hệ giáo dục thực nghiệm như một loại quái thai. Quan chức còn thế, thì người dân cũng chả hiểu mô tê gì.

Bây giờ, cảnh chen nhau xô đẩy vào trường thực nghiệm, chưa chứng tỏ trường thực nghiệm là tốt, nhưng phản ánh một sự thật là hệ thống giáo dục đang có nhiều lỗi nghiêm trọng, mà trường thực nghiệm đang đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh. Không phải è cổ ra làm bài tập nhồi nhét, được tôn trọng, được vui chơi, vẫn là hệ trường công, đóng góp vừa phải, ở đó lại sinh ra nhân tài danh giá là anh Ngô Bảo Châu… Ôi, cách đây 15 năm trường thực nghiệm như một lựa chọn bất đắc dĩ, mà nay lại chen nhau thích cánh xin vào, thời thế khác rồi, nền giáo dục trì trệ quá rồi, điều tốt xấu trong xã hội trắng đen lẫn lộn rồi. Bây giờ thì tôi không còn phải lo lắng xin cho con đi học, nhưng nhìn thấy cảnh phụ huynh chen chúc giật đổ cổng trường, mà thấy buồn sao…

Việt Hà

Bình luận
vtcnews.vn