Ai dám bảo người Hà Nội vô cảm?

Tổng hợpThứ Ba, 06/03/2012 12:59:00 +07:00

...Sợ liên lụy nên vô cảm đến mức “mặc ai muốn làm gì thì làm, miễn là đừng có động chạm đến mình”.

Xưa nay, mình rất ghét tính vô cảm của không ít người Việt. Sợ liên lụy nên vô cảm đến mức “mặc ai muốn làm gì thì làm, miễn là đừng có động chạm đến mình”. Nhiều người khác được mình xếp vào loại “vô hại nhưng cũng vô tích sự”, và “cao thủ” hơn loại vô cảm là loại “vô ngôn” (no-comment)  kiểu ngậm miệng ăn tiền.

Có lần, anh chồng mình bị tai nạn xe máy do một thanh niên phóng vượt đèn đỏ đâm cho nằm chổng quèo ngoài đường. Đám đông hiếu kì có đến vài chục người đứng xúm xít xung quanh dòm dòm, ngó ngó. Anh chồng sau khi đã rút được chìa khóa xe máy của tay kia bèn lết vào bên đường để nhờ gọi điện về báo tin cho vợ (lúc đi vội, quên di động ở nhà).Trong khi anh chồng gọi điện, gã thanh niên rút phắt ngay chiếc chìa khác cắm vào xe và “dông” thẳng. Cái đám đông hiếu kì và vô cảm đứng dương mắt ếch nhìn mà không ai có bất cứ một biểu hiện gì định chặn xe nó lại.

Lần khác, giữa trời nắng chang chang, anh chồng lại bị một thằng vượt đèn đỏ đâm cho nằm quay cu lơ dưới chiếc xe máy. Loay hoay mãi cũng không có cách nào tự rút được thân ra khỏi chiếc xe đang đè cứng trên người để đứng dậy. Cách đó chỉ vài mét, có những hai “đồng chí công an” đứng trò chuyện, thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Mấy phút sau có hai cô bé (chắc là sinh viên) dừng xe đạp đến giúp “bố già” đứng dậy. Ông chồng mình về đến nhà, vừa lau mồ hôi mồ kê nhễ nhại vừa làu bàu chửi đổng. Mình bảo thôi đi, muốn chửi thì cứ cắt phép đi mà ngồi chửi cho đã. Ngay hôm sau, đọc trên báo Dân trí một cái tin làm mình cười đau thắt cả ruột. Đọc tin này xong đố ai còn dám bảo người Việt hay người Hà Nội vô cảm. Tối 8/9 tại tuyến phố Tôn Thất Tùng, trước cửa Đại học Y Hà Nội, đã xảy ra một cuộc rượt đuổi náo loạn như trong phim và làm tắc nghẽn đường phố hàng giờ đồng hồ.

 

Chuyện là thế này:

Vào khoảng 20 giờ, sau khi có một tiếng tri hô thất thanh “Bắt lấy nó giúp tôi”, ngay lập tức mấy thanh niên đang ngồi uống nước ven đường vội lao vọt ra. Sau đó là hàng chục người chẳng hiểu ất giáp gì cứ nghe thấy hô “Bắt lấy nó, bắt lấy nó” là hùng hục chạy theo, và cũng không quên mang theo ghế nhựa, gậy gộc làm vũ khí. Cả đoàn người, mỗi lúc càng đông thêm, bị kích động cao độ, chẳng thằng nào nhìn thấy cướp đâu mà thằng nào thằng nấy vừa chạy rùng rùng, vừa hô hoán ầm ĩ “Bắt lấy nó!”, “Bắt lấy nó!”, “Nó chạy đằng kia!”. Không ít người nghĩ là một vụ cướp giật nên quăng cả xe máy bên đường để lao vào cùng tham gia cuộc truy bắt.

Cuối cùng, hóa ra “thủ phạm cần truy bắt” chỉ là một chú sóc bị sổng lồng do va quệt xe máy. Anh Hưng, chủ của chú sóc, cho biết, vì nhiều người nhầm là anh tri hô bắt cướp nên đã tham gia truy bắt, người đằng sau đuổi người đằng trước, người đằng trước thấy bị đuổi theo thì cố chạy, cứ thế, số lượng người tham gia ngày một đông, gây ra cảnh rượt đuổi li kì trên phố. Cuối cùng, con sóc của anh Hưng bị đám đông giẫm đạp lên và… đã tử nạn.

Câu chuyện này có lẽ là một ví dụ đắt giá về hiệu ứng tâm lý đám đông. Mình sực nhớ lại một câu chuyện vui về xếp hàng thời bao cấp. Chuyện kể rằng, một đôi nam nữ yêu nhau đứng tình tự trước một cửa hiệu bách hóa. Tế nhị nên cô cậu quay mặt vào phía trong cửa hàng và xoắn lấy nhau hôn lấy hôn để không biết đâu là trời đất, quên hết cả thời gian. Khi quay lại, cô cậu nhìn thấy một hàng người lũ lượt xếp nối đuôi nhau phía sau mình.

Và một câu chuyện khác nữa. Một anh chàng bỗng nhiên cao hứng ngửa cổ ngắm mây trời, thế là chẳng mấy chốc, vây quanh anh ta đã có cả một đám đông cũng ngửa cổ lên trời tìm kiếm gì đó…

Đọc xong mẩu tin, mình vừa cười ngặt nghẽo vừa tự hỏi:

1. Bao nhiêu phần trăm trong cái đám đông hừng hực đó thực sự có tinh thần vì đồng loại nên tham gia “săn bắt cướp”? Bao nhiêu phần trăm tham gia vì hiếu kì, vì a dua?

2. Bao nhiều phần trăm những người đằng trước ra sức chạy chỉ vì sợ bị những thằng đằng sau nhầm mình là cướp và đuổi kịp? Bao nhiêu phần trăm những người chạy đằng sau tưởng nhầm chắc chắn một trong những người chạy đằng trước là cướp nên ra sức đuổi theo?

3. Bao nhiêu người thực sự tin rằng người Hà Nội đã dần bớt vô cảm?

Còn mình, dù sao mình cũng có chút mơ hồ hi vọng.


PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa

(Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)


Bình luận
vtcnews.vn