Chuyện làng di động: Những ông vua bán thân

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 12:07:00 +07:00

Những chiến thuật hay những chính sách sai lầm đôi khi không chỉ khiến bạn chậm bước hơn đối thủ mà nó có thể khiến cho cả một đế chế sụp đổ.

Thương trường như chiến trường, câu nói này đã lột tả hết sự khốc liệt trong kinh doanh thương mại. Những chiến thuật hay những chính sách sai lầm đôi khi không chỉ khiến bạn chậm bước hơn đối thủ mà nó có thể khiến cho cả một đế chế sụp đổ, bạn có thể nhìn thấy điều này ở mảng kinh doanh điện thoại di động.

Kẻ bán - những ông vua mất ngai
Cách đây 6 năm trở về trước, nếu nói đến nhãn hiệu điện thoại thành công nhất có lẽ hầu hết câu trả lời sẽ là Nokia. Hãng điện thoại đến từ Phần Lan này đã trở thành một đế chế trong ngành sản xuất điện thoại di động, vượt qua cả những ông lớn bấy giờ như Motorola tại Mỹ hay Blackberry của Canada. 
Hẳn sẽ không ít người bất ngờ khi biết rằng tiền thân của tập đoàn Nokia là một nhà máy chế biến gỗ giấy công nghiệp tại thị trấn Tampere miền tây nam Phần Lan được thành lập năm 1865 và đến năm 1871 thương hiệu Nokia ra đời. Năm 1982 đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Nokia khi hãng vượt lên dẫn đầu ngành công nghiệp điện thoại di động với sự ra đời chiếc điện thoại xe hơi đầu tiên của hãng. Năm năm sau, công ty tung ra sản phẩm Mobira Cityman, điện thoại cầm tay đầu tiên, với giá khoảng 6.000 USD.

 

Năm 1999, công ty giới thiệu Nokia 7110, trong đó có khả năng email và các chức năng Internet cơ bản. Một năm sau, cổ phiếu của Nokia đạt giá trị 300 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác ở châu Âu. Năm 2002, tờ New York Times đã đăng một bài viết cho biết vào năm 2001 khoảng 37 trong số 100 điện thoại di động lưu hành trên thế giới mang tên Nokia. Đến năm 2005, công ty đã bán được hơn 1 tỷ điện thoại trên toàn thế giới. Tuy nhiên để trở thành ông "vua" điện thoại thì chúng ta phải nhắc đến việc Nokia phát triển hệ điều hành Symbian. Và cũng từ đây tập đoàn Phần Lan này đã thống trị thị trường điện thoại thế giới trong suốt nhiều năm liền sau khi đánh bại Windows Mobile của Microsoft. Với những chiếc điện thoại Nokia 3210, Nokia 1110 bình dân hay những chiếc N90, N95 thuộc phân khúc giải trí chụp ảnh và seri E với bàn phím QWERTY đã giúp thương hiệu Nokia thống trị lĩnh vực điện thoại di động. Ở đỉnh cao của triều đại điện thoại di động của mình, trong năm 2008, Nokia đã nắm giữ 40% thị phần điện thoại toàn cầu. Tuy nhiên tập đoàn Phần Lan đã không thể nắm giữ ngôi vị số 1 này được lâu.
Sự phát triển theo kiểu bùng nổ của iPhone và các loại điện thoại thông minh khác đã từng bước đẩy Nokia - vốn là ông vua của thời đại điện thoại chức năng cơ bản - khỏi vị trí quán quân trong thế giới điện thoại di động. Trong quý thứ ba năm 2010, thị phần thiết bị cầm tay trên toàn thế giới của Nokia đã giảm xuống 28,2% , và thị phần của Apple lúc đó chỉ là 3,2 %. Nhưng Apple bắt đầu lấn dần vào thị phần của Nokia cùng với đối thủ cạnh tranh khác đang nổi lên: Google. Hệ điều hành Android của "gã khổng lồ tìm kiếm" - cung cấp miễn phí cho các nhà sản xuất điện thoại di động - tỏ ra quá mạnh với đối thủ hệ điều hành Symbian của Nokia. 

 

Nhiều người cho rằng Nokia đã không chịu đầu tư vào điện thoại thông minh nên mới phải chịu sự suy giảm nhưng phải nói khách quan rằng, chiếc iPhone của Apple với những tính năng vượt trội, đặc biệt khi đón đầu kịp thời xu thế truyền thông di động Internet để tạo nên một cơn sốt, một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng công nghệ di động, từ đó đánh bật các hãng điện thoại di động khác (trong đó có Nokia) trong cuộc đấu không cân sức. Với mong muốn cứu vãn mảng kinh doanh chính của mình, Nokia đã bắt tay với Microsoft để sản xuất những mẫu Lumia chạy Window Phone. Tuy nhiên dường như sự chuyển mình của Nokia đã quá chậm nên dù đầu tư vào mảng điện thoại thông minh nhưng hãng điện thoại Phần Lan vẫn phải ghi nhận những báo cáo kinh doanh ảm đạm. Đỉnh điểm của sự làm ăn thua lỗ này chính là việc Nokia buộc phải bán mảng sản xuất thiết bị di động cho đối tác Microsoft, điều này cũng đồng nghĩa với việc đế chế điện thoại di động đến từ Phần Lan chính thức sụp đổ.
Không lên đến tột đỉnh vinh quang như Nokia nhưng Motorola cũng có thể được coi là một ông vua trong làng sản xuất điện thoại đặc biệt là tại thị trường Mỹ. Motorola là hãng điện thoại đầu tiên khai sinh ra khái niệm điện thoại nắp gập trên thế giới. Cuối thập niên 80 của thế kỉ 20, hãng điện thoại Mỹ đã cho ra đời chiếc điện thoại nửa nắp gập MicroTAC độc đáo. 6 năm sau đó vào năm 1996, Motorola đã đưa mẫu StarTAC - chiếc điện thoại nắp gập đầu tiên trên thế giới đến tay người tiêu dùng. Có thể nói khi lựa chọn những mẫu điện thoại nắp gập thì quả thật Motorola là lựa chọn được ưu tiên bởi thiết kế đẹp và mỏng điển hình như chiếc Motorola V3. Nhưng cũng như Nokia thì với việc không bắt kịp xu hướng thị trường đã khiến hiệu quả kinh doanh của hãng ngày càng đi xuống. Điều này khiến mảng sản xuất thiết bị di động của Motorola có số phận không khác gì Nokia. Motorola đã buộc phải bán mảng sản xuất thiết bị di động cho Google với giá 12,5 tỷ USD.

 

Người mua - lòng đầy toàn tính.
Google và Microsoft là những ông lớn đã thâu tóm lại mảng sản xuất điện thoại di động của Motorola và Nokia. Hai thương vụ đình đám này có nhiều điểm chung đến bất ngờ. Người mua đều là những ông lớn hiện thời có tầm ảnh hưởng và nguồn tài chính dồi dào, đặc biệt cả hai đều là những hãng cung cấp hệ điều hành cho các thiết bị di động. Tuy nhiên thương vụ mua lại này đều đặt ra cho hai hãng cùng một câu hỏi là sẽ phát triển phần cứng ra sao. Như chúng ta đều biết, Google là hãng cung cấp hệ điều hành Android cho các thiết bị di động. Đây cũng chính là hệ điều hành di động được sử dụng phổ biến nhất với sự tham gia của nhiều hãng sản xuất phần cứng như Samsung, Sony hay LG. Trước đây các hãng sản xuất phần cứng này là đối tác của Google thì giờ đây với việc thâu tóm Motorola vô hình chung họ lại trở thành đối thủ của nhau. Ngay khi thương vụ mua bán sát nhập giữa Motorola và Google diễn ra nhiều hãng đã bày tỏ lo ngại bởi họ sợ rằng Motorola sẽ có những sản phẩm được ưu tiên hơn so với các hãng khác. Sự lo ngại này không phải không có cơ sở vì thông thường khi một hãng sản xuất cả phần cứng và phần mềm thì sản phẩm của họ thường hoạt động tối ưu và được cập nhật sớm hơn. Điều này được coi là bất công và có thể khiến sứt mẻ mối quan hệ hợp tác bấy lâu nay giữa các hãng.
Trường hợp của Microsoft thì lại hơi khác, hệ điều hành Window Phone (WP) hiện chỉ chiếm 3,7% thị phần toàn cầu. Tuy con số này khiêm tốn khi so sánh với IOS hay Android nhưng nó cũng đứng vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các hệ điều hành di động. WP cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên hiện nay chỉ có các sản phẩm Lumia của Nokia mới thực sự nổi bật còn các hãng khác như Samsung hay HTC còn khá e dè trong việc đầu tư hệ điều hành này. Việc mua lại Nokia của Microsoft được đánh giá là sẽ càng khiến các hãng khác không mấy hứng thú với WP. Điều này sẽ không phải là điều tốt bởi nó sẽ thu hẹp khả năng phát triển cho hệ sinh thái WP. Sự lo ngại này nhanh chóng được minh chứng bằng việc cổ phiếu Microsoft đã giảm 6,6% tương đương với 18 tỷ USD sau khi hoàn tất thương vụ Nokia.
Sự phát triển của hai thương hiệu Motorola và Nokia dưới mái nhà mới sẽ còn cần chờ thêm thời gian để có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên sau những gì đã diễn ra với hai thương hiệu đình đám này nhiều hãng sản xuất chắc chắn sẽ rút ra bài học về sự thay đổi nhằm bắt kịp thị trường tiêu dùng, có như vậy mới có thể tồn tại trên chiến trường thiết bị di động khốc liệt. 

Dương Diệp
Bình luận
vtcnews.vn