Công nghệ trong cơn quay cuồng của… vàng

Tổng hợpThứ Ba, 06/03/2012 01:06:00 +07:00

Hi-tech và vàng vốn là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn nhưng khi tìm được điểm chung thì đó là cả một guồng quay...

Hi-tech và vàng vốn là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn nhưng khi tìm được điểm chung thì đó là cả một guồng quay, chạy đua của những dân chơi công nghệ sành điệu.

 

Hi-tech ư? Phải có vàng

Giữa thời buổi vàng lên theo chiều thẳng đứng liên tục suốt hơn 10 năm qua, cũng bằng ấy năm dân chơi công nghệ «hổn hển» với những cuộc chơi tới bến bởi sự liên quan mật thiết giữa những giá trị mới của hi-tech và giá trị cơ bản của... vàng.

Vàng, tên nguyên tố là Au, được định nghĩa là một hợp chất kim loại quý hiếm và có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ điện tử. Hiểu nôm na là vậy và cũng từ đó hình dung ra một mối liên hệ mật thiết giữa thứ kim loại đắt tiền ấy và giới sành công nghệ.

Anh Hải «loa», chuyên nhập hàng âm thanh cho biết: «Chơi âm thanh cứ phải có tí vàng thì mới đúng chất. Vàng xuất hiện ở khắp mọi nơi ở các thiết bị hi-end, từ những chấu cắm jack âm thanh cho tới các đoạn dây, hay các mạch bán dẫn trong các bộ DAC. Tuỳ mức độ sử dụng và thương hiệu mà định giá khác nhau cho các thiết bị này, nhưng đa phần giá không rẻ, cho dù chỉ là mạ vàng».

Là chất dẫn điện và dẫn nhiệt tốt, về nguyên tắc vật lý vàng là vật liệu lý tưởng sử dụng trong các lĩnh vực điện, điện tử. Nhưng vì chi phí vật liệu quá cao nên việc sử dụng vàng là một sự căn cơ trong từng chi tiết.

Nhớ lại thời ăn chơi, đầu tư của mình cho phòng nghe, anh Khải Anh, dân chơi hi-end gạo cội tiết lộ: «Thời đấy tranh thủ đi công cán nước ngoài mình xách về bộ dây loa Golden Oval của Analysic Plus hơn 1 mét, được làm từ vàng 24k. Tính ra giá trị khoảng hơn 200 triệu. May mà qua hải quan trót lọt không thì dễ bị giữ lại vì vi phạm quy định về lưu chuyển kim loại quý, nộp thêm thuế nữa thì chắc thành hơn 300 triệu».

Có một điều lạ là, dân hi-end chơi rất «trội» nhưng không thể hiện ra ngoài như các đại gia lắm tiền nhiều của bằng cách mạ xe, dát vàng điện thoại mà công sức, tiền của của những lỗ tai khó tính này đều dồn vào thứ «bất động sản» hi-end với những turntable cơ đĩa than mạ vàng, chấu loa, dây loa, chỉ thực sự dành cho những khách quý chiêm ngưỡng mỗi lần tới chơi cho... thoả màng nhĩ.

 

Trong cái thế giới lấp lánh và kỳ ảo ấy, giới công nghệ trẻ của thế hệ 8x cũng «ngộ» ra những triết lý và định nghĩa bất di bất dịch về vàng, nghiệm ứng với các thiết bị công nghệ.

Dù rằng, xét về tài chính và khả năng «chơi hết mình» với công nghệ chưa chạm mức như những đại gia hi-end nhưng với những sự thể hiện gần đây, giới hi-tech trẻ cũng đang dần chạm đỉnh.

Thuộc tuýp thế hệ công dân Internet cuối thập niên 90, Hùng «OCZ» là một người mà theo định nghĩa của anh là «Sẵn sàng chết để overclock PC». Niềm vui của chàng trai 8x này là thử nghiệm các mẫu chipset máy tính mới và nâng xung nhịp lên mức cực đại và khoe chiến tích tại các diễn đàn trực tuyến. Anh chia sẻ: «Vàng dẫn nhiệt tốt nên vì thế nhiều chất liệu tản nhiệt trong quá trình ép xung đều có dính đến vàng. Đó có thể là phiến tản nhiệt của socket hoặc thậm chí hoà lẫn trong kem tản nhiệt».

Lần chơi nhất của Hùng là khi đem socket đi mạ vàng toàn bộ để ép xung dòng Core Quad của Intel. Cái khó không phải là vấn đề tiền mà là tìm được thợ kim hoàn nhận làm bởi nếu không cẩn thận sẽ bị lẫn tạp chất, ảnh hưởng tới quá trình ép xung, từ đó giảm tuổi thọ vi xử lý.

Với việc dát mỏng ở một tỷ lệ nhất định trên các thiết bị điện tử, bằng các đặc tính vốn có, vàng sẽ giúp quá trình trao đổi tín hiệu được thông suốt cũng như giảm thiểu độ suy hao của điện từ. Hầu hết trong cấu thành linh kiện của các thiết bị điện tử của Sony hay Panasonic đều có một tỷ lệ sử dụng vàng nhất định. Chẳng thế mà có câu chuyện một người Nhật sau 6 năm tổng hợp linh kiện ở các bãi rác công nghệ đúc được một thỏi vàng nặng hơn 1 ounce.

Hiện nay việc ứng dụng các sản phẩm hi-tech dát vàng được sản xuất đại trà hơn với đa dạng các mẫu mã thiết bị đầu cuối. Đó có thể là những card âm thanh với các chấu mạ vàng hay các chân USB cao cấp vàng óng.

 

Điển hình của việc ứng dụng mạ vàng trong các thiết bị hi-tech mới chính là các dòng sản phẩm cho game thủ, vốn cần sự chính xác, độ nhạy cao trong từng thao tác.

Lấy ví dụ dòng sản phẩm chuột đặc chủng cho game thủ Xai Laser của nhà sản xuất SteelSeries. Không góc cạnh, hầm hố như các sản phẩm của Microsoft hay Razer, Logitech, chuột Xai Laser được đánh giá cao ở độ nhạy tốt, khả năng quét chuẩn khi di trên mặt bàn. Tính riêng giá thành của model này đã xấp xỉ 2,5 triệu đồng, đắt nhất trong các dòng chuột chuyên dụng cho game.

Thanh Hải, «xạ thủ» chuyên nghiệp trong các game bắn súng vừa đầu tư Xai Laser cho biết: «Thường thì dòng chuột cho các game bắn súng rất ít và khó lựa, các hãng sản xuất hiện nay thường chỉ thêm nếm tính năng chứ ít khi chú trọng trong việc đầu tư về chất liệu. Đầu cắm USB của Xai Laser mạ vàng nên cũng góp phần tăng độ nhạy kết nối, tránh bị chệch mục tiêu trong những tình huống cần độ chính xác cao».

Một đặc điểm nữa khiến vàng được tôn vinh trong giới sành công nghệ chính là việc các chi tiết dát vàng có độ bền cao. Nếu như các chân cắm bằng hợp kim sau quá trình sử dụng thường hoen rỉ, dẫn tới trường hợp hỏng hoặc giảm chất lượng thì những chi tiết được mạ vàng đều tránh được tình trạng này.

 

Vàng trong hi-tech - đắt xắt ra miếng

Theo một nghiên cứu mới đây thuộc ĐH Công nghệ Sydney, việc ứng dụng vàng ròng vào chế tạo các siêu tụ điện đem tới những kết quả vượt cả kỳ vọng. Bằng cách thay thế tụ vàng cho các tụ điện carbon truyền thống, kết quả thu được là việc các siêu tụ điện mới này có thể trữ năng lượng gấp gần 6 lần.

Những nghiên cứu này chính là tiền đề của một hướng đi mới trong ngành công nghiệp chế tạo linh kiện, thiết bị khi mà nó giúp tăng cường hiệu năng của các thiết bị hi-tech cũng như tăng độ bền của chúng.

Theo đó, nhờ những đặc tính «vàng» của vàng, nó có thể tích và truyền điện nhanh, toả nhiệt ít, từ đó tăng thời lượng sử dụng của các thiết bị, đặc biệt là pin hay các thiết bị cần một lượng lớn năng lượng khi khởi động máy như di động, máy tính xách tay.

Mặt khác, theo quan điểm chuyên môn của ông Minh Đức, giảng viên Điện tử viễn thông tại một trường ĐH Hà Nội cho biết: «Trước sự tăng tiến của công nghệ trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc ứng dụng vàng vào công nghiệp sản xuất, bán dẫn một cách sâu rộng là việc làm cần thiết bởi đây là vật liệu đắt tiền nhưng có độ bền cao hơn cũng như chất lượng tốt hơn gấp nhiều lần so với các vật liệu thường. Ngoài ra, trong điều kiện sử dụng của Việt Nam hay nhiều nước châu Á, thuộc vùng khí hậu ẩm thấp, các thiết bị hi-tech khi sử dụng linh kiện cấu thành từ vàng sẽ tránh bị hư hao do các yếu tố môi trường không khí ẩm, bị rỉ sét».


Thu Hồng


Bình luận
vtcnews.vn