Hi-end chơi là không có điểm dừng

Tổng hợpThứ Ba, 21/06/2011 05:49:00 +07:00

Âm thanh được mô tả như một thứ gây nghiện tràn đầy hưng phấn, vì vậy, nghiệp chơi hi-end được ví là cuộc đua của những “con nghiện” đam mê giá trị nghệ thuật.

 Âm thanh được mô tả như một thứ gây nghiện tràn đầy hưng phấn, vì vậy, nghiệp chơi hi-end được ví là cuộc đua của những “con nghiện” đam mê giá trị nghệ thuật cao cấp.

 
Nghiệp chơi thượng lưu

Âm nhạc nói chung là thứ có thể dành cho bất cứ ai, từ tầng lớp bình dân tới những bậc trí giả, học giả, từ những người không biết một nốt nhạc tới những chuyên gia thẩm âm, những tay chơi sành điệu trong lĩnh vực âm thanh. Chính bởi vậy cách thưởng thức âm nhạc cũng sẽ phân hóa theo từng đối tượng. Và hi-end chính là đỉnh cao trong cách nghe nhạc, cũng như nghiệp chơi âm thanh đầy công phu của những “tín đồ” âm nhạc. Dân chơi hi-end, hay còn gọi là audiophile - những “con nghiện” của thiết bị âm thanh đỉnh cao. Lỡ “chơi” rồi là khó dứt ra được cái cảm giác mê hoặc, đắm chìm trong thứ âm thanh thuần khiết của những dàn phát hi-end.

Theo định nghĩa của dân chơi, trên đời có ba thú chơi đắt tiền nhất là sưu tầm tranh, đá quý, đồ cổ, đồng hồ; chơi “xế hộp” và cuối cùng là chơi hi-end. Cái thú vui tưởng chừng rất bản năng này nếu cứ mải dốc hầu bao chạy theo, đến lúc giật mình thì đã “đốt” tới vài trăm triệu thậm chí vài tỷ.

Trong vài năm gần đây, trước sự lớn mạnh của các dòng âm thanh vi tính, điện tử, giới dân chơi hi-end đã có chút nhún mình nhường bước. Đó không phải là sự thua thiệt về mặt công nghệ hay chất lượng mà đó là sự chọn lọc, phân cấp một cách hoàn chỉnh đâu là audiophile thứ thiệt.

Theo định nghĩa của dân chơi hi-end, việc có nhiều người chơi bỏ ra vài nghìn USD để dựng nên một bộ máy tính với đủ thứ linh kiện cao cấp như card sound, loa, dây cùng những bộ sưu tập nhạc lossless vài terabyte chỉ là “gà công nghiệp”. Bởi “đó là thứ văn hóa lười nhác và “ăn sẵn”, theo một nhận định của một audiophile.

Lẽ dĩ nhiên, chơi thì ai cũng có quyền chơi nhưng một audiophile chính hiệu phải hội tụ đủ niềm say mê và am hiểu để chọn cho mình một bộ dàn hi-end ưng ý. Chính vì vậy, các thiết bị sound card máy tính cao cấp như HT Omega, Maya, Creative hay những bộ loa vi tính Bose Companion, Klipsch dù giá thành vài trăm USD nhưng đó vẫn chỉ là thứ âm thanh nhão nhoẹt và mất chất.

Theo anh An Đức, một audiophile trẻ cho biết: “Chơi hi-end phải có đủ 3 yếu tố, đam mê, thời gian và tài chính. Thiếu một cái thì tốt nhất đừng chơi bởi dù có tiền thì cũng chẳng bao giờ tậu nổi dàn âm thanh ưng ý nếu chỉ mua hàng theo kiểu ‘nhà giàu bán đất’, cứ đồ đắt là mua”.

Chính vì lẽ đó, cái nghiệp hi-end rất kén người chơi trẻ và cũng vì thế ngoài việc đòi hỏi có thời gian, nó còn cần tới sự đam mê, tìm tòi, thậm chí cả một trình độ thẩm âm sâu sắc. Thật khó chê trách những người trẻ hiện nay định nghĩa rằng giải trí HD trên PC là hi-end bởi thời gian eo hẹp và những gánh nặng về kinh tế khiến không phải ai cũng có đủ thời gian mà lao theo hi-end.

 

 

Chơi hi-end, ngấm là “phê”

Âm thanh hi-end có sức lan tỏa và lay động rất lớn, chẳng thế mà cứ ai lỡ nghe một lần rồi là muốn nghe tiếp, nghe mãi. Đó không chỉ là thú chơi mà đó còn là một liệu pháp tâm lý giúp giảm stress hữu hiệu, được đánh giá như những bài thuốc quý.

Cái lộ trình của dân audiophile bao giờ cũng bắt đầu từ việc “ngấm đòn” từ đâu đó, có thể là từ bạn bè hay trong một buổi hội hè, trà dư tửu hậu cùng thưởng thức nhạc trong một phòng nghe tại gia.

Nếu như chơi audio trên vi tính, chỉ với trên dưới 100 triệu là người chơi sở hữu một bộ âm thanh không khủng nhất thì cũng nhì, đủ sức cân tốt mọi yêu cầu từ nghe nhạc, xem phim HD hay chơi game thì với những audiophile, “chắc chưa đủ mua một bộ loa nghe được”.

Mua đồ âm thanh vi tính thì dễ lắm, bạn chỉ việc ra hàng máy tính và yêu cầu lắp một dàn PC cao cấp để giải trí. Một giờ sau bạn đã có chiếc máy đem tới tận nhà, lắp ráp hoàn chỉnh, bảo hành vài năm. Chơi hi-end thì không thế…

Hành trình hi-end bắt đầu từ việc chọn nhạc, mua đĩa rồi đi kiếm tìm từng bộ ampli, chọn từng đôi loa. Đỉnh điểm có thể lên tới những đơn hàng đặt loa, bóng hàng trăm triệu đồng vận chuyển công phu từ nước ngoài về rồi cả các thiết bị chấu cắm, dây loa và thậm chí là các vật liệu cách âm để thi công phòng nghe.

Muốn có được một bộ hi-end ưng ý, audiophile không thể rập khuôn theo kiểu “của bạn nghe hay là mua y hệt”. Thính giác cũng như khả năng thẩm âm mỗi người là khác nhau, do đó, việc lựa chọn hi-end được ví như những cuộc thập tự chinh đơn độc nhằm đi tìm một giá trị nghệ thuật.

 

Bắt đầu từ việc chọn loa, có thể chỉ vài triệu đồng nhưng lại rất phức tạp. Một bộ loa chuẩn phải có ampli hợp, giống như một “cặp vợ chồng hạnh phúc” thì mới tạo ra được chất âm như mong muốn và cái “bộ đôi” này cũng chỉ thích hợp với một vài dòng nhạc mà audiophile tâm đắc chứ không thể “nhạc nào cũng nhảy” như loa vi tính được. Lấy ví dụ như một bộ loa, ampli nghe nhạc vàng, chỉ cần bật nhạc ballad là lập tức dẫn đến hiện tượng méo tiếng, mất bass.

Âm thanh theo định nghĩa vật lý là những dải tần 20Hz đến 20KHz, các tiết tấu nhạc sẽ dao động trong khoảng này, đồng nghĩa với việc mỗi loại nhạc khác nhau có dải tần âm khác nhau. Tương ứng như vậy, việc chọn một bộ loa sẽ phụ thuộc vào audiophile có gu thưởng thức như thế nào.

Như đã nói, loa và ampli vẫn chỉ là giai đoạn tập sự của một audiophile. Các bước tiếp theo sau khi “phê” nhạc mới thực sự khủng khiếp. Có những giai thoại trong giới audiophile chẳng thiếu kẻ bỏ nhà bỏ cửa chỉ đi lùng mua từng chiếc bóng đèn xe tăng, máy bay tại các điểm phế liệu để về lắp ampli bóng hay những câu chuyện có thật về những bộ loa thùng tiền tỷ, làm từ những linh kiện cao cấp cùng thiết kế gia truyền cho chất âm đỉnh cao.

Chưa hết, dân chơi audiophile còn có những nỗi “khổ mà sướng” khác chính là việc đi tìm nguồn nhạc. Không dễ như thứ nhạc MP3 “ba phải” vốn dĩ nhan nhản trên Internet, cho tới vài triệu kết quả chỉ sau một lần tìm kiếm, những CD nhạc của giới chơi âm thanh là những trận lùng sục, đặt hàng có khi cả tháng để tìm được album mình yêu thích.

Nguồn nhạc này chủ yếu từ nước ngoài, được nhập về qua đường xách tay hoặc mua lại từ những người sưu tầm khác. Tuyệt nhiên chưa thấy audiophile chính hiệu nào lại sử dụng MP3 để chơi cùng dàn hi-end, dù đó thậm chí là nhạc lossless.

 
Trong một số trường hợp, cầu kỳ hơn, giới chơi âm thanh sẽ còn phải đặt mua cả đĩa than cùng đầu đọc và đó mới thực sự là một cuộc chơi đầy tính đánh đố nhưng lý thú. Theo anh Thanh, một người chơi âm thanh của diễn đàn Nghe nhìn Việt Nam cho biết: “CD đã khó, nhưng chơi đĩa than để kết hợp cùng ampli lại càng kỳ công. Từ khâu tìm mua, sưu tầm cho đến lưu giữ, bảo quản đều đòi hỏi độ hiểu biết và tìm tòi. Chưa kể phải biết bảo dưỡng, lưu giữ vì chỉ cần cong, vênh hay dính tí bụi là coi như hỏng cả cái đĩa quý. Hiện nay thị trường xuất hiện nhiều đầu đĩa than Trung Quốc với giá thành rẻ nhưng chất lượng tệ, nhiều khi nghiến cả đĩa”.

Với mức đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đổ lại cùng công sức lùng tìm, chọn lọc thiết bị, thẩm âm là một người chơi đã có thể bắt đầu dấn thân trên con đường audiophile. Tuy nhiên như đã nói, đã chơi là bị “thuốc”, cuộc chơi này sẽ rất bất tận và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tính tỉ mỉ cùng khả năng tài chính dư dả của những audiophile trên con đường hi-end.

Bài: Thành Long - Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn