TV 3D không kính vẫn còn là mơ ước

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 03:46:00 +07:00

Toshiba là nhà sản xuất TV đầu tiên trên thế giới bắt tay vào sản xuất TV 3D mà không đòi hỏi người xem phải mang kính chuyên dụng.

Toshiba là nhà sản xuất TV đầu tiên trên thế giới bắt tay vào sản xuất TV 3D mà không đòi hỏi người xem phải mang kính chuyên dụng. Công nghệ 3D không cần kính hiện nay đã xuất hiện, nhưng chỉ áp dụng cho màn hình cỡ nhỏ, tiêu biểu là máy game cầm tay Nintendo 3DS. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ ưu việt này trên màn hình kích thước lớn hơn vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

 

Toshiba đã từng công bố việc hãng này đang áp dụng công nghệ 3D không cần kính cho sản phẩm của mình, tuy nhiên không có thêm bất kỳ chi tiết nào cũng như ngày ra mắt của sản phẩm bí mật này.

 

Không cần kính vẫn xem được 3D

 

Việc hiển thị hình ảnh 3D không cần dùng kính chuyên dụng đã không còn xa lạ đối với giới công nghệ kể từ Triển lãm công nghệ E3 diễn ra hồi tháng 6 vừa qua tại Los Angeles, Hoa Kỳ, khi Nintendo cho ra mắt máy chơi game 3D đầu tiên trên thế giới mang tên Nintendo 3DS.

Hiện nay công nghệ được áp dụng để sản xuất 3D TV không cần kính là Stereoscopic. Mọi quá trình trích xuất hình ảnh 3D đều được thực hiện trong vi xử lý nằm bên trong mỗi chiếc TV 3D không kính. Hình ảnh 3D sẽ được truyền tải ở mọi góc độ nhằm tạo ra cảm giác về chiều sâu và độ nổi của hình ảnh cho người xem. Tuy nhiên để cảm nhận được những hình ảnh 3D kiểu này, người xem phải đứng ở một vị trí thích hợp, và hiện tại chất lượng hình ảnh vẫn còn khá thô sơ.

Mitsubishi cũng đang chế tạo thử nghiệm TV 3D áp dụng công nghệ này. Tuy chất lượng hình ảnh chưa ổn định, nhưng ở mức tốt nhất vẫn gây được ấn tượng khá tốt đối với người xem.

Được phát triển trên cơ sở công nghệ 3D không kính Stereoscopic, Auto-stereo là công nghệ mới nhất hiện nay được các hãng áp dụng cho sản phẩm của mình. Auto-stereo sẽ truyền trực tiếp hai luồng hình ảnh riêng biệt tới mỗi mắt của người xem để tăng cảm giác của người xem về “chiều thứ 3” của các hình ảnh. Công nghệ này được nhà vật lý người Anh Charles Wheatstone phát minh vào năm 1838.

 

Cần hoàn chỉnh về kỹ thuật

 

Áp dụng 3D không cần kính đối với các thiết bị cá nhân là việc khá dễ dàng, tuy nhiên để áp dụng nó cho màn ảnh lớn, nhiều người xem đồng thời thì lại là chuyện khác.

Theo định nghĩa, màn hình cá nhân sẽ chỉ có một người sử dụng và xem trực tiếp hình ảnh trên thiết bị này, vì vậy các hình ảnh 3D chỉ cần phục vụ cho một đối tượng, một cặp mắt của chủ sử dụng, với góc nhìn được xác định. Nhưng đối với màn hình lớn và có nhiều người xem cùng một thời điểm, hình ảnh 3D cần phải duy trì được độ nét, độ sâu ở mọi góc độ người xem…và đó là vấn đề mà các nhà sản xuất đang phải giải quyết.

Trước mắt việc áp dụng công nghệ này vào thực tiễn vẫn còn là một thách thức, bởi vậy cho đến cuối năm nay, chúng ta chỉ có thể hy vọng vào những chiếc TV 3D màn hình nhỏ hoặc trung bình.

 

 

Bài toán thương mại hóa

 

Khó khăn tiếp theo của các nhà sản xuất là phải làm sao cho công nghệ của họ có thể thương mại hóa được. Khắc phục được các vấn đề về kỹ thuật chỉ là sự khởi đầu, và việc làm cho một sản phẩm công nghệ phát triển rộng rãi tới người tiêu dùng lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

“Phillips trước đây cũng từng phát triển công nghệ 3D TV nhưng buộc phải dừng lại vì không có khả năng thương mại hóa công nghệ này” – David Mercer, chuyên gia phân tích tại Strategy Analytics cho biết. Việc thương mại hóa một sản phẩm công nghệ 3D trong thời điểm hiện nay là rất khó, một phần do giá cả của sản phẩm này không hề rẻ, giới tiêu dùng tỏ ra do dự khi phải bỏ thêm vài ngàn USD để nâng cấp TV của họ lên 3D trong tình hình nền kinh tế đang khó khăn.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hãng phân phối điện tử Retrevo: 58% khách hàng cho rằng TV 3D quá đắt. 43% cho rằng họ chưa cần tới sản phẩm này và 28% không mua TV 3D vì kính chuyên dụng làm họ khó chịu.

 

3D có hại cho sức khỏe?

 

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ thời gian khi phim “Avatar” công chiếu rộng rãi tại các rạp, phòng chiếu trên khắp thế giới… đa số khán giả vui vẻ xem phim và trở về nhà với ấn tượng về 3D, nhưng cũng không ít người xem xong lại thấy đau đầu, mỏi mắt, thậm chí hoa mắt và cả… chảy máu mắt. Vậy giới tiêu dùng có nên tin vào sự an toàn của 3D?

Ben Piper, chuyên gia phân tích tại Strategy Analytics, đã tiết lộ bản báo cáo về phản ánh của người tiêu dùng về sản phẩm 3D đối với vấn đề sức khỏe: 55% không chắc rằng 3D gây hại cho mắt người xem, 17% tin chắc rằng 3D có hại cho mắt.

Điều này hoàn toàn đúng, ngay cả Samsung cũng đã đưa ra khuyến cáo về tác hại của 3D đối với sức khỏe. Cụ thể, một số người xem có thể bị tai biến hoặc đột quỵ. Samsung khuyến cáo người tiêu dùng nên tham khảo ý kiến bác sỹ nếu như gặp phải triệu chứng như hoa mắt, trạng thái quá khích, buồn nôn,  loạn nhịp tim… sau khi xem 3D.

Vấn đề sức khỏe luôn được giới tiêu dùng trên thế giới đánh giá rất cao, ngoài những cản trở về kỹ thuật và thương mại, các nhà sản xuất nên để tâm hơn vào vấn đề sức khỏe khi phát triển công nghệ của mình.

 Khánh Duy

Ảnh: HTS

Bình luận
vtcnews.vn