Hồn chăm nơi tháp bà Po Nagar

Tổng hợpThứ Tư, 13/11/2013 10:11:00 +07:00

Với cảm xúc rất "đồng điệu" chị nói rằng có lẽ "hồn chăm" đã kéo chúng ta gặp nhau ở nơi đây. Chính xác không thể chối cãi.

Thật bất ngờ tôi gặp lại nữ họa sĩ người Italia Caterina Sforza ở tháp bà Po Nagar, mà cách đó một tháng tôi đã gặp chị ở làng tranh Đông Hồ. Với cảm xúc rất "đồng điệu" chị nói rằng có lẽ "hồn chăm" đã kéo chúng ta gặp nhau ở nơi đây. Chính xác không thể chối cãi.

Nữ vương Po Nagar biểu thị nữ quyền. Còn Thiên Y Thánh Mẫu Ana biểu thị thần quyền. Cả hai đều là một Po Nagar đáng kính trong văn hóa Chăm. Truyền thuyết về khúc kỳ nam mà một nàng tiên đã hóa thân vào nó để sau này trở thành Nữ vương Po Nagar thì đã qua lâu rồi, khép lại lâu rồi. Chỉ còn lại đây những suy tư hoài vọng của những người vãn cảnh như tôi và Caterina đứng trước Tháp Bà Po Nagar. Bên tháp, gió từ tả ngạn sông Cái thành phố Nha Trang đang bước vào thời hiện đại với những tòa nhà ba bốn chục tầng long lanh ô kính Eurowindow thổi vào lồng lộng, mà không thể xua tan đi những ý nghĩ mơ hồ để ngược thời gian trở về với Tháp Bà. Chiếc cầu Bông xinh đẹp vẫn đang ngày ngày soi nhìn dòng nước chảy và luôn dõi theo từng đổi thay của thời đại, dòng sông ấy có những con sóng cồn sẫm bóng mộng mơ đã đi vào thơ ca nhiều thế hệ, thì chỉ một sải chim bay thôi là lãng du tới đây để sống chậm với “hồn Chăm”.

 

      Những chiếc cột xây bát giác trụ vẫn đỏ au màu son sáng của gạch nung cho chốn kiến trúc đậm chất Chăm rất ít bị thời gian ăn mòn. Mà không rêu phong như Tháp Chàm hay Mỹ Sơn. Những khối tháp xây nặng nề cổ kính hình búp sen chứa đựng bên trong bao điều kỳ bí, lấp ló dưới bóng râm của những cây cổ thụ thấp tán giữa trưa với cái nắng non không gắt gay ở thời điểm đầu thu cuối hạ. Mà sao những tay thợ hơn nghìn năm trước đã giỏi thế, có thể làm nên kiệt tác.
      Theo truyền thuyết người Chăm thì Nữ vương Po Nagar còn gọi là Yan Pu Nagar, Po Inu Nagar hay Bà Đen, người Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana, là vì nữ thần được tạo nên từ áng mây trời và bọt biển. Người tạo dựng nên trái đất sản sinh ra gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Rồi lập ấp dạy cho thần dân của bà canh tác và chăn nuôi, tước vỏ cây dệt vải, múa hát tưng bừng. Bà có 97 chồng trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái tất cả đều hóa thân thành nữ thần trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay. Đó là Po Nagar Dara - nữ thần Kauthara ở Khánh Hòa, Po Rarai Anaih - nữ thần Pandaranga ở Ninh Thuận, Po Bia Tikuk - nữ thần Manthit ở Phan Thiết. Họa sĩ Caterina Sforza, khi nghe truyền thuyết này chị bình luận rằng hơn nghìn năm trước nữ quyền có thế lực mạnh hơn bây giờ, bởi vậy mới có khẩu hiệu “vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” trong thời hiện đại để đòi lại nữ quyền. Ôi Caterina! Chị thật đáo để. 

 

      Tương truyền tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm không mặc quần áo, ở trần khoe cơ thể giống như các tiên nữ Apsara ở các bức phù điêu trên đá trên đồng ở Angkor Wat - Angkor Thom ở Siem Reap bên Kh’mer. Thế thì hà cớ gì lại đi mặc xiêm y Phật cho Thiên Y Thánh Mẫu như bây giờ để không còn là Po Nagar chất Chăm hồn Chăm? Lại thêm một bình luận nữa của Caterina. “Theo mình thì chỉ cần đặt những chiếc lá nho vào những điểm nhạy cảm là đủ. Anh nhớ chứ? Tranh dân gian Đông Hồ “Hứng dừa” xứ sở anh, các cụ ngày xưa đâu có mặc đồ lót, vậy mà nhảy tâng lên tốc váy đỡ những quả dừa từ chàng trai hái trên ngọn cây ném xuống giữa thanh thiên bạch nhật có sao đâu?” Về lĩnh vực tranh tượng khỏa thân thì Caterina rất sành, chủ nghĩa phồn thực đích thực, bởi chị sinh ra và được nuôi dưỡng trong cái nôi của văn hóa phục hưng. Đi suốt đất nước Italia giờ vẫn là thế giới của tranh tượng khỏa thân.
        Khu di tích Tháp Bà Po Nagar thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa là một trong những quần thể kiến trúc đậm nét văn hóa Chăm-pa có quy mô vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung Việt Nam được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII thời kỳ đạo Hin-du Ấn Độ giáo đang cường thịnh tại Vương quốc Chăm-pa cổ. Po Nagar hay Tháp Bà là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển ở cửa sông Cái cách trung tâm thành phố Nha Trang 2km về phía Bắc nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi Tháp Po Nagar được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23m. 

 

      Tổng thể kiến trúc của Po Nagar gồm 3 tầng đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng nay không còn nữa, từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Ở tầng giữa gọi là Mandapa, tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm dành cho khách hành hương nghỉ ngơi chuẩn bị lễ vật và sửa soạn trang phục trước khi làm lễ chính thức ở tầng trên. Không gian Mandapa rộng chừng 300 mét vuông có 4 hàng cột hình bát giác bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ. Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ. Có lẽ là để bắc dầm xà đặt mái che. Caterina kéo chiếc thước dây đo đạc tỷ mỉ, chụp các bức ảnh đặc tả hàng gạch xây đỏ au như vớ được của lạ. 
      Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch không nhìn thấy chất kết dính. Tôi cho Caterina biết thế hệ các cụ tổ quê tôi xây công trình thường dùng đá vôi nung trắng tán nhỏ trộn với mật mía bền chắc tới bây giờ hơn cả xi măng. Nhưng Caterina lại đồ rằng người Chăm thời ấy có thể dùng nhựa cây trộn với phụ gia gì đó, chứ hồi đó chưa có công nghệ nung vôi. Tôi ngỡ ngàng về tư duy độc lập đầy cá tính của chị. 

 

      Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn cao khoảng 23m là tháp Po Nagar. Tháp có 4 tầng mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và các hình thú bằng đá. Ở 4 góc có 4 tháp nhỏ bên trong là tượng nữ thần cao 2,6m tạc bằng đá hoa cương màu đen, mà trước đó theo truyền ký ghi chép là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng. Nữ thần ngồi trên bệ đá hình đài sen uy nghiêm lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm-pa và sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và trạm nổi. Trên đỉnh, là thần Siva cưỡi ngưu (thần Nandin) và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi… Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá hình những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên. Cửa chính ở phía đông dẫn vào một tiền sảnh và hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hình thuẫn trên đó có đắp nổi hình nữ thần Durga đang múa đúng là phong cách phồn thực, rất phồn thực, giữa hai nhạc công hai bên cũng phồn thực không kém. Bên trong tháp tối và lạnh, cuối tháp có một bệ đá đặt tượng Bà Po Naga với 10 cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vật dụng như đoản kiếm, mũi tên, trùy, và cây lao ở phía phải, và dĩa, chuông, tù và ở bên trái. Các tháp khác thờ thần Siva một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo, rồi thần Sanhaka, thần Ganeca mà theo truyền thuyết là con trai thần Shiva. 

 

      Trong quần thể kiến trúc này còn lưu giữ nhiều bia ký cổ nhất của người Chăm ghi lại việc cúng ruộng và dân công, nô lệ cho nữ thần, những lời ngợi ca Thánh Mẫu, liệt kê những cống phẩm quý giá cũng như những tốn kém trong quá trình xây dựng tháp. Khu di tích Tháp Bà được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979. Với lối kiến trúc độc đáo và đặc sắc, quần thể đền tháp Po Nagar là nơi hành hương của các tín đồ đến tiến hành các nghi lễ tôn giáo thường thu hút rất nhiều khách đến tham dự.
      Lễ hội Tháp Bà thường diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng ba Âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu tôn vinh những nét đẹp của văn hóa Chăm và được xếp hạng là một trong mười sáu lễ hội quốc gia. Ví dụ năm ngoái theo người quản lý di tích kể lại, đã thu hút hơn năm nghìn người thuộc 100 đoàn hành hương đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
      Lịch sử xây Tháp Bà cũng lắm công phu. Theo truyền kỳ thành văn ngôi tháp nguyên thủy được dựng bằng gỗ quý thơm thờ nữ vương Jagadharma - Công chúa Tchoukoti hay Thiên Y Thánh Mẫu, cai trị lâm ấp từ năm 646 đến năm 653, được Prithi Indavarma cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang) trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (xóm Bóng), chính là ngọn đồi bây giờ, để thờ tượng nữ thần Bhagarati bằng vàng. Năm 774 quân Nam đảo Java – Indonesia vào cướp phá, đền Po Nagar bị quân Nam đảo phá hủy sau đó được Sati Avaman cho dựng lại bằng gạch. Năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay, nhưng cũng đã bị hủy hoại một phần đáng kể. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai ông là Vikrantavarman III kế tục có thể đã lần lượt xây dựng thêm 5 tháp nữa. Những cấu trúc xây dựng còn sót lại có niên đại sớm nhất theo Trần Kỳ Phương Mandapa thì nó đã được xây dựng vào thời gian nào đó trước khi có câu khắc trên bia năm 817 có nói tới nó. Trần Kỳ Phương cho rằng tháp nhỏ phía Tây Bắc có niên đại khoảng thế kỷ X, và ngôi tháp chính có niên đại khoảng thế kỷ XI. Những bia ký còn sót lại ở Po Nagar cho người ta thấy được dấu vết của một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ.

 

      Hồn Chăm ở Tháp Bà Po Nagar chính là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm tồn tại trên 10 thế kỷ. Gạch đất nung xây khít mạch, tháp quay về hướng đông, ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ và đấu, với nhiều nét trang trí hoa văn. Lễ hội tháp Po Nagar được coi là lễ hội lớn nhất khu vực nam Trung bộ và Tây Nguyên, gắn liền với truyền thuyết tục thờ nữ thần Thiên Y Ana - Bà mẹ xứ sở của đồng bào Việt – Chăm thuộc các tỉnh miền Trung. 
      Người quản lý di tích khoe rằng nếu đến với Tháp Bà Po Nagar vào những ngày đầu xuân, tức là những ngày có lễ hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của khu tháp cổ, mà còn có cơ hội ngắm hoa Chăm-pa, thưởng thức các điệu múa Chăm, tìm hiểu và tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Chăm biểu diễn các quy trình làm gốm, dệt thổ cẩm, một hồn Chăm đặc sắc để lại những ấn tượng khó phai.
      Họa sĩ Caterina Sforza nhìn tôi nhướn gương mặt trẻ măng trong veo lên bầu trời lim dim mắt hít hà vài nhịp thở như luyến tiếc “hồn Chăm” chưa trọn vẹn. Đừng buồn! – Tôi nói – Và mua tặng chị một mảnh vải thổ cẩm, một bình gốm nhỏ, và một bức tượng cũng nhỏ thôi một cô gái múa Chăm-pa rất… phồn thực từ cửa hàng Souvenir. Vậy là “hồn Chăm” sẽ tới nước Italia xa xôi. Chia tay mà không hẹn gặp lại, vì cả hai cách nhau tới nửa vòng trái đất.

Bút ký của Khiếu Quang Bảo
Bình luận
vtcnews.vn