Dấu chân người lính

Tổng hợpThứ Sáu, 26/04/2013 12:28:00 +07:00

Tới bây giờ “chất lính” vẫn sâu đậm trong con người họ, mặc dù bốn mươi năm về trước họ mới thực sự là “lính” trong ba chiến dịch lịch sử...

Tới bây giờ “chất lính” vẫn sâu đậm trong con người họ, mặc dù bốn mươi năm về trước họ mới thực sự là “lính” trong ba chiến dịch lịch sử “Ðiện Biên Phủ năm 1954”, “Ðiện Biên Phủ trên không 1972” nơi bầu trời Hà Nội, và “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng miền Nam năm 1975. Nhưng mỗi chuyến cùng nhau trở lại thăm chiến trường xưa để tri ân các anh hùng liệt sĩ vốn là đồng đội như lần này về Tây Nguyên nhân kỷ niệm 38 năm giải phóng chẳng hạn, họ đều dùng cặp từ “Hành quân” mặc dù bây giờ họ đã là cựu chiến binh. Tháng 10 năm ngoái họ trở lại Sơn La – Ðiện Biên – Lào Cai cũng thế, là “Hành quân” và “Hành quân”.

Vẫn những con người ấy: gần 300 cựu binh thuộc đủ các binh chủng lục quân, phòng không - không quân, hải quân, đặc công, thông tin liên lạc, đang cư trú ở mọi miền đất nước… Vẫn những con người ấy: Thiếu tướng Anh hùng LLVT Phạm Ngọc Lan trưởng đoàn, cùng CCB Nguyễn Văn Vị và Trần Thảo – hai “kiến trúc sư” cho những chuyến đi “hoành tráng” như thế này.

 Đoàn CCB Quảng Trị sáp nhập đoàn tại cột cờ Vĩnh Linh

Từ Hà Nội, 4 ban liên lạc CCB các tỉnh phía Bắc “hành quân” tới Ðồng Hới - một miền đất lửa thời chiến tranh. Tại đây CCB Quảng Bình sáp nhập đoàn. Họ thăm Ðại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và thắp hương nơi tượng đài Mẹ Suốt Anh hùng. Tới Cột cờ Bắc cầu Hiền Lương CCB Quảng Trị sáp nhập đoàn. Ðoàn thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị và thả hoa trên sông Thạch Hãn. Và khi đoàn “hành quân” đến Kon Tầng – Mang Yang, CCB Mang Yang và khu vực Ðắc Hà - Ðắc Tô - Kon Tum nhập đoàn. Một trung đoàn CCB binh chủng tổng hợp đấy.

Vâng. Tôi đã cùng “hành quân” với “Ðoàn CCB ba chiến dịch lịch sử” từ Hà Nội tới Mang Yang, và thắp hương nơi tượng đài liệt sĩ huyện Mang Yang và Ðắc Bơ tỉnh Gia Lai. Anh hùng LLVT Bùi Ngọc Ðủ đón chúng tôi tại Mang Yang quê anh. Bùi Ngọc Ðủ đã “bị” làm khó. Cách đây hai tháng ra Hà Nội họp trù bị cho chuyến “hành quân” này, con số đăng ký đi có 120. Thế rồi tới hôm nay con số đội dần lên tới gần 300. Mà Bùi Ngọc Ðủ phải lo ăn - ngủ cho đoàn ở khu vực này. Ban đầu anh “hoảng”. Trước khi “hành quân” điện vào anh lại cười phấn khởi: “Yên tâm đi! Tỉnh ủy - Ủy ban Gia Lai “đỡ” tất. Càng đông càng vui!”

Mang Yang là địa danh nổi tiếng của tỉnh Gia Lai gắn với cuộc chiến giải phóng Tây Nguyên. Có một Trung đoàn 95 mang tên Mang Yang, hai lần danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Chiến tích của trung đoàn gắn liền với địa danh đèo Mang Yang và cái tên đoàn Mang Yang là do nhân dân Gia Lai yêu quý đặt cho.

 Đoàn CCB Quảng Bình sáp nhập đoàn dưới chân tượng mẹ Suốt

Ðêm ở Mang Yang “Ðoàn CCB ba chiến dịch lịch sử” có đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng với CCB và Ðoàn thanh niên huyện Mang Yang. Bí thư huyện ủy và Chủ tịch huyện cùng đến chung vui. Có lẽ tôi không bao giờ quên được đêm “văn hóa cồng chiêng” này. Hồn cốt cồng chiêng Tây Nguyên bốc lửa trong mỗi trái tim con người Tây Nguyên. Những tiếng chiêng âm vang ấy, giọng ca núi rừng mênh mang ấy tôi đã nghe ở đâu đó trong một không gian biểu diễn nghệ thuật nhưng nó không dữ dội như đêm nay ở Mang Yang. Anh hùng LLVT Bùi Ngọc Ðủ ngồi cạnh tôi cho rằng cảm nhận ấy là chính xác. Vì nó chân thực. Hôm anh ra Hà Nội cùng nhạc sĩ Huy Thục và các cựu binh Nguyên Văn Vị - Trần Thảo có ghé thăm gia đình tôi. Bùi Ngọc Ðủ nói vui nhiều người biết tên anh là nhờ bài hát “Con suối La La” của Huy Thục. Tôi thì cho rằng bài hát của Huy Thục hay vì có chiến công diệt Mỹ 1 thắng 20 trên “Ngọn đồi không tên” nay mang tên tiểu đội Bùi Ngọc Ðủ. Mọi người cùng cười toé loé “thôi thì dựa vào nhau cùng nổi danh”. Ban nhạc thanh niên trai gái tuổi đôi mươi săn chắc như màu ba-zan và nồng nàn như hương cà phê hồ tiêu xứ sở Mang Yang có cái tên rất đặc thù “Làng cồng chiêng DeKtu”. Âm vang bật tuôn hứng khởi ở tất cả các cuộc vui ví như đêm nay. “Làng trưởng” Cồng chiêng thật chí lý khi anh nói “Hát cho đồng bào tôi nghe, cho tuổi trẻ ta nghe”.

Ðoàn “hành quân” về Pleiku. Pleiku trong tôi là một “Phố Núi” đầy cảm xúc  mà tôi đã một lần thăm vội cách nay vài năm. Pleiku là cao nguyên Bắc giáp Kon Tum, Nam giáp Ðăk Lăk, Tây giáp Campuchia, Ðông giáp 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên. Cao nguyên trung phần trong đó có Pleiku hội đủ các yếu tố thuận lợi về quân sự và kinh tế, nhiều nhà quân sự vẫn cho Pleiku là mái nhà của Ðông Dương. Pleiku lại có ưu thế về thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu...

Chính thiên nhiên sông núi đất đai và khí hậu nắng bụi mưa sình và mù sương giá lạnh khắc nghiệt đã bồi đắp nên con người Pleiku có một tính cách riêng: hồn nhiên, đôn hậu, mạnh mẽ và bình dị. Sẽ ngỡ ngàng trước một đóa dã quỳ màu vàng chập chờn trên núi hay ngả nghiêng trên con lộ quê, hoặc một chút lửa hồng bếp củi trong nhà sàn hay ngoài nương rẫy. Hồn cốt của Phố Núi đấy. Mà nghe lòng mình cùng Phố Núi chao nghiêng. Tôi từng nhớ mông lung hương cà phê Dinh Ðiền một sáng chủ nhật mưa bay, nhớ cái cay hít hà xé miệng của tô bún bò, nhớ món hủ tiếu khô đậm đà chân chất, nhớ những hột bắp dẻo mà thơm của em gái Pleiku má đỏ môi hồng nấu nung. Ðó là ma lực của Phố Núi.

 Đoàn CCB viếng tượng đài Bác Hồ ở Tp Pleiku - Gia Lai

Một ngày ở Pleiku, đoàn “CCB ba chiến dịch lịch sử” đã được lãnh đạo tỉnh Gia Lai và CCB tỉnh đón tiếp thân tình đồng đội nhưng nghi thức trang trọng và rất “lính” có cảnh sát cơ động tháp tùng và hai hàng quân đội bồng súng nghiêm chào. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai nói rằng họ vinh hạnh được đón các thế hệ quân nhân tiền bối, các “đại thụ”. Tôi không nghĩ đó là câu nói “làm đẹp lòng nhau”. Trong đoàn CCB ba chiến dịch lịch sử này có tới 3 Anh hùng lực lượng vũ trang: Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, Ðại tá Nguyễn Ðình Khoa, Ðại tá Bùi Ngọc Ðủ, cùng một Tiểu đoàn trưởng Ðơn vị Tên lửa Anh hùng bắn rơi tới 4 máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội: Ðại tá Ðinh Thế Văn. Ðoàn được lãnh đạo tỉnh Gia Lai hướng dẫn tới nghĩa trang liệt sĩ Gia Lai thắp hương và viếng mộ Anh hùng Núp. Lại một đêm giao lưu văn nghệ tràn trề vui. Những bài ca về xứ sở Tây Nguyên thêm một lần “nóng” lên với những: Lửa Tây Nguyên, Bài ca Anh hùng Núp, Cô gái Pa Cô, Em là hoa Pơ-lang…   những ca khúc Tây Nguyên sống mãi với thời gian.

Chia tay Phố Núi, đoàn “hành quân” thăm chiến tích Buôn Ma Thuột. Tượng đài Chiến Thắng ở Quảng trường Ngã Sáu đã mô phỏng chiến công thần tốc và anh dũng của quân dân Tây Nguyên mang biểu tượng lịch sử. Chiến trận Buôn Ma Thuột tái hiện trong tâm trí tôi như những thước phim tài liệu trong những ngày tháng 3 – 1975 tôi cập nhật trong bản tin chiến sự Tây Nguyên tại Hà Nội. Từng mũi tiến công, từng cứ điểm đánh chiếm mang thế “chẻ tre” mà quân đội ngụy không còn bình tĩnh để trở tay. Như hiệu ứng domino. Những người cựu binh trong đoàn chen nhau chụp ảnh kỷ niệm bên chiếc xe tăng đầu tiên mang số hiệu 980 đánh chiếm Buôn Ma Thuột đặt nơi chân tượng đài Chiến Thắng cứ như sự kiện mới xảy ra hôm qua hôm kia. Không biết trong gần 300 CCB trong đoàn ai đã tham gia trận chiến giải phóng Tây Nguyên này? Có thể khẳng định chắc chắn nếu kể tham gia chiến trường miền Nam thì là tất cả.

 Đội cồng chiêng Dektu huyện Mang Yang

Năm nào chí ít “Ban liên lạc CCB ba chiến dịch lịch sử” cũng có một chuyến đi về lại chiến trường xưa và tri ân đồng đội với quy mô 2-3 trăm người, dài ngày, dài đường, quân phục 4 bộ mang theo tề chỉnh ngực mang đầy Huân-huy chương. Tôi từng đặt câu hỏi ở cái tuổi rất ít 60 đa phần 70 - 80 mà sao các “cụ” lại có sức khỏe dẻo dai đến thế? Có lẽ là tình đồng đội, tình yêu thương những người đã khuất đã cho họ bền chí. Tôi có người em họ Tết rồi khoe đã tìm thấy mộ người bác ở nghĩa trang Bình Ðịnh nhưng quyết định không chuyển cốt về nghĩa trang quê nhà với lý do như một triết lý, rằng “người lính sống hay chết đều phải có đồng đội”. Ngay như cựu binh Trưởng Ban liên lạc Nguyễn Văn Vị tháng 2 rồi các CCB tổ chức lễ thượng thọ 80 tuổi cho “cụ” nhưng vẫn minh mẫn cùng cựu binh Trần Thảo “thiết kế” những chuyến đi công phu tốn kém thời gian và cả tài chính từ số lương hưu ít ỏi. Thỉnh thoảng gọi điện cho họ thăm hỏi cả hai lại khoe đang “thiết kế” chuyến này chuyến nọ và mời gọi “Ði nhé!”. Có lẽ họ được “Âm phù – Dương trợ” của những người chiến binh đã khuất và cựu binh đang sống. Ý nghĩa của cuộc đời đôi khi giản đơn như bàn tay có năm ngón khi xòe rộng trước mặt: “Gia tài chỉ có bàn tay / Ðường gân xanh vết chai dày thuở xưa”.

Ðoàn còn tiếp tục đi Ðà Lạt đến với danh thắng Công viên thành phố, Thung lũng Tình Yêu và Ðồi Mộng Mơ mà ngắm nhìn ngàn hoa nơi Xứ Hoa. Vào Sài Gòn thăm địa đạo Củ Chi. Ðến Bến Nhà Rồng và Dinh Ðộc Lập, những địa danh gắn với lịch sử Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Rồi tiếp tục “hành quân” gần 2 nghìn cây số theo đường Hồ Chí Minh về Hà Nội.

Ðể rồi sau đó dăm bữa nửa tháng hồi sức lại “hành quân” tiếp những cuộc đi tri ân và giao lưu đồng đội ngắn ngày ngắn đường ở những tỉnh thành gần mà không biết mệt mỏi. Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có một ca từ “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” trong ca khúc “Bước chân trên dải Trường Sơn” có lẽ chuẩn không cần chỉnh.

Ðêm 21 tháng 4/2013

 

Thiếu tướng AHLLVT Phạm Ngọc Lan và đồng đội bên mộ anh hùng Núp 

  Trung đoàn Mang Yang

 Tháng 3 năm 1975 khi quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên thì đoàn Mang Yang được Bộ Tư lệnh mặt trận tin tưởng giao nhiệm vụ cắt đường 19 dài ngày trên đoạn từ đèo Mang Yang đến Lệ Trung mà trước nhất là phải diệt được căn cứ Ayun của địch - một nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì căn cứ Ayun được trang bị hỏa lực rất mạnh. Tuy nhiên ngay trong ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên chỉ mất 3 giờ trung đoàn Mang Yang đã tiêu diệt gọn căn cứ này, sau đó phát triển lực lượng đánh xuống tận đèo Mang Yang chiếm trạm thông tin của địch trên đỉnh đèo chính thức làm chủ một đoạn quốc lộ 19 dài 20 km từ Kon Dơng đến đèo Mang Yang. Và ngày 17 - 3 cùng với quân dân các dân tộc Gia Lai trung đoàn 95 tiến vào giải phóng thị xã Pleiku chiếm Sở chỉ huy quân đoàn II ngụy, sân bay Cù Hanh và toàn bộ hệ thống kho tàng, bắt sống đại tá tỉnh trưởng Kon Tum. Cách đánh giao thông đầy sáng tạo của trung đoàn đã được nâng lên thành một nghệ thuật quân sự mà như lời của Thượng tướng Ðặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy mặt trận Tây Nguyên, thì “Trung đoàn 95 là một trong những đơn vị thiện nghệ nhất về đánh giao thông của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước!”

 Viếng nghĩa trang LS thành cổ Quảng Trị

  Chiến dịch Tây Nguyên

Chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 4 - 3 đến ngày 3 - 4 - 1975 mật danh là “Chiến dịch 275” là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công Mùa Xuân năm 1975 do Quân đội nhân dân Việt Nam phát động tấn công. Ba ngày sau đó hầu như toàn bộ quân đoàn II ngụy ở Tây Nguyên bị tiêu diệt và tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7 định mệnh. Chiến dịch này mở đầu cho những thất bại quân sự khó cứu vãn cùng với những sai lầm có tính chiến lược trong phương án và cách thức điều quân phối chí lực lượng của các cấp chỉ huy mà đứng đầu là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của QLVNCH tại miền Nam Việt Nam dẫn đến sự chấm dứt cuộc chiến chống Mỹ - nguỵ 21 năm (1954 -1975) chỉ trong có 55 ngày.

Ghi chép của Khiếu Quang Bảo (Gửi từ Pleiku)


Bình luận
vtcnews.vn