Chuyện những người say Thất Thốn

Tổng hợpThứ Sáu, 01/02/2013 11:14:00 +07:00

Thất Thốn đẹp, quý đến độ nhiều người sẵn sàng khuynh gia, bại sản chỉ để chinh phục...

Thất Thốn – Cái tên nghe lạ với ngay cả nhiều người làng đào Nhật Tân, nhưng lại là tri kỷ với những ai trót nặng duyên với thứ đào được mệnh danh là kỹ tính, kén người trồng, kén cả người chơi. Cho đến giờ người có thâm niên nhất ở làng đào cũng chưa giải mã được nguồn gốc của Thất Thốn. Chỉ biết rằng nó đẹp, quý đến độ nhiều người sẵn sàng khuynh gia, bại sản chỉ để chinh phục được Thất Thốn…

Một túp lều tranh ở giữa đồng/Quạnh hiu ta sống suốt mùa đông/Hoa đào chớm nở mời xuân đến/ Thiếu nữ bên hoa má ửng hồng…Chu Tử Thành – lão nông năm nay đã xấp xỉ tuổi 80 cứ nhất nhất đòi phải đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ông sáng tác trước khi nói về Thất Thốn. Người ta bảo hình như mọi cái đẹp nhất, tinh tuý nhất của hoa đào đều biểu hiện trên Thất Thốn, còn với ông Thành, Thất Thốn như một người già mẫu mực, sống có phong cách và cầu kỳ.

Ông bảo, cũng vởi vì say Thất Thốn, bao nghệ nhân làng đào đã  tìm mọi cách để chinh phục, nhưng thành công tuyệt đối thì chưa có được mấy người và rồi Thất Thốn cứ thế mai một dần theo thời gian.

Hỏi ông Thành, Thất Thốn đẹp ở chỗ nào, ông bảo, khó bút nào tả xiết. Phải chiêm ngưỡng mới cảm nhận được và khi đã cảm được thì chơi mới thấy sướng. Thân cây tựa như đốt trúc, đỏ thẫm từ rễ đến ngọn. Từ cái gốc xù xì, khô khốc ấy những nụ hồng, những bông hoa đỏ như tiết dê bật ra, đẹp đến nao lòng.  Thất Thốn thường nở sáng một bông, trưa một bông. Cây nhiều bông thì chóng tàn, nhưng cây ít bông thì bền đến lạ lùng. Ngắm hoa  người ta thấy sự viên mãn, đủ đầy.  Điều này có lẽ chỉ ở giống đào quý mà thôi.

 
Khác với những giống đào bích, đào phai, Thất Thốn nở hoa muộn, khoảng sau rằm tháng Giêng, khi xuân đã cạn ngày. Thế nên, chăm thế nào, tính thế nào để ngày 30 Tết, Thất Thốn điểm xuyết được một bông và dăm ba cái nụ người làng phải đánh đổi không biết bao công của. Còn với ông Thành, nắm được tính tình, quy luật của giống đào quý này, phải mất đến cả chục năm trời.

Ông kể, năm mới bắt tay vào trồng đào, cữ khoảng năm 1965, tôi thường tìm đến nhà những bậc cao niên trong làng để xin được trà nước học hỏi. Thế rồi, trong một lần đến nhà cụ Thân, người thôn Đông, tình cờ gặp được Thất Thốn. Giống như một cô gái đẹp, có đứng giữa trăm ngàn thiếu nữ thì vẫn nổi bật, Thất Thốn đã làm tôi ngã gục ngay lần bén duyên đầu tiên. Cái thứ đào thật lạ, nhìn qua đã mê và càng ngắm thì càng thấy như không dứt ra được…

Từ ngày bén duyên với Thất Thốn, ông bảo say đến độ quên cả ăn, quên ngủ để tìm hiểu tâm tính, cách thức chăm sóc. Dò hỏi tất cả các cụ cao niên trong làng nhưng ai cũng lắc đầu không rõ xuất xứ của Thất Thốn. Có cụ cho rằng, có một vị quan nào đó đi sứ sang Trung Quốc, thấy giống đào đẹp nên đã mua mang về trồng trên đất Nhật Tân.

Hợp đất, thổ nhưỡng và khí hậu nên Thất Thốn đã bén rễ, nhưng cũng chính vì “gen” lạ nên chăm Thất Thốn cầu kỳ và rất khó, như đứa trẻ Tây mà ở ta vậy – ông Thành ví von. Điều đặc biệt là Thất Thốn sống rất thanh bạch, bón nhiều chất dinh dưỡng cây dễ bị chết nên đất càng cằn hoa càng đẹp, thắm sắc.

 
Còn cái tên “Thất Thốn” cũng mỗi người nói một cách. Có người bảo vì mỗi thốn dài chỉ bằng đốt ngón tay mà có thể trổ tới 7 bông hoa nên gọi là Thất Thốn. Người lại cho rằng vì cái lá của nó dài đến bảy thốn. Cũng có cách giải thích khác cho rằng, “thất” là mất, “thốn” là thiếu thốn, nên “thất thốn” là mất đi thiếu thốn để có no đủ…và cho đến bây giờ thì vẫn chưa có cách giải thích nào thuyết phục trọn vẹn cả.

Tính đến ngày quận Tây Hồ có quyết định thu hồi đất làng đào Nhật Tân (năm 2000) để xây khu đô thị, nhà cao tầng… thì lão nông Thành cũng có đến gần 40 năm gắn bó với cây bích đào và cũng là từng ấy năm thức ngủ cùng Thất Thốn. Từ ngày bích đào Nhật Tân phải chuyển nhà ra bãi sông Hồng, ông Thành cũng nghỉ trồng đào. Bởi ông cho rằng, cây đào quý phải hội tụ nhiều yếu tố và cái thứ đất sét ở cánh đồng đào Nhật Tân mới làm được thương hiệu cho bích đào.

Cũng như khi đưa Thất Thốn về nhà, phải dành cho nó một không gian thanh tao nhưng trang trọng mới xứng tầm được. Chả thế mà có phải ai cũng chơi được thứ đào này đâu. Trước thì gia đình quý phái, giàu sang mới dám chơi, còn giờ thì cũng… vô cùng lắm bởi cuộc sống thị trường mà.

Chinh phục thành công Thất Thốn

Hình như những người say đào đều có một niềm đam mê và một cách say giống nhau. Lê Hàm “bập” vào đào Thất Thốn cũng từ ngày đi bộ đội về. Thấy các bậc cao niên nhiều người nản lòng vì bao năm không chinh phục được Thất Thốn. Lê Hàm đau lắm, quyết khuất phục cho bằng được thứ đào đẹp mà kỹ tính này. Hôm nào cũng vậy, sớm tinh mơ anh đã có mặt ở vườn, tối nhọ mặt người mới về.

 
Trong làng, nhà nào trồng đào Thất Thốn Lê Hàm lại tìm đến để mua gốc, hỏi kinh nghiệm rồi cứ vừa làm vừa đi tìm lời giải cho sự thất bại. Và cứ một cái nụ, một bông hoa hiếm hoi nở trong ngày cận ngày Tết là lại tiếp thêm cho Lê Hàm nghị lực và niềm tin.

Có đợt, nghe một vị sư ở Quảng Ninh bảo có giống Thất Thốn màu hồng rất đẹp, anh đã tìm về tận nơi “săn” cho bằng được. Hay trong một lần lùng sục lên Sapa, anh đã tìm vào tận một bản sâu nhất đổi cho một người dân tộc 2 cân thịt trâu để mang về một gốc đào xù xì, khô khốc nhưng theo anh quý hơn vàng.

Càng đẹp càng khó tính và cầu kỳ. Thất Thốn là vậy. Lê Hàm bảo, trước đất trồng Thất Thốn là thứ đất sét trên cánh đồng. Từ ngày chuyển nhà ra bãi, đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ. Nước tưới phải là nước sạch, cây đào mới trở nên thanh cao, tao nhã. Ngày rét mướt, sương muối hay những hôm gió mùa là lại phải chuyển Thất Thốn vào nhà để sưởi ấm…

Mấy chục cây Thất Thốn, nhưng hỏi đến cây nào là Lê Hàm thuộc cây đó, cả cái nụ mới nẩy lên từ gốc. Thế mới biết, anh say Thất Thốn đến nhường nào.

Bao mùa Xuân vui, buồn, đắng cay cùng Thất Thốn, Tết năm 2009, cũng là 20 năm kể từ lúc theo đuổi, Thất Thốn trong vườn nhà Lê Hàm đồng loạt ra hoa. Những bông hoa đỏ thắm dưới nắng xuân. Và đến bây giờ khi nhắc đến Thất Thốn là người ta nói đến Lê Hàm. Hiện anh đang sở hữu đến 4 loại Thất Thốn: đỏ, hồng, phai và 5 cánh. Trong đó, Thất Thốn đỏ là quý và đẹp nhất.

“Khó định được giá trị cho một cây Thất Thốn lắm. Và nếu ai hỏi giá bao nhiêu thì ở hữu được một cây, tôi có thể mạnh dạn trả lời rằng vô giá. Tức, có thể là vài triệu, nhưng cũng có thể là vài chục triệu, thế nên người ta đã nói không quá rằng 1 triệu đồng một bông Thất thốn” – Lê Hàm khẳng định như vậy.

Tết đã cận kề, hơi thở mùa Xuân cũng gần gụi lắm rồi. Năm nay thời tiết rét đậm, những cây Thất Thốn được Lê Hàm chăm sóc, ủ ấm vẫn vẫn xù xì, khô khốc như thách thức, nhưng anh tự tin chỉ cần trước tết 20 ngày, thời tiết ấm lên là Thất Thốn có thể khoe sắc đúng ngày giao thừa. Hiểu được tính nết của một loài hoa mà bao người phải tán gia bại sản vẫn không chinh phục được như Lê Hàm quả đáng khâm phục.

Minh Anh

 

Bình luận
vtcnews.vn