Huyền thoại về hoa Tulip – Uất Kim Hương

Tổng hợpThứ Sáu, 24/02/2012 05:01:00 +07:00

Việt Nam và Trung Quốc gọi thứ hoa có búp như hoa hồng chưa mở cánh là Uất kim hương. Phần còn lại của thế giới lại gọi là hoa Tuy-líp.

     Việt Nam và Trung Quốc gọi thứ hoa có búp như hoa hồng chưa mở cánh là Uất kim hương. Phần còn lại của thế giới lại gọi là hoa Tuy-líp. Đôi khi ở Việt Nam ta cũng gọi hoa Tuy-lip. Nhưng Uất kim hương nghe thơ hơn, gợi cảm hơn.

Tết này, một người bạn quen ở Đà Lạt hứa gửi tặng tôi ít hoa Uất kim hương đủ cho một bình hoa Tết. Đổi lại, tôi sưu tầm giúp anh bài thơ về rượu Uất kim hương của Thi tiên Lý Bạch (đời Nhà Đường, Trung Quốc). Bài thơ  như sau:

Tạm dịch:     Khách trên đường

                 Lan Lăng rượu ngát Uất  kim hương

                 Sóng sánh tràn li ánh ngọc vương

                 Chủ khéo chuốc say lòng lữ khách

                 Quên khuấy mình đang kẻ tha hương

                 ( Bản dịch của ĐẶNG PHÚC AM)

 

 

Người bạn quen ấy cũng là một tín đồ của Uất kim hương như tôi vậy.

Lễ hội Hoa Hà Nội năm Canh Dần là một “Đại tiệc hoa” giữa trung tâm Thủ đô quanh hồ Hoàn Kiếm. Trong Đại tiệc hoa ấy, có một không gian đặc biệt, ở phía trước trụ sở Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hà Nội nằm trên Đường Đinh Tiên Hoàng, dành trưng bày hơn 22 ngàn bông hoa Tuy-líp đến từ Hà Lan - một đất nước gắn liền với hình ảnh guốc gỗ, cối xay gió và pho-ma - do bà Gerda Verburg, Bộ trưởng Nông nghiệp – Thiên nhiên và Chất lượng Thực Phẩm Hà Lan gửi tặng Thủ đô Hà Nội, để cùng khoe sắc với hàng trăm loài hoa Việt Nam.

      Hoa Tuy-líp được mệnh danh là “Lời bày tỏ của tình yêu”, nên lớp trẻ học sinh, sinh viên đến không gian này “đông như kiến cỏ”. Để ngắm. Bình phẩm. Để tạo dáng thể hiện mình và chụp ảnh.

      Một sinh viên gái có cặp mắt đen láy, long lanh sau cặp mắt kính trắng, thấy một người không còn trẻ mà cũng si mê Tuy-lip, lân la hỏi:

      - Bác có am tường về hoa Tuy-lip không ạ?

      - Bác am tường … ngoại cảm!

      - Cháu nói ý kiến riêng, bác xem sao?

      - Được. Chúng ta cùng suy ngẫm!

      Cô sinh viên vui, “tóm” được một chiên ngoan nghe mình truyền giáo.

      - Màu hoa Tuy-lip, là truyền đi một thông điệp tình yêu – Cô gái trẻ nói -

      Màu đỏ: “Hãy tin anh! Sự tuyên bố của tình yêu, tỏ lòng yêu mà chưa được đáp lại.”

      Màu vàng: “Tỏ tình yêu nhưng không hy vọng, một tình yêu tuyệt vọng.”

      Màu trắng: “Tỏ lòng yêu quý!”

      Trời ơi! Những điều ấy tôi chưa từng trải qua. Nhưng không thể không trả lời. Chính là lúc phải vận công ngoại cảm:

      - Cái đó cũng tùy tâm trạng người ngắm hoa. Bác đã nghe một chàng trai trước cháu, tại chỗ này, ngắm hoa Tuy-lip trắng, lại thở hắt ra, than: “Ôi! Dù ở trong bóng tối hay ánh sáng, hoa Tuy-líp trắng vẫn cho tôi cảm nhận sự đau buồn của một trái tim rỉ máu!” Có nghĩa là anh chàng đó đang thất tình!

      Cô sinh viên cười rũ: “- Có lý!”

      Bốn tháng rưỡi sau. Tôi có chuyến qua Bắc Kinh, may mắn được dự “Lễ Hội Văn hóa hoa Uất kim hương Bắc Kinh lần thứ nhất”. Người dân Bắc Kinh được thưởng thức cảnh đẹp hiếm có của biển hoa có tới 3 triệu bông Uất kim hương, thuộc hơn 70 loại hoa Uất kim hương như Bác-xê-lô-na, Mỹ nhân xấu hổ, Đôn–ki-hô-tê …

       Số tôi thường hay gặp may mắn. Tại đây, tôi gặp lại chị Quo Jiang Ming, phóng viên Đài Truyền hình Bắc Kinh, đồng học một khóa ở Học viện Truyền hình Islamabad - Pakistan. Hồi đó chị khoe đất nước Trung Hoa của chị có nhiều cái “number one”: Đồ sứ, hàng tơ lụa, thuốc bắc, võ thuật, xiếc, thể dục dụng cụ, tranh thủy mặc, truyện ngắn mi-ni. Tôi thêm: Dân số nữa chứ! Cả nhóm cười toáng. Nhắc lại chuyện này, tôi nói: Giờ thêm hoa Uất kim hương! Chị đập chiếc micro vào cánh tay tôi, cười mắng: “Bao năm rồi mà còn nhớ dai thế!” Chị cho tôi hay, tại Hội chợ Hoa Trung Quốc lần thứ 7, có ra mắt một Cảng hoa tươi Quốc tế Bắc Kinh nằm ở Dương Trấn quận Thuận Nghĩa. Cảng này đã nhập 3 triệu củ giống hoa Uất kim hương từ Hà Lan. Số lượng nhập khẩu củ giống lần này chiếm 1/5 tổng lượng nhập khẩu trong nước cùng năm. Và may thay 3 triệu củ hoa Uất kim hương đã ăn sâu bám rễ ở quận Ninh Thuận thành phố Bắc Kinh, và kết thúc thời kỳ ngủ đông, bước vào thời kỳ sinh trưởng.

      Vậy là cái loài hoa mà người ta cho rằng trong thế giới loài hoa chắc không có loài hoa nào so bì được với hình dáng và màu sắc cùng truyền thuyết về nó, đã khoác trên mình hai cái tên mà cả hai cùng đáng yêu, một bên là Tuy-líp, và một bên là Uất kim hương.

      Có lẽ đối với người Việt Nam, cái tên Uất kim hương thật gợi cảm và có phần ma mị.

      Alexandre Dumas đã để lại một tác phẩm văn chương nổi tiếng được chuyển ngữ tiếng Việt “Hoa Tuy-líp đen”, mô tả một mối tình tuyệt đẹp nẩy sinh trong ngục tối giữa một chàng trai đã lai tạo ra giống Tuy-lip đen bị hàm oan, với cô gái xinh đẹp con viên cai ngục.

      Cộng đồng cư dân mạng là các tín đồ của Uất kim hương, thì lập các Câu lạc bộ mở Forum trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube …làm diễn đàn chia sẻ và “góp cổ phần” bằng những comment về hoa Uất kim hương. Nhiều bài thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút, thậm chí cả nhạc nữa ...đã ném các nhân vật mang tên Uất kim hương vào tác phẩm, cùng những cảm xúc, sự kiện liên quan đến Uất kim hương.

      Ở Hà Nội có nhiều cửa hàng, quán sá mang tên Uất kim hương: Thời trang Uất kim hương, Spa Uất kim hương, Mỹ phẩm Uất kim hương, Café Uất kim hương… Tôi hay đến quán Café Uất kim hương, để được ngồi bên chậu hoa Uất kim hương đang độ mẩy tươi, cảm nhận về loài hoa có sức hút kỳ diệu này, mặc dù đó là hoa giả. Hoa thật ở Việt Nam chỉ trồng được ở Đà Lạt có khí hậu lạnh và trồng trong nhà kính.

      Uất kim hương có vẻ đẹp sang trọng và lịch sự. Hoa nổi hình kim hoặc hình chén. Bông hoa to mọng căng, giữa có chùm nhụy hoa cong cong gợi cảm. Hoa bọc sáu cánh chia làm hai hàng trong và ngoài. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau, hương thơm ngào ngạt. Vẻ ngoài Uất kim hương hao hao giống Hoa sen, lại cũng tựa tựa hoa Mẫu đơn nữa.

      Nay thì Uất kim hương là hình ảnh tượng trưng cho đất nước Hà Lan. Là “tứ đại quốc bảo” của Hà Lan, bao gồm: cối xay gió, pho-ma, guốc gỗ và hoa Uất kim hương. Tuy nhiên nó còn được trồng nhiều ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hung-ga-ry và Iran.

      Thật ra quê hương của hoa Uất kim hương là ở Cao nguyên Tây Tạng – Trung Quốc, và tên gọi Uất kim hương là từ nơi ấy. Nay Tây Tạng vẫn còn sinh trưởng không ít loài hoa Uất kim hương hoang dã.

      Hơn 2000 năm trước, hoa Uất kim hương được truyền đến Thổ Nhĩ Kỳ từ vùng Trung Á. Tương truyền vào thế kỷ XVI, một vị sứ giả người Áo tại Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy hoa Uất kim hương có sắc màu diễm lệ, bèn lấy một số cây mang về Vinara và trồng trong Cung đình Vinara. Một người Hà Lan lại lấy giống nó mang về Hà Lan.

      Sau khi người Hà Lan say mê trước vẻ đẹp diễm lệ, tao nhã, quý phái của hoa Uất kim hương, lập tức nó được nhân trồng quảng bá, được nổi tiếng khắp nước, và được đặt tên là hoa Tuy-líp. Hoa Tuy-líp trở thành loại hoa có giá trị rất cao. Có chuyện ở một đường phố Amutstan vào kì hoa đắt nhất, giá ba cây hoa Tuy-líp bằng một căn phòng đẹp.

      Hiện nay đất nước Hà Lan trở thành quốc gia xuất khẩu hoa và củ hoa Tuy-líp lớn nhất thế giới, tới 185 quốc gia, với khối lượng lớn như Mỹ, Đức, Nhật…

      Thực ra thế giới đã “phẳng” từ lâu chứ không phải chờ tới cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI khi có Internet cùng với những tiến bộ của công nghệ thông tin thế giới mới “phẳng”.

      Câu chuyện “Tấm Cám” của Việt Nam, “Chiếc Hài cườm Pha lê” của Nga, và “Lọ Lem” của Pháp cùng giống nhau về đề tài “Dì ghẻ - Con chồng” mà “chiếc giầy” là đầu câu chuyện. Các nhà học giả phương Tây đi tìm nguồn gốc của truyện dân gian sau khi quy chiếu nhiều khung, có kết luận: Gốc truyện là của một nước Hồi giáo, trong di tản văn hóa tới mỗi quốc gia, phần kết truyện được thay đổi khác nhau cho phù hợp với phong tục tập quán của quốc gia tiếp nhận văn hóa.

      Hoa Uất kim hương hay Tuy-líp cũng thế. Nguồn gốc và truyền thuyết về nó được dựng thành những câu chuyện ly kì và bí hiểm, được gắn với đặc trưng văn hóa của quốc gia đó để chứng minh rằng “Nó là của riêng ta!”

      Truyền thuyết đầu tiên về hoa Tuy-líp là truyện: “Tuy-líp – Cuộc chạy trốn bất thành”. Chuyện rằng: “Một lần đưa cơm cho cha, Tuy-líp – cô con gái của người chăn cừu, đã bị tên điền chủ bắt cóc đưa về làm thợ dệt thảm cho hắn. Cô bị nhốt trong một gian nhà tối om.

      Một mùa hạ tối tăm và tuyệt vọng trôi qua.

      Rồi một mùa thu buồn bã và một mùa đông lạnh lẽo cũng hết.

      Khi xuân đến, nỗi buồn nhớ cha mẹ, vườn nhà, núi non bỗng dày vò Tuy-líp khôn nguôi. Nàng quyết định bỏ trốn chứ không thể chết ở nơi đây.

      Một bữa nọ, kế hoạch bỏ trốn của nàng được các cô gái cùng cảnh ngộ ủng hộ.

      Vượt qua khung cửa sổ găm đầy mảnh thủy tinh, toàn thân nàng bị cứa rách đầy máu me. Tuy-líp chạy về phía đồi núi. Bị lộ. Tên điền chủ phi ngựa đuổi theo. Tuy-líp bị ngựa áp sát. “Không để bị bắt lại!” Nàng nghĩ, và quyết định quay đầu lao vào chân ngựa. Ngựa ngã. Điền chủ bị văng vào vách đá. Tuy-líp gượng dậy nhưng không còn đủ sức, nàng lảo đảo ngã xuống tuyết. Sớm hôm sau, từ nơi Tuy-líp nằm, một cảnh tượng lạ lùng hiện ra, trên bãi tuyết trắng lạnh xuất hiện cơ man bông hoa đỏ bừng nở. Người ta lấy tên nàng đặt cho hoa gọi là hoa Tuy-líp từ đó, tạo vẻ đẹp cho đời.”

      Lại có chuyện tên hoa Tuy-líp bắt nguồn từ đâu?

      Là loại hoa của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Hình ảnh của hoa được khắc họa trong nghệ thuật dân gian ở Ba Tư cũ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cái tên châu Âu Tuy-líp bắt nguồn từ một từ tiếng Ba Tư “Turban”, nghĩa là khăn xếp, là từ tập quán cài hoa lên chỗ xếp khăn của người Ba Tư. Cũng có thể là từ đặc điểm của hoa khi chưa nở to, giống chiếc mũ không vành hay khăn xếp.

      Người Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng không rõ từ khi nào, mà chỉ biết hoa Tuy-líp bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi “Tulipan”, vì hình dáng như chiếc khăn đội đầu của người Thổ thời kỳ đó.

      Chứng minh điều này có chuyện kể: Vua Thổ trước khi có lễ cưới một ngày, đã lệnh cho người làm vườn trong ngày cưới của mình phải có nhiều hoa Tuy-líp trưng bày trong Cung đình. Và ngoài vườn thì đầy hoa nở.

      Đận ấy là tháng 11. Người làm vườn nhờ một đạo sĩ thổi sáo suốt một ngày một đêm. Kỳ lạ thay sáng sớm hôm sau vườn hoa nở rộ đầy màu sắc.

      Vua Thổ ban thưởng người làm vườn một thanh vàng. Người làm vườn xin được trao lại cho người đạo sĩ và thưa rằng công ấy là của ông ta.

     Vậy có hoa “Tuy-líp đen” như trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas?

      Đêm tối ngự trị màu đen huyền bí, sức mạnh siêu nhiên. Nên hoa màu đen đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của con người về vẻ đẹp và sức mạnh tâm linh, và gắn cho nó nhiều huyền thoại huyễn hoặc.

      Người ta đã cố gắng rất nhiều trong lai tạo nhằm có được loại hoa Tuy-líp đen. Nhưng thất bại. Rồi lại dùng mọi thủ thuật bí mật, cũng chỉ cho ra đời loại Tuy-líp có màu tím xẫm hay đỏ xẫm, và cứ đồn bừa lên nó là đen.

      Dù sao chăng nữa những câu chuyện như thế được truyền đi rất nhanh, thêu dệt thêm yếu tố huyền bí như là một phát hiện mới, làm cho hoa Tuy-líp càng nổi tiếng và hấp dẫn.

      Tựu trung, chỉ có người Hà Lan là giàu có rất nhanh từ hoa Tuy-líp. Loài hoa được xếp vào hàng phát triển như “Cơn sốt vàng”, tương tự như “Cơn sốt Internet” những năm 90 vậy.


Ghi chép của Giang Lân


Bình luận
vtcnews.vn