“Dị nhân” làng Chèm.

Tổng hợpThứ Năm, 01/09/2011 08:11:00 +07:00

Phận đàn bà, lại gắn với nghiệp thuyền chài, có phải vì thế mà cuộc đời cũng cứ lênh đênh, ba chìm bảy nổi…

Phận đàn bà, lại gắn với nghiệp thuyền chài, có phải vì thế mà cuộc đời cũng cứ lênh đênh, ba chìm bảy nổi… Cứu người chết đuối, mò vớt xác người tử nạn, thậm chí cả bốc mộ…, việc gì bà cũng đã từng làm mà chẳng bao giờ đòi hỏi hay nhận của ai một đồng công xá... Người đàn bà đó là Trần Thị Bình (thôn Hồng Ngự, Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội - còn gọi là làng Chèm)

 

 

Từ “nữ kiện tướng” bơi lội…

Chúng tôi có mặt tại Hồng Ngự vào một ngày đông rét cắt da, mây xám phủ đầy trời. Cũng không ngờ rằng “nhà” của bà Bình lại dễ tìm đến thế. Nó là một túp lều được dựng bằng tre nứa, chung quanh phủ vải bạt. Lúc chúng tôi đến, trong nhà chỉ có một người đàn bà đứng tuổi đang ngồi độc ẩm. Một chai 65ml đã vơi quá nửa. Thấy chúng tôi đến liền kéo vào mời… làm chén!

“Bác là… phụ nữ mà cũng biết uống rượu à?”. Nghe tôi hỏi người đàn bà này cười phá lên: “Rượu thì đã nhằm nhò gì, thuốc lá, thuốc lào, bài bạc, xóc đĩa… chả món gì là tôi không biết cả. Riêng món cuốc lủi thì mỗi ngày tôi chơi được cả lít!”. Rồi như ngay lập tức, giọng người đàn bà này chùng xuống: “Chú bảo suốt ngày trầm mình trong nước lạnh, tiếp xúc với đủ thứ thây ma xác chết, không có rượu sống sao nổi!”

Sinh ra và lớn lên trên một con thuyền ở làng Chèm (Đông Ngạc, Từ Liêm) dường như số phận đã cột chặt người con gái tên Bình vào sông nước rồi. “Ngày trước cha mẹ tôi có con thuyền to lắm, chuyên đi buôn chuyến khắp Vĩnh Phú, Hải Hưng, Nam Định… Đến mùa cá lại giăng lưới đánh cá, đánh tôm. Hai cụ cũng không muốn cho tôi theo nghề sông nước đâu. Nhưng… âu cũng là cái số”.

Năm Bình trên chục tuổi, ông cụ thấy nhà thuyền chài hàng xóm có đứa con bị rơi xuống nước chết đuối. Ông lo quá, đành dẫn cả lũ con lốc nhốc lớn bé ra cái bãi cát ven sông, hướng dẫn lần lượt từng đứa học bơi. Mấy anh chị đều vạch rốn cho chuồn chuồn cắn, riêng Bình vùng vằng: “Con không cần”. Bình kiếm một thân cây chuối, cứ bám vào rồi tập khua tay, đập chân. Chưa đầy tuần đã bơi ngon lành. Thế rồi Bình còn rủ các anh, chị lũ trẻ hàng xóm thi bơi xem ai nhanh hơn, lặn lâu hơn…

Là con gái, song từ bé tính đã cương cường không chịu theo một khuôn phép lề thói nào nên cuộc đời bà sớm chịu nhiều sóng gió. Thời trẻ, bà cứ theo cha anh nay đây mai đó trên suốt dọc hệ thống sông Hồng. Đến mùa thì giăng lưới đánh cá, đánh tôm. Hết mùa thì đi chở thuê chở mướn.

Trong số năm, sáu anh chị em bà Bình là chị cả nên phải cáng đáng nhiều việc nhất. Lưới bị mắc vào đá hay thân cây, Bình là người đầu tiên nhảy xuống gỡ. Cá tôm thu được, Bình lại mang lên bờ bán bán mua mua. Thuyền không cập được bờ, Bình phải đội từng thúng thủy sản mà bơi vào đất liền, đổi lấy gạo, rau mắm muối rồi lại bơi ngược về thuyền.

Thời chống chiến tranh phá hoại, thuyền của gia đình Bình thỉnh thoảng lại được trưng dụng vận tải lương thực, đạn dược qua sông Hồng. Bà Bình nhớ có một lần ông đội trưởng hợp tác xã vận tải tổ chức một cuộc thi bơi giữa các thuyền viên với nhau, bà cũng tham gia cho vui. Hai chiếc thuyền, mỗi chiếc được chèo ra 2 phía, ở giữa là quãng sông dài gần 1 kilomet. Bơi cả ngàn lần trên khúc sông này, nên bà Bình nhanh chóng vượt lên dẫn tốp đầu. “Giành giải quán quân, phần thưởng là một chiếc bánh mì và một cuốn vở” – bà nhớ lại.

Từ đó người dân ở đây hay gọi bà là nữ kiện tướng bơi lội.

 

 

Đến… cứu người, mò xác

Bà Bình nhớ mãi cái năm 1972, khi bà chở đò từ Từ Liêm sang Đông Anh. Cùng làng có một chị tên Tân, làm dâu bên kia. Chẳng biết làm lụng mệt mỏi thế nào, mà ngồi trên đò vừa ngủ gật. Đến quãng giữa sông, bỗng có cơn gió to lật tung chiếc nón của chị này. Giật mình, chị Tân quay người thì rơi tõm xuống sông.

Đang mùa nước lớn, lại đúng ngày đông tháng giá trên đò có cả chục nam thanh niên nhưng chả ai có ý định nhảy xuống sông cứu người. Thực ra trên đò toàn dân thuyền chài, cứu thì không khó song họ đều “ngại” một lời nguyền rằng, “cứu một người thì sẽ phải đền cho hà bá người khác”. Vậy là bà Bình vội vàng giao mái chèo cho một người khác, rồi lao tùm xuống nước. Lặn ngụp gần nửa giờ đồng hồ thì đưa được chị Tân lên thuyền. Sau đó, chị Tân đã xin được làm con nuôi của bố mẹ Bình.

Lần khác, vào một buổi tối Bình đang ngồi trên thuyền gỡ lưới giúp bố thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh ở con lạch gần cửa sông. Ngừng tay, bà lắng tai nghe định hướng xem tiếng kêu cứu ở phía nào. Cũng gần như ngay lập tức, bố Bình bảo hình như có người bị nước cuốn, con chạy ra xem sao.

Ra đến nơi, Bình thấy một vùng hũm xoáy và một bàn tay người đang chìm dần trong màn nước. Chị lập tức bơi đến, cố hết sức đẩy chị kia vào bờ. Người đàn bà nặng tới mức, bà Bình cảm thấy hụt hơi đến nơi thì may quá, ông bố ra kịp. Đưa được người kia lên bờ thì Bình cũng mệt đứt hơi. Hóa ra chị ta đang mang thai được bốn tháng. Lúc sáng đi qua con lạch nước còn nông, sau đến tối thì thủy triều lên khiến chị bước hụt xuống dòng sông. Thế là bà Bình lại cứu được thêm hai mạng nữa.

Suốt bốn mươi năm gắn bó với sông nước, bà Bình cũng không nhớ đã cứu được bao nhiêu người thoát khỏi thủy thần nữa. “Thế những người sau khi được bác cứu thì họ có cảm ơn gì mình không?”. “Nói ra thì buồn, nhưng hầu như 10 người được cứu thì 9 người tỉnh dậy là bỏ đi luôn chả nói nửa lời. Thậm chí có cô sinh viên sau khi được tôi cùng gia đình dùng mọi biện pháp để cứu cho sống thì quay ra bù lu bù loa: “Cháu tự vẫn để cho thằng người yêu cháu biết mặt, cô còn cứu lên làm gì”. Sao lại có người coi rẻ tính mạng của mình như thế chứ?

Gần đây nhất năm 2009 tại quãng sông gần bến Chèm có mấy đứa trẻ ở bên quận Tây Hồ mò ra nghịch nước. Một đứa bị nước xoáy cuốn rồi nhấn chìm. Nghe có người tri hô, bà Bình liền nhảy xuống dòng nước xoáy. Sau hơn một giờ đánh vật với thủy thần, may thay đứa bé được cứu sống.

“Khi tôi đưa được đứa bé lên bờ, toàn thân nó lạnh như băng. Tôi nghĩ đưa vào bệnh viện có khi không kịp nên vội hút miệng, hút mũi, hô hấp nhân tạo cho nó thở. Năm phút, rồi mười phút vẫn không thấy có động tĩnh gì, tôi cứ tưởng nó chết rồi. Bí quá, cuối cùng tôi đã phải chạy vào nhà dân xin lông gà thông vào mũi, vào cổ họng rồi thổi từ mũi xuống miệng... May mắn làm sao, sau đó đứa bé từ từ thở được. Thế là sống!” - bà Bình nhớ lại. 

Khi cứu người, bà Bình chẳng hề ngại ngần gì nhưng nghĩ lại, có đôi khi chính bà cũng thấy… gờn gợn. Như thằng bé bị nước xoáy cuốn ấy, nó bình an rồi bà mới thấy ghê người. Bao nhiêu dịch đờm của đứa bé bắt đầu sục xạo trong bụng bà, thậm chí ứ lại giữa cổ họng, nuốt không nổi mà nhổ ra cũng không xong. Toàn thân bà thấy nôn nao, khó tả. “Nhưng thôi, miễn nó sống”, bà thổ lộ. Rồi bà lau nước mắt khi nhớ lại những cảnh tượng khiến bà đau lòng, nhất khi vớt thi thể những em học trò, sinh viên. Nét mặt ngây thơ và bộ đồng phục còn nguyên trên người nạn nhân khiến bà không cầm nổi nước mắt xót xa, đau đớn và thương cảm…

 
   Năm 1985, cầu Thăng Long được hoàn thành con đò – phương tiện kiếm sống của bà Bình và gia đình – gần như trở nên vô dụng. Vậy là bà phải tính kế sinh nhai khác. Theo tàu buôn chuyến, bà cứ lang thang nay đây mai đó khắp các miền sông.

Cho tới khoảng năm 1990, thấy không thể sống mãi kiếp lênh đênh gia đình bà tính kế lên bờ. Ngày ấy, bờ bãi sông Hồng còn mênh mang một dải, hai cụ thân sinh chọn tạm một miếng đất, cắm một túp lều ở tạm. Hàng ngày vẫn thả đó, giăng lưới bắt cá đêm xuống thì lên bờ nghỉ ngơi.

Không chỉ cứu người thoát khỏi tử thần, bà còn là “chuyên gia” vớt xác chết trôi sông. Thường thì cứ thấy có xác người chết trôi trên sông là bà chẳng quản ngại nhảy xuống sông vớt đưa vào bờ mai táng. Bất kể khi nào, dù ban ngày hay đêm, dù mưa hay nắng, mặc cái nắng chang chang tháng 6 hay cái lạnh căm căm giữa mùa đông, hễ có người nhờ giúp, bà lại sẵn lòng. Nhưng đa phần là người ta nhờ bà mò hộ thi thể thân nhân bị chết đuối.

Với một dụng cụ đơn giản và hiệu quả là dây câu vuông với vài chục lưỡi câu sắc nhọn thả hờ. Dụng cụ này được mắc vào hai chiếc thuyền giăng ngang quanh khu vực nghi là có nạn nhân, thả xuống nước và kéo đi kéo lại, nhanh thì vài giờ, lâu thì  3-4 ngày mới tìm thấy thi thể. Nếu gặp thi thể, lưỡi câu mắc vào áo quần, da thịt nạn nhân. Người vớt kéo nhẹ thi thể đến gần thuyền rồi nhảy xuống buộc nạn nhân vào dây thừng để kéo vào bờ.

“Những nạn nhân chết đã lâu ngày, thi thể trương phình, thối rữa thì rất khó tìm. Chỉ đụng nhẹ vào là da thịt nạn nhân rã ra như một tờ giấy bị ngâm nước lâu ngày, mùi hôi không thể chịu được. Lúc ấy, chúng tôi phải mang gạo muối  ra ném xuống sông để cung tiễn linh hồn nạn nhân về nhà.

Thế rồi, sau khi thi thể được vớt lên thì gia đình nạn nhân cũng nhờ bà Bình lo hậu sự luôn. “Lẽ ra con cái nhà ai, thì người nấy phải tự làm. Song những người chết sông chết hồ thường thân thể không được lành lặn, nên nhiều người cũng sợ. Tôi đành phải xắn tay áo lên giúp thôi”.

“Nghe nói bác còn kiêm cả việc cải táng?”. “Thì giờ lên bờ rồi, chả còn nghề ngỗng gì để mưu sinh cả, nên việc gì chả phải làm hở chú”.

Năm bà tròn 25 tuổi, trong một lần theo cha nuôi đi bốc mộ, tiết trời mùa đông lạnh căm căm, thương cha, bà không ngần ngại, giúp cha lượm lặt xương. Bà cẩn thận thò tay vào cỗ quan tài, nhặt một mảnh vải và vứt lên bờ, lần được ngay những mẩu xương nhỏ. Bà lôi ra một ống quần, rút được xương ống chân. Cứ thế, lựa xương giữa những lớp quần áo... Chẳng ai ngờ, cái việc bất đắc dĩ ấy giờ nó lại trở thành nghiệp của bà. “Công xá chả bao giờ tôi đòi, họ cho bao nhiêu thì lấy thôi”. Bà Bình kể xong, tợp một ngụm rượu rồi cười: “há há há…”

Người thân của bà chia sẻ. Bà Bình là chị lớn trong gia đình, bố mất sớm nên phải vất vả nuôi em từ nhỏ bằng nghề sông nước. Cuộc sống sông nước khiến cho tình duyên lận đận. Hồi trẻ bà cũng có nhiều thanh niên theo đuổi, bà chỉ ưng một anh. Thế nhưng sau những nguyện ước thề bồi người ta cứ đi biền biệt không về, cái thai trong bụng càng lớn dần. Xấu hổ, bà định phá đi. Rất may, có người bạn gái thân thiết khuyên bảo, nên giữ lại sau này còn có nơi nương tựa. Đứa trẻ sau này lớn lên, thành một chàng trai mạnh khỏe, hiếu đễ.

Năm ngoái người con trai bà lập gia đình, sinh cho bà một cháu gái bụ bẫm kháu khỉnh. Giờ đây, niềm vui của “dị nhân” cũng bình thường như bao người khác. Được bế bồng, ôm ấp cháu để nghe nó gọi: “bạ ơi, bạ ơi…”

M.Tiến


Bình luận
vtcnews.vn