Hẹn hò ở Trường Thành Vạn Lý

Tổng hợpThứ Tư, 11/05/2011 02:53:00 +07:00

“Đại Lễ Hội Cưới” năm nay theo ban tổ chức công bố, có 425 cặp đôi đến từ mọi miền đất nước Trung Hoa, trong đó có 19 cặp đôi đến từ 19 quốc gia...

Hà Trinh cho rằng mình và anh chọn áo dài Việt trong một Đại Lễ Hội Cưới 2000 ở một đất nước có bề dày văn hóa như Trung Hoa thế này là đúng đắn. Về hình thức, người ta có thể nhận ra ngay đây là cặp đôi người Việt, cũng như cặp đôi người Hàn Quốc bận y phục cưới truyền thống Cao Ly, cặp đôi người Nhật bận Kimônô, cặp đôi người Anh mặc áo đuôi tôm và váy voan trắng truyền thống Ăng- lê, và Cazăctan là quần áo thụng mềm lụa gai màu kem thắt lưng to bản nâu …

 

      “Đại Lễ Hội Cưới” năm nay theo ban tổ chức công bố, có 425 cặp đôi đến từ mọi miền đất nước Trung Hoa, trong đó có 19 cặp đôi đến từ 19 quốc gia ngoài Trung Quốc. Quảng trường Trường thành Vạn Lý rộng mênh mông sặc sỡ sắc màu như một bức bích họa đại khổ mà các họa sĩ Trung Hoa thường thể hiện trong các hoạt động lễ hội của một đất nước dân số đông tới một tỷ sáu.

      Ngay sau khi người Chủ hôn lễ của Đại Lễ Hội Cưới nói lời chúc phúc trùng phùng mãn niên đầu bạc răng long cho các cặp đôi, tứ bề tiếng nổ rền vang, pháo giấy đủ sắc màu tung lên bầu trời chi chít mảnh giấy nhỏ xinh liệng rơi như những cánh hoa lộc vừng phủ xuống Quảng trường, 425 cặp đôi bắt đầu ôm nhau nhảy múa trên nền nhạc mà âm hưởng dàn kèn dăm vời lên hòa cùng tiếng trống phách ngũ liên, đậm bản sắc âm nhạc cưới Trung Hoa từ thời các vua chúa triều Thanh của tộc người Ái Tân Giáp La.

      Chỉ có các cặp đôi Trung Hoa là nhảy múa đúng với vũ đạo bản xứ. Số còn lại thì cười vui nhảy múa bát nháo chi khươn cốt cho đồng điệu.

      Anh siết lưng Trinh sát vào người mình:

      - Thích quá! Vui không em!

      - Thật ấn tượng! Đừng quên là công em đấy.

      Đúng là công Hà Trinh. Một tối, Trinh vào mạng xã hội Facebook, cô bắt gặp một website mang một cái tên lạ lẫm: dangyeu.com.china, đưa một tin cực “hót”: “Sau một năm thông báo thể lệ Đại Lễ Hội Cưới Tại Trường thành Vạn Lý vào Mùa Xuân, đến nay đã có 397 cặp nam nữ khắp đất nước Trung Hoa đăng kí tham dự. Ban tổ chức đã quyết định chọn Ngày Rằm tháng Giêng – Ngày Hòang đạo – để tổ chức Đại Lễ Hội Cưới tại Quảng trường Trường thành Vạn Lý. Hoạt động trong Đại Lễ Hội sẽ có vũ hội, nhạc hội, biểu diễn thời trang cưới, thi đôi nhảy đẹp. Các cặp đôi ngoài Trung Hoa yêu quý Đại Lễ Hội Cưới, có thể đăng kí tham gia qua địa chỉ E-mail [email protected]. Hạn cuối: Rằm tháng Chạp.

      Bên cạnh trang thông tin điện tử này, website post-up một chùm ảnh mẫu các cặp đôi đã đăng kí, đẹp lộng lẫy, với đủ loại trang phục cưới của các dân tộc đa và thiểu số, rút trong các bộ sưu tập của các nhà thiết kế thời trang hàng đầu Trung Quốc.

      Hà Trinh mở tiếp vào diễn đàn dangyeu.com.china. Thật phong phú. Các dịch vụ đi theo Đại Lễ Hội Cưới có đủ loại, nhưng điểm nhấn cực kỳ quan trọng là “Khóa tình”. Một doanh nghiệp có tên Toàn Cầu kinh doanh các loại khóa treo của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và ngoài nước Trung Hoa, sẽ mở siêu thị khóa tại Quảng trường, cung ứng các loại khóa chất lượng cao để các cặp đôi “khóa tình” vào đường dây cáp thép không rỉ “phi 15 li” được Ban quản lí Di tích Quốc gia cho phép căng dọc mép tường phía phải cung đoạn thứ nhất của Trường thành Vạn Lý. Sau khi các cặp đôi lựa chọn khóa để mua, “khóa tình” vào đó, họ sẽ cùng ném chìa khóa xuống vực sâu bên phía tường phải Trường thành. Họ có thể hoàn toàn yên tâm về một hạnh phúc trọn đời đã được khóa chặt bằng loại khóa chất lượng cao. Vừa lãng mạn vừa thiết thực.

      Còn các dịch vụ được cung ứng khác như trang phục cưới, hóa trang, chụp ảnh cưới nghệ thuật, hàng lưu niệm, bữa ăn, phòng ngủ… họ không quan tâm, hoặc là ít quan tâm.

      Hà Trinh download ra máy in. Cô tập hợp các trang thành một hồ sơ. Đem khoe với Long, người yêu của cô. Trinh cười rạng rỡ:

      - Ta sẽ có một cuộc hẹn hò lịch sử ngoài biên giới: Bắc Kinh – Trường thành Vạn Lý!

      Long trố mắt ngạc nhiên. Đọc. Bỗng anh rú lên:

      - Tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời. Duyệt!

      Long là cử nhân Đông phương học, chuyên nghiên cứu phong tục tập quán. Hà Trinh, họa sĩ đồ họa ứng dụng. Hai người yêu nhau đã chín, có dự kiến cưới vào mùa xuân tới, thì đây là một cơ hội vàng cho họ kết hợp một tuần trăng mật ở ngoài nước.

      Ngay tối hôm đó họ vào mạng đăng kí với trang web dangyeu.com.china. Năm phút sau họ nhận được phản hồi “Đã nhận được đăng kí. Cảm ơn quý khách. Chúc mọi điều tốt lành!”

      Một tuần sau họ đặt vé trước với VNAirline chuyến bay Bắc Kinh khứ hồi cho hai người vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Hà Trinh dặn Long phải kín chuyện này…

 

      Siêu thị khóa có bốn cửa thanh toán mà các cặp đôi mua khóa vẫn phải xếp hàng chờ. Long muốn mua một chiếc khóa giá vừa phải thôi. Hà Trinh kiên quyết mua chiếc khóa loại tốt nhất và đắt tiền nhất: “- Anh có ý nghĩ sẽ chạy làng phải không mà mua khóa giá rẻ? Đừng hòng thoát!” Long cười, nụ cười khó đoán định.

      Bên cạnh đường cáp thép không rỉ đã thấy có hơn một trăm chiếc khóa treo lủng liểng, đánh số bằng sơn đỏ, có nghĩa là đã có nhiều cặp đôi nhanh chân hơn họ. Không sao. Hà Trinh và Long tay trong tay cùng khóa. “Cách”. Trinh cầm thân khóa giật thử. Rất chắc. Cô thốt lên: “- Hết cựa!” Họ kéo tay nhau qua bờ tường bên trái Trường thành. Hai người cùng cầm chùm chìa khóa hai chiếc, hô: “- Hai, ba nào, và cùng ném chùm chìa khóa xuống vực sâu thăm thẳm. Hà Trinh cười ha ha mãn nguyện.

      Lần đầu tiên Hà Trinh và Long đến Bắc Kinh. Lần đầu tiên biết Trường thành Vạn Lý. Mùa xuân trên cao rất lạnh. Có tuyết. Nhưng sáng ra tuyết chỉ còn sót lại chút ít trên các cành cây. Tuyết chỉ còn phủ trắng dưới thung sâu, đóng băng gồ ghề trên các bậc đá. Có lẽ không khí cuồng nhiệt của Đại Lễ Hội cũng góp phần làm cho tuyết chóng tan. Trường thành Vạn Lý như con rắn trời khổng lồ đang uốn mình trườn trên sườn núi lên cao vút xuyên qua các tầng mây. Các cặp đôi tay trong tay thử sức leo lên, nhưng bải hoải, thở như bễ lò rèn. Cặp giỏi nhất cũng chỉ khó nhọc lên được lưng chừng cung đoạn ba Trường thành. Đến khi leo xuống cũng khó khăn như khi lên bởi các bậc đá nhẵn trơn lại phủ băng tuyết. Không lên được cao cũng không tiếc, bởi điều cốt yếu tới đây là đã khóa được tình.

      Long khen nức nở ngành du lịch Trung Hoa đã rất sáng tạo thiết kế nên một “gói du lịch” ấn tượng độc nhất vô nhị. Đâu chỉ là có 425 cặp đôi tới đây, mà thu hút số lượng du khách đến xem gấp mười lần hơn.

      Đêm ấy, Hà Trinh và Long ngủ qua đêm ở Quảng trường Trường thành Vạn Lý. Trong một căn phòng dựng tạm bằng gỗ sồi ép phục vụ cho Đại Lễ Hội nhưng đầy đủ tiện nghi ngang khách sạn hai sao. Hai người có một đêm tân hôn trong mây ở độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển. Nhưng khi tỉnh lại, Hà Trinh bỗng sực nhớ ra một điều gì đó rất nghiêm trọng: “- Chết em rồi! Chúng ta đã phạm lỗi gia giáo và đạo giáo!” “- Ông Chủ hôn trong y phục Lão Tiên đã công bố thành hôn cho chúng ta rồi còn gì nữa!” “- Du lịch vẫn là du lịch!” “- Thì đằng nào chẳng thế. Về nước làm sau có khác gì nhau!”

      Trên chuyến bay về Việt Nam, từ cửa soát hải quan cho đến tiếp viên hàng không trên máy bay, có điều lạ là họ cùng nhìn hai người rồi tủm tỉm cười với lời “Chúc hạnh phúc!” Thì ra hai người trên ngực vẫn đeo chiếc Huy hiệu mang hình hai trái tim ngoắc vào nhau, biểu tượng của Đại Lễ Hội Cưới 2000, do Lão Tiên chủ hôn tặng cho các cặp đôi tham dự Đại Lễ.

                                                      

 

      Sau lễ cưới chính thức được tổ chức ở thành phố, hôm sau họ hẹn mấy anh em cùng về quê thăm bố và họ hàng, ở một huyện cách thành phố có hai mươi tám cây số về phía nam. Đây là cơ hội cho các anh chị em trong gia đình gặp nhau. Cũng là mong ước của bố mà ông cho là đã hoàn thành trách nhiệm người cha nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng đến đứa cuối cùng là Trinh. Chỉ tiếc thương vợ ông không còn trên đời này để mà vui mừng. Ông tên Khang.

      Các con lưu lại với ông Khang hai ngày. Vào buổi chiều ngày cuối, đang vui, thì một sự cố xảy ra. Trong khi gấp quần áo của chồng cho vào sắc-cốt ở buồng gian đầu hồi, bỗng có một vật nhỏ kim loại từ túi quần chồng rơi xuống sàn “choeng”. Hà Trinh nhặt lên, là một chiếc chìa khóa. Không phải chiếc chìa khóa của căn hộ ngoài thành phố. Mà nếu là chìa khóa ở nơi làm việc thì phải có chùm chìa. Trinh giật mình nghĩ ra, là chìa của chiếc “khóa tình” ở Trường thành Vạn Lý. Trinh nổi cơn điên, ló đầu ra cửa buồng:

      - Anh Long. Vào đây!

      Vừa bước qua ngưỡng cửa, Trinh đã ném vào mặt chồng lời nói nặng:

      - Đồ tồi. Lừa dối!

      Long ớ ra chưa hiểu. Trinh dí trước mắt chồng chiếc chìa khóa:

      - Cái gì đây?

      Long như Từ Hải chết đứng. Anh lắp bắp thanh minh, rằng anh chỉ thấy vui mà làm. Hôm ấy từ siêu thị khóa ra, anh nhìn thấy một quầy đặt bên ngách hẻm có vẻ bí hiểm. Ngoài ô kính treo một tấm biển nhỏ vẽ chiếc khóa tia lóe tám đường sáng, mỗi đường là hình một chiếc chìa khóa. Anh đoán là một gã thợ chép chìa khóa. Không sai. Gã để râu cằm như râu dê rất hài hước, mỉm cười nháy mắt với anh. Anh hiểu, vội đưa cho gã chiếc chìa. Nhanh như cắt, bốn mươi giây sau gã đã chép xong chìa bằng một chiếc máy mà gã khoe là áp dụng công nghệ cao. Gã chém công 20 tệ đấy.

      - Có nghĩa là anh định mở “khóa tình”? Đồ tồi!

      Ở ngoài nhà nghe tiếng con gái mắng chồng nặng lời, ông Khang đằng hắng nói vọng vào “- Có gì ra ngoài này nói, vừa phải thôi, mới cưới mà đã cãi nhau vậy sao?”

      Hà Trinh lao ra trước: “- Anh ấy lừa dối con. Định mở khóa …” cô kịp dừng lại, lấy tay che miệng. Nhưng Trinh đã bị bố và các anh chị em dồn hỏi “mở khóa gì?”

      Long bước ra ngoài nhà thú thật chuyện “khóa tình” ở Trường thành Vạn Lý trong chuyến đi Bắc Kinh vừa qua. “Ra là thế!” Cả nhà được một trận cười tưởng có thể ngất.

      Ông Khang vui vẻ gọi các con ngồi quây quần bên ông, để ông kể chuyên tình giữa ông và mẹ chúng. Một chuyện tình bây giờ mới kể.

      “Năm hai mươi hai tuổi, bố đi xem mặt và xin lấy làm vợ là cô em. Nhưng khi cưới thì ông bà ngoại các con dẫn ra cô chị”.

      “Mẹ xấu hơn dì sao?”

      “Không! Hai chị em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước!”

      “Bố không phản đối ư?”

      “Bố làm thế sẽ rất tệ. Làm tổn thương mẹ, và cũng xúc phạm danh dự ông bà ngoại các con. Vả lại, ông bà ngoại làm thế vì phong tục tập quán: Chị phải lấy chồng trước em. Nếu không là sái!”

      “Bố nghĩ sâu sắc quá!”

      “Nhưng sâu sắc hơn tất cả lại là lễ cưới ở nhà thờ. Người linh mục cầm tay bố đặt lên bàn tay mẹ, vẩy nước thánh lên đôi tay ấy, nói: Chúa kết hợp hai con làm một trong phép thiêng liêng của Người. Không có gì trên thế gian này có đủ sức mạnh chia cắt các con. Hãy thương yêu nhau trọn đời. Sinh con đẻ cái nuôi dạy chúng nên người. Và hãy nói cho chúng biết điều kì diệu này của Chúa.”

      Các con ông bùi ngùi lặng im. Chuyện giờ chúng mới nghe. Ông bà cũng không kể. Thật thiêng liêng và cảm động.

      “Mẹ các con là một cô gái tốt nhất trên đời. Làm trọn đạo nghĩa người vợ. Là người dâu thảo hiền. Đến nỗi ông bà nội các con quý trọng mẹ nhiều hơn là dành cho bố. Ông bà khoe với họ hàng là “một cô dâu vàng!”

      “Vậy bố có yêu mẹ không?”

      “Ban đầu thì chưa. Sau thì yêu không ai bằng. Vừa yêu thương vừa kính trọng. Cứ hai năm một mẹ sinh cho bố một đứa con: An, Hạnh, Phúc, Chung, Thủy, Trinh. Sau khi sinh Trinh, nếu mẹ các con không mắc bệnh hậu sản qua đời, chắc sẽ có thêm em Đồng. Nếu đọc tên cả nhà ta, sẽ là: Khang An – Hạnh Phúc - Chung Thủy – Trinh Đồng. Năm ấy bố mới có ba mươi lăm tuổi.”

      “Sao bố không lấy mẹ kế? Một mình lam lũ nuôi chúng con vất vả quá!”

      “Vì bố không cầm chắc mẹ kế sẽ tốt như mẹ các con. Cũng còn bởi bố không quên được mẹ các con!”

      Nghe chuyện, các con ông rơi vào hoài tưởng trầm mặc.

      Bỗng ông Khang cười vỡ thành tiếng, phá tan bầu không khí đang trầm lắng ấy:

      “Bố không định kể chuyện này sợ làm tổn thương linh hồn mẹ các con. Nhưng vì có chuyện “khóa tình” bố mới kể. Phép bí tích hôn phối của đạo Chúa là chiếc khóa tình bền vững thiêng liêng nhất. Phép bí tích này đã đặt một nền tảng đạo đức hôn nhân gia đình trong cộng đồng chiên Chúa hơn hai nghìn năm nay. Và đó là thành công lớn nhất của Chúa Trời với loài người.”

      Các con ông lặng đi. Nhìn nhau mà lạ lùng.

      Hà Trinh nắm lấy tay ông Khang:

      - Ôi bố! Con xin lỗi.

      Năm năm sau. Đứa con trai kháu khỉnh của Hà Trinh và Long, hạt giống được thụ mầm từ đêm tân hôn ở căn phòng gỗ sồi ép nơi Quảng trường Trường thành Vạn Lý, đã chuẩn bị vào học năm đầu bậc tiểu học. Nó mang tên Vạn Lý, như một lưu niệm. Hà Trinh và Long quyết định có một cuộc hẹn hò thứ hai bằng một tour du lịch Bắc Kinh năm ngày bốn đêm đến Trường thành Vạn Lý. Thăm lại nơi hẹn hò lịch sử đầu tiên. Cho cả bé Vạn Lý đi theo.

      Đận này là cuối đông. Tuyết buông trắng như bông. Vậy mà khách du lịch về đây rất đông. Phần lớn bây giờ lại là khách ngoài nước Trung Hoa. Cái siêu thị khóa vẫn nằm đó. Họ đua nhau mua khóa “khóa tình” như là một việc làm thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống hôn nhân. Chân thành và tin tưởng. Không chỉ khóa tình trẻ, mà có cả tình già lứa tuổi bốn mươi năm mươi cũng cần khóa. Cái quầy chép chìa khóa nằm cạnh siêu thị khóa vẫn còn đó. Anh thợ chép chìa khóa bằng máy công nghệ cao đứng trong ô kính có chiếc cằm để râu dê tiếp tục rủ rê  thầm xui khách chép chìa khóa bằng nụ cười nham nhở và nhay nháy mắt. Anh Long nhận ra hắn nhưng hắn không nhận ra anh. Mà cũng may Hà Trinh quên không để ý.

      Chiếc cáp treo khóa tình bằng thép không rỉ đã được treo thêm nhiều khóa tới con số 1941. Người ta phải đặt các trụ cọc sắt mười mét một để đỡ dây cáp không võng, và còn có nguy cơ kéo đổ tường Trường thành.

      Đưa con tìm đến chiếc khóa mang số 132 của họ, Hà Trinh móc trong túi áo khoác rút ra một chiếc chìa khóa mà anh Long đã chép thêm năm năm trước, đưa lại cho chồng: “- Thích mở thì mở đi!” Chồng Trinh mỉm cười đón lấy chiếc chìa khóa, thọc tay vào túi trong ngực áo khoác của mình moi ra một chiếc chìa nữa y chang: “- Hôm ấy anh chép hai chiếc cơ, 40 tệ”. Rồi kéo tay vợ và con đi sang bức tường phía bên kia Trường thành Vạn Lý, vung tay ném cả hai chiếc chìa khóa xuống vực sâu thăm thẳm đầy tuyết trắng. Rồi cười…

Bài: Giang Lân - Ảnh: Hts

Bình luận
vtcnews.vn