HÀ NỘI TRONG MƯA

Tổng hợpThứ Năm, 23/09/2010 10:46:00 +07:00

Có một nhiếp ảnh gia người Hà Nội suốt bốn mươi năm gần như chỉ chụp cảnh “Hà Nội trong mưa”.

Có một nhiếp ảnh gia người Hà Nội suốt bốn mươi năm gần như chỉ chụp cảnh “Hà Nội trong mưa”. Lại có một kíp làm phim truyền hình thực tế Kênh HD3 ở Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC phát hiện ra nhiếp ảnh gia ấy, đã đội mưa ghi lại hình ảnh ông lụi hụi đi trong mưa chụp ảnh, giữa cái tuần “Hà Nội mưa”, hệ lụy cơn bão rớt số 2 cuối mùa hè năm nay. Và bọn họ đã làm nên một “Nét Hà Thành” sinh động tràn đầy cảm xúc bằng phim công nghệ cao.

 
      Nhiếp ảnh gia ấy là ông Nguyễn Hữu Bảo ở phường Hàng Đào.

      Phim tài liệu ấy được đặt tên “Người trong mưa”.

      Tác giả phim ấy là cô gái 8X Mai Phương, cùng người quay phim tên Đức Việt.

      Tôi có một tùy bút “Hà Nội trong tôi” với 2.000 từ in giữa năm rồi. Đó là những cảm xúc về một Hà Nội nửa thế kỷ mà tôi gắn bó, chủ yếu nói về cốt cách văn hóa người Hà Nội mà người ở các vùng miền khác trong nước cùng chiêm ngưỡng mến yêu.

      Người Hà Nội tôn trọng gia phong đề cao nhân cách. Dạy con từ tuổi ấu thơ bằng tình thương cùng những lời êm dịu.

      Ở tuổi học trò, những ngày hè chúng tôi cắm trại ở núi Nùng vườn Bách Thảo có cảnh sắc trong trẻo. Chơi vui trong tầm kiểm soát của thày, cô giáo. Đi xa hơn là đạp xe long nhong trên triền đê Yên Phụ ngọt ngào hương ổi chín ven đường. Hồ Tây, hồ Trúc Bạch xanh biếc và yên ả gọi sâm cầm về ngụ bầy đàn mỗi chiều chiều riu rít hoàng hôn. Ngày chủ nhật rủ nhau bắt xe điện nơi ga quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bắc hồ Hoàn Kiếm, lòng vòng ngắm phố. Xế trưa lại trở về ga cũ xì soạp mút máp mấy cây kem que nhà hàng Hồng Vân, Thủy Tạ. Tối, rủ nhau dạo dưới phố thơm hoa dạ hương, hay dãy phố có hai hàng cây sao đen ngọn cao vút xào xạc tiếng cò dọn tổ cho đàn con líp nhíp. Hà Nội thật êm ả. Thú vị nhất là vào đêm rằm Trung Thu theo các anh lớp trên chạy cờ đánh trống múa lân. Các anh lớn công kênh nhau vờn múa trước cửa các nhà buôn, mà nhà buôn nào cũng hảo tâm quý trẻ. Họ treo những phong bì tiền thưởng lơ lửng dưới mép ban công tầng hai, để các anh lớn vừa múa vừa thè cái lưỡi lân lựa chiều đón hớp cái phong tiền đó. Ngậm chắc rồi thì cùng nhau lăn đùng ngã ngửa cười vui tớ phớ.

      Lớn hơn chút nữa lên lớp trên, bắt đầu tăm tia bạn gái. Thích nhưng nhát. Tôi có hai bạn cùng học vẽ. Tăm tia được nhà kia có ba chị em gái học trường bên. Nhà mặt phố bán họa phẩm. Tan học cả ba rủ nhau đến mua, lúc là cục tẩy mềm, thỏi than, khi là cây bút chì 12B, tờ giấy vẽ. Họa hoằn lắm mới mua được hộp màu nước 12 tuýp. Mua rải ra để có cớ ngày nào cũng tới cửa hàng. Hy vọng làm quen ba chị em. Nhưng rủi thay lần nào cũng gặp bà mẹ đứng quầy. Mua rồi tần ngần đợi. Bà mẹ tủm tỉm cười, hỏi: “- Các cậu còn định mua gì nữa không?” Giật mình cả ba chạy mất dép. Cứ như bà mẹ đi guốc trong bụng mình vậy. Mộng mơ trong sáng thế thôi.

      Học hành đỗ đạt rồi đi xa theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhận công tác ở một tỉnh lị xa ngái. Mỗi lần được phép về thăm nhà, khi xe lửa chạy trong đêm về tới ga Yên Viên đã thấy lòng xốn xang như lồng ngực mình rung lắc. Chờ tới khi con tầu chạy lên cầu Long Biên là thò đầu ngay ra ngoài ô cửa sổ toa, hít thở cho đầy lồng ngực hương ngô ngọt lựng phả lên từ các bãi nổi sông Hồng, tan nhòa trong hơi nước mát lạnh. Bên kia, là thành phố, rực sáng những tầng lớp đèn đêm. Ngây ngất lòng muốn hét to lên “Hà Nội ơi con đã về đây!”

      Nhưng “Hà Nội trong tôi”sắc đậmnhất vẫn là cốt cách người Hà Nội. Thế hệ ông bà, cha mẹ tôi phần lớn là hôn nhân xếp đặt. Không tự lựa chọn. Vậy mà bền vững có “Lễ cưới Bạc”, “Lễ cưới Vàng” ghi dấu son 25 năm và 50 năm hôn nhân hạnh phúc.

      Cửa trường tôi học có một bà già bán xôi sáng lời nào cũng thưa cô học trò, thưa cậu học trò. Người phu xe nhận tiền khách trả đưa cả hai tay kèm cái cúi đầu và thêm lời cảm ơn. Các bà các chị bán hàng ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua sáng ra mở sạp đã gặp một khách hàng khó tính trả giá từ rất thấp mặc cả dần lên, cũng không nỡ buông lời chua ngoa đanh đá. Người Hà Nội không nói những lời thô. Càng không nói những lời làm tổn thương nhau. Nên người hàng phố sống không có hận để đời.

      Người Hà Nội tôn trọng phép tắc xã hội và biết sống vì mọi người. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Vũ Trọng Phụng mô tả hai thày Min-đơ (1002) và Min-toa (1003) bốt Hàng Trống đi “tua” suốt cả ngày mà không phạt vi cảnh được một ai. Bỗng có tiếng kêu cứu ở khu nhà bà Phó Đoan. Hai thày vội bật cửa xô vào, hóa ra là tiếng thét của ái tình. Hai thày không thể về không. Bà Phó cười cười xin nộp khoản tiền phạt với lỗi… để chó xổng ra đường.

      Đẹp và duyên đậm nhất vẫn là con gái và phụ nữ Hà Nội. Dáng đi khoan thai, cách ngồi ý tứ. Khi cười chỉ cười nửa miệng, và nói thì chỉ nói những lời phấp phỏng. Đôi mắt lúc nào cũng như cửa sổ khép hờ. Tưởng gần đấy mà còn xa biết bao nhiêu. Như ba chị em gái đồng học ở cửa hàng bán họa phẩm mà chúng tôi đeo đuổi. Dẫu họ mặc áo dài hay váy ngắn cũng vẫn là gái Hà Nội hiền thục nhưng không dễ chinh phục.

      Ký ức “Hà Nội trong tôi” sâu đậm thế mà không có ký ức mưa.

 

      Giờ, xem phim của  Mai Phương và Quốc Việt cùng kíp làm phim của họ đã làm tôi sực tỉnh. Như mình đã có lỗi với Hà Nội, để vuột mất một cảm xúc thiêng liêng về Hà Nội.

      Hà Nội trong mưa cũng đẹp như Hà Nội ban mai. Còn hơn thế vì có chiều sâu của cảm xúc. “Sau báo động bỗng ồ cơn mưa lạ / Trời hồn nhiên như con trẻ reo đùa” . Rồi “Mưa giòn tan như xúc lọ rửa trời!” Bạn thơ tôi viết vậy.

      Giờ trên phim, mưa rào quật nước xuống mặt đường phố bắn tung tóe lên những hạt nước tròn nhỏ lanh canh như những mảnh vụn thủy tinh trong. Quất lên mái ngói mái tôn những ngôi nhà phố rạt rào như một giai điệu hợp tấu kèn lá dăm, bộ dây và bộ gõ. Người nhiếp ảnh già lụi hụi trên đường phố bận chiếc áo màu chàm kiểu khuy vải, đầu đội chiếc nón lá cọ, chân đi dép nhựa ngó ngang ngó ngửa như một kẻ tâm thần phân lập. Đi chộp những cảm xúc giữa Hà Nội mưa. Đó là một người đàn ông hớt hải mang ba chiếc xô nhựa đặt bên hè phố hứng nước chảy tồ tồ từ mái bạt. Đó là một anh lái xe ôm ngồi trên yên xe chờ khách đầy thất vọng với thời tiết. Đó là một cụ bà bán nước chè chén bỏm bẻm nhai trầu vì vắng khách. Một hố ga nước xối xuống lòng sâu ào ào như con thác. Còn là một trẻ nhỏ hớn hở thả xuống dòng nước chảy siết ven hè một chiếc thuyền giấy gấp vội để rồi hình dung ra nó sẽ trôi ra biển cả xa xăm. Chị bán trứng vịt lộn và trứng gà trộn rau ngải cứu rán vẫn giữ lửa dưới chảo, bay mùi thơm lừng mấy số nhà, đang đắt khách ăn để chờ mưa tạnh…Dưới mưa xe taxi vẫn xé nước bon trên đường. Vài ba chiếc xích lô “Sans Souci” kéo mui đỏ vẫn từ từ lăn bánh chở mấy ông Tây bà đầm dạo mưa phố cổ ngắm nhìn và chụp ảnh. Họ thích thú bấm máy liên hồi ông nhiếp ảnh gia già và kíp làm phim trẻ tác nghiệp trong mưa “như điên”. Bởi chàng quay phim trẻ nhọc nhằn vác chiếc máy quay nặng tới tám cân. Theo một ông già chụp ảnh ngónghiêng bắt hình ở nhiều góc độ. Làm việc dưới tán ô to đùng lại do một cô gái nhỏ bé xắn quần cao trên đầu gối chạy gằn đằng sau, gương mặt vừa sung sướng lại vừa mếu máo vì nặng và gió quất. Cũng chạy theo dưới mưa là chàng phụ quay vác chiếc chân máy ba cân, là chàng ánh sáng dang hai cánh tay ôm lấy tấm phản quang đường kính hơn sải, nghiêng chỉnh chiều đón sáng. Tôi mường tượng ra sẽ là như thế. Không thể khác. Tất cả cứ như ma ám.

      Những bức ảnh “Hà Nội trong mưa” của nhiếp ảnh gia cho tôi cảm xúc tĩnh lặng, lắng sâu. Như ông ấy nói trong một đoạn phỏng vấn, rằng ông không phải là một tác gia. Hễ thấy Hà Nội đổ mưa là ông xuống đường vai mang theo một máy ảnh. Không có dự định đi đâu về đâu. Cứ men phố đi. Không bố trí xếp đặt. Rình “bắt quả tang” một hình ảnh một cảm xúc nào đó của người trong mưa, cảnh trong mưa là bấm máy. Ví như bức ảnh xuất thần một nhóm học trò ở trần đá bóng dưới mưa rơi nơi quảng trường tượng Cụ Lý.

      Hình như nhóm làm phim của Kênh VTC HD3 đã “ăn theo” nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, mượn ông làm cái tứ cho họ để thể hiện một phim “Hà Nội trong mưa” bằng công nghệ cao mà hình ảnh nét đến từng chi tiết, lãng mạn và trữ tình. Trên màn hình LCD Full HD, Tháp Rùa hiện sau màn mưa giăng rung rinh trong tiếng mưa thật khác lạ với thường ngày hiếm khi để tâm tới. Vẫn cây lộc vừng hơn trăm tuổi một gốc chín thân trước cửa Nhà Đèn, mùa này thả lòng thòng những dây vòi hoa chi chít nụ non tơ, lúc này sóng với những sợi mưa buông lấp lánh, lại dạt dào như tiếng thầm thì đầu thu. Những cục sần to tướng trên thân cây gạo thế hệ “cụ” cổ thụ trước cửa Nhà Bưu Điện giống như mắt cá sấu ướt long lanh dưới mưa, gợi nhớ cổ xưa dĩ vãng. Cô gái trú mưa trong tháp Hòa Phong mắt đăm đăm nhìn vào chiếc gương nhỏ, đưa một bàn tay thuôn mềm vuốt mái tóc thề mà trên gương mặt còn vương vài hạt mưa long lanh trước đó cô chưa kịp trú. Một ông già để râu dài như cước, trong bộ đồ lụa màu mỡ gà, tay chống ba toong, đi ô đen, nhẩn nha bước từng bước một ngắm nghía cảnh hồ trong mưa xem như một thú vui tao nhã. Rồi ông dừng lại bên một chậu gốm to đùng trồng hoa hồng môn trước cổng khu tượng đài Vua Lê, say sưa nhìn những hạt mưa tròn sáng như những viên kim cương đọng lại trên tán hoa đỏ sẫm như máu. Tôi thực sự xúc động khi xem trên màn hình mô tả một mạng nhện to rộng đan nối giữa các nhánh cây khô còn nguyên vẹn. Giữa, là chú nhện thân ngũ sắc bám tổ chịu mưa, giương cái đầu cựa quậy ngắm mưa. Mà những đường tơ giăng, đọng chi chít những hạt mưa tròn xinh li ti, sáng lên như những hạt pha lê cườm trên cái nhà tơ mỏng tang của nhện.

      Ba mươi phút “Hà Nội trong mưa” với bao cảm xúc tưởng quen mà lạ. Lạ là nhóm nhà báo trẻ này khám phá ra điều mới mẻ trong cuộc sống thường nhật của Hà Nội.

      Hà Nội, cái gì dẫu nhỏ nhoi cũng làm nên kỉ niệm. Làm nên sự thiêng liêng với mỗi ai yêu quý Hà Nội. Không riêng gì với người Hà Nội.

Tùy bút của Khiếu Quang Bảo

Ảnh: Xuân Chính

Bình luận
vtcnews.vn